Mỹ: Trung tâm chỉ huy ngầm thời kỳ chiến tranh lạnh

Thứ Tư, 15/11/2006, 08:00

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Mỹ đã xây dựng một trung tâm chỉ huy ngầm bí mật ở vùng núi Cheyenne tại Colorado. Trung tâm có 15 đường hầm, được bố trí quy củ và tất cả đều gặp nhau ở những căn phòng ngầm - trụ sở chính của trung tâm chỉ huy, cách mặt đất 720 mét.

Cùng với những căng thẳng trong quan hệ Xô - Mỹ thời kỳ chiến tranh lạnh qua đi, Trung tâm chỉ huy ngầm này cũng được chính phủ Mỹ tuyên bố tạm ngừng việc duy trì các chức năng, nhiệm vụ của nó.

Trang thiết bị hoàn thiện

Thế chiến II kết thúc không lâu, Mỹ và Liên Xô bước vào cuộc chiến tranh lạnh kéo dài mấy chục năm. Những năm đầu của cuộc chiến, do lo ngại và đề phòng khả năng tấn công xuyên châu lục và đại dương của các loại máy bay ném bom chiến lược Liên Xô, Bộ Tư lệnh phòng thủ Liên hợp khu vực Bắc Mỹ của Không quân Mỹ đã phối hợp với Canada chi ra hàng trăm triệu USD xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhằm theo dõi, trinh sát và phát hiện các cuộc tập kích của Liên Xô từ xa.

Các tin tức mà hệ thống trinh sát này thu được sẽ chuyển đến hệ thống công sự phòng thủ, là tòa nhà hai tầng tại một căn cứ không quân ở Colorado. Nhưng sau đó, có lời cảnh báo rằng hệ thống công sự phòng thủ này chỉ cần một quả đạn pháo cũng có thể bị ảnh hưởng. Vì vậy, năm 1961, một tổ công tác Không quân Mỹ đã tiến hành khảo sát thực địa và lựa chọn vùng núi Cheyenne cũng ở Colorado, xây dựng một trung tâm chỉ huy tác chiến bí mật và an toàn nhằm đối phó với các cuộc tập kích của Liên Xô.

Để xây dựng trung tâm chỉ huy ngầm này, các đội xây dựng đã vận chuyển đến đây hơn 700 nghìn tấn đá hoa cương. Từ năm 1966, công trình chính thức được đưa vào sử dụng.

Cửa phòng chống bom đạn của Trung tâm chỉ huy ở núi Cheyenne.

Theo một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, để đảm bảo tuyệt đối an toàn, tránh mọi ảnh hưởng, tác động của các vụ tấn công bên ngoài, trung tâm chỉ huy thiết kế hai cánh cửa có khả năng phòng chống bom đạn nặng khoảng 25 tấn để thông với bên ngoài. Thiết kế bên trong gồm có 15 đường hầm, được bố trí quy củ và tất cả đều gặp nhau ở những căn phòng ngầm - trụ sở chính của trung tâm chỉ huy, cách mặt đất 720 mét.

Tại những căn phòng này, ngoài các trang, thiết bị cần thiết phục vụ việc kiểm soát, chỉ huy, điều hành tác chiến với các hệ thống màn hình quan sát, hệ thống rađa, thông tin liên lạc, hệ thống xử lý tin tức tình báo, hệ thống máy tính xử lý dữ liệu, còn có lương thực, thực phẩm đảm bảo cuộc sống hàng ngày.

Không những vậy, ở trung tâm chỉ huy ngầm có cả cửa hàng cắt tóc, trung tâm y tế, cửa hàng bán lẻ, trung tâm an ninh và trung tâm phòng chống các vụ tấn công bằng chất độc và khí độc. Xem ra, nó như một thành phố ngầm thu nhỏ,  không chỉ đem đến cho người ta cảm giác an toàn mà còn cả cảm giác dễ chịu. Với hệ thống trinh sát hiện đại, các thành viên trực ban tác chiến tại trung tâm luôn giám sát thường xuyên, liên tục nhất cử nhất động của Không quân Liên Xô.

Còn theo một cựu quan chức của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đánh giá thì với vị trí nằm sâu trong vùng núi Cheyenne cùng với các trang, thiết bị hiện đại, cho dù đối phương có chế tạo ra các loại vũ khí tấn công tầm xa với khả năng định vị ngày càng chính xác hơn, để đánh vào, trung tâm chỉ huy ngầm thời kỳ chiến tranh lạnh của Mỹ vẫn rất an toàn và hoạt động bình thường. Sự kiên cố của nó đã tạo sự an tâm trong dư luận nước Mỹ sau cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba và sau khi Liên Xô chế tạo thành công tên lửa xuyên lục địa. 

Sứ mệnh lịch sử không còn

Mặc dù trong hơn 40 năm qua, công trình bí mật đặc biệt này vẫn giữ vai trò rất quan trọng đối với an ninh quốc gia và quốc phòng của nước Mỹ, nhưng bắt đầu từ năm 1991, sau khi Liên Xô giải thể thì vai trò và sứ mệnh lịch sử quan trọng của trung tâm cũng bị mờ nhạt dần trong con mắt người Mỹ.

Hiện nay, để duy trì sự vận hành toàn diện của cả trung tâm chỉ huy ngầm này, mỗi năm Chính phủ Mỹ phải chi số tiền khoảng 250 triệu USD, một con số không nhỏ. Văn phòng Quốc hội Mỹ cho rằng những chi phí cho việc thay thế và nâng cấp các trang thiết bị của trung tâm chỉ huy cũng như duy trì hoạt động của nó sẽ vượt xa ngân sách phân bổ của chính phủ. Vì vậy, vừa qua Chính phủ Mỹ đã quyết định đóng cửa tạm thời trung tâm chỉ huy tác chiến ngầm bí mật này, nhưng luôn chuẩn bị phương án một khi xảy ra tình huống nguy hiểm cho nước Mỹ như chiến tranh, thì nó có thể nhanh chóng được vận hành phục vụ chỉ huy.

Theo kế hoạch, sau khi chính thức đóng cửa, Chính phủ Mỹ sẽ bố trí một tổ công tác chuyên phụ trách, bảo dưỡng để đảm bảo cho trung tâm vẫn vận hành tốt khi cần thiết. Nhiệm vụ chính này được giao cho các nhân viên quân sự ở căn cứ không quân Peterson nằm cách trung tâm khoảng 16 km.

Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, quan hệ Mỹ - Liên Xô xuất hiện sự thay đổi. Từ năm 2000, quân đội Nga đã cử phái đoàn đến thăm căn cứ không quân Peterson, chuyên làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho trung tâm chỉ huy ngầm.

Năm 2004, các sĩ quan chỉ huy quân đội Nga cũng đã đến thăm vùng núi Cheyenne và theo nguồn tin của Bộ Tư lệnh phòng thủ Liên hợp Hàng không Bắc Mỹ thì họ đã tiến hành trao đổi với phía Nga về một số vấn đề liên quan đến lịch sử của trung tâm chỉ huy ngầm trong thời chiến tranh lạnh.

Như vậy, sứ mệnh lịch sử của trung tâm này đã mất đi và những bí mật liên quan về nó đang được hé mở với công chúng trong và ngoài nước Mỹ

Dương Thanh Tú (Theo Xinhuanet)
.
.