Mỹ chuyển vũ khí hạt nhân từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Romania?

Thứ Ba, 23/08/2016, 20:30
Ngày 18-8, có 2 nguồn tin độc lập cho thông tấn EurActiv biết, Mỹ đã bắt đầu chuyển kho vũ khí hạt nhân đang tàng trữ ở Thổ Nhĩ Kỳ sang Romania trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Ankara căng thẳng.

Theo 1 trong 2 nguồn tin trên, việc vận chuyển sẽ rất khó khăn về mặt kỹ thuật và điều kiện chính trị, rất khó để chuyển 20 loại vũ khí hạt nhân. Theo báo cáo mới đây được Trung tâm Nghiên cứu chính trị Simson công bố, kể từ Chiến tranh Lạnh, có khoảng 50 loại vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ được cất giữ trong căn cứ không quân Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ) nằm cách khu vực biên giới giáp Syria khoảng 100km. Trong thời gian diễn ra cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt lệnh cấm bay đối với máy bay quân sự Mỹ.

Mỹ đang chuyển vũ khí ra khỏi căn cứ Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Nguồn tin còn lại cho EurActiv biết quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đã sụt giảm nghiêm trọng sau chính biến, cho nên Washington không còn tin tưởng Ankara sẽ tiếp tục giúp "giữ hộ" vũ khí hạt nhân. Theo nguồn tin này, Mỹ đang gấp rút chuyển vũ khí đến căn cứ không quân Deveselu ở Romania.

Deveselu nằm gần TP Caracal - căn cứ mới của một hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ "chĩa mũi nhọn" sang Nga.

Romania từng là đồng minh của Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh, tuy nhiên quốc gia này không có vũ khí hạt nhân vào lúc bấy giờ. Vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ "áp nóng" biên giới Nga rất dễ gây ra căng thẳng. Lịch sử đã ghi nhận vũ khí hạt nhân của Nga "đồn trú" ở Cuba năm 1963 từng suýt dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện.

Quân đội Mỹ đang chuyển vũ khí hạt nhân sang Romania?

Thông tấn EurActive đã yêu cầu các  Bộ Ngoại giao Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Romania bình luận, nhưng không nhận được câu trả lời. Trong khi đó, NATO đã gửi tới một bản bình luận với ngôn từ đượm chất ngoại giao diễn đạt rằng các quốc gia đồng minh, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đảm bảo cho vũ khí hạt nhân của Mỹ được triển khai  ở châu Âu vẫn "an toàn".

"Về câu hỏi của quý cơ quan thông tấn, xin vui lòng tham khảo Thông cáo chung Hội nghị NATO-Warsaw công bố vào ngày 9-7-2016, dòng 53 ghi rõ: Vũ khí hạt nhân của NATO sẽ luôn được triển khai an toàn và hiệu quả ở châu Âu". Hội nghị NATO diễn ra vài ngày trước cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vào thời điểm đó, rủi ro đối với vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Incirlik có liên quan đến cuộc chiến ở Syria và hàng loạt vụ tấn công khủng bố xảy ra trên khắp đất nước Thổ Nhĩ Kỳ trong những tháng gần đây.

Bộ Ngoại giao Romania đã thẳng thắn bác bỏ thông tin quốc gia này trở thành căn cứ chứa vũ khí hạt nhân của Mỹ. "Bộ Ngoại giao Romania kiên quyết bác thông tin đó". Theo thông lệ có từ thời Chiến tranh Lạnh, thông tin rò rỉ có liên quan đến sự hiện diện của vũ khí hạt nhân Mỹ trên lãnh thổ châu Âu chưa bao giờ chính thức được xác định. Tuy nhiên, người ta biết rõ, Bỉ, Hà Lan, Đức và Italia đã trở thành căn cứ vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Sau cuộc chính biến vừa qua, quan hệ giữa Washington và Ankara trở nên tồi tệ nhất kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO vào năm 1952. Chính quyền Tổng thống Erdogan tin rằng Mỹ "ném đá giấu tay", âm thầm ủng hộ giáo sĩ Gulen, người bị tố cáo là chủ mưu đảo chính.

Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Washington dẫn độ ông Gulen và vấn đề này sẽ trở thành trọng tâm của một cuộc đàm phán khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24-8. Arthur H. Hughes, một cựu đại sứ Mỹ cho biết vào ngày 17-8, giáo sĩ Gulen nhận được sự ủng hộ tích cực của CIA. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã thẳng thắn nói rằng, ông quá thất vọng với Mỹ và Liên minh châu Âu sau cuộc đảo chính.

Phạm Khôi Nguyên (theo EurActive)
.
.