Mỹ: Dùng truyền thông bôi nhọ Venezuela

Chủ Nhật, 01/03/2015, 09:35
Không chỉ bác bỏ những cáo buộc về vi phạm nhân quyền từ Chính phủ Mỹ, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro còn tố cáo Mỹ đang sử dụng hệ thống truyền thông trải khắp toàn cầu của nước này để bôi xấu chính quyền Caracas. Đồng thời, ông Nicolas Maduro cũng khẳng định, sự đoàn kết của người dân Venezuela sẽ chiến thắng mọi âm mưu thâm độc.

Từ chiến dịch vu cáo...

Phát biểu trên Kênh truyền hình Telesur mới đây, Tổng thống Nicolas Maduro một lần nữa đã bác bỏ báo cáo mới đây của Mỹ cho rằng, làn sóng biểu tình chống Chính phủ Venezuela bùng phát trong năm 2015. Quan điểm của ông Nicols Maduro là những gì mà báo chí Mỹ đăng tải chỉ nhằm một mục đích là gieo rắc nỗi lo sợ và kích động người chống đối ở Venezuela mà thôi.

Hãng CNN tiếng Tây Ban Nha của Mỹ từng bị cáo buộc tiến hành nhiều hoạt động xúi giục một âm mưu đảo chính  ở Venezuela. Ảnh: CNN.

Chưa hết, Tổng thống Venezuela còn cáo buộc Phó tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ đạo âm mưu lật đổ chính quyền Venezuela. Tuy nhiên, ông Nicolas Maduro cũng cảnh báo rằng, Cơ quan Tình báo Mỹ không nên "tốn thời gian" đặt kế hoạch gây bất ổn cho quốc gia Nam Mỹ này. Bởi lẽ, người dân Venezuela sẽ đoàn kết và chiến thắng mọi âm mưu thâm độc. Thêm vào đó, Venezuela luôn nhận được sự ủng hộ của các quốc gia vùng Caribe…

Trên thực tế, trong một vài năm gần đây, bên cạnh việc mua chuộc và lợi dụng lực lượng đối lập, Mỹ còn sử dụng một cách thức mới đó là thực hiện chiến dịch truyền thông vu cáo Venezuela là một nhà nước buôn lậu ma túy và vi phạm nhân quyền nhằm tạo cớ cho sự can thiệp từ bên ngoài vào quốc gia Nam Mỹ này.

Mới đây, Mỹ còn áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới như hạn chế về thị thực đối với các quan chức và cựu quan chức của Venezuela mà Mỹ cho là có liên quan đến vi phạm nhân quyền và tham nhũng. Lệnh trừng phạt bổ sung này dựa trên các lệnh trừng phạt hồi năm ngoái nhằm vào các quan chức bị cho là đã xâm phạm quyền lợi của người biểu tình và nó sẽ có tác động tới các thành viên gia đình gần nhất của những cá nhân bị hạn chế thị thực.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro khẳng định, sự đoàn kết của người dân Venezuela sẽ chiến thắng mọi âm mưu thâm độc. Ảnh: TelesurTV.

Ngay sau đó, Ngoại trưởng Venezuela Delcy Rodríguez đã trả lời phỏng vấn trên Kênh truyền hình Venevisió rằng, tất cả các cuộc chiến tranh đế quốc đều có màn dạo đầu là các chiến dịch truyền thông giống như chiến dịch mà Mỹ đang nhằm vào Venezuela với mục tiêu bào chữa cho một cuộc can thiệp từ bên ngoài.

Để làm rõ hơn những gì đã nêu ra, bà Delcy Rodríguez đã nhắc lại việc các cơ quan truyền thông của Mỹ đưa tin sai sự thật về những lời nói của một cựu sĩ quan cận vệ của Chủ tịch Quốc hội Venezuela Diosdado Cabello bỏ trốn sang Mỹ.

Theo đó, các cơ quan truyền thông Mỹ được lệnh hỗ trợ Cơ quan Tình báo Mỹ trong việc đăng tải thông tin không được kiểm chứng với cáo buộc rất tồi tệ rằng ông Diosdado Cabello đứng đầu một đường dây buôn bán ma túy lớn. Để làm rõ vụ việc, Chính phủ Venezuela đã tố cáo việc này trước quốc tế và thậm chí sẽ đưa vấn đề này ra các tổ chức ngoại giao và tư pháp quốc tế. Đến nay, những bằng chứng mà Venezuele đưa ra đã nhận được sự ủng hộ của các quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Costa Rica Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC).

... đến đòn tâm lý

Cũng phải nói thêm rằng, vào thời điểm nửa đầu năm 2014, tin tức về các cuộc biểu tình tại Venezuela đã tràn ngập trên các kênh truyền hình hàng đầu của Mỹ và phương Tây.

Trong những biến động chính trị đó, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đóng vai trò chính trong cuộc chiến tranh thông tin và tâm lý. Cơ quan này tiến hành một loạt hành động như hỗ trợ vũ khí cho các phần tử quân sự bán vũ trang từ Colombia xâm nhập vào Venezuela để thực hiện các hoạt động khủng bố, phá hoại nền kinh tế tài chính và sử dụng các trang mạng xã hội trên Internet để chống phá Venezuela.

Quan hệ ngoại giao Venezuela - Mỹ trải qua nhiều thăng trầm nhưng bắt đầu căng thẳng cao độ từ khi ông Hugo Chavez lên nắm quyền Tổng thống.

Chưa hết, chiến dịch này còn được chuẩn bị kỹ lưỡng thông qua hệ thống truyền hình có định hướng. Nhiều nhân vật nổi tiếng trong làng giải trí ở Mỹ và châu Âu, mặc dù không biết Venezuela ở đâu, đã được dàn xếp để có các hoạt động chống lại chính quyền Maduro, trong đó có những tuyên bố được đưa ra tại lễ trao giải Oscar. 

Phát biểu trong một phiên họp của Liên Hiệp Quốc (LHQ), Ngoại trưởng Venezuela từng nhấn mạnh: "Kênh truyền hình CNN không chỉ được CIA sử dụng để đưa ra các thông tin giả mạo về Venezuela mà còn đưa nhiều thông tin tiêu cực sai sự thật về chính quyền và Tổng thống Nicolas Maduro. Thậm chí, CNN còn đưa tin sai lệch về các cuộc biểu tình trên đường phố của sinh viên, biến các hoạt động hòa bình này như là một cuộc xung đột vũ trang đẫm máu…".

Và trong khi chính quyền Caracas nỗ lực tổ chức và kêu gọi các cuộc đàm phán với lực lượng đối lập để tìm kiếm sự thỏa hiệp thì các phương tiện truyền thông quốc tế không hề đăng tải hành động này mà chỉ dùng các ngôn từ ám chỉ như kiểu chính phủ đàn áp người biểu tình…

Tháng 9/2014, Venezuela đã tố cáo Đài CNN, Đài BBC phát sóng tiếng Tây Ban Nha, nhật báo Miami Herald và một số hãng thông tấn khác của Mỹ, Anh âm mưu chống phá nước này khi công bố những thông tin sai lệch về một chứng bệnh bí hiểm ở nước này. Phóng viên Đài CNN còn bị trục xuất khỏi Venezuela trong khi những nhà báo từ các hãng truyền thông khác như AP, AFP, EFE, Reuters phải giải trình về các hành động đưa tin không đúng tại Venezuela. Đồng thời, Venezuela còn mở một cuộc điều tra đối với loạt phim truyền hình của Mỹ miêu tả Tổng thống Nicolas Maduro mua vũ khí hóa học từ chợ đen để trấn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Cuối cùng, Hãng Fox 21 - nhà sản xuất loạt phim ''Các huyền thoại'' (Legends) trên kênh truyền hình cáp TNT đã phải xin lỗi Tổng thống Venezuela và cho biết loạt phim này chỉ là viễn tưởng và không có ý ám chỉ những sự kiện có thật.

Trước đó, vào cuối năm 2013, Hãng CNN tiếng Tây Ban Nha có trụ sở tại Mỹ cũng bị Tổng thống Nicolas Maduro cáo buộc tiến hành nhiều hoạt động xúi giục một âm mưu đảo chính như lập một mạng lưới được điều hành bởi những người đang âm mưu gây bất ổn định, công khai kích động người dân tiến hành đảo chính tại Venezuela, và phát đi những hình ảnh méo mó về đời sống chính trị, xã hội của Venezuela.

Hãng tin Telegraph cho hay, bằng những thông tin không đúng, các phương tiện truyền thông quốc tế còn tạo nên "đòn tâm lý" đánh mạnh vào người dân Venezuela. Cụ thể, như thông báo của Phó tổng thống Venezuela Jorge Arreaza tại cuộc họp với Hội đồng Bộ trưởng hồi giữa tháng 1 vừa, các thế lực thù địch đang tìm cách lũng đoạn hoạt động phân phối nhu yếu phẩm để gây tâm lý bất ổn trong dân chúng, khiến người dân đua nhau xếp hàng dài trước các trung tâm thương mại và hệ thống cửa hàng phân phối hàng hóa.

Theo ông Jorge Arreaza, tình hình giả tạo này nằm trong âm mưu chiến tranh kinh tế do thế lực thù địch phát động từ đầu năm 2014 để thực hiện mưu đồ đảo chính. Tuy nhiên, chính phủ và người dân Venezuela sẽ vượt qua, tương tự như đã làm đối với làn sóng bạo lực bùng phát hồi tháng 2-2014.

Và "lá chắn" của Venezuela

Phải nói rằng, Mỹ phát động chiến dịch chống phá Venezuela nhằm xóa bỏ ý tưởng xây dựng chế độ xã hội trong thế kỷ XXI tại nước này từ thời cố Tổng thống Hugo Chavez. Tuy nhiên, cho đến nay, Venezuela vẫn đánh bại âm mưu này một cách tài tình.

Fox 21- nhà sản xuất loạt phim “Các huyền thoại”' trên kênh truyền hình cáp TNT đã  phải xin lỗi Venezuela vì có nhiều đoạn trong phim nói xấu ông Nicolas Maduro. Ảnh: FoxNews.

Các nhà bình luận quốc tế nhận định, một trong những giải pháp trọng điểm để Venezuela chống lại cuộc chiến tranh thông tin do Mỹ phát động là thành lập Kênh truyền hình TeleSurTV với sự ủng hộ của các nước đồng minh tại khu vực Mỹ Latinh và tiếp đến là Đài Phát thanh RadioSur bởi cho đến năm 2013, có tới 80% số lượng phương tiện truyền thông tại Venezuela thuộc về phe đối lập. Điều này đã tạo điều kiện hình thành một mạng lưới phát thanh và truyền hình địa phương được phủ sóng khắp đất nước Venezuela.

Một hãng phim quốc gia cũng được thành lập để sản xuất những bộ phim có chủ đề yêu nước. Các bộ phim này được chiếu trên Kênh truyền hình Quốc gia hàng tuần, thu hút đông đảo khán giả như các phim hành động của Hollywood. Phim tài liệu cũng được sản xuất nhằm phơi bày chính sách của Mỹ đối với các nước Mỹ Latinh, đó là nhằm chiếm giữ các mỏ dầu và loại bỏ các chính trị gia mà Nhà Trắng không ưa.

Bên cạnh đó, chính quyền Caracas cũng đã kêu gọi Liên minh Các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) và Cộng đồng các nước Mỹ-Latinh và Caribe (CELAC) thiết lập một lá chắn để bảo vệ Caracas trước nguy cơ Mỹ "xâm lược" nước này.

Đích thân Tổng thống Nicolas Maduro đã đề nghị Tổng Thư ký UNASUR Ernesto Samper khởi động một sáng kiến ngoại giao để ngăn ngừa Washington đẩy quan hệ Mỹ-Venezuela lâm vào bế tắc và UNASUR đã đồng ý đóng vai trò trung gian hòa giải. Đối với những vụ việc phức tạp hơn, Venezuela còn tính đến việc kiện Mỹ lên Tòa án quốc tế.

Chẳng hạn vào tháng 5/2014, chính quyền Caracas đã kiện Mỹ lên LHQ và các tổ chức khác vì vi phạm Hiến chương LHQ, can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Đơn kiện sau đó cũng được gửi tới các tổ chức khu vực, trong đó có Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS), CELAC cũng như UNASUR.

Năm 2013, trang web WikiLeaks cũng đã gây sóng gió dư luận khi tiết lộ 73 thư điện tử ghi rõ các phương thức để Công ty Tình báo tư nhân Stratfor và Trung tâm Ứng dụng chiến lược và hành động bất bạo động (Canvas) của Mỹ nhằm lật đổ các tổng thống Venezuela, từ cố Tổng thống Hugo Chavez đến đương kim Tổng thống Nicolas Maduro.

Trong số các phương thức đã được tiến hành, đáng chú ý là việc Stratfor và Canvas được giao sứ mệnh vạch chiến lược giúp lực lượng đối lập lật đổ chính quyền Caracas đồng thời hỗ trợ các ứng cử viên đối lập để chắc chắn có suất trong Quốc hội. Ngoài ra, các thư điện tử cũng tiết lộ, ít nhất 2 công ty Mỹ đã tham gia vào âm mưu này kể từ năm 2006 bằng nhiều cách, trong đó có việc bắt tay với phe đối lập của Venezuela.

Sông Thương (tổng hợp)
.
.