Mỹ - Iran: Bí mật chính sách ngoại giao văn hóa
Đây chỉ là một động tác ngoại giao nhỏ nhặt và Nhà Trắng muốn thông qua đó để làm giảm những căng thẳng giữa chính quyền Mỹ và Iran vốn từ lâu coi nhau là thù địch. Nhưng vì những nhân vật có lập trường kiên định ở cả hai quốc gia thường quan sát bất cứ cuộc đối thoại nào với thái độ ngờ vực nên động thái ngoại giao tưởng chừng không hề quan trọng này luôn tiềm ẩn nguy cơ.
Do đó, đội ngũ nhân viên an ninh bị buộc phải tuyên thệ giữ bí mật tuyệt đối về cuộc viếng thăm của người Iran đến Nhà Bảo tàng Âm nhạc Bluegrass Quốc tế (IBMM) ở Owensboro. Nếu sự kiện bị lộ ra, một số người lo ngại những cuộc biểu tình phản đối sẽ bùng nổ trên đất Mỹ hay Iran!
"Âm nhạc chính là ngôn ngữ ngoại giao ngọt ngào nhất"
Gabrielle Gray, Giám đốc điều hành IBMM vào thời điểm đó, nhớ lại những tràng vỗ tay vang dội dành cho nhóm nhạc sĩ Iran tham gia biểu diễn với nhóm nhạc đàn dây bluegrass gồm 5 thành viên của Mỹ. Trên mặt đeo mạng che, nữ ca sĩ người Iran Sarah Ahmadi đánh trống adaf của người Ba Tư và một nam nhạc sĩ chơi đàn 3 dây setar. Người Mỹ hát tiếng Anh, còn người Iran hát tiếng Ba Tư. Khi nhạc dừng chơi, cả hai nhóm nhạc sĩ ôm nhau thắm thiết.
Gabrielle Gray nhận xét: "Âm nhạc chính là ngôn ngữ ngoại giao ngọt ngào nhất". Không giống như chính sách "ngoại giao bóng bàn" từng được công khai sử dụng đối với Trung Quốc dưới thời chính quyền Tổng thống Richard Nixon, những hoạt động trao đổi văn hóa giữa Washington và Tehran luôn được giữ bí mật.
Hai nhà đấu vật tự do Obe Blanc (đến từ Mỹ, bên trái) và Hassan Rahimi (Iran, bên phải) trong cuộc thi đấu diễn ra tại nhà thi đấu Grand Central Terminal ở New York, ngày 15/5/2013. |
Suốt hơn 17 năm qua, không chỉ có các nhạc sĩ mà cả các đoàn vận động viên, nhà khoa học và nghệ sĩ âm thầm bay đến Mỹ để tham dự những chương trình văn hóa qua sự tổ chức của các tổ chức phi chính phủ và được Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ. Tuy các giới chức Mỹ tỏ ra rất miễn cưỡng khi phải nói chuyện về sự dính líu của Washington trong những hoạt động như thế này do lo sợ những hậu quả ngoại giao không lường trước được, nhưng một tài liệu từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, năm 2014 có ít nhất 61 người Iran viếng thăm nước Mỹ trong những sự kiện văn hóa diễn ra trong bí mật!
Ngoài ra, các nhóm nhỏ người Mỹ cũng bay đến Iran để chia sẻ các ý tưởng và thậm chí hợp tác trong nhiều lĩnh vực như bảo vệ môi trường, thiên văn học và chăm sóc y tế. Một số người cho rằng, sự giao lưu văn hóa Mỹ - Iran giúp mở lối cho bước cải thiện quan hệ ngoại giao tiếp theo giữa hai quốc gia sau hơn 30 năm nghi kị và thù địch nhau.
Nhạc sĩ Iran biểu diễn ở Tehran, ngày 9/4/2010, nhân sự kiện Kỷ niệm Công nghệ Hạt nhân Quốc gia lần thứ 4 của Iran. |
Richard LeBaron, cựu đại sứ và hiện là chuyên gia của Viện Nghiên cứu chính sách Atlantic Council trụ sở tại Washington, phát biểu: "Giao lưu văn hóa cũng mạnh mẽ không kém bất cứ hệ thống vũ khí nào mà chúng ta bán cho thế giới Arập, nếu không nói là mạnh hơn". Barbara Slavin, chuyên gia về Iran và là tác giả cuốn sách "Bitter Friends, Bosom Enemies" (xuất bản năm 2009), nhận xét: "Phần đông người Mỹ biết rất ít về Iran. Do đó, điều quan trọng là phải để cho họ nhìn thấy ở Iran không phải chỉ toàn là những Vệ binh Cách mạng và những người vi phạm nhân quyền".
Trước cuộc cách mạng năm 1979 ở Iran, người Mỹ thường bay đến nước này để hợp tác kinh doanh, xây dựng bệnh viện và huấn luyện các chủ trang trại; trong khi đó khoảng 50.000 du học sinh Iran học tập tại các hệ thống trường đại học ở Mỹ. Vào khoảng thời gian đó, hai quốc gia là đồng minh với nhau và Washington nhờ cậy vào quân đội Iran được Mỹ huấn luyện để đối phó với Liên Xô trong khu vực.
Từ năm 1980, chính quyền Mỹ bắt đầu căng thẳng với Tehran sau khi các sinh viên cực đoan Iran tấn công phong tỏa Đại sứ quán Mỹ và bắt giữ 52 nhà ngoại giao Mỹ làm con tin trong suốt 444 ngày (từ ngày 4/11/1979 đến 20/1/1981). Sự kiện này được gọi là khủng hoảng con tin. Cũng kể từ đó, phần đông người Mỹ coi đất nước Iran đồng nghĩa với khủng bố và cực đoan Hồi giáo!
Những thiện chí làm dịu đi mối quan hệ căng thẳng
Mặc dù cuộc khủng hoảng con tin dẫn đến sự đổ vỡ trong mối quan hệ ngoại giao Mỹ và Iran, song cả hai phía đều cố gắng bàn luận với nhau sau những cánh cửa đóng kín nhằm giải quyết vấn đề. Năm 1996, một nhóm cựu quan chức của hai quốc gia tụ hội nhau tại một khu nghỉ dưỡng ven hồ hẻo lánh ở Thụy Điển để tìm cách khắc phục mối quan hệ bị đổ vỡ. Lúc đó, ông Bill Clinton có mặt trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng và đối tác ôn hòa của ông ở Iran là Tổng thống Mohammad Khatami (1997 - 2005) dường như cũng có thiện chí làm tan băng mối quan hệ giữa hai quốc gia. Bất chấp 2 năm gặp gỡ gián đoạn, không tổng thống nào thuyết phục được chính phủ của họ chấp nhận biện pháp hòa giải. Tuy nhiên, Mỹ và Iran đạt được bước đầu tiên là thỏa thuận trao đổi người.
Nhà Bảo tàng Âm nhạc Bluegrass Quốc tế ở Owensboro. |
Tháng 2/1998, một đoàn thể thao đấu vật nhận lời mời của Tổng thống Khatami bay sang Iran để tranh tài trong một cuộc thi đấu quốc tế. Các vận động viên người Mỹ bước vào đấu trường thể thao Iran cùng với lá cờ Mỹ - biểu tượng thường bị đốt cháy tại Iran. John Marks, ngoại giao Mỹ kỳ cựu và là người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận quốc tế dàn xếp những sự kiện Search for Common Ground (SFCG), nhớ lại: "Đó là dấu hiệu mang tính đột phá đáng kể". Kể từ đó, các đoàn vận động viên đấu vật Mỹ và Iran luân phiên thi đấu với nhau ở cả hai quốc gia hơn chục lần.
Cuộc khủng hoảng con tin Iran năm 1979. |
Những cuộc giao lưu tương tự giữa vận động viên và chuyên gia trong các lĩnh vực khác của hai quốc gia cũng diễn ra thường xuyên hơn. Hiện nay, giới chuyên gia bảo vệ môi trường Mỹ và Iran thường gặp nhau để bàn luận về biện pháp đối phó với tình trạng khô hạn và thiếu nước. Trong khi đó, giới bác sĩ, lãnh đạo doanh nghiệp và tu sĩ hai nước cũng tham dự nhiều hội nghị tổ chức ở cả hai bên.
Một trong những động thái giao lưu tích cực nhất diễn ra vào tháng 8/1999, khi đó nhà du hành vũ trụ Rusty Schweickart dẫn đầu đoàn chuyên gia thiên văn học Mỹ đến thành phố Isfahan miền Trung Iran để nghiên cứu hiện tượng nhật thực. William Miller, nhà ngoại giao Mỹ về hưu lúc đó đi cùng với đoàn, nhớ lại cảnh những người đàn ông bộ tộc Bakhtiari chơi nhạc khi bầu trời sụp tối và những con chim ngừng tiếng hót. Khi mặt trời ló dạng, người Iran và người Mỹ cùng ôm nhau vui mừng!
Bìa cuốn sách "Bitter Friends, Bosom Enemies" của Barbara Slavin. |
Năm 2005, sau khi Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đắc cử ở Iran, quan hệ căng thẳng giữa Washington và Tehran bắt đầu leo thang và người Mỹ càng khó có được visa du lịch đến nước Cộng hòa Hồi giáo này. Tuy nhiên, Tổng thống Ahmadinejad không chống đối việc người Iran đến Mỹ tham dự các hội nghị khoa học. Năm 2006, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (NAS) đã đảm đương vai trò hàng đầu trong những cuộc gặp gỡ như thế, tiếp xúc với chuyên gia Iran trong các lĩnh vực như khảo cổ học và động vật học.
Glenn Schweitzer, lãnh đạo các chương trình Iran của NAS, cho biết: "Người Iran rất giỏi. Chúng tôi thấy việc cô lập Iran là chối bỏ sự tiếp xúc với những tài năng của đất nước này". Điều đó đã khiến cho giới chức bang Mississippi phê chuẩn hệ thống của Iran cung cấp chăm sóc y tế cho các vùng nông thôn ở Mỹ. Năm 2004, một bác sĩ Iran trình bày dự án ở Đức và nêu bật sự thành công của 17.000 trung tâm y tế vùng nông thôn của Iran. Không bao lâu sau, Đại học Shiraz ở Iran và Đại học bang Jackson của Mỹ trở thành đối tác nghiên cứu khoa học.
Khi trở thành Tổng thống năm 2013, Hassan Rouhani yêu cầu được nói chuyện với Barack Obama qua điện thoại đồng thời mong muốn có cái bắt tay. Cuộc nói chuyện qua điện thoại được chấp nhận, song cái bắt tay thì không! Rõ ràng, ông Rouhani mong muốn một mối quan hệ mới với giới lãnh đạo Mỹ. Từ lâu, ông Rouhani đã phát tín hiệu đến Washington rằng, ông muốn sự dàn xếp về vấn đề hạt nhân và không chỉ với tư cách tổng thống. Ngày nay, với sự trợ cấp từ Tổ chức y tế UnitedHealthcare, người Mỹ hy vọng xây dựng được những trung tâm y tế theo kiểu Iran ở khắp vùng châu thổ Mississippi. Barbara Slavin đưa ra nhận xét: "Người Iran có những kỹ năng để dạy cho chúng ta".
Sau khi Mỹ và Iran đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân, các tổ chức tư nhân càng háo hức muốn có thêm nhiều cuộc giao lưu diễn ra giữa 2 quốc gia. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng sự phát triển của những chương trình trao đổi giao lưu văn hóa giữa Mỹ và Iran có thể vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, các nhà lập pháp Mỹ nhận định các biện pháp trừng phạt cần được gỡ bỏ để tiến tới sự trao đổi ứng dụng kinh tế và quân sự - một bước đi hãy còn xa vời! Còn các chuyên gia khác cho biết họ không dám chắc chính quyền Tổng thống Barack Obama hoàn toàn hiểu rõ giá trị tiềm ẩn của chính sách ngoại giao trực tiếp giúp Mỹ và Iran cuối cùng phục hồi được nguyên vẹn mối quan hệ ngoại giao.