Mỹ phát triển lực lượng chống khủng bố dưới nước

Thứ Tư, 19/10/2011, 17:25

Họ lùng sục đại dương sâu thẳm để tìm chứng cứ sót lại của "những kẻ săn mồi" còn nguy hiểm hơn cả lũ cá mập trắng khổng lồ. Họ là thành viên Đội lặn kỹ thuật của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) - một nhóm tinh nhuệ gồm các đặc vụ chuyên trách truy tìm khủng bố dưới nước.

Bắt đầu hoạt động vào năm tới, đội 10 người này sẽ chịu trách nhiệm truy tìm chứng cứ sót lại của bọn khủng bố quốc tế ở vùng nước bị nhiễm chất thải hóa học, sinh học, phóng xạ hoặc hạt nhân. Giám sát đặc vụ James Tullbane, trích dẫn vụ tấn công năm 2008 ở Mumbai (Ấn Độ) bắt đầu khi bọn khủng bố xâm nhập vào một cảng ở thành phố này. Ông cho biết: "Khi xem lại vụ Mumbai và nhiều nơi xảy ra những vụ tấn công nhằm vào người Mỹ có liên quan tới nước, chúng tôi thấy rằng thực sự cần mở rộng hoạt động của đội".

Một năm trước, FBI thành lập Đội lặn kỹ thuật (TDT) với nhiệm vụ chính là thu thập chứng cứ sau một vụ tấn công khủng bố để giúp truy lùng và kết tội những kẻ chịu trách nhiệm. TDT có khả năng hoạt động ở vùng nước ô nhiễm và lặn tới độ sâu cực đại - nhóm người nhái của đội được tuyển từ Đội đặc nhiệm tìm kiếm dưới nước hiện tại của FBI.

Phần lớn việc huấn luyện TDT là tập trung vào kỹ thuật lặn trong hoàn cảnh hiểm nghèo chỉ với chiếc ống thở với hệ thống hỗ trợ thay vì bình hơi. Thành viên của đội còn phải mặc bộ đồ lặn đặc biệt và mũ bảo hộ bằng thép nặng nề để có thể hoạt động an toàn trong vùng nước ô nhiễm mà không tiếp xúc với chất độc. Ngoài ra còn nhiều thiết bị hỗ trợ cho phép người nhái có thể lặn khảo sát hiện trường vụ án ở độ sâu gần 100m - độ sâu an toàn cho lặn giải trí là khoảng 40m.

Một thành viên đội lặn kỹ thuật của FBI sẵn sàng cho việc huấn luyện ở Key West Florida.

TDT, hiện đã đi được nửa chặng đường của chương trình huấn luyện kéo dài 2 năm, đã được hoạch định hoạt động chính thức vào năm tới khi mọi thành viên vượt qua kỳ sát hạch. Vài tuần trước, đội được triệu tập nhận nhiệm vụ khi Cảnh sát tuần duyên Mỹ yêu cầu FBI hỗ trợ trong vụ án liên quan tới một "tàu ngầm ma túy".

Khi Cảnh sát tuần duyên phát hiện chiếc tàu này ở ngoài khơi Honduras, họ đã bắn chìm nó. Vậy là TDT được gọi hỗ trợ lặn vớt ma túy lên. Được trang bị thiết bị dò tìm bằng sóng siêu âm và hệ thống cung cấp dưỡng khí trên mặt nước, đội người nhái FBI trực chỉ tới vùng nước ô nhiễm ở Caribe. Điều trớ trêu là vùng này gần với rặng san hô lớn thứ 2 thế giới và là điểm lặn giải trí chủ yếu tại khu vực.

Michael Tyms, lãnh đạo đội cho biết: "Khi bị chìm, dầu diesel sẽ rò rỉ ra ngoài và vào trong khoang chứa hàng". Tuy vậy, TDT đã tìm được hơn 6.800kg cocaine trị giá ước tính 180 triệu USD.

Đội người nhái gồm 8 người lặn xuống biển theo từng cặp, họ phải mất 15 lần lặn trong 24 giờ mới đem hết số cocaine đó lên mặt nước. Theo Thiếu tá hải quân Peter Niles, thuộc Cảnh sát tuần duyên Mỹ, đội lặn FBI đóng vai trò thiết yếu trong việc định vị và trục vớt số ma túy. Trong suốt thời gian làm nhiệm vụ, hiểm họa lớn nhất với đội lặn không phải từ nước ô nhiễm hoặc sự cấp bách của đợt lặn, mà là cá mập.

Tyms cho biết: "Khoảnh khắc nhớ đời của chúng tôi là khi 2 người nhái vừa nhảy xuống biển thì một con cá mập thình lình xuất hiện và bơi xung quanh họ".

Tăng cường sức mạnh quân sự từ động vật biển hữu nhũ

Ở phần ít được biết tới nhất trong thế giới chống khủng bố có hệ thống phát hiện mục tiêu rất hiệu quả - đó là một con vật nặng gần 300kg ngốn 10kg cá mỗi ngày. Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, Mỹ và nhiều nước khác đã huấn luyện cá heo và sư tử biển để dò tìm thủy lôi và người nhái, tìm ngư lôi hỏng và đóng vai đối tượng thí nghiệm trong các đợt tập trận của hải quân.

Các quan chức báo cáo rằng sư tử biển trong Chương trình động vật biển hữu nhũ (MMP) đã giúp tìm lại hàng triệu USD cho Hải quân Mỹ từ số ngư lôi và thiết bị rơi xuống biển. Hải quân Mỹ đã giữ kín MMP cho tới thập niên 90, và mới đây, CNN trở thành hãng truyền thông đầu tiên chứng kiến về hoạt động của chương trình này.

MMP huấn luyện khoảng 75 con cá heo mũi chai Thái Bình Dương có thiết bị siêu âm sinh học tự nhiên có thể dò tìm tốt hơn bất kỳ thiết bị nào do con người tạo ra và 35 con sư tử biển California với khả năng nhìn dưới nước siêu đẳng. Hai loài động vật biển hữu nhũ này không chỉ giúp tiết kiệm hàng triệu USD trang thiết bị quân sự cho Mỹ, mà chúng còn giúp cứu người.

Cho tới nay, Hải quân Mỹ chưa tiết lộ liệu cá heo và sư tử biển có hiệu quả trong ngăn chặn bọn khủng bố phá hoại cơ sở nào của Mỹ hay không. Nhưng theo Christian Harris, giám sát viên của MMP, cá heo và sư tử biển hiện đang là "công cụ" ngăn chặn khá hiệu quả. Cá heo và sư tử biển có thể được triển khai bằng máy bay vận chuyển C-130 để thực hiện nhiệm vụ của chúng ở bất cứ đâu trên thế giới trong vòng 72 giờ. Chúng được dùng trong những đợt tập trận từ Alaska tới Hawaii.

Từ thập niên 60, hải quân Mỹ bắt đầu huấn luyện cá heo và sư tử biển để dò tìm thủy lôi và người nhái của đối phương.

Gần đây nhất, cá heo được triển khai trong cuộc chiến Iraq với nhiệm vụ dò tìm thủy lôi và dọn dẹp ở Vịnh Ba Tư để dọn đường cho các tàu viện trợ nhân đạo. Một vài "cựu binh" trong cuộc chiến Iraq hiện nay trở về với nhiệm vụ canh giữ tàu ngầm hạt nhân ở Bremrton (Washington) và Groton (Connecticut).

Phần then chốt trong chương trình huấn luyện là dạy cho những con vật hữu nhũ này biết cách ngăn chặn đối tượng thù địch tiềm tàng dưới nước. Giữ an ninh toàn bộ khu vực hải cảng là nhiệm vụ của đội đặc công.

Đội Kampfschwimmers của Đức, Shayatet 13 của Israel và hải cẩu của Hải quân Mỹ thường được xem là những đơn vị thượng thặng trong việc huấn luyện và thực hiện các chiến dịch dưới nước ở khắp nơi trên thế giới. MMP được thành lập để chống lại những kiểu tấn công như vậy từ những nước thù địch và những vụ tấn công khủng bố đơn độc dưới nước.

Năm 2002, nhiều báo cáo mật từ cộng đồng tình báo, được thu lượm từ quá trình tra khảo các nghi can ở Afghanistan, đã cảnh báo rằng Al-Qaeda đang lên kế hoạch sử dụng người nhái để tấn công tàu của Hải quân Mỹ ở cảng hoặc đang neo đậu ngoài khơi.

MMP khởi đầu như thế nào?

Vào thập niên 60, Hải quân Mỹ bắt đầu nghiên cứu thủy động lực học ở cá heo bụng trắng Thái Bình Dương để cải tiến ngư lôi. Hải quân Mỹ đã triển khai cá heo ở Việt Nam và Vịnh Ba Tư để ngăn chặn việc tập kích dưới nước.

Tới thập niên 90, quân đội Mỹ giải mật MMP và từ đó MMP công khai đặt trụ sở tại Căn cứ hải quân Point Loma ở San Diego. MMP được quản lý phối hợp bởi Cơ quan Chiến tranh trên biển và các chuyên gia chất nổ quân sự. Thêm vào đó, nhiều nhà hải dương học dân sự, cựu chiến binh, nhà khoa học và chuyên gia huấn luyện thú được mời tham gia chương trình. Các nhà nghiên cứu từ những học viện hải dương thường hợp tác với họ với mục đích nghiên cứu. Theo Mike Rothe, Giám đốc MMP, ngân sách Chính phủ Mỹ cấp cho MMP hàng năm vào khoảng 20 triệu USD.

Tháng 4/2011, Hãng tin CNN có cơ hội chứng kiến trực tiếp những con vật này phát hiện nguy hiểm tiềm ẩn như thế nào. Một người tình nguyện đem theo mìn bí mật lặn xuống vùng nước lạnh giá ở vịnh San Diego để thực hiện 5 cuộc tấn công giả vào chiếc tàu của Hải quân Mỹ đang neo tại cảng - thí nghiệm có mục đích chứng tỏ cá heo có khả năng phát hiện nguy cơ bị tấn công dưới nước.

Đối tượng từ từ tiến tới con tàu thì lập tức bị cá heo phát hiện. Dù đã cố gắng ẩn nấp, đối tượng vẫn là mục tiêu dễ phát hiện đối với cá heo ngay trong môi trường tự nhiên của nó. Ngay sau đó, đối tượng bị chặn bởi một con sư tử biển - nó "gắn" một thiết bị giống móc kẹp vào chân đối tượng để xuồng an ninh kéo anh ta lên. Trong 5 lần thí nghiệm hôm đó, đối tượng không lần nào thoát khỏi sự phát hiện của cá heo và sư tử biển.

Nghe có vẻ lạ trong thời đại kỹ thuật số mà Hải quân Mỹ vẫn sử dụng "công nghệ lạc hậu" để bảo vệ tài sản tinh vi và đắt tiền của họ. Nhưng theo Rothe, không có gì trong thế giới kỹ thuật cao ngày nay có thể sánh bằng khả năng siêu âm sinh học của cá heo

Lê Hiếu (tổng hợp)
.
.