Số phận các đài phát thanh và truyền hình Marti khi Mỹ cải thiện quan hệ với Cuba

Thứ Năm, 02/04/2015, 20:05
Là các sản phẩm quái dị của thời kỳ chiến tranh lạnh, các đài phát thanh và truyền hình mang tên Marti do chính quyền Mỹ dựng lên cách đây trên 30 năm để tuyên truyền chống phá nhà nước Cuba, chống phá cách mạng Cuba.

Cho đến nay, sau hàng chục năm trầy trật phát sóng, hiệu quả mà cả 2 cái "loa tuyên truyền" này mang lại hết sức khiêm tốn; thậm chí không thể thâm nhập và làm lay chuyển được cách mạng Cuba. Và số phận của chúng đang được đặt lên bàn cân khi chính quyền ở Washington đang thực hiện các bước cải thiện quan hệ ngoại giao với Cuba.

Trong 2 cái "loa tuyên truyền" chống phá cách mạng Cuba thì Đài Phát thanh Marti (Radio Marti) ra đời trước Đài Truyền hình Marti (TV Marti) gần 10 năm. Cả hai đài Marti đều đặt dưới sự điều hành, quản lý chung của Văn phòng Phát thanh truyền hình Cuba (OCB).

Bên trong phòng phát sóng của Radio Marti ở Miami.

Vào đầu thập niên 80 thế kỷ XX, chính quyền Mỹ đã dự định lập nên một Đài phát thanh Cuba Tự do tương tự các hình mẫu đài phát thanh chống Cộng tiêu biểu như Đài châu Âu Tự do (Radio Free Europe) hay Đài châu Á Tự do (Radio Free Asia). Đài Cuba Tự do hướng đến mục tiêu thúc đẩy sự sụp đổ của chế độ cách mạng ở Cuba do Chủ tịch Fidel Castro lãnh đạo. Về sau, tên đài được đổi thành Đài Phát thanh Marti, lấy theo tên nhà văn Cuba thế kỷ XIX Jose Marti.

Năm 1983, Radio Marti được chính quyền của Tổng thống Ronald Reagan thành lập theo sự hối thúc của các phần tử Cuba lưu vong ở Miami, bang Florida. Tiêu chí hoạt động ban đầu của Radio Marti (và sau này thêm TV Marti) là "vận động, cổ vũ cho tự do, dân chủ". Ngày 20/5/1985, Radio Marti bắt đầu phát sóng buổi đầu tiên bằng tiếng Tây Ban Nha. Các chương trình phát sóng được sản xuất và thu âm tại Mỹ rồi sau đó truyền sóng vào Cuba trên các băng tần AM.

Ban đầu, các phòng thu của Radio Marti đặt trong khuôn viên trụ sở Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) - một trong những "cái loa tuyên truyền" hải ngoại chống Cộng quyết liệt của Mỹ. Tuy nhiên, ngay từ buổi đầu, Radio Marti đã vấp phải trở ngại khó vượt qua là việc các đài phát thanh ở Cuba phát trên sóng mặt đất có tần số trung bình, rất mạnh nên khó thâm nhập. Cuba khi đó đã thành công trong việc chặn sóng Đài Radio Marti.

Năm 1990, tức 5 năm sau sự ra đời của Radio Marti, TV Marti cũng được thành lập. Ngày 27/3/1990, TV Marti phát sóng chương trình đầu tiên bằng tiếng Tây Ban Nha theo lối phát âm của người Cuba. Ban đầu, TV Marti truyền phát các chương trình qua một thiết bị gắn trên một chiếc khinh khí cầu bay cao hơn 3.000m, được neo cố định ở Cudjoe Key, Florida, được nhiều người dân địa phương gọi đùa là "Albert Béo" do hình dáng tròn trịa của nó.

Tuy nhiên, sự biến động thời tiết là kẻ thù của "Albert Béo", đã vài lần quật nó xuống đất. Cơn bão mạnh Dennis năm 2005 đã phá hủy "Albert Béo" hoàn toàn. Năm 2006, chính quyền Mỹ thay đổi phương án truyền sóng, chuyển sang sử dụng máy bay cánh cố định, loại C-130 Hercules, sau đổi sang cùng loại Gulfstream 2 động cơ, để chở thiết bị phát sóng bay ngay sát không phận Cuba.

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, nước Mỹ bắt đầu cắt giảm ngân sách dành cho các đài phát sóng hải ngoại, nhưng ngân sách cho 2 đài Radio và TV Marti vẫn được duy trì. Ngân sách hoạt động của cả 2 đài này năm 2014 vào khoảng 27 triệu USD. Năm 1996, các phòng thu Radio Marti được chuyển từ Washington DC đến Miami, bang Florida. Sự di chuyển này, ngoài mục đích là để gần mục tiêu phát sóng, còn nhằm tách Radio Marti độc lập với VOA. Ngày nay, Radio Marti và TV Marti vẫn hoạt động đều đặn, phát sóng 24/24 giờ.

Một buổi ghi hình của TV Marti tại Miami, tháng 3/2015.

TV Marti vẫn sử dụng máy bay Gulfstream 2 động cơ bay trên không phận Kye West, Florida để truyền sóng. Còn Radio Marti thì phát triển thêm các trạm phát sóng bước ngắn ở Delano, bang California, và Greenville, bang North Carolina, và một trạm phát sóng trung bình ở Marathon, bang Florida.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của Radio Marti và TV Marti từ đầu cho đến nay vẫn là lượng khán giả Cuba bắt sóng nghe hay xem đài rất hạn chế. Theo thống kê từ khi thành lập cho đến nay, chỉ có không quá 2% người Cuba nghe hoặc xem các đài Marti. Sự hạn chế lượng khán giả này do nhiều nguyên nhân.

Quan trọng nhất là, chính quyền Cuba đã thành công trong việc chặn, phá sóng các đài Marti. Khi mới phát sóng, TV Marti chỉ phát từ khuya đến sáng để tránh bị nhiễu sóng các chương trình truyền hình địa phương của Cuba. Radio Marti cũng vậy, thường phát sóng vào lúc nửa đêm về sáng. Tuy nhiên, phát sóng vào giờ này lại có cái bất tiện là hầu như chẳng ai nghe, xem.

Do lượng khán giả mục tiêu hạn chế, Radio và TV Marti dùng phương án ghi đĩa DVD và phân phát cho người Cuba.

Qua nhiều năm phát sóng, TV Marti cũng như Radio Marti đều phải chật vật tồn tại, chật vật bắt nhịp với những thay đổi về kinh tế - xã hội, những tiến bộ của khoa học công nghệ nhằm nâng chất lượng phát sóng, với hy vọng cải thiện độ phủ sóng tiếp cận mục tiêu là người dân Cuba. Dù cải tiến thế nào thì TV Marti và Radio Marti đều không thể cải thiện được vấn đề khán giả, mục tiêu quá khiêm tốn, tất cả là do không thể vượt qua được bức tường chặn sóng quá hiệu quả của chính quyền Cuba. Trước tình trạng số lượng khán giả dò xem đài quá ít ỏi, TV Marti đã triển khai những giải pháp "chữa cháy", như cho nhân viên ghi các chương trình truyền hình đã phát sóng vào các đĩa DVD rồi tìm cách phát tán vào Cuba.

Trung bình mỗi tháng TV Marti phát tán khoảng 15.000 đĩa DVD như thế. Ngoài ra, TV Marti, Radio Marti còn chuyển các nội dung tuyên truyền vào ổ đĩa di động (USB) và tuồn lậu vào Cuba qua nhiều ngả, được phân phối miễn phí cho người Cuba.

Đánh giá về thành quả mà 2 đài Radio và TV Marti mang lại sau hơn 30 năm hoạt động, các chuyên gia Mỹ đã nói một cách hài hước rằng chí ít các đài Marti cũng đạt được một "thành công" là đã khiến cho Chủ tịch Cuba Fidel và Raul Castro nổi giận. Chủ tịch Fidel luôn luôn xem các đài Marti là một sự vi phạm các quy định cũng như thông lệ quốc tế.

Trong khi đó, từ khi ra đời, Radio Marti và TV Marti đã gây nên làn sóng phản đối của không chỉ lãnh đạo và nhân dân Cuba mà cả những tổ chức, cá nhân trên thế giới và ngay cả người Mỹ trên đất Mỹ. Fabio Leite, Phó giám đốc Văn phòng Truyền thông vô tuyến thuộc Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đã kịch liệt lên án hành động của Mỹ cho phát sóng phát thanh và truyền hình vào Cuba thông qua Radio Marti và TV Marti. Ông Leite khẳng định, hành động của Mỹ đã vi phạm các quy định của ITU về nội dung và chất lượng phát sóng phát thanh truyền hình trên băng tần thương mại quốc gia.

Hội nghị Truyền thông vô tuyến Thế giới ngày 15/11/2007 cũng ra tuyên bố hành động của Mỹ dùng sóng phát thanh và truyền hình tấn công vào Cuba là bất hợp pháp. Tuyên bố nêu rõ, việc phát sóng vô tuyến từ máy bay truyền thẳng vào lãnh thổ một quốc gia khác mà không có sự đồng ý của quốc gia đó là vi phạm các quy định chung về truyền thông vô tuyến".

Đã đến lúc nước Mỹ xem xét lại tính hợp pháp lẫn hợp lý của việc duy trì hoạt động 2 đài Marti. Nhiều năm qua, Quốc hội Mỹ đã nhiều lần xem xét lại tính hợp lý của 2 đài này. Trong báo cáo hàng năm, Quốc hội Mỹ luôn đưa ra các đánh giá tiêu cực về hoạt động cũng như nhân sự tại 2 đài này. Báo cáo mới nhất năm 2014 đã nêu ra nhiều phát hiện sai phạm, những bất hợp lý, lãng phí và mất cân đối tài chính, và kết luận dự án sử dụng các đài Marti đã thất bại. Đầu năm 2015, Hạ nghị sĩ Betty McCollum (đảng Dân chủ bang Minnesota) đã tái đề xuất dự luật nhằm hạn chế hoạt động của các đài Marti.

Khi tuyên bố thỏa thuận cải thiện quan hệ bang giao Mỹ - Cuba hồi tháng 1/2015, Chủ tịch Raul Castro cũng đã yêu cầu nước Mỹ đóng cửa 2 đài Marti như một điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Hai đài Marti giờ đây đang rất bấp bênh khi Nhà Trắng buộc phải chọn lựa giải pháp duy trì hay xóa sổ chúng để phục vụ cho mục tiêu ngoại giao chung.

An Tôn (tổng hợp)
.
.