Mỹ tiếp tục sử dụng máy bay U-20 do thám CHDCND Triều Tiên

Thứ Sáu, 16/03/2012, 15:35

Một mặt, Vẫn tỏ thiện chí bằng hành động "đổi lương thực lấy thỏa thuận hạt nhân" với CHDCND Triều Tiên, nhưng mặt khác, "không xem nó đang làm gì không xong" là tâm lý của Washington không chỉ đối với riêng CHDCND Triều Tiên. Vì vậy mà máy bay do thám Mỹ vẫn tiếp tục cất cánh từ căn cứ không quân Osan của Hàn Quốc, hướng lên phía Bắc.

Đến bây giờ, báo chí Mỹ mới công khai thừa nhận rằng, trong gần 40 năm qua, máy bay do thám U-2 vẫn là loại "cú vọ thép" tin cậy nhất mà chính quyền Mỹ sử dụng để do thám không chỉ CHDCND Triều Tiên mà còn nhiều quốc gia thuộc khối XHCN như Trung Quốc, Liên Xô (sau này là Nga),… Nói ra điều này, các cơ quan tình báo Mỹ không ngần ngại là bởi trên thế giới hiện giờ vẫn chưa có nước nào "cạnh tranh" được với nước Mỹ trong việc chế tạo máy bay do thám tinh xảo như U-2.

Theo báo chí Mỹ, việc do thám CHDCND Triều Tiên hiện nay là một yêu cầu bức thiết, do Washington không nắm được nhiều thông tin về ban lãnh đạo mới tại nước này. Trong khi đó, Mỹ lại đang có nhiều lựa chọn mới trong chính sách đối với CHDCND Triều Tiên. Hiện tại, quân đội Mỹ có 2 lựa chọn để sử dụng trong công tác do thám đất nước mà Mỹ cho là "bí hiểm nhất thế giới" - CHDCND Triều Tiên. Đó là sử dụng máy bay không người lái Global Hawk, hay là tiếp tục "xài đồ cũ" là máy bay do thám tầm cao U-2.

Xét về trình độ kỹ thuật, công nghệ thì rõ ràng U-2 không thể sánh được Global Hawk. Nhưng về công dụng và tiết kiệm chi phí thì U-2 vượt xa các máy bay do thám đời mới. Và chiếc máy bay U-2 mang biệt danh "Rồng cái" (Dragon Lady) là thứ mà tình báo Mỹ cho là "thích hợp" nhất cho công việc do thám tầm xa. Cái căn cứ Osan mà Hàn Quốc cho Mỹ mượn để làm căn cứ quân sự chống CHDCND Triều Tiên nằm cách không xa lắm khu phi quân sự (DMZ) Bàn Môn Điếm, khoảng 80 km. Hàng ngày, những chuyến bay do thám U-2 vẫn đều đặn cất cánh từ căn cứ Osan, và mỗi chuyến bay như thế có thể kéo dài đến 12 tiếng đồng hồ.

U-2 là loại máy bay do thám hiệu quả nhất của nước Mỹ trong Chiến tranh lạnh; nó được chế tạo nhằm mục đích duy nhất là do thám Liên Xô và khối XHCN kể từ năm 1960. Từ đó đến nay, danh tính các phi công lái máy bay U-2 do thám CHDCND Triều Tiên đều được giữ kín. Đại tá Deric, sĩ quan chỉ huy các chuyến bay do thám CHDCND Triều Tiên tại căn cứ Osan cho báo chí biết, ưu điểm lớn nhất của máy bay U-2 chính là khả năng do thám khi bay ở độ cao rất lớn, đến trên 20km. Thậm chí, giới chức tình báo Mỹ cho đến bây giờ vẫn tự tin cho rằng trình độ do thám của U-2 không chỉ hơn hẳn các loại phương tiện thông thường khác trên thế giới mà còn có những tiện lợi mà vệ tinh không có được.

Máy bay do thám U-2 cất cánh từ căn cứ Osan, Hàn Quốc thực hiện nhiệm vụ do thám CHDCND Triều Tiên.

Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ hiện đại phát triển như vũ bão hiện nay, U-2 đã trở thành loại máy bay do thám lạc hậu mà quân đội Mỹ buộc phải sử dụng mà không thể thanh lý. Có thông tin cho rằng, Mỹ đã nhiều lần sử dụng máy bay không người lái Global Hwak để do thám CHDCND Triều Tiên. Điều này đúng, nhưng chưa đủ và thực tế thì không chính xác. Quả thực theo các chỉ huy Mỹ ở căn cứ Osan, Hàn Quốc, máy bay không người lái Global Hawk sang do thám CHDCND Triều Tiên, nhưng đó chỉ là những chuyến bay mang tính chất thử nghiệm là chính, không phải là những điệp vụ đáng quan tâm.

Thông tin chính thống mới nhất từ ban lãnh đạo Lầu Năm Góc cho biết, U-2 sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ do thám trên bán đảo Triều Tiên ít nhất cho đến năm 2020. Global Hawk sẽ phải chờ khá lâu trước khi chính thức trở thành "người hùng" gián điệp trên không của Mỹ tại bán đảo Triều Tiên.

Và việc sử dụng U-2 cũng có không ít phiền toái. Điều mà giới phi công lái máy bay cho quân đội Mỹ bức xúc nhất chính là khả năng hạ cánh khó khăn của chiếc U-2. Do thiết kế quá cồng kềnh nên chiếc U-2 đã bị hạn chế bớt một số bộ phận của các máy bay thông thường. Chẳng hạn, để cho nhẹ bớt, máy bay dễ dàng hoạt động ở độ cao trên 20km, chiếc U-2 đã được thiết kế bộ phận bánh xe ở 2 cánh tự động tách rời và rơi ra khỏi máy bay khi cất cánh.

Điều này có nghĩa là khi hạ cánh, chiếc máy bay chỉ cón 2 bộ bánh để tiếp đất. Kiểu hạ cánh trong tình trạng này được giới phi công quân sự Mỹ tại Hàn Quốc mô tả là "hạ cánh cứng", trong đó căn cứ phải cử 2 chiếc xe đặc dụng màu trắng chạy theo máy bay đang hạ cánh với tốc độ trên 200km/h đồng thời liên tục liên lạc với phi công để ráp bánh xe vào cho máy bay. Quả là một công việc mạo hiểm và phiêu lưu, như làm xiếc. Vậy mà việc đó đã diễn ra tại căn cứ Osan gần 40 năm nay.

Hiện tại, Không quân Mỹ đang vận hành 31 chiếc U-2, Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) vận hành 2 chiếc. Ngoài ra, U-2 còn được sử dụng tại các căn cứ không quân Mỹ ở đảo Síp và Tây Nam Á (Thổ Nhĩ Kỳ). Từ năm 1994, chỉ tính riêng tại bán đảo Triều Tiên, quân đội Mỹ đã chi gần 2 tỉ USD để tân trang hoặc sửa chữa những chiếc máy bay hỏng hóc nhằm tiếp tục tận dụng chúng cho những chuyến bay do thám khi cần thiết.

Dù sao thì đối với người Mỹ, chi phí vận hành và sửa chữa các máy bay do thám U-2 cũng đỡ tốn kém hơn là chuyển sang sử dụng máy bay không người lái Global Hawk, vì theo một sĩ quan tình báo Mỹ phụ trách hoạt động do thám CHDCND Triều Tiên, thời điểm hiện tại chưa cho phép tình báo Mỹ chuyển sang sử dụng Global Hawk. Nhưng từ năm 2015 trở đi, tình hình sẽ khác

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.