Mỹ tiết lộ danh sách mục tiêu tấn công hạt nhân thời Chiến tranh lạnh

Thứ Sáu, 01/01/2016, 12:05
Lần đầu tiên, một loạt tài liệu mật thời Chiến tranh lạnh được “ém kỹ” trong Kho lưu trữ quốc gia vừa được Cục Lưu trữ Quốc gia (NARA) giải mật và công bố theo yêu cầu quyết liệt của Cơ quan Lưu trữ An ninh Quốc gia (NSA) của Mỹ. Trong các tài liệu mật này, đáng chú ý nhất là bản danh sách hàng trăm mục tiêu dự định sẽ ném bom hạt nhân mà Washington nhắm sẵn, nằm trong lãnh thổ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Tập tài liệu vừa giải mật dày đến 800 trang giấy, được đóng dấu "Tối mật", trong đó là bản danh sách mục tiêu ném bom có tên gọi "Nghiên cứu các yêu cầu vũ khí hạt nhân cho năm 1959", được trình bày trên khổ giấy rộng, do Bộ Chỉ huy Không quân chiến lược soạn thảo vào năm 1956. Bản danh sách liệt kê ra hàng ngàn mục tiêu quan trọng nằm trong các thành phố lớn của Liên Xô và khối Đông Âu, bao gồm 179 mục tiêu ở Moscow, 145 mục  tiêu ở Leningrad (nay là St. Petersburg) và 91 mục tiêu ở Đông Berlin (thuộc CHDC Đức).

Các mục tiêu này được gọi chung bằng mật danh gồm 3 ký tự viết tắt là DGZ, tức "khu vực xóa sạch định sẵn", có nghĩa là các vị trí mục tiêu này sẽ phải bị hủy diệt toàn bộ và có hệ thống. Chúng được xác định một cách đại khái, được đánh mã số theo từng vị trí. Còn chi tiết về địa chỉ và tên gọi của từng vị trí đó thì hiện vẫn còn nằm trong hồ sơ mang tên "Bách khoa toàn thư ném bom" (Bombing Encyclopedia) chưa được giải mật.

Một sân bay quân sự thời chiến tranh lạnh ở Leningrad, nay đã trở thành di tích.

Hầu hết các mục tiêu đưa vào danh sách là những cơ sở sản xuất công nghiệp, các tòa nhà chính phủ hay cơ sở quân sự. Nhưng rùng rợn hơn, bên cạnh các mục tiêu đó mỗi thành phố lớn còn có một vài mục tiêu dân sự được ký hiệu là "Dân cư", tức là các điểm tập trung đông dân cư. Thời cao điểm Chiến tranh lạnh, các mục tiêu căn cứ không quân, sân bay quân sự là những mục tiêu chiến lược quan trọng. Trong danh sách, Mỹ nhắm đến 1.100 mục tiêu sân bay quân sự của Liên Xô và khối XHCN Đông Âu nhằm hủy diệt các máy bay ném bom của khối này. Do nhiều căn cứ không quân và trung tâm chỉ huy nằm trong khu vực đông dân cư nên khi triển khai có khả năng gây ra nhiều thương vong cho dân thường.

Tên lửa hạt nhân B61 được Mỹ triển khai ở châu Âu nhằm "bao vây" Liên Xô.

Bản danh sách được lập ra vào thời điểm trước khi hai siêu cường Mỹ và Liên Xô chế tạo được tên lửa liên lục địa và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm. Thời đó, máy bay ném bom vẫn còn là vũ khí chiến lược duy nhất mà mỗi bên đều có để sử dụng cho việc ném bom hạt nhân. Xét về hỏa lực hạt nhân thì thời đó Mỹ tỏ ra vượt trội hơn Liên Xô; vào thời điểm 1959, Mỹ có kho vũ khí hạt nhân khoảng 20.000 quả bom, lớn gấp 10 lần Liên Xô. Thời điểm đó, các nhà hoạch định quân sự Mỹ muốn "bao vây" Liên Xô bằng các căn cứ máy bay ném bom, để khi có chiến tranh, bộ sậu chiến tranh Mỹ sẽ áp dụng chiến lược "đi đến đâu, ném bom đến đó", nghĩa là, trên đường bay đến ném bom các thành phố lớn nhất của Liên Xô, các máy bay sẽ ném bom hàng loạt các mục tiêu trên đường đi.

Giới nghiên cứu lịch sử cũng như giới chuyên môn an ninh thế giới đặc biệt chú ý đến hàng trăm mục tiêu được đánh mật danh "Dân cư", bởi nó liên quan đến sinh mạng dân thường trong mọi cuộc chiến tranh. Họ bày tỏ sự bất bình khi nhìn thấy những mục tiêu này, vì nó thể hiện tính tàn ác, hủy diệt nhân loại của bộ máy chiến tranh Mỹ. Nguyên tắc tránh gây thương vong cho dân thường đã có từ trước Thế chiến I, và tiếp tục được giữ nghiêm ngặt trong Thế chiến II và cuộc chiến tranh sau này.

Tên lửa hạt nhân chiến lược Titan II.

Trong cuộc chiến chống IS hiện nay, các liên quân do Mỹ, Nga và Arập Xêút đứng đầu đều quan tâm đến việc phải hết sức tránh gây thương vong cho dân thường, lấy đó làm tiêu chuẩn, làm "điểm dừng" cần thiết cho hoạt động không kích. Sở dĩ cho đến nay Mỹ vẫn chưa dám mạnh tay ném bom "kinh đô" của IS ở thành phố Raqqa, miền Bắc Syria, là vì nơi đây tập trung rất đông dân cư, sẽ khó tránh khỏi "tai nạn" làm chết nhiều dân thường.

Giới chuyên gia cho rằng, các mục tiêu "Dân cư" trong bản danh sách mục tiêu phản ánh một nguyên tắc sử dụng vũ khí hạt nhân, mang tính chất răn đe cao, đe dọa hủy diệt các thành phố lớn. Theo tính toán của các nhà hoạch định chiến tranh Mỹ, đòn tấn công nhắm vào dân thường được xem là cách đánh vào tâm lý của đối phương, làm cho nội bộ đối phương mất tinh thần, tạo ra sự nổi dậy hay đầu hàng, và có thể dẫn đến chấm dứt sớm cuộc chiến. Vì thế, việc ném bom dân thường trên diện rộng đôi khi được bảo vệ trên cơ sở nhân đạo, ngay cả sau các vụ ném bom xăng ở Tokyo (Nhật Bản) và Dresden (CHDC Đức), và 2 quả bom hạt nhân ở Hiroshima và Nagasaki. Khi hai siêu cường đối đầu nhau, với nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân rất cao, trong đó có một bên thắng thế hơn bên kia, thì con số thương vong dân thường có thể lên đến hàng triệu người.

Để có được tập tài liệu giải mật nêu trên, ông William Burr - nhà phân tích cao cấp, chuyên gia về vũ khí hạt nhân tại NSA (trực thuộc Đại học George Washington) - đã phải đấu tranh kiên trì yêu cầu NARA giải mật, công bố nó từ năm 2006. Giới chuyên gia đánh giá, danh sách mục tiêu ném bom hạt nhân của Mỹ là một "sự thật kinh hoàng" về các tính toán kế hoạch chiến tranh của nước Mỹ thời Chiến tranh lạnh.

Tờ Sputnik News của Nga dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nhận xét rằng, bộ máy hoạch định chính sách quốc phòng Mỹ thời Chiến tranh lạnh đã lừa dối Chính phủ và công chúng Mỹ trong việc vạch ra danh sách mục tiêu khủng khiếp này, và chính họ đã suýt "đẩy thế giới loài người vào chỗ diệt vong theo cách không thể ngu ngốc hơn". Và việc tiết lộ chúng vào thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng, nó nhắc mọi người nhớ và cảnh giác với nguy cơ đối đầu hạt nhân vẫn có thể xảy ra, khi các điểm nóng đối đầu Đông - Tây vẫn còn đang diễn ra.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.