Mỹ truy nã doanh nhân Trung Quốc vì tội giúp “đối thủ” chế tạo tên lửa

Thứ Hai, 30/06/2014, 15:25

Cuối tháng 4 vừa qua, chính quyền Mỹ thông báo số tiền thưởng lên đến 5 triệu USD cho cá nhân, tổ chức nào cung cấp thông tin để bắt giữ doanh nhân người Trung Quốc Li Fangwei, hay Karl Lee - một trong những đối tượng bị truy nã gắt gao nhất hành tinh.

Theo cáo trạng, Karl Lee là "người đóng góp quan trọng" trong suốt nhiều năm cho chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của một nước Trung Đông. Với sự trợ giúp của Li, Bộ Quốc phòng nước này sở hữu được các kim loại cực bền có thể sử dụng để chế tạo tên lửa đạn đạo và máy ly tâm dùng trong chương trình làm giàu uranium. Số tiền thưởng được đánh giá là lớn chưa từng có trong những nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm ngăn chặn các chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD).

Li Fangwei, 42 tuổi, và các công ty của ông ta từng bị chính quyền Mỹ trừng phạt nhiều lần. Nếu bị buộc tội, Li Fangwei có thể lãnh mức án tổng cộng cho rất nhiều tội danh là 50 năm tù!

Sử dụng nguồn thông tin từ chính quyền Mỹ, Trung Quốc và các cơ sở dữ liệu thương mại, cuộc nghiên cứu thuộc Dự án Alpha của Đại học King's College London đã lập ra bản đồ chi tiết về mọi hoạt động phi pháp của Li Fangwei. Theo cuộc nghiên cứu, Li không chỉ đóng vai trò một người trung gian mà còn mở rộng các lợi ích kinh doanh của mình trong sản xuất chế tạo các công nghệ nhạy cảm.

Theo các công tố viên Mỹ, từ năm 2004, Li Fangwei đã liên kết với khoảng từ 12 đến 26 công ty mà phần lớn trong số đó là công ty bình phong để chuyển giao một lượng đáng kể các nguyên liệu nhạy cảm cho chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của một nước Trung Đông, thách thức các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Ngoài các hợp kim cực bền và graphite, chính quyền Mỹ còn lo ngại Li có thể sản xuất và xuất khẩu sang nước này công nghệ khác, bao gồm các thiết bị dẫn hướng cho tên lửa.

Công ty đầu tiên của Li Fangwei - LIMMT Economic & Trade Company, Ltd ("LMMT") - thành lập năm 1998 và bị Mỹ trừng phạt năm 2004. Sau đó, Li tiếp tục thành lập khoảng hơn chục công ty khác đặt trụ sở trong và ngoài thành phố cảng công nghiệp Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh, miền Đông Trung Quốc. Có lẽ do bị chính quyền Trung Quốc ngăn cấm thành lập nhiều công ty mang tên mình từ năm 2008, Li Fangwei sau đó đã sử dụng nhiều tên khác nhau để tranh thủ giấy phép kinh doanh. Do đó, việc xác định chính xác con số và tên gọi của mỗi công ty của Li là cực kỳ khó khăn - cáo trạng mới nhất của Mỹ bao gồm tên 26 công ty.

Việc không thể kiềm chế được Li - hay không thể lôi người này ra tòa án - đã phản ảnh những mối phức tạp to lớn và xung đột lợi ích xung quanh Chương trình WMD của các "đối thủ" trong tầm ngắm của chính quyền Mỹ. Thật ra, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cố gắng yêu cầu Bắc Kinh giúp ngăn cản hoặc truy nã  Li từ thời chính quyền của Tổng thống George W. Bush nhưng không thành công. Trong khi đó, vào tháng 2/2013, Li tuyên bố với phóng viên Hãng tin Reuters rằng ông ta không hề vi phạm bất cứ luật nào và cũng không còn ký kết đơn đặt hàng từ nước ngoài!

Tuy nhiên, theo bài báo mới đây về hoạt động kinh doanh của Li Fangwei của hai chuyên gia phân tích tình báo Anh Daniel B. Salisbury và Ian J. Steward ở Trung tâm Nghiên cứu khoa học và an ninh London, cáo trạng buộc tội Li Fangwei là "dấu hiệu cho thấy chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục không thỏa mãn trước những phản ứng nhận được từ phía Bắc Kinh".

David Albright - cựu thanh tra vũ khí và người sáng lập Viện Khoa học và An ninh quốc tế (ISIS) - nhận định: Thái độ thiếu hợp tác từ phía Trung Quốc trong việc ngăn chặn  mọi hoạt động phi pháp của Li Fangwei đã cho thấy chính quyền nước này sẵn sàng khoan dung cho hành vi tội phạm vi phạm nghiêm trọng các lệnh trừng phạt của LHQ.

Li Fangwei được cho là đã sử dụng các công ty bình phong của mình để thực hiện 165 cuộc giao dịch trị giá 8,5 triệu USD ở Mỹ từ năm 2006 cho đến nay. Theo các công tố viên Mỹ, Li bán cho một công ty Mỹ chưa được xác định 20 tấn graphite. Li cũng chuyển tiền vào và từ các tài khoản ở ít nhất 6 ngân hàng đặt tại New York - bao gồm Citibank, Morgan Chase, American Express Bank, Wells Fargo, Bank of America và Ngân hàng Trung Quốc.

Trong một văn bản ngoại giao tháng 9/2009, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chỉ trích "một sự thiếu ý chí chính trị nơi nhà cầm quyền Trung Quốc" đối với vụ án doanh nhân Li Fangwei. Bà Hillary Clinton nói rõ: Một bộ phận giới lãnh đạo Trung Quốc "có lẽ vẫn tiếp tục đánh giá hành vi chuyển giao liên quan đến tên lửa đạn đạo không nguy hiểm bằng hoạt động chuyển giao liên quan đến vũ khí hạt nhân, hóa học hay sinh học".

Sau khi Mỹ, Trung Quốc cùng với các cường quốc khác áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn hơn đối với quốc gia Trung Đông trên vào năm 2009, Li Fangwei liền rút vào làm ăn bí mật. Năm 2011, Li được cho là đã tiếp đón vài vị khách Trung Đông ở khu nhà máy của ông ta, nơi chế tạo thiết bị sản xuất sợi tổng hợp aramid có độ bền ngang với thép được dùng trong tên lửa đạn đạo và thiết bị ly tâm. Từ năm 2010 đến 2013, Li Fangwei nhiều lần bay đến nước này để xúc tiến những giao dịch thương mại.

Theo điều tra của chính quyền Mỹ, Li Fangwei cung cấp các sản phẩm kim loại tiêu chuẩn quốc tế bị LHQ ngăn cấm. Năm 2012, Li chuyển giao cho "khách hàng Trung Đông" 20.000kg ống thép và 1.300 ống hợp kim nhôm

Diên San (tổng hợp)
.
.