Mỹ từng âm mưu tấn công hạt nhân Trung Quốc

Thứ Tư, 03/10/2018, 15:34
60 năm trước, thế giới từng đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc chiến tranh hạt nhân đúng vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc xung đột liên quan đến một số quần đảo tranh chấp giữa chính quyền Trung Quốc với chế độ thân Mỹ của Tưởng Giới Thạch tại Đài Loan.

Nhưng đúng vào những thời khắc cuối cùng trước nguy cơ hủy diệt của nhân loại, cuộc chiến đã được đẩy lùi nhờ sự nhượng bộ của cả hai bên cũng như đóng góp không nhỏ của Liên Xô.

Ngày 1-5-1950, cuộc trường chinh của Trung Quốc về cơ bản đã chấm dứt. Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản đã chiến thắng và giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ lãnh thổ, đẩy quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch ra tận đảo Đài Loan. Chính tại đây, Tưởng Giới Thạch thành lập ra nước Cộng hòa Trung Hoa như một cách không công nhận với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại đại lục.

Tranh vẽ thể hiện nỗi ám ảnh đối với vũ khí hạt nhân.

Quốc dân đảng cuối cùng chỉ có thể ngăn chặn làn sóng tấn công ào ạt của PLA tại khu vực quần đảo Kim Môn. Điều này cho phép Tưởng Giới Thạch tránh được thất bại cuối cùng, cũng như củng cố được lực lượng tại hai quần đảo lớn tại khu vực vịnh Đài Loan là Kim Môn và Mã Tổ.

Vấn đề là ở chỗ hai quần đảo này có vị trí khá xa so với Đài Loan, trong khi lại nằm ngay sát với đại lục. Đối với Tưởng Giới Thạch, đây được coi là hai pháo đài quan trọng ở tuyến đầu chống lại PLA. Còn đối với Chủ tịch Mao Trạch Đông, hai quần đảo này là những bàn đạp nguy hiểm để phe Quốc dân đảng có thể tấn công vào đất liền. Người Mỹ - dù trên thực tế vẫn ủng hộ Tưởng Giới Thạch và không thừa nhận chính quyền cộng sản – nhưng sau cuộc nội chiến đã công khai tuyên bố, họ không can thiệp vào cuộc xung đột tại vùng vịnh Đài Loan giữa hai bên.

Ông Tưởng Giới Thạch trong một cuộc duyệt binh vào năm 1952.

Mọi chuyện đã thay đổi, sau khi cuộc chiến Triều Tiên bùng phát vào giữa năm 1950. Ngày 25-6, quân đội CHDCND Triều Tiên với sự hỗ trợ của Liên Xô đã tấn công vào chính phủ thân phương Tây ở phía nam. Washington lấy cớ đây là cuộc tấn công của toàn bộ phe cộng sản đối với “thế giới tự do” nên đã tuyên bố chính thức đứng ra đảm bảo tính chất trung lập tại khu vực vịnh Đài Loan. Ngay sau đó, các tàu chiến thuộc hạm đội 7 đã được điều tới khu vực các quần đảo tranh chấp. Đài Loan từ thời điểm này đã nằm hoàn toàn trong lá chắn bảo vệ của Washington.

Tưởng Giới Thạch từ lâu vẫn không thể hài lòng với phần lãnh thổ nhỏ bé còn lại tại đảo Đài Loan. Ông ta vẫn ấp ủ tham vọng có thể giành lại toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc từ chính quyền cách mạng. Tuy nhiên chính quyền của Tổng thống Mỹ Harry Truman vẫn duy trì chính sách kiềm chế tham vọng trên của đồng minh, dù phải chịu không ít chỉ trích từ phía những phần tử chống cộng điên cuồng trong chính phủ.

Đến năm 1952, một cựu tướng lĩnh quân đội từ phe cộng hòa là Dwight Eisenhower lên nắm quyền tại Mỹ với những chính sách đối đầu hiếu chiến. Ông ta ra lệnh cho Hạm đội 7 phong tỏa chặt vùng vịnh Đài Loan, cho phép quân của Tưởng Giới Thạch tấn công đối phương.

Quốc dân đảng bắt đầu bố trí lại, tăng cường lực lượng rầm rộ tại các bàn đạp của mình: điều thêm 58 ngàn quân tới Kim Môn và 15 ngàn quân tới Mã Tổ. Các cứ điểm quân sự tại đây cũng được xây dựng và củng cố nhanh chóng. Đáp trả những động thái mới này, PLA tổ chức pháo kích hàng loạt vào những vị trí trọng yếu trên các đảo. Bắc Kinh cũng tuyên bố cần phải giải phóng Đài Loan. Về phần mình, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu trao quyền cho Eisenhower bằng mọi giá phải bảo vệ Đài Loan. Bộ tham mưu liên quân Mỹ nhanh chóng xây dựng và trình phê duyệt về một kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại quân cộng sản tại đại lục.

Ông Tưởng Giới Thạch thị sát một tiểu đoàn xe tăng từng tham gia chiến đấu tại Kim Môn.

Bất chấp việc Thủ tướng Winston Churchill của Anh và các đồng minh khác trong NATO đã ra sức can ngăn, nhưng Eisenhower vẫn công khai đe dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần thiết. Dù sao cả hai bên cuối cùng đã biết kiềm chế khi đồng ý ngồi vào bàn đàm phán. Cuộc xung đột tạm chấm dứt với việc hai bên cam kết rút quân, giữ nguyên hiện trạng vào thời điểm năm 1955. Cũng từ cuộc xung đột này, Bắc Kinh trước mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ đã quyết tâm tập trung mọi nguồn lực để nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân cho riêng mình. Cuộc chiến đã tạm dừng nhưng trên thực tế vẫn đang âm ỉ chờ thời điểm bùng phát.

Cũng cần nói thêm, Eisenhower đã cố gắng thuyết phục Tưởng Giới Thạch từ bỏ những quần đảo trên với lý do chúng quá gần với đại lục, sẽ đặc biệt khó khăn để có thể bảo vệ một cách hiệu quả. Nhưng với thái độ cương quyết của Tưởng, người Mỹ đã buộc phải chiều theo quyết định của ông ta. Washington giờ đây quyết định tập trung bổ sung vũ khí trang bị cho đồng minh: chuyển tới các máy bay tiêm kích, máy bay đánh chặn, các tên lửa có cánh Matador với đầu đạn hạt nhân.

Trong khuôn khổ chiến dịch có tên “Ma thuật đen”, Mỹ còn trang bị cho các máy bay tiêm kích F-86 Sabre của không quân Đài Loan loại vũ khí hiện đại nhất vào thời điểm bấy giờ - tên lửa không đối không tự điều khiển Sidewinder. Điều này giúp cho không quân Đài Loan có được ưu thế đáng kể so với những chiếc MIG-16 và MIG-17 có trong trang bị của không quân Trung Quốc. Chưa kể Mỹ còn chuyển cho Đài Loan 12 khẩu lựu pháo 203mm và rất nhiều pháo 155mm với sức công phá được đánh giá là hủy diệt đối với các mục tiêu dọc bờ biển đại lục.

Máy bay F-86 Sabre của Đài Loan trang bị tên lửa Sidewinder của Mỹ giúp cho chúng có được ưu thế đáng kể trong các trận không chiến tại Vịnh Đài Loan.

Tình hình có những chuyển biến căng thẳng mới từ năm 1958, khi Bắc Kinh bắt đầu chương trình “Đại nhảy vọt”. Trong khi Liên Xô vẫn duy trì chính sách tồn tại hòa bình với phương Tây được lãnh tụ Iosif Stalin tuyên bố từ năm 1952 và tiếp tục được củng cố dưới thời ông Nikita Khrutsev. Trung Quốc về phần mình đã công khai phản đối chính sách này, khiến cho mối quan hệ giữa hai nước lớn trong phe XHCN trở nên căng thẳng.

Ngay sau khi kết thúc chuyến thăm của ông Khrutsev tới Bắc Kinh, Trung Quốc mở đầu cuộc xung đột mới bằng hàng loạt pháo cấp tập vào các quần đảo sát lục địa của Đài Loan. Đó là lý do khiến Liên Xô không công khai ủng hộ đồng minh của mình ngay từ đầu. Moscow chỉ thực sự vào cuộc sau khi Bắc Kinh khẳng định những đòn pháo kích trên không phải là tiền đề cho một cuộc tấn công quy mô lớn.

Tổng bí thư Khrutsev gửi cho Eisenhower một lá thư, trong đó cảnh báo việc Mỹ tấn công Trung Quốc được coi như họ tấn công chính Liên Xô. Trong thâm tâm, Moscow không hề muốn dính líu vào một cuộc đối đầu hạt nhân thực sự với Washington, mà chỉ muốn ủng hộ và bảo vệ cho Bắc Kinh trước nguy cơ này. Mỹ về phần mình đã cam kết triển khai tất cả những biện pháp có thể để bảo vệ Đài Loan.

Đài Loan tìm cách đáp trả bằng những trận chiến trên không, nơi họ có được ưu thế đáng kể nhờ những tên lửa hiện đại của Mỹ. Cuộc chiến tiếp tục leo thang với hàng trăm người thiệt mạng của cả hai bên. Kết quả là Bộ Tham mưu liên quân Mỹ tiếp tục đệ trình những kế hoạch tấn công hạt nhân cụ thể mới nhằm vào Quảng Châu, Thượng Hải và Nam Kinh. Eisenhower tuyên bố, Mỹ sẽ không dừng bước và sẵn sàng triển khai mọi biện pháp có thể để ngăn chặn “cuộc xâm lược vũ trang” của đại lục.

Cuộc xung đột đã đến ngưỡng cực kỳ nguy hiểm khi tranh chấp về các quần đảo nhỏ có thể trả giá bằng sự sống của cả hành tinh. Moscow bắt buộc phải triển khai tất cả những biện pháp ngoại giao cứng rắn đối với đồng minh của mình. Nhờ đó, tiếng súng tại vịnh Đài Loan đã tạm thời kết thúc, trước khi Bộ trưởng Ngoại giao Chu Ân Lai đề xuất khôi phục đàm phán với phía Mỹ. Cuộc xung đột vũ trang kéo dài suốt một tháng đã kết thúc với thỏa thuận của hai bên cùng quay lại ranh giới ban đầu.

Bắc Kinh rút ra kết luận, kho vũ khí hạt nhân của Moskva sẽ giúp bảo vệ họ trước nguy cơ bị Mỹ tấn công. Tuy nhiên Liên Xô có thể sẽ không đứng sau lưng Trung Quốc nếu như họ là bên gây chiến. Chính vì vậy, họ càng quyết tâm hơn trong kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình. Do không muốn sa vào một cuộc chiến với Mỹ chỉ vì vài hòn đảo nhỏ, Liên Xô đã từ bỏ Hiệp ước hợp tác với Trung Quốc, xem xét lại việc chuyển giao các công nghệ hạt nhân và triệu hồi các chuyên gia về nước. Tuy nhiên, Bắc Kinh khi đó đã có đủ những hỗ trợ cần thiết để tự mình đi tiếp: vụ thử hạt nhân đầu tiên của họ diễn ra vào năm 1964.

Liên quan đến các quần đảo tranh chấp, cả hai bên vẫn tiếp tục bắn pháo sang nhau cho đến năm 1979, thời điểm Trung Quốc và Mỹ ký hiệp ước bình thường hóa quan hệ. Chỉ có điều những cuộc pháo kích về sau mang tính chất khá đặc biệt: hai bên cách ngày bắn sang các đầu đạn có chứa truyền đơn.

Đối với người dân tại Kim Môn, những đầu đạn bắn sang được họ tái chế lại hoặc sử dụng làm đồ lưu niệm. Vào năm 2015, một chiếc rìu nhỏ lưu niệm này đã được tặng cho một quan chức phụ trách các vấn đề Đài Loan của đại lục trong chuyến viếng thăm của ông tới đây, như một dấu hiệu bày tỏ mong muốn những xung đột trong quá khứ sẽ được chôn vùi hoàn toàn.

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.