Mỹ từng lên kế hoạch xâm chiếm Canada vao năm 1936?

Thứ Hai, 18/08/2008, 18:15
Là hai quốc gia láng giềng ở Bắc châu Mỹ, Mỹ và Canada có chung đường biên giới dài 8.891km từ đông sang tây. Đây được xem là đường biên giới phi quân sự dài nhất thế giới. Ngày nay, tuy hai quốc gia đang sống trong hòa bình và thân hữu, nhưng trong quá khứ đã có 2 lần Mỹ từng toan tính xâm chiếm Canada.

Vào năm 1994, Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ lần đầu tiên đã cho công khai một hồ sơ đóng dấu mật dày 400 trang liên quan đến một kế hoạch quân sự có tên gọi “Kế hoạch Đỏ - Tác chiến phối hợp giữa hải quân và bộ binh” (JANBWP-R).

Toàn bộ hồ sơ này khi được đăng tải đầy đủ trên báo The Washington Post không chỉ thu hút sự quan tâm của dư luận Mỹ mà còn khiến người dân Canada phải bàng hoàng, bởi vì đó chính là một kế hoạch quân sự quy mô của Mỹ nhằm xâm chiếm Canada.

Năm 1933, khi trùm phát xít Adolf Hitler lên nắm quyền tại Đức và không giấu giếm ý đồ bành trướng chế độ phát xít khắp châu Âu. Ý đồ bá quyền này của Hitler đã khiến Chính phủ Mỹ lo ngại là một khi thôn tính xong châu Âu, Hitler chắc chắn sẽ tìm cách tấn công nước Mỹ để chiếm giữ nguồn tài nguyên phong phú và cả ngành kỹ nghệ phát triển của Mỹ.

Và bàn đạp để Hitler xua quân xâm chiếm Mỹ chính là Canada. Ngoài ra, Mỹ còn một lo ngại lớn khác, đó là việc để tranh giành các quyền lợi kinh tế và giao thương quốc tế với Mỹ, nước Anh, một đế quốc hùng mạnh trên thế giới sẵn sàng thôn tính Mỹ bằng cách lấy Canada, vốn là một lãnh thổ thuộc đế quốc Anh tại Bắc Mỹ, làm bàn đạp để tấn công chiếm đóng và khuất phục  Mỹ.

Vì vậy, vào tháng 10/1935, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đã triệu tập một cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia đặc biệt để thảo luận về việc triển khai một chiến dịch quân sự quy mô nhằm chiếm đóng Canada đề phòng các cuộc tấn công nước Mỹ hoặc của Đức Quốc xã hoặc của đế quốc Anh. Bộ Quốc phòng Mỹ được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tác chiến này.

 Đến năm 1936, sau hơn một năm chuẩn bị, Bộ Quốc phòng đã trình lên Hội đồng An ninh quốc gia một kế hoạch quân sự có tên gọi Kế hoạch Đỏ-Tác chiến phối hợp giữa hải quân và bộ binh (JANBWP-R).

Tại phần 1  của kế hoạch quân sự này, Mỹ sẽ sử dụng hàng trăm tàu chiến để phong tỏa toàn bộ bờ biển Canada ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, trong đó tập trung chiếm đóng thành phố cảng Halifax ở cực đông bắc Canada để cắt đứt tuyến hàng hải nối liền Canada với châu Âu.

Trên vùng biển Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ sẽ phong tỏa chặt các thành phố cảng VancouverVictoria. Tại phần 2 của kế hoạch JANBWP-R, 500.000 lính bộ binh được sự yểm trợ của xe tăng và máy bay chiến đấu sẽ đồng loạt tấn công vào lãnh thổ Canada.

Mục tiêu đầu tiên là tiến về miền Trung Canada để chiếm giữ các vùng mỏ nicken ở bang Ontario. Cũng theo kế hoạch này, quân đội Mỹ sẽ chiếm giữ và phong tỏa xa lộ 99 nối liền các thành phố miền Đông và miền Tây Canada. Một khi đã chiếm đóng và kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ Canada, Chính phủ Mỹ sẽ tiến hành sáp nhập bắt buộc Canada vào nước Mỹ.

Để chuẩn bị triển khai kế hoạch chiếm đóng quy mô này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cho xây dựng một số sân bay quân sự dọc theo biên giới Mỹ-Canada được ngụy trang thành những sân bay dân sự.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng còn cho đóng mới nhiều tàu chiến, tàu chuyển quân và mở các cuộc tập trận tại bang Washington ở vùng tây bắc và bang Maine ở vùng đông bắc giáp giới với Canada.

Tuy nhiên, kế hoạch xâm chiếm Canada của Mỹ đành phải xếp lại khi Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ tại châu Âu vào tháng 9/1939 với việc Đức Quốc xã xua quân xâm chiếm Ba Lan.

Cho rằng Anh sẽ trở thành một trong những quốc gia châu Âu bị thôn tính bởi Đức Quốc xã nên không còn khả năng tấn công Mỹ qua ngả Canada và cách tốt nhất để chống lại các cuộc tấn công nếu có của Đức Quốc xã vào lãnh thổ Mỹ là hợp tác với các quốc gia châu Âu, trong đó có Anh, để giáng trả lại Đức Quốc xã.

Đây chính là lý do khiến Tổng thống Roosevelt quyết định đình hoãn vô thời hạn kế hoạch xâm chiếm Canada.

Tuy nhiên, JANBWP-R không phải là kế hoạch xâm chiếm Canada duy nhất của Mỹ. Cũng theo tiết lộ của báo The Washington Post, vào năm 2002, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ dưới sự chủ trì của Tổng thống George W.Bush đã có một cuộc họp quan trọng để bàn về một kế hoạch tấn công bằng quân sự để chiếm đóng các nguồn nước của Canada vì trước đó phía Canada đã bác bỏ  các kế hoạch mua nước ngọt của Chính phủ Mỹ.

Do sự biến đổi của khí hậu trái đất và do người dân Mỹ có thói quen sử dụng nước phung phí nên Mỹ bị thiếu hụt nguồn nước một cách nghiêm trọng, trong khi đó quốc gia láng giềng Canada lại dư thừa nguồn nước. Không còn cách nào khác, Mỹ buộc phải thương lượng để mua lại nguồn nước dồi dào của Canada.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã gặp phản ứng dữ dội không chỉ của dân chúng, các nhà khoa học mà cả từ chính quyền một số bang. Họ lập luận rằng nước là nguồn tài nguyên quan trọng và chiến lược của quốc gia nên không thể nào bán được.

Trước tình hình mang tính sống còn này, chính phủ của Tổng thống Bush đã lên kế hoạch tấn công quân sự chớp nhoáng để chiếm hữu các nguồn nước quan trọng của Canada như các hồ thuộc Ngũ Đại Hồ sát biên giới các bang đông bắc của Mỹ và Canada, các hồ nước ngọt ở các bang Manitoba, British Columbia, Alberta và Sakatchewan của Canada.

Tại các vùng bị chiếm đóng, Mỹ sẽ cho xây dựng các trạm bơm và hệ thống ống dẫn nước hoạt động ngày đêm để chuyển nước về Mỹ. Các tàu vận chuyển nước được thiết kế như tàu dầu cũng tham gia vận chuyển nước từ Canada về Mỹ.

Tuy nhiên, cuối cùng kế hoạch chiếm giữ các nguồn nước quan trọng của Canada của Mỹ cũng bị đình chỉ vô thời hạn khi vào tháng 6/2003, Mỹ và Canada đạt được một thỏa thuận về phân chia và cung cấp nguồn nước ngọt

V.H.(theo The Washington Post Archives)
.
.