Mỹ từng sử dụng điệp viên đa nhân cách định ám sát Chủ tịch Fidel Castro

Thứ Bảy, 21/10/2006, 08:00

Đó là thông tin mới được một cựu nhân viên của KGB là Aleksander Borisovich  tiết lộ cho phóng viên tờ Sự thật thanh niên của Nga. Borisovich từng là một nhân chứng tham gia quá trình “giải mã” tiềm thức của một điệp viên cảm tử được tung vào Cuba với âm mưu ám sát Chủ tịch Fidel Castro.

Theo cựu quan chức này, phía Mỹ đã triển khai các chương trình nghiên cứu “lập trình tâm lý” cho con người ngay từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Trước đó, giới lãnh đạo Liên Xô cũng như KGB chủ yếu quan tâm đến vấn đề hoàn thiện vũ khí hạt nhân của người Mỹ, vốn được coi là mối đe dọa chính đối với hệ thống xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới. Trong khi những tìm tòi phát hiện trong lĩnh vực nhận thức của con người chỉ được nhìn nhận như là những trò giả khoa học.

Nhưng các quan chức KGB đã phải nhìn nhận lại quan điểm của mình sau một sự kiện hồi giữa những năm 60, khi tại Cuba đã bắt giữ được một kẻ có tên Juan Angelo Costanero, bị nghi ngờ tham gia vào một tổ chức âm mưu lật đổ chế độ Cộng sản trên hòn đảo này. Các chuyên gia từ KGB (dưới vai trò các cố vấn an ninh tại Cuba) trong quá trình thẩm vấn Costanero đã chú ý tới những điểm lạ lùng trong hành vi của hắn ta, nhiều lúc có những xử sự như một kẻ điên dại.

Thế là tên tội phạm đáng ngờ này được đưa lên một chiếc máy bay vận tải quân sự về Liên Xô, nơi hắn trở thành đối tượng nghiên cứu của cả một đội ngũ các chuyên gia tâm lý hàng đầu. Các nhà khoa học đã nhanh chóng phát hiện ra Costanero là kẻ có rất nhiều nhân cách. Cụ thể là trong người hắn đã tồn tại tới 4 nhân cách riêng biệt, thậm chí còn không có một sợi dây liên hệ nào với nhau.

“Người bộ tứ” chính là tên gọi của Costanero trong các hồ sơ lưu trữ bí mật của Cơ quan Phản gián Xôviết. Nghiên cứu cho thấy, trong mỗi một trạng thái nhân cách khác nhau, nhân vật này đều có tên riêng, nói theo những thổ ngữ tiếng Tây Ban Nha khác nhau. Thậm chí ngay cả tới huyết áp và nhịp tim của từng nhân cách cũng có những chỉ số và đặc điểm riêng.

Nhờ sự giúp đỡ của một thiết bị đặc biệt gọi là “Máy điện quang tâm hồn” (gần giống như thiết bị đo tim mạch) và các thủ pháp ngôn ngữ khác, các chuyên gia y tế đã có thể tự chuyển đổi Costanero từ trạng thái nhân cách này sang trạng thái nhân cách khác.

Theo đó, nhân cách đầu tiên của Costanero là một thợ chặt mía. Nhân cách thứ hai của hắn là một người Mỹ gốc Cuba đã trải qua một khóa đào tạo đặc biệt tại trung tâm tình báo của CIA. Phải mất thêm hai tháng nữa, các bác sĩ mới có khả năng “bẻ khóa” được cánh cửa vào nhân cách thứ ba của Costanero.

Hóa ra, nhân vật này được tung vào Cuba với nhiệm vụ sát hại Chủ tịch Fidel Castro. Hơn thế nữa, trong một phiên thử nghiệm tiếp theo, Costanero còn mô tả tỉ mỉ cho các chuyên gia KGB các chi tiết về vụ ám sát Tổng thống Kennedy tại Dallas. Tất cả đều rõ ràng và chính xác tới mức, dường như chính Costanero là một trong những kẻ đã trực tiếp bắn vào Kennedy. Còn trong nhân cách cuối cùng của mình, “Người bộ tứ” chỉ mong muốn có một điều duy nhất - đó là ngay lập tức tự sát.

Phải nói là các chuyên gia y tế và tình báo Xôviết đã hết sức kinh ngạc trước trình độ cao trong khả năng “xử lý” nhận thức con người của phía Mỹ. Trong thời điểm đó, các nghiên cứu về liệu pháp tâm lý của Liên Xô mới chỉ đang trong giai đoạn phôi thai ban đầu. Những kết quả khai thác của KGB tại Mỹ cũng khẳng định, người Mỹ từ lâu đã tập trung nghiên cứu về vấn đề lập trình tiềm thức.

Mở đầu cho xu hướng này là bác sĩ Gesler (từng là phó của Allen Dulles tại CIA), chịu trách nhiệm lãnh đạo tất cả các công trình nghiên cứu về tâm lý và tác động tâm lý. Gesler là kẻ đã triển khai nhiều dự án tác động tâm lý lên quân đội và dân cư của những nước được xếp vào loại thù địch với Mỹ.

Một tham vọng của CIA trong lĩnh vực này phải tạo ra được một dạng điệp viên cảm tử, không cần hiểu rõ thực chất nhiệm vụ được giao, chỉ biết cách tận dụng tất cả những khả năng có thể để hoàn thành nó và sau đó là... tự sát. Nói một cách khác, tiềm thức của con người đã được nạp vào một chương trình mã hóa bao gồm hai phần chính: đầu tiên là hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể nào đó và thứ hai là phải tự sát.

Nhân viên Borisovich cho biết, sau khi hoàn tất quá trình nghiên cứu “giải mã” nhận thức, Costanero đã được chuyển tới Bệnh viện tâm thần Kazanski, nơi chuyên điều trị các liệu pháp tâm lý đối với những phần tử phản cách mạng. Số phận tiếp theo của nhân vật “Người bộ tứ” này về sau đã không được nhắc tới.

Rất có thể những hoạt động bí mật của người Mỹ trong lĩnh vực đặc biệt này sẽ không được báo chí biết tới nếu không phát hiện được trường hợp của Costanero. Nhưng cũng nhờ những kinh nghiệm quý giá tích lũy được trong thời gian thử nghiệm với nhân vật này, các nhà khoa học Xôviết đã có tiền đề để phát triển lĩnh vực tâm lý học hiện đại, cụ thể là các phương pháp chuẩn đoán và phân tích tâm lý bằng máy tính

Thái Quân (Theo Sự thật thanh niên)
.
.