Mỹ và EU giấu nhẹm “thỏa thuận thương mại thế kỷ”

Thứ Sáu, 28/03/2014, 15:30

Vin vào lý do "bí mật chiến lược kinh doanh", Ban lãnh đạo Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp tối cao của EU đã mặc nhiên coi mọi điều khoản trong TTIP được liệt vào dạng "bí mật nhà nước", y như đối với Hiệp định Thương mại chống hàng giả (ACTA) trước đây. Tất cả các tài liệu giấy tờ, thư điện tử, cũng như hồ sơ liên quan đến Dự thảo Hiệp định TTIP đều được đóng dấu "siêu mật". Hầu hết giới nghị sĩ châu Âu (MEP) đều... mù tịt với "thỏa thuận thương mại của thế kỷ", không thể biết được các lĩnh vực đàm phán cụ thể là gì.

Giới nghị sĩ châu Âu “mù tịt” với “thỏa thuận thương mại thế kỷ”

Tuy đã bước vào giai đoạn thảo luận cuối cùng, nhưng nội dung cụ thể của Hiệp định Thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương, diễn ra giữa đại diện của Mỹ với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) vẫn không được tiết lộ như những thỏa thuận mậu dịch đa quốc gia khác. Điều khó hiểu này khiến công luận hết sức bất bình, nhất là trong xu thế chung đòi hỏi mọi việc đều phải công khai và minh bạch.

Tên đầy đủ chính thức của văn kiện kinh tế quan trọng này là Hiệp định Quan hệ đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), hay còn được gọi một cách phổ biến khác là Thỏa ước Khu vực Mậu dịch tự do xuyên Đại Tây Dương (TAFTA). Việc đàm phán giữa EU và Mỹ về Hiệp định TTIP bắt đầu vào tháng 7/2013, tới thời điểm hiện nay đã kết thúc vòng đàm phán thứ 3 và có thể được hoàn tất vào cuối năm 2014.

Theo tham vọng của giới chính khách thuộc cả 2 bờ Đại Tây Dương, thì "thỏa thuận thương mại của thế kỷ" này ước tính sẽ mang lại giá trị tăng trưởng kinh tế cho EU là 120 tỉ euro, cho nền kinh tế Mỹ là 90 tỉ euro và cho phần còn lại của thế giới là 100 tỉ euro. Với "tương lai sán lạn" như vậy, thì tại sao văn bản đàm phán lại được 2 bên đối tác coi là một trong những tài liệu tuyệt mật nhất?

Vin vào lý do "bí mật chiến lược kinh doanh", Ban lãnh đạo Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp tối cao của EU đã mặc nhiên coi mọi điều khoản trong TTIP được liệt vào dạng "bí mật nhà nước", y như đối với Hiệp định Thương mại chống hàng giả (ACTA) trước đây. Tất cả các tài liệu giấy tờ, thư điện tử, cũng như hồ sơ liên quan đến Dự thảo Hiệp định TTIP đều được đóng dấu "siêu mật". Riêng các thành viên thuộc Ủy ban Thương mại của Nghị viện châu Âu (EP) tuy được cung cấp toàn văn bản dự thảo, nhưng đồng thời họ cũng bị nghiêm cấm tiết lộ mọi thông tin về TTIP. Còn hầu hết giới nghị sĩ châu Âu (MEP) đều... mù tịt với "thỏa thuận thương mại của thế kỷ", không thể biết được các lĩnh vực đàm phán cụ thể là gì.

Ngay cả với các thành viên thuộc Hội đồng châu Âu (ES), tổ chức quy tụ các nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ của các nước thành viên EU cũng vậy. Những tổ chức xã hội liên quan mật thiết đến nền thương mại đa quốc gia như bảo vệ môi trường và quyền lợi của người tiêu dùng, cũng như dân chúng nói chung đều không thể tiếp cận các điều khoản thuộc TTIP.

Để tránh sự chỉ trích về thái độ không minh bạch, Ban lãnh đạo EC trong những tháng gần đây đã tiến hành các cuộc họp với số lượng bất thường chưa từng thấy các tổ chức xã hội, với giới MEP, cũng như với đại diện công dân của cả 28 quốc gia thành viên để thông báo về tiến trình đàm phán Hiệp định TTIP. Nhưng theo nghị sĩ người Đức Martin Hausling thì: "Các tài liệu về các vấn đề nông thôn do EC cung cấp chỉ gồm những thông tin tóm tắt, thể hiện sự không công khai rõ ràng với các văn bản đàm phán".

"Ngay cả những tài liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với quy mô lớn hơn hẳn so với Thỏa ước TAFTA, nhưng vẫn được công bố rộng rãi sau mỗi vòng đàm phán kia mà", MEP M. Hausling nhận định.

Đại diện EU Ignacio Bercero (trái), cùng đồng nhiệm Mỹ Dan Mullaney tại cuộc họp báo sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ 2 ở Brussels, nhưng không đề cập đến nội dung cụ thể của TTIP.

Người Mỹ sẽ được bán thịt có chất tăng trưởng?

Tình hình tại Mỹ cũng không khả quan hơn, giới chức ở Washington từ chối cung cấp các văn bản về TTIP cho những ai quan tâm. Những người nhiệt huyết nhất chỉ có thể biết được một vài điều khoản của dự thảo qua các nhà vận động hành lang chuyên nghiệp. Một trong những người đó là nữ luật sư Mỹ nổi tiếng Lori Wallach, đương kim Giám đốc Tổ chức phi chính phủ Giám sát Thương mại toàn cầu (GTW) với trụ sở đặt tại Washington, đã lên tiếng đánh giá Dự thảo Hiệp định TTIP là "mối đe dọa đặc biệt cho xã hội".

Là một chuyên gia về Luật Thương mại Quốc tế từng tốt nghiệp Trường đại học Harvard danh giá, bà L. Wallach đại diện cho quyền lợi của người tiêu dùng đã tham gia cuộc hội thảo Liên bang về Hiệp định TTIP, diễn ra tại một địa điểm cách Nhà Trắng chỉ  10 phút đi bộ là giảng đường số 405, thuộc Trường đại học Tổng hợp George Washington (GWU) vào cuối tháng 2 vừa qua.

Cử tọa của buổi hội thảo quan trọng này gồm các đại biểu đã tham dự vào những vòng đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do giữa Mỹ và EU. Họ phải có mặt để nghe các tiếng nói phản biện, cũng như từ những quan điểm khác nhau của công luận là một thủ tục bắt buộc theo luật Mỹ. Nhưng khi thấy nữ Giám đốc L. Wallach xuất hiện trên diễn đàn, tất cả mọi người đều yên lặng tuyệt đối để chú tâm lắng nghe. Bởi hiện L. Wallach là một trong những nhân vật hiếm hoi có ảnh hưởng đến nền thương mại toàn cầu, tên tuổi của bà khiến giới lý thuyết gia hàng đầu về tự do kinh tế luôn phải e ngại.

Ví như vào năm 1999, chính L. Wallach là người đã góp phần làm "chệch hướng" các cuộc đàm phán đầu tiên trong khuôn khổ của WTO ở Seattle (tiểu bang Washington, Mỹ), trở thành động lực chủ chốt thúc đẩy các cuộc biểu tình rầm rộ bên ngoài địa đểm đàm phán. Hiện tượng ở Seattle được coi là "xuất phát điểm" của phong trào phản đối sự toàn cầu hóa, do vậy các đối thủ của L. Wallach muốn lắng nghe thận trọng hơn với thái độ dè chừng...

"Việc ký kết thỏa thuận TAFTA theo hình thức hiện tại, sẽ dẫn đến sự thay đổi quyền lực chuyển từ chính phủ và các tổ chức xã hội sang các công ty tư nhân - luật sư L. Wallach nhấn mạnh - Sở dĩ người ta cố tình bưng bít Hiệp định TTIP vì nội dung liên quan đến nhiều vấn đề "sát sườn" với công chúng, như thu nhập của người dân, việc cung cấp lương thực thực phẩm, nạn ô nhiễm môi trường, tình trạng thất nghiệp, hệ thống phúc lợi xã hội, chăm sóc y tế và phát triển giáo dục".

Lẽ đương nhiên không thể phủ nhận những mặt tích cực mang tính bề nổi của bản "thỏa thuận thương mại thế kỷ". Sự hủy bỏ các rào cản thuế quan, đơn giản hóa những thủ tục cho các hoạt động vận chuyển hàng hóa và dịch vụ trong không gian xuyên Đại Tây Dương, cũng như tiến tới đồng nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật, góp phần giảm bớt tệ quan liêu sách nhiễu đã đáp ứng những vấn đề mà thực tiễn đòi hỏi.

Các chuyên viên am hiểu nêu ra những ví dụ điển hình khiến giới chức Âu - Mỹ phải giữ kín, không để những nội dung đã thỏa thuận lọt ra ngoài dễ vấp phải sự phản kháng sâu rộng. Ví dụ như điều khoản cho phép người Mỹ có thể bán thịt chứa kích thích tố tăng trưởng, hay ngô biến đổi gen trên thị trường EU là những loại thực phẩm mà người châu Âu luôn tẩy chay không muốn dùng. Hoặc các công ty hóa chất và dược phẩm của Đức sẽ được đơn giản hóa thủ tục, khi bán các sản phẩm của mình tại thị trường Mỹ vốn có quy định rất nghiêm ngặt. Còn nền nông nghiệp Đức được nhà nước trợ giá, có thể bán các sản phẩm thặng dư như sữa và thịt lợn ra nước ngoài. Vì vậy Chính phủ Đức trong thời gian gần đây tỏ ra vô cùng sốt sắng, hối thúc các bên sẵn lòng chuẩn bị cho sự kiện ký Hiệp định TTIP.

Còn việc thống nhất hóa các tiêu chuẩn khác nhau, sẽ làm suy yếu những thành tựu riêng rẽ của các quốc gia liên quan trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, quyền lợi của người lao động... Mặt khác, việc đồng nhất tiêu chuẩn hóa làm phức tạp thêm các vấn đề như sự tiếp cận văn hóa, phát triển giáo dục và nghiên cứu khoa học tại các nước tham gia ký kết thỏa thuận.

Giới dân biểu EU thường không được thông báo về tiến trình đàm phán khiến họ có thể bỏ phiếu phủ quyết.

Tòa án thương mại lấn lướt

Một điểm quan trong nữa trong Hiệp định TTIP, đã vấp phải sự chỉ trích kịch liệt ngay cả từ những người ủng hộ nhiệt thành quan điểm thương mại tự do. Đó là thủ tục giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và các đối tác. Dự thảo chứa các tình huống giả định như nếu một nhà đầu tư cho rằng có sự phân biệt đối xử từ chính phủ quốc gia sở tại, hoặc va chạm với quyền sở hữu gián tiếp tài sản, thì sự việc có thể chuyển lên Tòa án Thương mại tư nhân với Hội đồng xử án gồm 3 thẩm phán.

Người đầu tiên được chỉ định bởi nhà nước liên quan, thẩm phán thứ 2 từ phía chủ đầu tư, còn vị thẩm phán cuối cùng được các bên chọn ra từ danh sách những ứng cử viên đủ điều kiện. Tòa Thương mại sẽ đưa ra quyết định cụ thể về những lợi ích mà các nhà đầu tư yêu cầu, với phán quyết không thể được kháng cáo. Điều này đồng nghĩa với việc vô hiệu hóa hệ thống tư pháp của quốc gia tiếp nhận đầu tư, cùng hậu quả mang tính chất thảm họa về mặt pháp lý.

Trong quá khứ, Chính phủ Argentina từng phải đối mặt với vấn đề này vào năm 2003, sau khi cải cách hệ thống tiền tệ đã làm tổn hại đến lợi ích của một công ty Mỹ. Vin vào một thỏa thuận song phương về bảo hộ đầu tư, công ty này đã khởi kiện lên Tòa án Thương mại tư nhân, khiến phía Argentina buộc phải trả khoản tiền bồi thường 133 triệu USD.

Ngày càng có nhiều trường hợp các vụ việc tương tự xảy ra tại các nước công nghiệp phát triển. Ví dụ như chính quyền tỉnh Quebec ở Canada từng ra quyết định cấm một phương pháp khai thác dầu gây tranh cãi, tức thì một công ty Mỹ đã yêu cầu Chính phủ Canada bồi thường 250 triệu USD cho lợi nhuận đầu tư bị mất. Hay tập đoàn thuốc lá đa quốc gia Philip Morris từng thắng kiện Chính phủ Australia, để được bồi thường số tiền khổng lồ do phải in lên vỏ bao thuốc những hình ảnh đáng sợ "làm mất uy tín bổn hãng"(!).

Ví dụ tiêu biểu nhất là khi Berlin quyết định cấm sử dụng năng lượng hạt nhân vào năm 2020, Công ty Điện lực Vattenfall của Thụy Điển đã tận dụng bản thỏa thuận năng lượng được ký kết trước đó, bao gồm điều khoản quy định về bảo hộ đầu tư, đã khởi kiện Chính phủ Đức ra Tòa Thương mại đòi bồi thường 3,7 tỉ USD.

Giới chuyên gia thương mại EU lên tiếng bình luận, rằng nếu nội dung văn bản Hiệp định TTIP không được phổ biến rộng rãi ra bên ngoài, sẽ khó tránh khỏi số phận rủi ro như với Hiệp định Thương mại chống hàng giả (ACTA), từng được ký kết vào tháng 10/2011 nhằm thiết lập các tiêu chuẩn và khuôn khổ pháp lý quốc tế cho việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Mùa hè năm 2012, điều khoản cho phép các nhà cung cấp dịch vụ Internet có thể lưu và xem bất kỳ tập tin nào của người sử dụng, để xác định xem họ có vi phạm bản quyền hay không, đã vấp phải sự phẫn nộ lan rộng bằng các cuộc biểu tình phản đối trên toàn lục địa châu Âu.

Hoặc như chỉ trong vòng 2 tuần lễ gần đây, đã có hơn 316.000 người ký vào bản kiến nghị phản đối Thỏa thuận TAFTA trên trang web Sampact.de của các nhà hoạt động dân quyền Đức. Để so sánh, số chữ ký nhiều gấp 2 lần so với kiến nghị cung cấp nơi trú ẩn cho "người thổi còi" Edward Snowden, bị Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) truy nã cùng thời gian tương tự.

Xem ra Hiệp định TTIP là kết quả từ dạng “lý thuyết âm mưu” và sự đánh giá của họ không phải là vô căn cứ. Điều này đã được chứng minh bởi Hiệp hội Corporate Europe Observatory (CEO), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi ảnh hưởng từ sự vận động hành lang của các công ty đối với các nhà hoạch định chính sách EU.

Dựa vào Đạo luật tự do tiếp cận thông tin (FOIA), CEO đã yêu cầu Ban lãnh đạo EC cung cấp danh tính của những người được tham khảo ý kiến trước khi tiến hành các cuộc thương thảo thỏa thuận TAFTA. Kết quả 93%  trong số này là đại diện của giới tài phiệt cá mập, những ông chủ thực sự của các công ty đa quốc gia đầy tiềm lực cả về vốn liếng lẫn kinh nghiệm thương trường lọc lõi. Do vậy việc cố tình che giấu nội dung Hiệp định TTIP là điều dễ hiểu

Trần Quang Long (tổng hợp)
.
.