Mỹ và tham vọng căn cứ quân sự trên mặt trăng

Thứ Tư, 15/02/2017, 17:30
Vào những năm 1950, Mỹ đã nghiêm túc xem xét ý định xây dựng một căn cứ quân sự trên Mặt trăng. Lý do mà Phó Tổng thống Mỹ Lyndon Baines Johnson khi đó vạch ra kế hoạch này là lo ngại người Liên Xô có thể đáp xuống mặt trăng năm 1967.

Tham vọng mặt trăng

Chừng 22 giờ 30 ngày 4-10-1957, Liên Xô đã phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới Sputnik vào quỹ đạo Trái đất. Sputnik chỉ là một khối cầu kim loại được gắn một vài ăng-ten, không to hơn một quả bóng rổ là mấy. Tất cả những gì mà Sputnik làm là gửi tín hiệu radio về Trái đất.

Thế nhưng, tín hiệu này đi qua nước Mỹ vài lần mỗi ngày và Mỹ không thể làm gì. Người Mỹ cho rằng các tên lửa Liên Xô mang theo những vệ tinh như Sputnik vào quỹ đạo một ngày nào đó có thể được sử dụng để phóng vũ khí hạt nhân vào Mỹ.

Cả Mỹ và Liên Xô đều từng tham vọng xây căn cứ quân sự trên Mặt trăng.

Người Liên Xô chưa dừng tại đó. Một tháng sau, họ kỷ niệm 10 năm cuộc cách mạng Tháng Mười bằng cách đưa một con chó vào quỹ đạo trên Sputnik 2. Họ dự báo các nhà du hành vũ trụ Liên Xô sẽ ăn mừng 50 năm cách mạng Tháng Mười trên Mặt trăng năm 1967.

Các nhà phân tích tình báo Mỹ nghiên cứu chương trình vũ trụ bí mật của Liên Xô lo ngại người Liên Xô có thể đáp xuống Mặt trăng năm 1967. Họ lo ngại Liên Xô sẽ tuyên bố Mặt trăng là lãnh thổ. Họ thậm chí còn tính đến khả năng Liên Xô thiết lập một căn cứ quân sự trên Mặt trăng và khiến Mỹ không có cách nào phòng vệ.

Trước viễn cảnh đó, giới chức Mỹ quyết định sẽ lên Mặt trăng và xây một căn cứ trước Liên Xô. Một khi làm được điều này, Mỹ có thể tự quyết định có đưa tên lửa lên đó hay không, hay có cho Liên Xô đáp xuống và xây căn cứ trên Mặt trăng hay không.

Trưởng nhóm nghiên cứu và phát triển dự án này của quân đội Mỹ, Trung tướng Arthur Trudeau, đánh giá hồi tháng 3-1959: “Căn cứ trên Mặt trăng này cần thiết để bảo vệ lợi ích Mỹ trên Mặt trăng... để Mỹ có thể bác bỏ tuyên bố chủ quyền, công nghệ và thương mại của Liên Xô”. Ông đã ra lệnh cho ban quân nhu phát triển một kế hoạch thiết lập căn cứ trên Mặt trăng càng nhanh càng tốt. Hai tháng sau, báo cáo “Dự án Đường chân trời” (Project Horizon) đã xuất hiện trên bàn của ông Trudeau.

Một trong những khả năng đầu tiên được tính đến là đưa các nhà du hành lên Mặt trăng để tìm các “hố hoặc hang” có thể dùng túi áp suất che và bịt kín nhằm tạo ra mặt căn cứ. Tuy nhiên, các tác giả của “Dự án Đường chân trời” đề xuất một ý tưởng tham vọng hơn nhiều.

Kế hoạch xây căn cứ

Theo đó, trong giai đoạn một từ tháng 1-1965, các tên lửa không người lái đầu tiên mang theo trang thiết bị, nguyên vật liệu cần để xây căn cứ sẽ được phóng lên Mặt trăng. Khi nguyên vật liệu đã tới Mặt trăng, hai phi hành gia sẽ được đưa lên để xác nhận rằng mọi thứ đã hạ cánh an toàn. Bất kỳ nguyên vật liệu nào bị hư hỏng sẽ được thay thế trong các đợt phóng tên lửa tiếp theo.

Hai phi hành gia này cũng sẽ xác minh khu vực được chọn để xây căn cứ có phù hợp hay không. Nếu không, họ sẽ tìm các khu vực khác. Tác giả dự án ước tính hai phi hành gia sẽ mất từ 30 đến 90 ngày để hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó, họ sẽ trở về Trái đất. Khi ở trên Mặt trăng, họ sẽ sống trong khoang của thiết bị hạ cánh xuống Mặt trăng.

Trong giai đoạn hai, tức sáu tháng sau đó, sau khi mọi thứ đều đã đâu vào đấy, một đội xây dựng gồm 9 phi hành gia sẽ được đưa lên Mặt trăng để tháo dỡ nguyên vật liệu và bắt đầu lắp ráp căn cứ. Khu vực đầu tiên sẽ là khu trại xây dựng để họ sống trong khi xây căn cứ. Các khu nhà cơ bản của cả trại xây dựng và căn cứ sẽ là các “phòng ở” được lắp đặt từ các khối nguyên vật liệu có sẵn.

Các “phòng ở” sẽ được làm từ thùng kim loại hình trụ đường kính 3 mét, dài 6 mét, tương đương kích thước một container. Thay vì đặt thùng kim loại trên bề mặt Mặt trăng, các tác giả đề xuất hạ thùng xuống một hào mà các nhà du hành đào bằng xe ủi đất hoặc thuốc nổ.

Khi các “phòng ở” đã được kết nối với nhau trong hào và các thiết bị hỗ trợ cuộc sống trên Mặt trăng hoạt động trơn tru, các du hành gia sẽ đào đất trên Mặt trăng và chôn căn cứ. Lý do là để bảo vệ các nhà du hành khỏi bị phơi nhiễm phóng xạ, cũng như bảo vệ căn cứ khỏi sự thay đổi lớn về nhiệt độ.

Trên Mặt trăng, bề mặt có thể nóng tới 126 độ C vào ban ngày và tụt xuống -137 độ C vào ban đêm. Che phủ căn cứ cũng là để bảo vệ căn cứ khỏi các thiên thạch nhỏ. Trên Trái đất, thiên thạch nhỏ bị đốt cháy trong khí quyển và trở thành sao băng nên ít khi va vào bề mặt Trái đất. Mặt trăng không có khí quyển đặc như vậy để đốt cháy thiên thạch nên chúng sẽ va vào bề mặt.

Trong giai đoạn ba, sau khi các phi hành gia lắp ghép xong trại xây dựng, họ sẽ bắt đầu lắp ghép phần chính của căn cứ bằng cách đào một hào dài hơn ở góc 90 độ so với hào đầu tiên. Các “phòng ở” còn lại sẽ được lắp đặt và chôn trong hào này.

Khi hoàn tất công việc, các phi hành gia sẽ di chuyển vào khu vực sống và biến trại xây dựng thành phòng thí nghiệm. Năng lượng sẽ do hai lò phản ứng hạt nhân cung cấp và hai lò này sẽ được chôn ở khoảng cách an toàn so với căn cứ. Các tác giả dự án ước tính căn cứ sẽ hoàn tất vào tháng 11-1966, sẵn sàng cho đội luân phiên gồm 12 phi hành gia tới ở, mỗi người có “nhiệm kỳ” một năm.

Nhóm dự án cũng tính tới ngày mà các tên lửa hạt nhân Mỹ có thể được lắp đặt tại căn cứ và chĩa vào Liên Xô. Căn cứ này sẽ được dùng để phòng vệ trước các cuộc tấn công của Liên Xô và do đó phải có loại vũ khí cần thiết để bảo vệ căn cứ.

Theo nhóm dự án, cần phải phát triển một loại vũ khí kiểu súng ngắn, được thiết kế để có thể hoạt động trong không gian gần như chân không nhằm chống lại các phi hành gia Liên Xô ở cự ly gần. Tại khoảng cách gần, ngắm vũ khí vào mục tiêu không phải là vấn đề. Tuy nhiên, ở khoảng cách xa, thì việc ngắm bắn trong khi phải mặc một bộ trang phục du hành vũ trụ cồng kềnh là điều khó khăn.

Vì lý do đó, các tác giả dự án quyết định rằng vũ khí bắn một loạt mảnh kim loại hoặc đạn ra một khu vực rộng sẽ hiệu quả hơn là súng chỉ bắn một viên đạn một lần. Trong chương ba của Dự án Đường chân trời, các tác giả kèm theo hình minh họa một mẫu súng cầm tay trông giống như một đĩa TV vệ tinh gắn vào cán chổi quét nhà.

Ngoài ra, còn có một hình minh họa một thiết bị nạp đạn chì có thể được đặt trên mặt đất, chĩa vào kẻ thù, bắn bằng một cò súng điện tử. Nhóm tác giả dự án cũng đề xuất phát triển một “tia tử thần” gồm một tia phóng xạ neutron hoặc gamma được bắn từ một thiết bị gọi là máy gia tốc điện tử. Ngoài ra, họ còn đề xuất phát triển nhiều loại vũ khí nữa.

Hình ảnh phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong đặt chân lên Mặt trăng.

Kế hoạch đổ bể

Theo ước tính, xây dựng căn cứ và tiếp tế cho căn cứ đến cuối năm 1967 (tức là một năm hoạt động) sẽ cần thực hiện ít nhất 229 vụ phóng tên lửa lên Mặt trăng, tức là mỗi tuần rưỡi lại có một chuyến trong suốt gần 3 năm. Họ ước tính chương trình sẽ tốn 6 tỷ USD, tương đương 50 tỷ USD ngày nay, cộng thêm 25 triệu USD nữa để phát triển các vũ khí để sử dụng bảo vệ căn cứ. Đó là một khoản tiền khổng lồ vào năm 1959 nhưng theo các tác giả, số tiền này chỉ chiếm chưa đầy 2% ngân sách quốc phòng hằng năm.

Họ cảnh báo nếu Mỹ chờ tới khi có bằng chứng chắc chắn rằng Liên Xô đang lên kế hoạch xây căn cứ trên Mặt trăng mới khởi động dự án vội vã để đánh bại thì sẽ có nguy cơ thất bại và chi phí tăng gấp bội.

Thật may với người đóng thuế Mỹ là quân đội Mỹ không bao giờ “bật đèn xanh” cho việc xây căn cứ trên Mặt trăng vì ước tính chi phí là quá thấp. Chương trình Apollo có quy mô đơn giản hơn nhiều với chỉ 6 vụ đáp xuống Mặt trăng từ năm 1969 tới 1972 và một vụ đáp thất bại mà đã tốn tới 25 tỷ USD, tức 209 tỷ USD thời nay. Từ thực tế đó, chi phí cho 229 vụ đáp xuống Mặt trăng sẽ lớn khủng khiếp.

Người dập tắt ý định xây căn cứ quân sự trên Mặt trăng là Tổng thống Dwight D. Eissenhower. Ông sợ các khoản chi tiêu quốc phòng sẽ quá tay nếu đổ vào những thứ như máy bay năng lượng nguyên tử, căn cứ quân sự trên Mặt trăng, “tia tử thần”... Thay vào đó, ông muốn quân đội tập trung hơn vào các mục tiêu bền vững và đơn giản hơn như xây dựng tên lửa tốt hơn cho các đầu đạn hạt nhân.

Tháng 7-1958, Tổng thống Eisenhower đã ký quyết định thành lập cơ quan vũ trụ dân sự mang tên Cục Vũ trụ và Hàng không quốc gia để xử lý những việc liên quan tới vũ trụ như đưa các phi hành gia lên Mặt trăng. Bản thân ông không thích ý tưởng đó, cho rằng chạy đua với Liên Xô tới Mặt trăng chỉ tốn tiền. Nhiều người Mỹ lúc đó cũng nghĩ như vậy. Mãi tới thời Tổng thống John F. Kennedy, chương trình Mặt trăng của Mỹ mới được vực dậy bất chấp lo ngại của người đóng thuế.

Cơ hội nhỏ nhoi còn sót lại cho Dự án Đường chân trời biến mất hoàn toàn năm 1967 khi Mỹ, Liên Xô và hơn 60 nước ký Hiệp ước Vũ trụ, theo đó cấm các nước tuyên bố chủ quyền Mặt trăng, các hành tinh và các thiên thể. Hiệp ước cũng giới hạn chỉ sử dụng chúng cho mục đích hòa bình, cấm đặt vũ khí hạt nhân hay vũ khí hủy diệt hàng loạt vào quỹ đạo Trái đất hay không gian.

Đặc biệt, hiệp ước cấm thành lập căn cứ quân sự, kho quân sự, công sự trên Mặt trăng hay các hành tinh, cấm thử vũ khí và diễn tập quân sự trên các thiên thể.

Như người Mỹ đã lo ngại, năm 1962, Liên Xô đúng là có bắt tay xây dựng kế hoạch lập căn cứ trên Mặt trăng và duy trì kế hoạch tới tận năm 1974, lâu hơn nhiều so với Dự án Đường chân trời của Mỹ. Sau khi Hiệp ước Vũ trụ được ký năm 1967, kế hoạch bị bỏ.

Căn cứ trên Mặt trăng chỉ là một phần của chương trình liên quan tới Mặt trăng của Liên Xô. Họ còn có một kế hoạch đưa một nhà du hành lên Mặt trăng trước Mỹ. Khi người Mỹ đánh bại Liên Xô khi đưa được phi hành gia đầu tiên lên Mặt trăng năm 1969, Liên Xô hi vọng sẽ là nước kế tiếp và sẽ phải ấn tượng hơn. Họ định thúc đẩy xây dựng căn cứ trên Mặt trăng. Kế hoạch xây căn cứ Zvezda có phần giống Dự án Đường chân trời của Mỹ.

Tuy nhiên, Liên Xô cũng không bao giờ xây được căn cứ trên Mặt trăng cũng vì chính lý do họ thất bại lần đầu: tên lửa N-1 mắc lỗi thiết kế khiến cả bốn vụ phóng thử đều thất bại. Một tên lửa nổ tung trên bệ phóng, một cái nổ chưa đầy hai phút sau khi bay, hai cái còn lại bị lỗi và lao trở lại Trái đất.

Tổng Bí thư Liên Xô Leonid Brezhnev hủy chương trình năm 1974. Tên lửa Vulkan, “kế nhiệm” N-1, được đề xuất xây dựng cùng năm nhưng chưa bao giờ được thực hiện.

Minh Minh
.
.