Mỹ với chiến lược mua chuộc hòa bình

Thứ Năm, 29/10/2009, 16:55
Tờ Time của Anh (15/10) khẳng định các cơ quan tình báo Italia đã chi tiền cho phiến quân Taliban trong vùng Sarobi (đông bắc Kabul) để mua lấy hòa bình. Nhưng khi chuyển giao quyền kiểm soát khu vực này cho quân đội Pháp tháng 7/2008, người Italia có lẽ đã không thông báo cho ban tham mưu của Pháp về việc làm trên.

Theo tờ báo, có lẽ vì thiếu thông tin mà binh lính Pháp đã đánh giá sai về những mối nguy hiểm. Hậu quả là ngày 18/8/2008, 10 binh sĩ của Pháp đã bị chết trong một vụ đột kích của quân phiến loạn. Trả tiền cho quân phiến loạn để lấy thông tin, thậm chí để đổi lấy sự đảm bảo an ninh cho một vùng là một cách làm khá thường xuyên. Tại Iraq, quân đội Mỹ đã coi đây là một thế mạnh lớn trong chiến lược chống lại các cuộc nổi dậy.

Từ khi chiến lược chống bạo động được Nhà Trắng phê chuẩn áp dụng tại Afghanistan, giới quân sự Mỹ luôn có ba từ thường trực trên miệng: "Trừ khử, nắm giữ và xây dựng". Đây là một mô hình kiến tạo sự bình yên mà tướng Stanley McChrystal, Chỉ huy trưởng các lực lượng liên quân tại Afghanistan, muốn áp dụng vào thực tế chiến trường này.

"Nhưng nó chỉ phát huy tác dụng khi an ninh phải đi kèm với sự quản lý và phát triển hiệu quả"- Giám đốc Ngân hàng Thế giới, Robert Zoellick, cho biết trong một bài phát biểu vào tháng 9/2008. Nhưng người ta sẽ làm gì khi sự hỗn loạn trở thành cơm bữa, và khi quân đội phương Tây, thường bị coi là quân xâm lược, không có khả năng duy trì an ninh và kiểm soát chiến trường?

Tại Iraq, quân đội Mỹ đã dành nhiều thời gian để thử nghiệm một chiến lược và thu được kết quả tốt: mua chuộc những kẻ nổi loạn hoặc các phần tử khủng bố. Việc thực hiện chiến lược này không hề dễ dàng chút nào vì ngay từ những ngày đầu của chính quyền Mỹ tại Iraq, chiến lược này đã bị cá nhân Paul Bremer (người đứng đầu chính quyền  lâm thời Mỹ tại Iraq) bác bỏ.

Vào thời kỳ đó, Bremer coi những người ủng hộ Saddam Hussein trước đây như là những tàn dư của chế độ đảng Baas cần phải loại bỏ hoàn toàn. Ngay khi tiếp nhận nhiệm vụ, Paul Bremer đã từ chối mọi sự tiếp sức của xã hội Iraq. Trước sự khước từ này, rất nhiều bộ tộc Sunni và hàng nghìn người ủng hộ Saddam Hussein không còn đường nào khác là quay lại kháng chiến, có hoặc không với sự giúp đỡ của Al-Qaeda. Tất cả đã tiến hành một cuộc chiến du kích kịch liệt chống lại "kẻ chiếm đóng".

Năm 2004, chiến trường Falloujah, thành phố lớn thứ hai của tỉnh Al-Anbar, nằm giữa tâm điểm khu vực người Sunni, đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong chiến lược của Mỹ. Tướng lĩnh quân đội Mỹ  ý thức được tầm quan trọng của các bộ tộc và một số lãnh đạo tinh thần tôn giáo vốn đang nắm giữ một số thành phố nhỏ bằng sức mạnh quân sự riêng. Tuy nhiên, những phép thử đầu tiên của Mỹ trong chiến lược mua chuộc đã phải nhận lấy thất bại.

Binh lính Pháp tại Afghanistan.

Tháng 5/2005, hai bộ tộc dòng Sunni là Abu Mahal và Abu Nimer khẳng định thay đổi quan điểm khi coi Al-Qaeda là kẻ thù cần đánh bại. Đây không phải là hành động quay sang bắt tay với người Mỹ mà là để trả thù cho những chiến binh của họ bị Al-Qaeda giết hại.

Cuối năm 2005, tất cả các bộ tộc ở thành phố Ramadi đã tập hợp lại thành một Hội đồng bộ tộc tỉnh Al-Anbar, vừa để chống lại Mỹ vừa để đề phòng Al-Qaeda. Tháng 9/2006, tổ chức này được thay thế bằng Hội đồng cứu quốc tỉnh Al-Anbar, tập hợp 25 trong tổng số 31 bộ tộc của tỉnh. Và dưới sự thúc giục của một vị tộc trưởng mà hội đồng này đã có những bước tiếp đầu tiên tới gần người Mỹ.

Ban đầu, lực lượng Mỹ đã tỏ ra thận trọng trước thiện chí này nhưng cuối cùng đã nhận ra lợi ích trong việc làm thân với những tộc trưởng. Tướng lĩnh Mỹ đã cung cấp vũ khí, đạn dược và cả tiền cho họ. Một số bộ tộc đã được tuyển mộ để bảo vệ các cơ sở dầu mỏ, số khác được huy động dọc biên giới Iraq-Syria để ngăn chặn sự xâm nhập vào Iraq của những phần tử khủng bố ngoại quốc. Sự hợp tác này đã đem lại kết quả tức thì.

Năm 2007, Tổng thống George Bush quyết định gửi thêm 20.000 lính tới chiến trường Iraq, chiến lược này được đặt tên là "The Surge", kèm theo một chính sách dựa trên việc tuyển mộ kẻ thù cũ ở trung và nam Iraq, trong phần lớn cộng đồng người Shiite. Quân đội Mỹ đã trả tiền cho những ai chấp nhận thay đổi chiến tuyến và không lưỡng lự trong việc cung cấp những hợp đồng tái thiết béo bở cho các công ty do các tộc trưởng nắm giữ.

Dưới nhiều phương diện, quân đội Mỹ đã sử dụng chính những phương thức mà Saddam Hussein đã dùng để nhận được sự trung thành của các bộ tộc. Mặc dù trong quân đội Mỹ có nhiều ý kiến phản đối nhưng "The Surge" cũng đã gặt hái được thành quả nhờ vào hai yếu tố: ngưng tấn công đội quân Mahdi của thủ lĩnh cực đoan dòng Shiite, Moqtada Sadr, tháng 8/2007 và đánh thức các bộ tộc trong việc hợp tác với quân đội Mỹ để đổi lấy lợi ích kinh tế.

Tháng 3/2008, Chỉ huy trưởng lực lượng Mỹ tại Iraq, tướng David Petraeus đã giải thích rằng: "Chiến lược này đã góp phần rất lớn trong việc giảm từ 60 đến 70% các vụ tấn công của phiến quân trong 8 tháng trước đó". Báo chí Mỹ khi đó đã nhận định rằng một chiến lược đơn giản như vậy tại sao quân đội Mỹ mãi tới lúc đó mới nghĩ ra.

Tập hợp trong 150 nhóm quân sự nhỏ, những đội quân phi chính thức đa phần là người Sunni này trong quân đội Mỹ hiện là một lực lượng không thể coi thường. Tuy nhiên, người phải trả cho cái giá để có được sự hợp tác này chính là người dân Mỹ. Với 10 USD/ngày/lính, quân đội Mỹ tiêu tốn ít nhất 1 triệu USD mỗi ngày để trả cho sự phục vụ của kẻ thù cũ.

Thủ tướng Iraq Al-Maliki sau một thời gian dài chỉ trích chiến lược này của Mỹ là nguy hiểm và thiển cận, cuối cùng đã phải hoan nghênh việc "bán mình vì tổ quốc" của những người Sunni. Hiện nay, Chính phủ Iraq đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết vấn đề này khi người Mỹ rút đi.

Tại Iraq, chiến lược của Mỹ đã đem lại kết quả nhưng lại vô hình trung tạo ra một thách đố cho tương lai. Các bộ tộc và những đồng minh của họ đã một lần thay đổi chiến tuyến, nên không có gì đảm bảo là họ sẽ không tiếp tục thay đổi nữa. Nhiều nhà quan sát khẳng định rằng hòa bình không thể mua được bằng tiền. Nó phải được xây dựng trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Những hạn chế rõ nhất trong chiến lược này lại không ngăn cản được một số người Mỹ kêu gọi áp dụng mô hình chiến lược trên vào chiến trường Afghanistan.

Liệu người ta có thể mua hòa bình từ tay Taliban? Làm suy yếu kẻ thù bằng cách làm tha hóa chúng hơn là gây chia rẽ. Trong những sách lược chống nổi loạn, không một thủ đoạn nào là không được vận dụng. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, yếu tố lịch sử, sự phức tạp về địa hình và sắc tộc tại Afghanistan khiến mọi sự mua chuộc của liên quân đối với Taliban trở nên vô hiệu.

Ngày 15/10 vừa qua, Chính phủ Italia đã lên tiếng phủ nhận những thông tin của báo chí. Quân đội Pháp hiện không khẳng định hay phủ định tiết lộ trên của báo Time. NATO cho biết không hề hay biết về việc này

Q.H. (tổng hợp)
.
.