NATO: Tranh cãi quanh "Lý lịch KGB" của Chủ tịch ủy ban tình báo

Thứ Tư, 05/03/2008, 09:30
Một cuộc tranh cãi ầm ĩ đang diễn ra ở Hungary xoay quanh chuyện ông Sandor Laborc, giám đốc Văn phòng an ninh quốc gia (NBH), người vừa được bầu làm Chủ tịch Ủy ban tình báo NATO, trong quá khứ từng qua trường lớp đào tạo ở "lò" KGB.

Nhiều người nghi ngờ ông là điệp viên của Nga cài vào tổ chức này. Sự việc đang khiến cho khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) "bối rối" vì ông Laborc đã được bỏ phiếu bầu một cách công khai, danh chính ngôn thuận.

Thiếu tướng Sandor Laborc, năm nay 49 tuổi, được bầu làm Chủ tịch luân phiên của Ủy ban Tình báo NATO trong vòng 1 năm bắt đầu từ đầu tháng 1/2008. Trước khi được bầu vào chức Chủ tịch Ủy ban Tình báo NATO, tướng Laborc đã được Thủ tướng Hungary Ferenc Gyurcsany bổ nhiệm (ứng viên duy nhất) vào chức Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Hungary (NBH).

Sinh ra vào thời Hungary còn chế độ xã hội chủ nghĩa, lớn lên Laborc gia nhập đảng Cộng sản Hungary và hoạt động trong lĩnh vực điều tra tội phạm. Trong hồ sơ lý lịch của ông đăng trên trang web chính thức của NBH và Ủy ban An ninh Quốc gia thuộc Quốc hội Hungary không ghi rõ trước thời điểm Đông Âu sụp đổ (1989), Hungary chuyển sang thể chế chính trị mới, Laborc đã từng học hành ra sao, làm việc gì ở đâu như thế nào.

Trong bản lý lịch trích ngang chỉ ghi rằng, sau thời điểm 1989, Laborc đã từng kinh qua các chức vụ ở Cục Điều tra hình sự thuộc Cơ quan Thuế quan và Thanh tra tài chính Hungary, rồi Phó giám đốc NBH cho đến thời điểm tháng 6/2007 ông được bổ nhiệm quyền Giám đốc NBH thay cho người tiền nhiệm bị mất chức sau “sự cố” an ninh năm 2006 (xảy ra sau khi nội dung cuộc nói chuyện trong nội bộ đảng của Thủ tướng Gyurcsany, trong đó ông thừa nhận “nói dối” dân chúng về tình hình kinh tế đất nước để giành phiếu bầu cử bị rò rỉ trên báo chí).

Với chức vụ tạm thời này, Laborc bắt tay ngay vào việc cải tổ bộ máy của cơ quan an ninh hàng đầu Hungary. Và hành động này của ông bị đảng đối lập FIDESZ chỉ trích gay gắt.

Ngày 17/12/2007, Laborc được Thủ tướng Gyurcsany chính thức bổ nhiệm với tư cách cá nhân khi không được Ủy ban An ninh quốc gia (gồm nhiều thành viên thuộc đảng đối lập FIDESZ) thông qua.

Mọi chuyện rắc rối bắt đầu nảy sinh kể từ khi ông Laborc lên nắm quyền Giám đốc NBH. Các thành viên FIDESZ đã phản đối gay gắt đề cử Laborc với lý do lý lịch của ông không rõ ràng. Họ đã tìm mọi cách để “hạ bệ” Laborc. Và họ đã moi ra phần lý lịch còn bỏ trống của ông trong thập niên 80 thế kỷ XX.

Đó là khoảng thời gian từ năm 1983 đến 1989, Laborc theo học và tốt nghiệp Học viện Dzerzhinsky - học viện đào tạo ngành tình báo nổi tiếng của KGB tại Moskva. Zsolt Nemeth, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, nhất quyết cho rằng Laborc chắc chắn sẽ đưa vào NBH những nhân sự thân cận với Thủ tướng Gyurcsany, đồng thời Laborc sẽ “biến NBH thành công cụ chính trị trong nước”.

Ông Nemeth cũng cho rằng, sau gần 20 năm tốt nghiệp Học viện KGB, Laborc vẫn duy trì những mối quan hệ cũ, và quan điểm “cộng sản” của ông thì không hề thay đổi. Nemeth và đảng FIDESZ của ông căn cứ vào những điều này để phản đối Laborc và cho rằng ông “không phù hợp” cho chức vụ người đứng đầu Cơ quan an ninh Hungary, và kêu gọi ông từ chức.

Thủ tướng Gyurcsany đã phản bác lập luận của ông Nemeth và FIDESZ, cho rằng việc dựa vào thời gian theo học tại Học viện KGB ở Mosvka để quy kết cho ông Laborc những vấn đề nghiêm trọng như thế là không thỏa đáng.

Từ chuyện nội bộ của nước Hungary, các nước thành viên NATO vẫn chưa hay biết gì về phần “lý lịch KGB” của Laborc. Nhiều đại diện NATO cho biết, họ không hề biết về lý lịch của Laborc khi bỏ phiếu bầu cho ông.

Nhưng họ cũng cho rằng, cho dù họ có biết thì họ cũng vẫn bầu cho ông, vì NATO đưa ra các quyết định trên nguyên tắc đồng thuận. Một khi phải thẩm tra lại một đề cử nào đó thì họ buộc phải đi từng bước, thẩm tra từ người chịu trách nhiệm cao nhất của quốc gia đề cử. Điều này không phù hợp nguyên tắc đồng thuận của NATO.

Tuy nhiên, với những người theo “thuyết âm mưu” thì vấn đề đang có vẻ “nghiêm trọng”. Họ cho rằng, với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Tình báo NATO, nhiệm vụ chính của Laborc là xử lý nhiều vấn đề tình báo, phân tích và chia sẻ thông tin tình báo giữa 26 quốc gia thành viên khối NATO.

Trong 1 năm đảm nhiệm chức vụ này, Laborc sẽ có một số buổi họp làm việc đặc biệt với lãnh đạo tình báo các nước, kể cả giám đốc cơ quan mật vụ. Với chức vụ nhạy cảm như thế, một người từng qua trường lớp đào tạo của KGB như Laborc chắc chắn không thể tránh khỏi cách xử lý các vụ việc, đánh giá phân tích thông tin tình báo theo quan điểm của Nga. Đó là chưa kể việc Laborc có thể sẽ trở thành một đầu mối rò rỉ thông tin mới.

Lịch sử các vụ rò rỉ thông tin nội bộ của NATO đã cho thấy các quốc gia Đông Âu mới gia nhập NATO (Hungary, Ba Lan, Czech năm 1999, Bulgaria và Romania năm 2004) thường bị nghi ngờ là đầu mối rò rỉ thông tin tình báo từ trong khối NATO cho đối phương.

Trong cuộc chiến Nam Tư năm 1999, Hy Lạp (thành viên NATO) lúc đó là đồng minh của Serbia đã liên tục giúp chuyển cho Serbia thông tin của liên quân... Trong trường hợp này, NATO càng có lý do để lo ngại sự việc tương tự sẽ xảy ra. Nhất là gần đây, quan hệ giữa hai nước Nga - Hungary đang ấm lên

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.