NATO: Từ liên minh quân sự thành tổ chức an ninh đa quốc gia

Thứ Tư, 03/04/2019, 15:09
Chỉ còn ít ngày nữa là tới ngày Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tròn 40 tuổi, ngày 4-4-2019. Nhìn lại những thành quả và tương lai phát triển của liên minh an ninh này, đang có nhiều câu hỏi đặt ra đối với sự tồn vong của chính nó cũng như an ninh chung của toàn thế giới.

Nhiều ý kiến cho rằng, với những gì khối này đang làm, NATO đang từ liên minh quân sự thành tổ chức an ninh đa quốc gia.

Chặng đường không phẳng lặng

Năm 1949, NATO được thành lập để đối phó với mối đe dọa từ Liên Xô. Trong 40 năm, liên minh đã thực hiện chính sách phòng thủ tập thể đối với các thành viên, gìn giữ hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ châu Âu, một phần nhờ mối liên kết chặt chẽ giữa Mỹ và châu Âu.

Lực lượng NATO trong một cuộc diễn tập gần biên giới với Nga. Ảnh: Sputnik International.

Trong giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh, từ lúc bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 đến khủng hoảng Ukraine năm 2014, liên minh không ngừng mở rộng. Sau khi Montenegro gia nhập, tính đến năm 2017, NATO có 29 thành viên và đã phát triển các quan hệ đối tác với các nước láng giềng.

Ưu tiên được đề ra trong giai đoạn thứ 2 này là quản lý khủng hoảng, nhất là tại các khu vực như Bosnia, Kosovo, Afghanistan, Libya... những nơi NATO triển khai hơn 130.000 binh sĩ. Tuy nhiên, công bằng mà nói các chiến dịch này không thực sự đạt hiệu quả. Điển hình là việc chưa thể thiết lập hòa bình cho Afghanistan hay Libya.

Năm 2014, khi khủng hoảng Ukraine bùng phát, NATO bước vào một giai đoạn mới khởi đầu với các nỗ lực phục hồi các nguyên tắc nền tảng trong chính sách phòng thủ tập thể trước một nước Nga ngày càng cương quyết. NATO đã có những biện pháp trấn an đối với khu vực Đông Âu, tiến hành các cuộc tập trận trên quy mô lớn, đồng thời củng cố năng lực quân sự.

Sự trở lại của Pháp với vai trò trong Bộ Chỉ huy quân sự NATO sau 43 năm gián đoạn được đánh giá khá tích cực. Là thành viên sáng lập NATO song năm 1966 Pháp đã rút khỏi cơ cấu chỉ huy. Pháp trở lại vào năm 2009 sau khi được trao quyền chỉ huy lực lượng phản ứng nhanh của NATO đặt tại Lisbon (Bồ Đào Nha) và cơ quan nghiên cứu cải tổ NATO tại Norfolk (Mỹ).

Bước đi này, một phần do nỗ lực của Tổng thống Nicolas Sarkozy, song phần lớn là kết quả của một tiến trình lâu dài, đã giúp Pháp có thêm ảnh hưởng và lòng tin trong liên minh, củng cố vị thế và được thừa nhận như một đồng minh chủ chốt.

Một trong những đồng minh gây nhiều tranh cãi nhất trong NATO là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có lực lượng binh sỹ đông thứ hai và cũng là quốc gia Hồi giáo duy nhất trong khối này. Dù là thành viên NATO song bất chấp các cảnh báo của Bộ Quốc phòng Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mua pháo phòng không Nga.

Thực tế hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga không chỉ không tương thích với hệ thống của NATO mà còn khiến khối đặc biệt quan ngại về nguy cơ rò rỉ thông tin cho giới tình báo và an ninh Nga. Sau cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016, quan hệ giữa Ankara và các đồng minh trong NATO đã sụt giảm nghiêm trọng.

Nhiều sĩ quan liên lạc của NATO trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị chính quyền thanh trừng. Tâm lý bài phương Tây không ngừng gia tăng trong khi giới lãnh đạo nước này cho rằng NATO và Mỹ “đồng lõa” với cuộc nổi dậy không thành. Tuy vậy, nguy cơ hai bên cắt đứt quan hệ được xem là khó khả thi, bởi việc tiếp tục là thành viên NATO cho phép Thổ Nhĩ Kỳ duy trì sự kết nối với lục địa châu Âu, trong khi Mỹ vẫn cần sử dụng các căn cứ tại Thổ Nhĩ Kỳ để đảm bảo ảnh hưởng trong khu vực.

Washington cũng cần Ankara để đương đầu với Iran. Cuối cùng, châu Âu, bằng các hỗ trợ tài chính, có thể trông cậy vào việc Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò “biên phòng” ngăn cản dòng người tị nạn Syria.

Có nhiều ý kiến cho rằng hệ thống phòng thủ châu Âu hiện nay cạnh tranh với NATO, song đây không phải là điều có thật. Có 22 quốc gia đồng thời là thành viên của cả hai khối này.

Tuy nhiên những quốc gia vẫn luôn xem NATO là “người bảo vệ an ninh” của mình luôn đề cao nguyên tắc “không trùng lặp” về phương tiện giữa Liên minh châu Âu và NATO, dù mâu thuẫn và bất đồng vẫn luôn tồn tại, giữa một bên là Na Uy, các nước Baltic, Ba Lan… vốn ưu tiên quan hệ với NATO và cho rằng EU không thể một mình đương đầu với mối đe dọa từ Nga và bên kia là những quốc gia ủng hộ cho việc châu Âu cần khẳng định vị thế của mình.

Việc Anh rời bỏ EU cũng làm cho tình hình thay đổi, bởi London vẫn luôn luôn phản đối việc phát triển một chính sách phòng thủ châu Âu. Thực tế những vấn đề đã tồn tại từ lâu của châu Âu (như thiếu vắng tầm nhìn chính trị chung hoặc Đức ưa thích quyền lực mềm hơn…) đã cản trở sự hình thành của hệ thống phòng thủ châu Âu.

Liệu NATO có biến mất?

Đây là câu hỏi khiến nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cũng như người dân đặt ra kể từ khi ông Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng. Từ thời điểm này, NATO đã trở thành một tổ chức bấp bênh. Chỉ ít ngày sau khi tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống thứ 45 của Mỹ, Tổng Thư ký NATO đã phải lên tiếng bày tỏ quan ngại, trong khi Liên minh châu Âu phải nhóm họp khẩn để bàn cách “ứng xử”.

Binh lính NATO tại Afghanistan. Ảnh: Foreign Brief.

Các nhiệm vụ và mức độ khả tín của khối đã bị suy yếu do chính sách của Tổng thống Mỹ. Lúc đầu, ông Trump cho rằng liên minh đã “lạc hậu”, rồi sau lại thay đổi ý kiến.

Sự thay đổi chóng mặt trong chính sách của Mỹ đối với châu Âu đã làm cho một số người lo ngại là việc Washington rút ra khỏi NATO sẽ khiến khối phải giải thể, song NATO vẫn tồn tại. Nhiều ban chỉ huy và chiến dịch mới được thành lập và việc tái đầu tư của Mỹ vào châu Âu lại tăng lên chứ không hề giảm đi trong những năm gần đây.

Nhìn từ bên trong, NATO không hề là một tổ chức đang hấp hối. Tuy nhiên, điều này không thể ngăn người ta đặt dấu hỏi về mối quan hệ giữa Mỹ và NATO. ÔNg Donald Trump là ví dụ tiêu biểu nhất cho những lo lắng trên khi sự thờ ơ của Mỹ đối với an ninh của châu Âu và với cả NATO ngày càng rõ rệt, tuy nhiên đó chỉ là bề ngoài. Hoặc đây chỉ là một “ngoại lệ tạm thời” và người ta cần kiên nhẫn chờ đợi, bởi hệ thống chính trị Mỹ, người dân và Quốc hội Mỹ vẫn rất ủng hộ và gắn bó với NATO!

Rất có thể là vấn đề chia sẻ gánh nặng và những đòi hỏi của Mỹ đối với các đồng minh châu Âu cần chi nhiều hơn cho quốc phòng sẽ tiếp tục tồn tại sau thời ông Donald Trump. Nhưng trong các lĩnh vực khác, nhất là khi phải đối mặt với các cường quốc mới nổi như Nga hay Trung Quốc, Mỹ và châu Âu lại là những đồng minh tự nhiên.

Vậy thì cuối cùng liệu châu Âu có một giải pháp thay thế cho NATO? Chắc chắn ở thời điểm này thì “không có kế hoạch B thay thế” cho NATO.

Nhiều thảo luận hiện nay về NATO, trong đó có những bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tập trung vào tính hữu ích của liên minh này đối với an ninh của Mỹ và liên minh này cần làm gì để củng cố tiềm lực trước một nước Nga ngày càng quyết đoán. NATO ngày nay không đơn thuần không còn là một liên minh quân sự để đối phó với Nga và cũng không đơn giản chỉ như vậy. Thay vào đó, NATO là một tổ chức an ninh đa quốc gia đối với châu Âu và là một tổ chức thực hiện nhiều vai trò khác nhau để đối phó với các mối đe dọa hiện nay.

Sau Chiến tranh Lạnh, giới học giả đã chỉ trích, cáo buộc NATO đe dọa Nga bằng hoạt động mở rộng khi kết nạp thêm các nước từng là thành viên của khối Warsaw và thậm chí các nước từng thuộc Liên Xô.

Làn sóng mở rộng NATO đầu tiên diễn ra từ 1997 đến 1999 và được miêu tả là một chiến lược kiềm chế thành công thời hậu Chiến tranh Lạnh. Nga luôn nghi ngờ bản chất của sự mở rộng này. Cáo buộc rằng sự mở rộng của NATO gây ra sự thù địch của Nga, dù đúng, nhưng chưa tính đến một vấn đề khác. Đó là châu Âu ngày nay sẽ như thế nào nếu NATO chỉ vẻn vẹn ở sau biên giới của Đức? Nhìn vào thực tế trong mấy chục năm qua sẽ rõ. Bằng việc mở rộng đến Đông Âu, NATO đã kết nạp thêm không ít thành viên ở Đông Âu. Sự mở rộng của NATO đã làm thay đổi trật tự ở Đông Âu, Tây Âu và những lợi ích của Mỹ.

Chính trong vai trò này mà NATO thời hậu chiến không còn được xem là một liên minh quân sự mà trở thành một lực lượng an ninh. Thời Chiến tranh Lạnh, NATO chỉ có một nhiệm vụ: ngăn chặn Liên Xô nếu có xảy ra tấn công đối với Tây Âu. Khi Liên Xô và Khối Warsaw sụp đổ đầu những năm 1990, liên minh đối mặt với cuộc khủng hoảng về bản sắc với việc phải tìm ra cho mình một tôn chỉ mục đích hoạt động mới.

Trớ trêu là trong đúng thời gian này, NATO lại tiến hành các hoạt động quân sự thực sự đầu tiên của mình, trong đó phải kể đến các hành động ở Bosnia năm 1995 và Kosovo năm 1999. Phần lớn các hoạt động triển khai quân này đều có chung một điểm là chúng được phân loại là các hoạt động “an ninh”.

Không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ một thành viên của liên minh từ một cuộc tấn công trực tiếp của một kẻ thù bên ngoài, NATO đã hoạt động để hỗ trợ an ninh và ổn định ở cả các nước không phải là thành viên. Kiểu hoạt động này tiếp tục diễn ra khi NATO nắm quyền chỉ huy Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) ở Afghanistan trong năm 2006.

Chính việc NATO đảm nhiệm vai trò kiểm soát ISAF đã khiến NATO cam kết nhiều hơn trong cuộc chiến chống khủng bố, song đây lại là lĩnh vực mà NATO gặp nhiều khó khăn để có thể tham gia đầy đủ. Lý do chính là thiếu chia sẻ thông tin tình báo giữa các nước thành viên và NATO coi việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố ở châu Âu là một vấn đề nên được EU giải quyết.

Nhu cầu lớn nhất của NATO không chỉ là chi tiêu nhiều hơn vào lực lượng quân sự truyền thống của mình để đẩy lùi một cuộc xâm lược truyền thống. Hơn thế, NATO cần nhiều nguồn tài nguyên dồi dào hơn để nâng cao năng lực tình báo, an ninh, luật lệ và trật tự.

NATO ngày nay không chỉ còn là một liên minh quân sự. NATO đã trở thành một tổ chức an ninh đa quốc gia, đảm nhiệm nhiều vai trò, từ chống khủng bố đến gìn giữ hòa bình cũng như huấn luyện và cố vấn. Vì vậy, NATO cần thực hiện vai trò này để tiếp tục bảo vệ thành công châu Âu và Mỹ.

Một liên minh cần thêm gắn kết

Bất chấp những bất đồng liên quan tới việc chi tiêu cho quốc phòng, sau hai ngày nhóm họp 11 và 12-7-2018, hội nghị thượng đỉnh NATO lần thứ 7 tại trụ sở mới ở Brussels, Bỉ, đã cho thấy, với việc các nước thành viên đạt đồng thuận trong nhiều vấn đề, đặc biệt là cam kết chia sẻ gánh nặng và chi tiêu quốc phòng chính là lời cam kết của các nước thành viên NATO cùng mong muốn kết thành khối liên minh bền vững.

Một Tuyên bố chung đã được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2018 khẳng định các nhà lãnh đạo "cam kết mục tiêu kiên định" về tăng chi tiêu cho quốc phòng tại các nước thành viên.

Theo đó 28 quốc gia đồng minh còn lại đã nhất trí tăng ngân sách quốc phòng nhanh hơn để đáp ứng mục tiêu của NATO là tương đương 2% GDP của mỗi nước trong vài năm tới. Theo các cam kết hiện tại, các nước thành viên NATO phải đạt mục tiêu này vào năm 2024, nhưng có điều khoản cho phép một số thành viên có thể đạt mục tiêu này vào năm 2030.

Lãnh đạo các nước thành viên NATO cũng nhất trí phát triển một Chính sách Không gian toàn diện của liên minh này. Ngoài việc nhất trí tăng cường phòng thủ và răn đe của liên minh trên biển và trên không, NATO đã quyết định khởi động sáng kiến về đảm bảo tăng cường lực lượng sẵn sàng chiến đấu và thiết lập hai đơn vị chỉ huy mới trên đất liền trong cơ cấu chỉ huy của mình.

Lãnh đạo các nước NATO cũng chuẩn bị kế hoạch thành lập một trung tâm điều hành không gian mạng có trụ sở tại Bỉ nhằm điều phối các hoạt động của tổ chức này trên không gian mạng, bên cạnh đó là một sở chỉ huy đóng tại Norfolk, Mỹ và một sở chỉ huy cho nhiệm vụ triển khai nhanh lực lượng tại châu Âu ở Ulm, Đức.

NATO cũng công bố thành lập một nhóm hỗ trợ và cung cấp trợ giúp cho các đồng minh trong trường hợp bị đe dọa đồng thời tiếp tục ủng hộ các đối tác tăng cường khả năng thích ứng với các thách thức lớn.

Trong trường hợp phải đối mặt với mối đe dọa lớn đối với một trong các thành viên, NATO có quyền kích hoạt Điều 5 của Hiến chương NATO về quy định nguyên tắc phòng thủ tập thể. NATO cũng thừa nhận liên minh này đang phải đối mặt với những mối đe dọa mới đến từ tên lửa hành trình và các thiết bị bay không người lái cũng như việc phổ biến những công nghệ liên quan. 

Đánh giá về những kết quả đạt được, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định NATO đã "mạnh hơn". Việc các thành viên NATO hóa giải được bất đồng với Mỹ và ngay trong khối liên minh này đã khẳng định rằng với những lợi ích cốt lõi, NATO vẫn là một liên minh quân sự không thể tách rời.

Hoa Vinh
.
.