NRO bị buộc tội thu thập bất hợp pháp dữ liệu cá nhân

Thứ Năm, 26/07/2012, 22:30

Cơ quan Do thám quốc gia (NRO) - một trong những cơ quan tình báo bí mật nhất của nước Mỹ - được cho là đã gây sức ép đến những chuyên viên vận hành máy phát hiện nói dối để thu thập chi tiết đời tư của hàng ngàn nhân viên trong cơ quan. Người ta cho rằng, NRO đã vượt quá giới hạn pháp lý và đạo đức khi lợi dụng chương trình được thiết kế chỉ nhằm mục đích truy lùng điệp viên và phần tử khủng bố.

Theo tiết lộ của báo chí, NRO - cơ quan chịu trách nhiệm giám sát mạng lưới vệ tinh do thám của Mỹ - đặc biệt khen thưởng (thường là bằng số tiền mặt khá lớn) những nhân viên vận hành máy phát hiện nói dối tích cực thu thập thông tin cá nhân của những đối tượng chịu sự kiểm tra và đe dọa những ai từ chối làm công việc này. Những thông tin mà NRO thu thập khá rộng bao gồm những hành vi và suy nghĩ cá nhân như là sử dụng ma túy, xâm hại trẻ em, ý định tự sát, trầm uất hay sự lệch lạc trong quan hệ tình dục.

Nhưng cho dù ngay cả hành vi quấy nhiễu trẻ em bị phát hiện qua kiểm tra, đối tượng cũng không hề bị bắt giữ hay truy tố ra trước pháp luật mà thông tin chỉ được NRO lưu trữ vào cơ sở dữ liệu của cơ quan. Mark Phillips, chuyên viên vận hành máy phát hiện nói dối đã từ chức hồi tháng 6 vừa qua để phản đối NRO, cho rằng những kỹ thuật của cơ quan đã xâm phạm quyền riêng tư của công dân Mỹ và điều này không thể chấp nhận được cho dù vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia. 

Các chuyên gia an ninh, bao gồm những người ủng hộ việc sử dụng máy phát hiện nói dối để phục vụ mục đích an ninh, cũng tỏ ra lo lắng trước hành động được coi là bất hợp pháp của NRO. Steven Aftergood giải thích: Khi các cơ quan tình báo vượt quá quyền hạn cho phép, họ không chỉ vi phạm quyền riêng tư của nhân viên mà còn gây tai tiếng cho chương trình kiểm tra an ninh bằng máy phát hiện nói dối.

Steven Aftergood là chuyên gia phân tích ở Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), một trung tâm nghiên cứu phi đảng phái theo dõi những chính sách tình báo của Mỹ. Từ lâu ở Mỹ đã có nhiều cuộc tranh cãi về việc chính quyền liên bang sử dụng máy phát hiện nói dối để kiểm tra nhân viên khi mà không biết chắc được máy có thật sự phát hiện được sự khác biệt giữa nói dối và nói thật hay không, hay chỉ đơn giản là ghi nhận phản ứng cảm xúc.

Năm 2002, National Academies - Viện khoa học phi lợi nhuận bao gồm Viện Hàn lâm khoa học quốc gia (NAS) - kết luận rằng, chính quyền liên bang không nên sử dụng máy phát hiện nói dối bởi vì nó không chính xác lắm. Tuy nhiên kể từ năm 2002, con số những cuộc kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối ở Mỹ đã tăng gấp 5 lần và chỉ riêng Bộ Quốc phòng Mỹ đã tiến hành gần 46.000 test mỗi năm.

NRO - cơ quan đứng hàng thứ 2 về số lần sử dụng máy phát hiện nói dối ở Lầu Năm Góc - tiến hành khoảng 8.000 cuộc kiểm tra mỗi năm tại trụ sở chính của cơ quan ở Chantilly, bang Virginia, cũng như tại các văn phòng ở Los Angeles và khu vực Thung lũng Silicon.

Các cơ quan liên bang biện hộ rằng, những thông tin thu thập được qua sử dụng máy phát hiện nói dối giúp họ phát hiện và xử lý những nhân viên xấu hay thậm chí nguy hiểm, trong khi những cuộc điều tra thông thường được mô tả là tốn tiền bạc lẫn thời gian mà không hiệu quả. Nhưng một số chuyên gia an ninh quốc gia đặt câu hỏi: Liệu các cơ quan liên bang Mỹ có bảo đảm sự cân bằng giữa việc bảo vệ quyền riêng tư của công dân và yêu cầu an ninh quốc gia hay không khi họ đặt ra những câu hỏi được cho là đi quá sâu vào đời tư của người chịu kiểm tra.

Tháng 6 vừa qua, chính quyền Obama thông báo các cơ quan liên bang, bao gồm NRO, được phép sử dụng máy phát hiện nói dối để kiểm tra nhân viên xem họ có tiết lộ thông tin mật cho giới truyền thông hay không. Và điều này đã gây lo ngại cho các nhóm nhân quyền.

Chương trình kiểm tra nói dối của NRO nằm trong số 8 chương trình kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối của Bộ Quốc phòng Mỹ được triển khai và chỉ tập trung vào những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.

Những nỗ lực tình báo toàn cầu của NRO.

Những câu hỏi kiểm tra được soạn thảo đặc biệt chỉ để phát hiện gián điệp và phần tử khủng bố mưu toan xâm nhập nội bộ chính quyền Mỹ, song không xâm phạm đời tư của viên chức chính quyền hay quân nhân. Nhưng cách đây khoảng 5 năm, NRO bắt đầu ép buộc những chuyên viên vận hành máy phát hiện nói dối thu thập thông tin ngoài giới hạn cho phép. Hành động vi phạm pháp luật này của NRO sau đó gặp phải sự chống đối của một số chuyên viên bao gồm Chuck Hinshaw và Mark Phillips, cựu lính thủy đánh bộ và từng làm việc cho nhiều cơ quan tình báo trong hai thập niên qua.

Chuck Hinshaw làm việc cho NRO từ năm 2005 cho đến đầu năm 2012 thì từ chức để phản đối hành vi xâm phạm quyền riêng tư của NRO. Cả hai đồng ý công khai danh tính vì cho rằng hành động của NRO đã vi phạm các chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ và cần được ngăn chặn ngay. Một chuyên viên giấu tên thừa nhận NRO từ lâu đã áp dụng chính sách bất hợp pháp tăng cường thu thập những thông tin bị cấm.

Để phản ứng, NRO quy cho Phillips và Hinshaw tội gây rối. Trước khi Phillips từ chức, NRO đã tạm đình chỉ công tác 3 ngày đối với ông với lý do là ông không tuân lệnh thượng cấp, còn Hinshaw bị rút giấy phép truy cập thông tin mật vào đầu năm 2012. Cả hai người đều buộc tội NRO có hành vi trả đũa họ. Được biết, hiện nay tổng thanh tra của Lầu Năm Góc đang tiến hành điều tra về những cáo buộc của Phillips và Hinshaw.

Vào cuối năm 2011, Lầu Năm Góc đã phát hiện NRO vi phạm các chính sách của Bộ Quốc phòng khi cho tiến hành thu thập những thông tin về đời tư nhân viên thông qua kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối. Song, theo tiết lộ của những chuyên viên vận hành thiết bị này, hành động của NRO còn vượt xa hơn những gì mà Lầu Năm Góc biết được

Diên San (tổng hợp)
.
.