NSA bí mật chia sẻ dữ liệu công dân Mỹ với Israel

Thứ Sáu, 04/04/2014, 20:50

Theo một tài liệu tuyệt mật năm 2009 của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) do Edward Snowden cung cấp cho tờ Guardian của Anh đã thành lập một chương trình chia sẻ dữ liệu tình báo thô - có thể bao gồm cả thông tin nhạy cảm từ các cuộc gọi điện thoại và email của công dân Mỹ - với Cơ quan Tình báo tín hiệu Quốc gia Israel, gọi tắt là ISNU, theo một thỏa thuận kín ký kết giữa hai bên.

Theo tiết lộ của Snowden, sau khi nhận được dữ liệu thô ISNU sẽ lập tức xóa bỏ thông tin về những giao tiếp của giới chức chính quyền Mỹ, song dữ liệu về những dân thường nước này có thể được người Israel giữ lại trong 1 năm để khai thác. Thỏa thuận giữa NSA và ISNU cũng không đặt ra giới hạn ràng buộc về mặt pháp lý về việc sử dụng dữ liệu bởi người Israel.

Tiết lộ về việc NSA cung cấp dữ liệu tình báo thô cho một quốc gia nước ngoài hoàn toàn trái ngược với cam kết của chính quyền Tổng thống Barack Obama rằng quyền riêng tư của công dân Mỹ luôn được tôn trọng trong các hoạt  động tình báo của nước này.

Theo thỏa thuận giữa NSA và ISNU, các chuyên gia phân tích tình báo Mỹ sẽ không sàng lọc và xóa bỏ những thông tin của công dân nước này trước khi chia sẻ dữ liệu tình báo tín hiệu (SIGINT) thô với người Israel. Mặc dù, trong thỏa thuận nhấn mạnh dữ liệu chia sẻ luôn tuân thủ luật pháp Mỹ và người Israel cam kết không nhắm đến các mục tiêu là người Mỹ được xác định trong dữ liệu song những quy định này không được kiểm soát về mặt pháp lý.

Trong tài liệu mật gửi cho tờ Guardian, một người phát ngôn của NSA thừa nhận thông tin cá nhân của công dân Mỹ cũng nằm trong dữ liệu thô chia sẻ với tình báo Israel.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Trước tiết lộ gây lo ngại về quyền riêng tư này, NSA từ chối trả lời các câu hỏi về nội dung thỏa thuận, bao gồm việc cơ quan này có được Tòa án Giám sát Tình báo nước ngoài (FISA) cho phép chuyển giao dữ liệu thô cho một quốc gia nước ngoài hay không. Thỏa thuận ký kết chỉ yêu cầu người Israel nên tham khảo ý kiến của cố vấn liên lạc đặc biệt của NSA khi tìm thấy dữ liệu công dân Mỹ.

Tuy nhiên, thỏa thuận có quy định chặt chẽ hơn đối với dữ liệu về chính quyền Mỹ, đòi hỏi người Israel phải xóa bỏ tất cả những thông tin giao tiếp liên quan đến giới quan chức Nhà Trắng, Quốc hội Mỹ và hệ thống tòa án liên bang. Không có gì bí mật trong chuyện Mỹ và Israel vì lợi ích chung mà hợp tác chặt chẽ chống lại những mục tiêu tình báo như Syria và Iran. Mặc dù vậy, Israel cũng được Mỹ coi là "mục tiêu ưu tiên" cùng với các quốc gia đối đầu khác như Nga, Trung Quốc, Iran và Cuba. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin SIGINT thô cho ISNU đã đặt vấn đề liệu Mỹ có nên tin tưởng người Israel trong cam kết tôn trọng quyền riêng tư của công dân Mỹ?

Một mối lo ngại khác nữa là Israel có thể sử dụng dữ liệu SIGINT của Mỹ để tiến hành các chiến dịch bí mật mà Washington không tán thành. Ví dụ, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã lên án những vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân Iran được tin là do Mossad của Israel tiến hành.

Thỏa thuận bí mật chia sẻ dữ liệu SIGINT thô giữa NSA và ISNU.

Mặc dù, Israel là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ nhưng quốc gia này không nằm trong nhóm ký kết thỏa thuận chia sẻ dữ liệu SIGINT với Mỹ (được gọi là Five Eyes) bao gồm Anh, Australia, Canada và New Zealand. Thậm chí, mối quan hệ giữa Mỹ và Israel cũng trải qua nhiều giai đoạn căng thẳng về mặt ngoại giao lẫn tình báo. Trong tài liệu đề nghị ngân sách tình báo tuyệt mật năm 2013 được tờ Washington Post tiết lộ, Israel - bên cạnh Iran và Trung Quốc - được coi là mục tiêu cho những cuộc tấn công mạng của Mỹ.

Báo cáo nhan đề "Lịch sử mối quan hệ SIGINT giữa Mỹ và Israel sau năm 1991" cho biết: "Sự cân bằng trong trao đổi dữ liệu SIGINT là một thách thức thường trực". Còn theo một tài liệu tuyệt mật năm 2008 mà tờ Guardian có được, trong đó một sĩ quan cao cấp của NSA cáo buộc người Israel luôn gia tăng hoạt động gián điệp Mỹ để nắm rõ các chính sách của nước này về khu vực Trung Đông.

Tài liệu còn nêu rõ: "Một trong những mối đe dọa lớn nhất của NSA xuất phát từ các cơ quan tình báo bạn bè như Israel". Ví dụ như Jonathan Pollard - cựu chuyên gia phân tích tình báo Hải quân Mỹ - bị án tù chung thân vì tội làm gián điệp cho Israel vào thập niên 90 thế kỷ trước. Lý do giải thích sự đối đầu ngầm giữa Israel và Mỹ có thể hiểu là cả hai quốc gia này có cùng các mối quan tâm về chính sách đối ngoại và trong một số trường hợp Israel có hiểu biết sâu rộng về các nền văn hóa cũng như ngôn ngữ khu vực Trung Đông.

Ngoài Israel, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng sử dụng dữ liệu SIGINT thô của NSA, và khó biết được liệu họ có bí mật chia sẻ thông tin với các cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài hay không. Bởi vì, cũng giống như NSA, FBI và CIA có các sĩ quan cố vấn liên lạc đặc biệt với các đối tác ở hải ngoại.

Người ta cho rằng có lẽ chính tướng tình báo Keith Alexander đặt bút ký vào thỏa thuận chia sẻ dữ liệu SIGINT thô với ISNU nhưng liệu ông có biết được bao nhiêu thông tin mật được chuyển giao cho Israel và những gì đã xảy ra với mớ thông tin này mới là vấn đề đáng lo ngại

Diên San (tổng hợp)
.
.