NSA hợp tác xây dựng mạng tình báo tín hiệu ở Ethiopia

Thứ Sáu, 06/10/2017, 11:00
Đầu năm 2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hồ hởi phát biểu: "Mối quan hệ hữu nghị nồng ấm kết nối người dân Mỹ và Ethiopia. Chúng ta vẫn tiếp tục hợp tác với Ethiopia để tăng cường tự do, dân chủ, tăng trưởng kinh tế, bảo vệ nhân quyền và củng cố pháp luật".

Thậm chí, trang web của Đại sứ quán Mỹ ở Ethiopia cũng gây chú ý cho giới truyền thông khi nhấn mạnh sự hỗ trợ của Mỹ dành cho những chủ nông trại và trợ giúp xây dựng cơ sở hạ tầng y tế công cộng tại quốc gia Đông Phi này. Thật ra, cách đây 15 năm chính quyền Mỹ bắt đầu thành lập nhiều trung tâm khác nhau được trang bị công nghệ đặc biệt không chỉ đơn thuần nhằm bảo vệ nhân quyền.

Theo một số tài liệu mật của Mỹ, sau ngày 11-9-2001, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) âm thầm giúp Ethiopia xây dựng mạng lưới tình báo điện tử bí mật nghe lén những cuộc điện đàm của người dân trong nước và cả khu vực Sừng châu Phi "nhân danh chống khủng bố".

Sự ra đời "Niềm kiêu hãnh của Sư tử"

Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa NSA và Ethiopia kéo dài hơn một thập niên trong cuộc chiến dai dẳng chống các nhóm chiến binh cực đoan Hồi giáo như Al-Qaeda và Shabab. Trong ngần ấy thời gian, các lực lượng an ninh Ethiopia được tình báo Mỹ hậu thuẫn bị buộc tội sử dụng những biện pháp tra tấn tàn bạo đối với những nghi can khủng bố đồng thời "nhân danh chống khủng bố" để đàn áp những người bất đồng quan điểm chính trị.

Trạm Kagnew Station của quân đội Mỹ ở Asmara.

Felix Horne, nhà nghiên cứu cho Tổ chức Giám sát nhân quyền  (HRW) đặt trụ sở tại New York (Mỹ), bình luận: "Chính quyền Ethiopia sử dụng mạng lưới nghe lén điện tử không chỉ để chống khủng bố và tội phạm mà còn hướng đến nỗ lực dập tắt tiếng nói của phe đối lập chính trị trong nước. Rõ ràng, bất cứ ai có hành vi hay ngôn từ chống đối chính quyền đều bị coi là phần tử khủng bố hay yếu tố phá hoại hòa bình".

 Theo tài liệu mật của NSA do "người thổi còi" Edward Snowden cung cấp cho báo chí thì tháng 2-2002, NSA giúp Ethiopia xây dựng Trung tâm Chiến dịch tình báo tín hiệu phản ứng nhanh (DSIOC) -  thường được gọi là "Lion's Pride" (Niềm kiêu hãnh của sư tử) - tại thủ đô Addis Ababa nước này. "Lion's Pride" bắt đầu hoạt động với khoảng 12 chuyên gia người Ethiopia thực hiện sứ mệnh duy nhất là chống khủng bố tại nhiều trạm khác nhau.

Nhưng đến năm 2005, "Lion's Pride" mở rộng hoạt động với sự có mặt của 8 cố vấn quân sự Mỹ và 103 người Ethiopia làm việc tại 46 trạm nghe lén những cuộc giao tiếp điện tử ở khắp nơi: Somalia, Sudan và Yemen. Ngoài các trung tâm nghe lén chính ở Addis Ababa, "sư tử" còn lập thêm "3 tiền đồn hẻo lánh" trong đó có một trạm ở thị trấn Gondar miền tây bắc Ethiopia.

Katie Pierce, cựu nữ sĩ quan người Mỹ chỉ huy Biệt đội khai thác tín hiệu (SED) của Lion's Pride và hiện là trung tá lực lượng quân dự bị Ethiopia và luật sư tư nhân, nhận định: "NSA rất có lợi khi mở rộng cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu đến khu vực Sừng châu Phi. Lợi ích to lớn mà NSA thu được là Ethiopia cho phép người Mỹ hoạt động ngay trên lãnh thổ của mình và còn cung cấp cả đội ngũ chuyên gia ngôn ngữ học".

Theo Katie Pierce, Lion's Pride đã cung cấp cho đối tác Mỹ khoảng 7.700 bản sao ghi âm và hơn 900 báo cáo tình báo dựa trên các chiến dịch nghe lén trong khu vực. Nhưng không bao lâu sau khi xuất hiện trực tuyến, bình luận của Pierce đột nhiên biến mất và người ta cho là có sự can thiệp từ NSA. Reta Alemu Nega, công sứ phụ trách chính trị trong Đại sứ quán Ethiopia ở Washington DC., thừa nhận cho đến nay Mỹ và Ethiopia vẫn duy trì "sự hợp tác rất chặt chẽ" về mọi vấn đề liên quan đến tình báo và chống khủng bố.

Tuy nhiên, Reta Nega không hề nhắc đến hoạt động của Lion's Pride mà chỉ mô tả về những cuộc họp định kỳ giữa giới chức quốc phòng Mỹ và Ethiopia để "trao đổi quan điểm" về quan hệ đối tác cũng như chia sẻ hoạt động giữ gìn an ninh.

Mối quan hệ từ thời Chiến tranh lạnh

Thực ra, Ethiopia từ lâu đã đóng vai trò cốt yếu trong hoạt động tình báo nghe lén của Mỹ tại khu vực này. Năm 1953, Ethiopia ký thỏa thuận với Mỹ cho phép sử dụng căn cứ nghe lén Kagnew Station ở Asmara (lúc đó còn là vùng lãnh thổ của Ethiopia trước khi trở thành thủ đô của Eritrea vào năm 1993) trong thời hạn 25 năm - theo tài liệu mật NSA mà tổ chức phi lợi nhuận National Security Archive có được.

Chiến binh tổ chức ONLF ở Ethiopia.

Ngày 23-4-1965, Liên Xô phóng lên quỹ đạo vệ tinh thông tin liên lạc đầu tiên trên thế giới Molniya-1. Một tháng sau đó, NSA tiếp tục đưa vào hoạt động trạm nghe lén STONEHOUSE cũng nằm trong vùng hẻo lánh ở Asmara nhằm mục đích thu thập thông tin về các vệ tinh Molniya của Liên Xô.

Trạm nghe lén thời Chiến tranh Lạnh Kagnew Station nằm khá gần xích đạo và ở độ cao 2.200m trên mực nước biển vì thế trở thành địa điểm hết sức lý tưởng để do thám Liên Xô; là nơi làm việc của trên 5.000 nhân viên tình báo Mỹ vào những năm cao điểm trong thập niên 1960. Từ tháng 1 đến tháng 9-1975, 4 nhân viên tình báo hợp đồng người Mỹ bị bắt cóc ở Kagnew Station trong 2 cuộc đột kích khác nhau của quân đội Eritrea trong cuộc chiến tranh với Ethiopia tranh chấp khu vực Asmara.

Mặc dù Kagnew Station rất quan trọng cho hoạt động nghe lén của quân đội Mỹ song NSA buộc phải lập kế hoạch đóng cửa nơi này vào tháng 9-1977 do tình hình bất ổn ở Ethiopia. Tuy nhiên, do áp lực từ Tổng thống Ethiopia Mengistu Haile Mariam (cầm quyền trong các năm 1987 - 1991) nên trạm nghe lén phải ngưng hoạt động sớm hơn - tức vào ngày 29-4-1977.

EFP bị chỉ trích đàn áp dân thường.

Trước đó vào tháng 3-1975, STONEHOUSE cũng đã buộc phải ngưng hoạt động do tình hình bất ổn chính trị và cuộc nội chiến phức tạp ở Ethiopia. Việc đóng cửa Kagnew Station đã dẫn đến sự xuất hiện của Lion's Pride được NSA mô tả là "nguồn cung cấp các báo cáo SIGNT (tình báo tín hiệu) sinh lợi nhất". Chiến dịch mang mật danh "LADON" của Lion's Pride cho phép nghe lén mọi cuộc điện đàm ở Somalia đến vùng Darfur miền cực tây Sudan và nhiều phần phía đông Ethiopia.

Trong một cuộc họp diễn ra vào tháng 5-2006, Mỹ và Ethiopia quyết định nâng tầm đối tác song phương lên một cấp độ mới và mở rộng thêm sứ mệnh tình báo trong khu vực Sừng châu Phi. Ở cấp độ hợp tác mới này, hai quốc gia triển khai chiến dịch nghe lén điện thoại không dây để xác định không chỉ "những nghi can cảm tình với Al-Qaeda" mà cả "bọn buôn lậu". Kể từ khi Lion's Pride được thành lập cho đến tháng 12-2006, chính quyền Mỹ tiêu tốn khoảng 20 triệu USD viện trợ quân sự cho Ethiopia.

Đối với Mỹ, cuộc chiến tranh trong khu vực tranh chấp Ogaden do Ethiopia quản lý - hay còn gọi là Chiến tranh Ethiopia - Somalia - kéo dài từ tháng 7-1977 đến tháng 3-1978 là cơ hội cho "sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa" trong đó bao gồm cả lĩnh vực tình báo nghe lén.

Theo tài liệu mật NSA năm 2007 bị rò rỉ, tổ chức Hội đồng Tòa án Hồi giáo ở Ethiopia ủng hộ một nhóm Al-Qaeda là mục tiêu giám sát của tình báo Mỹ từ năm 2003, đồng thời cung cấp "sự hỗ trợ 24 giờ" cho Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và quân đội nước này ở vùng Sừng châu Phi.

NSA cũng "chia sẻ thông tin cho đối tác SIGINT của Ethiopia giúp theo dõi những cá nhân có giá trị cao". Nhờ sự trợ giúp từ NSA, quân đội Ethiopia đã giết chết và bắt giữ nhiều đối tượng khủng bố trong nước cũng như ở Kenya. Nhóm Shabab - cũng là đồng minh của Hội đồng Tòa án Hồi giáo - chính thức trở thành một nhánh của Al -Qaeda năm 2012 và cũng nằm trong danh sách mục tiêu của NSA cũng như Lion's Pride.

Tranh cãi về nhân quyền

Nỗ lực SIGINT của Ethiopia được NSA hỗ trợ trong khu vực Ogaden vấp phải sự chỉ trích vi phạm nhân quyền từ tổ chức HRW. Felix Horne báo cáo: "Trong 2 năm 2007-2008, quân đội Ethiopia đã phạm tội ác chiến tranh chống nhân loại và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong suốt cuộc xung đột với phe nổi dậy - Mặt trận Dân tộc Ogaden (ONLF)".

Trạm thu tín hiệu điện tử STONEHOUSE ở Asmara.

Trong khi đó, chính phủ Addis Ababa buộc tội ONLF là tổ chức khủng bố dính líu đến nhóm cực đoan Al-Shabab và Al Qaeda trong khu vực. Cho đến ngày nay, Mỹ vẫn tiếp tục chống lại nhóm Shabab trong cuộc xung đột leo thang mà không hề có dấu hiệu giảm bớt ở Somalia. Lúc NSA thành lập Lion's Pride, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng chỉ trích các lực lượng an ninh Ethiopia xâm phạm "quyền riêng tư công dân" và bất chấp luật pháp trong nhiều vụ bắt giữ và tra tấn tù nhân cũng như hàng loạt vụ giết người liên quan đến chính trị không qua xét xử. Đến năm 2005, Kion's Pride càng lạm quyền hơn nữa.

Theo báo cáo tháng 11-2013 của Bộ Ngoại giao Mỹ, chính quyền Ethiopia còn bóp nghẹt quyền tự do hội họp, đặt biệt đối với thành viên của các đảng phái chính trị đối lập, và lực lượng an ninh sử dụng bạo lực trấn áp những cuộc biểu tình của người dân.

Nội dung báo cáo còn đề cập đến việc Cảnh sát Liên bang Ethiopia (EFP) sử dụng công nghệ để nghe lén những cuộc giao tiếp điện tử của người dân và nuôi dưỡng mạng lưới người chỉ điểm trái với pháp luật nước này. Mặc dù EFP được thành lập năm 1995 với sứ mệnh bảo vệ người dân và quan sát nhân quyền cũng như nền dân chủ trong nước!

Theo tiết lộ từ một chuyên gia làm việc trong Ban Sudan - Sừng châu Phi của NSA, cơ quan tình báo Mỹ tổ chức một lớp huấn luyện đặc biệt cho binh sĩ Lực lượng Quốc phòng Ethiopia (ENDF) và nhân viên Cơ quan An ninh mạng thông tin (INSA) nước này. Theo các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, lớp học đặc biệt này của NSA càng giúp cho chính quyền Ethiopia có thêm kỹ năng để kiểm soát và đàn áp dân thường.

Felix Horne bình luận: "Chính quyền Mỹ cần phải chấm dứt hợp tác với hoạt động tình báo nghe lén ở vùng Sừng châu Phi cũng như có chính sách bảo đảm Ethiopia không sử dụng công nghệ  nghe lén để dập tắt tiếng nói người dân và phe đối lập chính trị trong quốc gia Đông Phi này".

Duy Minh (tổng hợp)
.
.