Nagasaki “thế mạng” cho cố đô Kyoto hứng bom nguyên tử

Thứ Ba, 18/08/2015, 09:40
Vài tuần trước khi Mỹ cho ném 2 quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, thành phố Nagasaki thậm chí còn không nằm trong danh sách các mục tiêu, mà thay vào đó là cố đô Kyoto. Danh sách này được lập bởi một hội đồng đặc biệt bao gồm các tướng lĩnh quân đội và nhà khoa học Mỹ. Kyoto là quê hương của hơn 2.000 ngôi chùa Phật giáo và đền thờ Thần đạo (Shinto), trong đó bao gồm 17 công trình văn hóa được đưa vào danh sách những Di sản Thế giới của Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, cuối cùng Kyoto may mắn thoát được thảm họa khủng khiếp nhờ Bộ trưởng Chiến tranh Mỹ Henry Stimson. Ngày 6/8/1945, Mỹ bắt đầu ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima và 3 ngày sau ném tiếp quả thứ hai xuống Nagasaki. Chưa đầy 1 tuần sau, ngày 15/8, Nhật đầu hàng  quân Đồng minh, Thế chiến II kết thúc.

Biên bản cuộc họp ghi rõ "mục tiêu này là khu vực công nghiệp với dân số 1 triệu người" và người Mỹ mô tả người dân cố đô Kyoto có thể đánh giá được mức độ nguy hiểm của loại vũ khí mới. Alex Wellerstein, nhà sử học của Trung tâm Lịch sử Vật lý thuộc Viện Vật lý Mỹ và là chuyên gia nghiên cứu về Dự án Manhattan của quân đội Mỹ, giải thích: "Kyoto được quân đội Mỹ coi là mục tiêu lý tưởng bởi vì nó chưa từng bị ném bom lần nào, là nơi có nhiều ngành công nghiệp hoạt động cùng với một số nhà máy lớn.

Các nhà khoa học trong Ủy ban Mục tiêu cũng đồng ý lựa chọn Kyoto bởi vì nơi đây có nhiều trường đại học cho nên người dân sẽ hiểu được bom nguyên tử không phải là vũ khí thông thường mà đó là bước ngoặt khủng khiếp trong lịch sử nhân loại". Kế hoạch tấn công cung điện Nhật hoàng Hirohito cũng được đem ra thảo luận, song sau đó người Mỹ kết luận rằng, nếu nhân vật được tôn sùng như thánh sống ở nước này bị sát hại trong trận ném bom thì họ không thể tiên liệu được phản ứng của người Nhật Bản sẽ như thế nào, trong khi thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã bị tàn phá nhiều bởi bom đạn hồi tháng 3/1945 cho nên ít có giá trị chiến lược đối với người Mỹ.

Cố đô Kyoto nổi tiếng với nhiều ngôi chùa và đền thờ Thần đạo.

Mọi kế hoạch bất ngờ thay đổi vào tháng 6/1945 khi Bộ trưởng Chiến tranh Mỹ Henry Stimson ra lệnh rút Kyoto ra khỏi danh sách mục tiêu của bom nguyên tử ngay lập tức với lý do thành phố này có tầm quan trọng về mặt văn hóa trên thế giới, tuyệt đối không phải là mục tiêu quân sự.

Giới quân sự Mỹ lúc đó không muốn đưa Kyoto ra khỏi danh sách và phải chờ đến cuối tháng 7 khi Stimson trực tiếp gặp Tổng thống Harry S. Truman - theo nhà sử học Alex Wellerstein. Trong nhật ký ngày 24/7/1945, Stimson cho biết, Tổng thống Truman chấp nhận ngay đề nghị của ông bởi vì hành động ném bom nguyên tử xuống cố đô Kyoto mang nhiều di tích tôn giáo và văn hóa sẽ khiến người Mỹ khó có thể hòa giải với Nhật Bản thời hậu chiến và sẽ càng đẩy nước này đến gần người Nga hơn. Điều tối quan trọng mà người Mỹ mong muốn là phải lôi kéo châu Á ra khỏi tầm ảnh hưởng của Liên Xô. Và khi đó, thành phố Nagasaki được đưa vào danh sách "thế mạng" cho Kyoto.

Theo nhà sử học Alex Wellerstein, Bộ trưởng Chiến tranh Stimson cũng có lý do cá nhân để Kyoto không phải hứng chịu thảm họa bom nguyên tử của Mỹ. Ít người biết rằng, Henry Stimson đã viếng thăm cố đô Kyoto vài lần vào thập niên 20 khi ông còn là thống đốc ở Philippines (từ năm 1927 đến 1929).

Đối với một số nhà sử học khác, chính thời gian lưu lại ở Kyoto đã khiến cho Stimson trở thành người ngưỡng mộ nền văn hóa của cố đô Nhật Bản. Tuy nhiên, cũng có số đông khác tin rằng chính nhà khảo cổ và sử học nghệ thuật người Mỹ Langdon Warner - chứ không phải Henry Stimson - mới là người kêu gọi chính quyền Mỹ không ném bom các thành phố mang nhiều di sản văn hóa như Kyoto. Thậm chí, ngày nay còn có các tượng đài ghi nhớ công ơn Warner ở hai thành phố Kyoto và Kamakura của Nhật Bản.

Bộ trưởng Chiến tranh Henry Stimson (trái) và nhà sử học Alex Wellerstein.

Trong cuốn sách tựa đề "Ném bom nguyên tử Kyoto" xuất bản năm 1995, nhà sử học Nhật Bản Morio Yoshida lập luận rằng Langdon Warner chính là vị cứu tinh của Kyoto. Các nhà sử học cho biết Tổng thống Truman chỉ ra lệnh sử dụng bom nguyên tử sau ngày 3/8/1945 và ông hoàn toàn không biết đến các quyết định chi tiết. Giáo sư Alex Wellerstein cũng dẫn ra các tài liệu cho thấy bản thân Tổng thống Truman đã tỏ ra hết sức kinh ngạc trước sức tàn phá khủng khiếp của quả bom nguyên tử đầu tiên thả xuống thành phố Hiroshima, giết chết quá nhiều phụ nữ và trẻ em, và quả bom thứ hai mạnh hơn ném xuống Nagasaki chỉ 3 hôm sau.

Thành phố Kokura là mục tiêu thứ hai được chọn song do thời tiết xấu nên Nagasaki trở thành nạn nhân của quả bom nguyên tử vào ngày 9/8/1945. Một quả bom tiếp theo chuẩn bị ném xuống vào ngày 19/8 nếu như Nhật Bản tỏ ra ương ngạnh không chịu đầu hàng vô điều kiện. Mục tiêu thứ 3 này được tin là Tokyo và có thể là cung điện Nhật hoàng Hirohito. Nhưng nếu như Kyoto bị hủy diệt hay Nhật hoàng Hirohito bị giết chết, thì có lẽ người Nhật Bản sẽ mãi mãi không tha thứ cho người Mỹ.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.