HDBank
Mobifone

Nga - Mỹ: Cuộc đua vũ trang bí mật trong lòng đại dương

Thứ Sáu, 22/06/2007, 14:00
Cuộc chạy đua vũ trang được coi như chính thức chấm dứt vào năm 1991, khi Liên Xô tan rã. Thế nhưng, giữa Mỹ và Nga vẫn âm thầm diễn ra cuộc chạy đua trên khắp các lĩnh vực: từ hệ thống phòng không, không quân cho đến hải quân, mà trong đó lực lượng tàu ngầm chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng.

Khởi đầu cuộc đua

Chương trình xây dựng tàu ngầm nguyên tử (TNNT) được Mỹ chính thức phê chuẩn vào tháng 12/1945 và bước sang năm 1946, cường quốc này bắt đầu bắt tay vào hiện thực hóa chương trình. Tuy thế, phải đến năm 1948 thì Mỹ mới hoàn thiện việc thiết kế loại tàu này.

Sau 4 năm đóng tàu, ngày 14/6/1952 chiếc TNNT đầu tiên trên thế giới mang tên Nautilus được hạ thủy. Sau một thời gian thử nghiệm, tháng 9/1955 nó chính thức được giao cho lực lượng Hải quân Mỹ.

Cho dù đây là kế hoạch bí mật của Mỹ, nhưng phía Liên Xô cũng nắm được tin tức. Vì thế ngày 9/9/1952, khi Mỹ sản xuất thành công TNNT, Stalin ký lệnh thành lập 2 nhóm chuyên gia: Một nhóm thiết kế và một nhóm thi công loại tàu này. Đến tháng 3/1953, bản thiết kế TNNT của Liên Xô hầu như đã hoàn tất, và cường quốc này coi đây là nhiệm vụ bí mật quốc gia, được đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ và các lãnh đạo cao cấp.

Ngày 24/9/1955, Liên Xô chính thức khởi công việc đóng TNNT 627, đến ngày 9/8/1957 tàu 627 được hạ thủy, mang bí danh K3.

Sau một thời gian thử nghiệm, đến tháng 1/1959, tàu K3 chính thức được chuyển giao cho lực lượng Hải quân Xôviết.

Cả Mỹ và phía Liên Xô sau khi hạ thủy TNNT đầu tiên vào thập niên 50, thế kỷ trước đều không ngừng cải tiến, đầu tư liên tục để sản xuất những mẫu mã mới ngày càng hiện đại hơn. Ngay cả sau khi Liên Xô tan rã thì phía Nga vẫn tiếp tục đeo đuổi chương trình xây dựng TNNT.

Một điều khá thú vị là trong vòng 7 - 8 năm trở lại đây, trong khi Mỹ chỉ tập trung xây dựng TNNT đa năng Virginia, thì phía Nga cùng một lúc sản xuất cả 3 loại TNNT cơ bản: Tàu ngầm nguyên tử chiến lược loại 955 - Borei, có khả năng phóng tên lửa xuyên lục địa; loại 949A - Antei có tên lửa có cánh và loại đa năng 885 - Jacen.

Cho dù trong những năm qua, đặc biệt là trong thập niên 90, nền kinh tế quốc dân của Nga gặp nhiều khó khăn, nhưng chính phủ nước này vẫn coi việc phát triển TNNT là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Không ngừng cải tiến

Sau hơn 10 năm chuẩn bị, kể từ năm 1996, vào ngày 15/4/2007 vừa qua, tại căn cứ Severodvynsky gần vùng biển Arctic thuộc Hạm đội phương Bắc, Nga vừa hạ thủy thêm một chiếc TNNT chiến lược thế hệ mới mang tên Yuri Dolgoruky, loại 955 - Borei.

Trước mắt, trong năm 2007 này, Yuri Dolgoruky sẽ được neo tại bến để kiểm tra lại các thông số, quy trình hoạt động (cho đến hết tháng 10), sau đó sẽ tiến hành các thử nghiệm kỹ thuật - quân sự, rồi sẽ được biên chế vào Hạm đội phương Bắc.

Hiện việc chuẩn bị kỹ thuật của con tàu này mới chỉ đạt 82%. Tàu Yuri Dolgoruky được trang bị loại tên lửa chiến lược Buvala-M mang đầu đạn hạt nhân. Đây là loại tên lửa có tính năng kỹ thuật cực kỳ hiện đại, có những “động tác” kỹ thuật lắt léo độc nhất vô nhị và có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 8.000 km. Ngoài ra, tàu này còn được trang bị hệ thống phóng ngư lôi tiên tiến.

Trước đó, Nga cũng hạ thủy con tàu tương tự mang tên Vladimir Monomakh. Ngoài ra Nga còn đang đóng thêm 2 con tàu cùng thế hệ này.

Có thể thấy, sau khoảng 10 năm thời hậu Xôviết, giờ đây lực lượng TNNT của Nga không hề thua kém so với Mỹ, Anh và các nước phương Tây khác. Từ giữa những năm 80, khi Mỹ biểu dương lực lượng TNNT của mình, thì lập tức các nhà lãnh đạo Liên Xô đã triển khai kế hoạch xây dựng TNNT, mà kết quả của nó đã và đang được hiện thực hóa như hiện nay.

Điều đáng lưu ý là Liên Xô trước đây và Nga sau này đều chủ động tự xây dựng lộ trình tự lập về mặt thiết kế các thế hệ TNNT mà không muốn sao chép các mô hình đã có của Mỹ hay phương Tây. Chính vì thế, từ hệ thống điều khiển (chỉ huy) đến hệ thống hỏa lực của các TNNT đều có những tính năng riêng nhưng không hề thua kém so với các quốc gia khác.

Đích ngắm?

Một câu hỏi đặt ra là: Chiến tranh lạnh đã kết thúc thì cả Nga và Mỹ sản xuất TNNT để làm gì? Cả hai phía đều nêu ra lý do: “Để chống lại chủ nghĩa khủng bố”.

Tàu ngầm nguyên tử đa năng Virginia của Mỹ.

Đương nhiên TNNT dùng để phục vụ các cuộc chiến dưới nước, nhưng mặt khác nó cũng cần để đánh chặn tên lửa của các tổ chức khủng bố (?!). Thế nhưng để chống lại những tên khủng bố thì cách tốt nhất là phải chiến đấu trên bộ, dùng xe tăng, trọng pháo hay đơn giản hơn là súng trường để tiêu diệt chúng. Có lẽ câu trả lời chính xác sẽ nằm ở phương diện khác.

Hiện nay, ngoài Mỹ, các quốc gia có lực lượng TNNT hùng hậu đều thuộc khối NATO như Anh và Pháp. Nếu tính cả Trung Quốc (hiện cũng đang nỗ lực xây dựng TNNT) thì thực tế sức mạnh TNNT của cả 3 nước này đều không phải là đối trọng nếu không muốn nói còn thua xa cả Mỹ lẫn Nga. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Nga và Mỹ không cần thiết phải tăng cường sức mạnh cho lực lượng TNNT của mình.

Như vậy, câu trả lời ở đây là: Cả Nga và Mỹ đều xây dựng, phát triển lực lượng TNNT chỉ để “phòng - chống” lẫn nhau. Cuộc chạy đua vũ trang trong lòng biển đã được 50 năm nhưng đến nay nó chưa có dấu hiệu ngừng lại

Hùng Sơn (tổng hợp)

.
.