Nga: FSB phá vụ án gián điệp Anh tại Moskva như thế nào?

Thứ Tư, 08/02/2006, 08:55

Theo giới truyền thông Nga và tờ The Guardian của Anh, ông Anthony Brenton, Đại sứ Anh tại Nga đã gặp gỡ một số nghị sĩ Quốc hội Nga để yêu cầu họ không thông qua một đạo luật mới do Tổng thống Putin đưa ra (10/1/2006) bởi nó sẽ có những hạn chế đáng kể đối với hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Nga.

Điều đáng nói là ông Anthony Brenton đã làm việc này theo sự dàn xếp của nhân viên tình báo Anh. Tại cuộc họp báo thường niên nhân dịp đầu năm hôm 31/1/2006, Tổng thống Putin cho rằng, việc để 4 nhân viên ngoại giao Anh tiếp tục ở lại Nga tốt hơn trục xuất họ bởi Cơ quan an ninh biết những người này là ai, do đó dễ cho việc kiểm soát hơn.

Thông tin kể trên đã khiến cho vụ án gián điệp càng thêm phần hấp dẫn. Trước đó, ngày 29/1/2006, ông Nikolai Kovalyov, nguyên lãnh đạo Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) cho Hãng NTV biết, hai người mới bị bắt đã bắt đầu khai nhận những việc họ làm cũng như người cộng tác với mình. Ông Nikolai Kovalyov nhấn mạnh, người Anh một lần nữa bị rơi vào tình huống khó xử nên họ chỉ biết phản ứng một cách thận trọng và từ chối bình luận xung quanh vấn đề này.

Nhân viên ngoại giao Anh tiếp xúc với "Hòn đá nhân tạo".
Sau khi bị bắt, công dân Nga đã nhanh chóng khai báo thành khẩn và thú nhận bị Cơ quan Tình báo Anh tuyển mộ làm gián điệp trong thời gian ra nước ngoài công tác. Giới thạo tin cho biết, người này đang phải đối mặt với bản án 20 năm tù vì tội làm gián điệp.

Do chưa được phép tiết lộ danh tính nên hiện có nhiều thông tin trái ngược nhau về công dân Nga – có người nói anh ta công tác tại một công ty của quân đội, có người nói anh ta làm trong một thư viện, nhưng có người lại bảo anh ta đầu quân cho một tổ chức NGO... Hiện cơ quan chức năng đang đánh giá những thiệt hại do công dân Nga phản bội gây ra. Được biết, sau khi Duma quốc gia Nga bỏ phiếu lên án việc các cơ quan tình báo nước ngoài cung cấp tiền cho các tổ chức nhân quyền và dân sự Nga, người của đảng Dân chủ Tự do còn yêu cầu Chính phủ Anh phải bồi thường 100 triệu bảng Anh cho vụ gián điệp kể trên.

“Hòn đá nhân tạo” bí hiểm

Thông qua “hòn đá nhân tạo” - phương tiện liên lạc trung gian được ngụy trang dưới dạng một hòn đá tự nhiên, sĩ quan tình báo Anh và điệp viên của họ có thể thông báo cho nhau những thông tin cần thiết mà không cần tiếp xúc trực tiếp. Giới chuyên môn đánh giá, “hòn đá nhân tạo” là loại thiết bị liên lạc hiện đại với công nghệ cao và tối tân nhất hiện nay trên thế giới.

Để “hòn đá nhân tạo” hoạt động, các nhân viên kỹ thuật Anh đã cấy vào đó một bộ vi xử lý, sau đó bọc một lớp keo bên ngoài để nó có thể tránh được nước và sự ăn mòn tự nhiên. Được biết, thao tác nhận và gửi thông tin hết sức đơn giản giống như việc bạn dùng chiếc điều khiển từ xa để chọn kênh trên vô tuyến hay một bài hát từ đĩa CD - đi gần tới “hòn đá nhân tạo” rồi chĩa thiết bị trợ giúp kỹ thuật số cá nhân PDA (Personal Digital Assistants) về phía hòn đá, sau đó bấm nút. PDA là thiết bị không dây có thể tiếp nhận thông tin trong bán kính từ 18 mét đến 21 mét. Toàn bộ thao tác truyền và nhận tin chỉ diễn ra trong vòng 1-2 giây.

Theo người phát ngôn của FSB, ông Sergei Ignatchenko cho biết, “hòn đá nhân tạo” trị giá tới hàng chục triệu USD. Tuy nhiên, không phải bạn cứ bỏ ra hàng chục triệu USD là có thể sở hữu “hòn đá nhân tạo” bởi nó được làm ra từ một phòng thí nghiệm cao cấp với những trang thiết bị hiện đại. Được biết “hòn đá nhân tạo” không những có thể hoạt động một thời gian khá dài ở dưới nước, mà còn chịu được áp lực nếu bị rơi từ độ cao 9 tầng lầu xuống đất.

Giới thạo tin cho biết, FSB chỉ thu giữ được 2 “hòn đá nhân tạo”, “hòn đá nhân tạo” thứ 3 đã được các sĩ quan tình báo Anh kịp đưa về sứ quán của mình ở Moskva. Được biết, nhiệm vụ của những điệp viên kể trên là sử dụng các thiết bị công nghệ cao để thu thập tin tức tình báo và cung cấp tài chính cho các NGO đang hoạt động ở Nga. Tuy những thước phim được phát vào tối 22/1/2006, nhưng nó được quay từ cuối năm 2005 và đây là thời điểm vụ án được phá. Ông Sergei Ignatchenko cũng khẳng định, đây là lần đầu tiên FSB bắt được quả tang khi sĩ quan tình báo Anh đang bắt liên lạc với điệp viên của họ tại hiện trường.

Về 4 nhân viên ngoại giao Anh

Cho tới nay danh tính của 4 nhân viên ngoại giao Anh tuy chưa được tiết lộ (vì vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra) nhưng theo giới thạo tin thì trong 4 người kể trên có Christopher Pirt, 30 tuổi, Bí thư phụ trách văn hóa của Đại sứ quán Anh ở Nga sau khi ông ta có những biểu hiện nghi vấn ngay từ khi mới tới Moskva năm 2002.

Qua mấy tháng theo dõi, các nhân viên FSB phát hiện thấy cả 4 nhân viên ngoại giao này thường xuyên đóng giả thành những sinh viên, vai đeo balô xuất hiện tại một vườn hoa ở ngoại ô Moskva. Tất cả những thắc mắc chỉ được lý giải vào mùa thu năm 2005 bởi khi đó FSB thu được hình ảnh của Christopher Pirt thường xuyên lảng vảng xung quanh một hòn đá. Giới chuyên môn cho rằng, nếu “hòn đá nhân tạo” không bị trục trặc (mùa thu 2005) thì FSB khó bắt được quả tang. Sở dĩ nói như vậy vì 4 nhân viên kể trên đã phải thay nhau liên tục xuất hiện tại một điểm nên FSB có điều kiện ghi hình.

Theo thống kê, kể từ khi ông Putin lên nhậm chức Tổng thống đến nay, (từ năm 2000) Cơ quan An ninh Nga đã phá và bắt giữ được nhiều tên gián điệp nước ngoài, đồng thời tiến hành 6 vụ trục xuất nhân viên ngoại giao. Nhưng trước vụ án gián điệp Anh, người ta lại thấy cựu nhân viên tình báo có thâm niên 16 năm trong nghề lại tỏ ra thận trọng khi quyết định trục xuất 4 nhà ngoại giao bởi “nếu những điệp viên này bị trục xuất, người ta sẽ cử tới những người giỏi hơn và khi đó chúng ta sẽ khó phát hiện”, Tổng thống Putin nói. Sở dĩ có chuyện như vậy vì cách đây đúng 10 năm (1996), Nga và Anh đã từng có một cuộc khẩu chiến xung quanh vụ án gián điệp và kết thúc bằng việc hai bên cùng trục xuất 4 nhân viên ngoại giao của nhau với tội danh hoạt động gián điệp. --PageBreak--

Cuộc chiến gián điệp Nga - Anh

Ngay sau khi những lời chỉ trích cùng đoạn băng trên được trình chiếu (tối 22/1/2006), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh đã “tỏ ra ngạc nhiên và bác bỏ bất cứ lời cáo buộc nào”. Theo người phát ngôn của FSB, ông Sergei Ignatchenko thì Nga và Anh đã từng đạt được một “Hiệp ước quân tử”, theo đó nhân viên của MI-6 không hoạt động gián điệp trên đất Nga. Nhưng sự thật lại không như vậy, do đó phía Nga sẽ có một cuộc bàn luận nghiêm túc với phía Anh xung quanh vấn đề này.

Theo tiết lộ của tạp chí Jane's intelligence Review của Anh số ra ngày 25/1/2006, trong bản báo cáo hàng năm của mình, Bộ Nội vụ Anh thống kê, chỉ riêng trong năm 2005 đã có khoảng 40 nhân viên tình báo Nga hoạt động tại nước này, trong đó có 18 nhân viên thuộc Cục Tình báo đối ngoại và 18 nhân viên thuộc Cục Tình báo quân sự hoạt động dưới vỏ bọc nhân viên ngoại giao trong Đại sứ quán Nga ở Anh. MI-5 coi hoạt động tình báo của Nga ở Anh là một “nguy cơ lớn” đối với an ninh nước này.

Còn theo Đại tướng Nikolai Patrushiov, Giám đốc Cơ quan An ninh liên bang (FSB), trong năm 2005 lực lượng an ninh Nga đã bắt được 20 điệp viên cùng 65 người khác có liên quan tới các cơ quan đặc biệt nước ngoài, trong đó có 4 công dân Nga.

Những tổ chức phi chính phủ “có vấn đề”?

Theo đạo luật được Tổng thống Putin ký hôm 10/1/2006 thì kể từ ngày 10/4/2006, một cơ quan chuyên trách sẽ được thành lập để quản lý những NGO đang hoạt động ở Nga. Cơ quan này có quyền yêu cầu giải tán các NGO có hoạt động không phù hợp với mục tiêu đề ra, cũng như yêu cầu các NGO phải báo cáo tài chính hàng năm, đồng thời chịu sự thanh tra, kiểm soát của chính quyền.

Sau khi những tin tức về vụ án gián điệp được loan tải, Bộ Tư pháp Nga đã chính thức yêu cầu Tòa án Moskva ra lệnh đóng cửa Trung tâm nghiên cứu nhân quyền Nga bởi tổ chức này đã không đăng ký với cơ quan chức năng về những hoạt động hữu quan trong suốt 5 năm qua, mặc dù nó được thành lập từ năm 1992. FSB nói, cơ quan tình báo nước ngoài luôn lợi dụng các NGO để hoạt động tình báo.

Kênh truyền hình Nga đã cho phát một số cuộc phỏng vấn đối với các quan chức FSB, theo đó một số quan chức của Đại sứ quán Anh ở Nga đã thường xuyên ký ngân khoản, chu cấp tài chính cho một số NGO ở Nga. Marc Doe, Bí thư thứ hai bị cáo buộc (có bằng chứng) rằng đã cung cấp 300.000 euro cho 12 tổ chức NGO ở Nga để họ gia tăng hoạt động đòi thêm quyền con người, thúc đẩy dân chủ và chống phá Chính phủ Nga.

Theo thống kê, trong số những tổ chức NGO đang hoạt động ở Nga chỉ có 92 tổ chức đăng ký với nhà chức trách. Dự kiến 2 tổ chức NGO là The Moskva Helsinki Group và The Union of Soldiers' Mothers Committees thuộc tổ chức The Russian Human Rights Research Center sẽ phải đóng cửa trong thời gian tới nếu FSB thắng kiện. Nhưng theo Lyubov Vinogradova, lãnh đạo tổ chức The Russian Human Rights Research Center và Lyudmila Alexeyeva, lãnh đạo tổ chức The Moskva Helsinki Group thì họ đã thuê những luật sư giỏi nhất để tham gia vụ kiện sắp tới nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.

Những thước phim quay tại hiện trường chiếu trên truyền hình được coi là bằng chứng buộc tội. Và điều này càng khẳng định những lời nói của tướng Sergei Lebedev, Giám đốc Cơ quan Tình báo nước ngoài của Nga, theo đó nhiều NGO ở Nga là vỏ bọc cho các hoạt động gián điệp. Đại tướng Nikolai Patrushiov cũng từng chỉ đích danh một số NGO có liên quan tới hoạt động gián điệp như Đội Hòa bình Mỹ, Hội Cộng hòa quốc tế, Tổ chức Y tế từ thiện Anh, Nhóm cải tổ xã hội của người Kuweit...

Phần lớn các NGO được thành lập và tài trợ bằng tiền của chính phủ và các NGO ở Mỹ cùng các thành viên NATO. Ngay từ năm 1995 Cơ quan An ninh Nga đã lên tiếng cảnh báo về sự can thiệp của một số tổ chức NGO nước ngoài vào công việc nội bộ Nga. Trước đó, ngày 12/5/2005, FSB cho biết, họ đã phá một loạt mạng lưới gián điệp của Mỹ, Anh, Kuweit và Arập Xêút đang hoạt động tại nước này. Cũng trong ngày 12/5/2005, Giám đốc và Phó giám đốc Ủy ban An ninh nhà nước Belarus, ông Stepan Sukhorenko và ông Victor Veghera đều khẳng định, các NGO đã nhận 5 triệu USD từ một số nước phương Tây để tổ chức “cuộc cách mạng nhung” ở Belarus.

Theo một chuyên gia về Nga thuộc Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế của Trung Quốc thì phía Nga chọn giải pháp công chiếu những thước phim kể trên nhằm “tạo chỗ đứng” cho sắc lệnh mới được Tổng thống Putin ký, đồng thời cũng cảnh tỉnh Mỹ và phương Tây trong việc sử dụng các tổ chức NGO nhằm tạo nên một cuộc cách mạng nhung ở Nga tương tự như đã từng diễn ra tại Gruzia, Ukraina và Kyrgyzstan trước đây

Quỳnh Trang - Tuấn Cường (Tổng hợp từ Tân Hoa xã, CCTV4 và Thời báo Hoàn cầu)
.
.