Nga với chiến lược châu Âu qua những tuyến ống dẫn khí đốt

Thứ Bảy, 24/09/2011, 15:55

Sự kiện nước Nga khai trương tuyến ống dẫn khí đốt hôm 6/9 đã gây nên sự chú ý đặc biệt trong giới quan sát châu Âu. Chủ yếu giới bình luận cho rằng Nga đang nắm ưu thế lớn trong cuộc chiến năng lượng. Đồng thời tuyến ống cũng giúp nước Nga triển khai chiến lược châu Âu mới thuận lợi hơn.

Nord Stream là một cặp ống dẫn khí đốt dài 1.224km, chạy dưới lòng biển Baltic, nối từ khu mỏ khí Vyborg của Nga thẳng đến Đức, không đi qua lãnh thổ Ukraina, Belarus và Ba Lan.

Theo thiết kế, tuyến ống này sẽ hòa vào mạng lưới ống dẫn khí đốt của châu Âu và Anh thông qua đoạn nối giữa trạm Bunde của Đức và trạm Den Helder của Hà Lan và từ đó nối vào tuyến ống ngoài khơi Balzand-Bacton (Anh). Dự kiến, Nord Stream sẽ bắt đầu vận hành bơm khí vào tháng 10/2011. Dự kiến đến năm 2013, tuyến ống này sẽ vận chuyển khối lượng khí đốt đạt 55 tỉ m3.

Giới chuyên gia bình luận rằng, Nord Stream đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển quan hệ ngoại giao song phương Nga-Đức, đồng thời là một trong 2 át chủ bài giúp nước Nga mở rộng ảnh hưởng chính trị tại châu Âu. Với Nord Stream đi vào hoạt động, một trang sử mới đã mở ra trong quan hệ giữa 2 nước Nga và Đức.

Trước hết, tuyến ống Nord Stream sẽ thắt chặt thêm quan hệ song phương Nga-Đức vốn đã được thúc đẩy mạnh mẽ từ thời ông Gerhard Schroeder còn làm Thủ tướng Đức.

Thủ tướng Nga Vladimir Putin (giữa), Chủ tịch HĐQT Nord Stream Gerhard Schroeder (trái) và Tổng Giám đốc Gazprom Alexei Miller tham quan trạm bơm khí Vyborg, điểm đầu tuyến ống Nord Stream.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta thấy ông Schoeder có mặt tại lễ khai trương tuyến ống này. Schroeder chính là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Nord Stream - một tổ hợp liên doanh gồm 5 đối tác đến từ Nga, Đức, Hà Lan và Pháp, trong đó tập đoàn Gazprom của Nga nắm giữ 51% cổ phần, BASF/Wintershall và E.ON Ruhrgas của Đức mỗi đơn vị nắm 15%.

Sự tham gia của Pháp, Đức và Hà Lan cũng đang thôi thúc nước Anh không thể làm người ngoài cuộc. Và dự án nối tuyến ống khí đốt Nord Stream vào tuyến ống của Anh cũng là một trong những đề tài hội đàm giữa Thủ tướng Anh David Cameron với các nhà lãnh đạo Nga trong chuyến thăm chính thức nước Nga.

Cũng trong ngày 6/9, Chính phủ Nga thông báo một thỏa thuận góp vốn giữa Nga, Đức, Pháp và Italia đã được ký kết để thực hiện tuyến ống dẫn khí South Stream. Đây là tuyến dẫn khí đốt từ khu mỏ Beregovaya của Nga đi qua đáy biển Đen bên phần đặc quyền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria và nối đến các khách hàng tiêu thụ ở Nam và Trung Âu (Italia, Áo, Hungaria, Thụy Sĩ,…). Ngay cả tuyến ống này cũng không đi qua lãnh thổ và lãnh hải của Ukraina.

Theo đánh giá của giới quan sát, việc tuyến ống Nord Stream, và sắp tới là South Stream, đi vào hoạt động sẽ tạo cho nước Nga lợi thế vô cùng lớn trong cuộc chiến năng lượng. Điểm nhấn chính của dự án Nord Stream là tuyến ống này đi qua đáy biển Baltic thẳng đến người tiêu dùng ở Đức, bỏ qua lãnh thổ Ukraina, Belarus và Ba Lan - những quốc gia trung chuyển tuyến ống dẫn khí đốt của Nga sang Tây Âu.

Như vậy, khi Nord Stream đi vào hoạt động hoàn chỉnh, 3 nước này sẽ mất đi vai trò trung chuyển khí đốt của Nga đến Tây Âu. Không chỉ bị mất khoản thu nhập từ việc cho thuê tuyến trung chuyển khí đốt, Ukraina, Belarus và Ba Lan còn bị buộc phải ở vào thế quốc gia tiêu thụ khí đốt do Nga cung cấp, buộc phải mua khí đốt Nga với giá ngang bằng với các nước Tây Âu.

Về mặt chính trị, có Nord Stream rồi, nước Nga cũng sẽ không còn bị Ukraina và Belarus "bắt chẹt" phải bán khí đốt với giá ưu đãi rẻ hơn giá thị trường. Đồng thời, cũng sẽ không còn tái diễn tình trạng "chiến tranh khí đốt" giữa 2 nước mỗi khi Nga muốn tăng giá bán theo thời giá thị trường.

Bản đồ 2 tuyến ống Nord Stream và South Stream.

Nord Stream và South Stream cũng là biểu tượng cho sự trở lại của nước Nga trên bàn cờ chính trị châu Âu, làm thay đổi vị thế của nước Nga trong quan hệ với châu Âu. Kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Liên Xô tan rã, quan hệ giữa nước Nga với Tây Âu chủ yếu trong tình thế nước Nga là con nợ bị Tây Âu lôi kéo, o ép đủ điều.

Kiểu quan hệ đó được kế tục bởi hàng loạt động thái lấn ép, bao vây về không gian ảnh hưởng khi EU và NATO do Mỹ (thời Tổng thống George W.Bush) dẫn dắt không ngừng mở rộng khối về phía Đông. Nước Nga đã phản kháng bằng nhiều cách để duy trì sự cân bằng trong quan hệ giữa đôi bên.

Biến động về an ninh, chính trị thời kỳ "hậu 11-9" đã dẫn đến những biến động bất ổn về kinh tế, xã hội, khiến cho giá cả dầu mỏ và khí đốt tăng mạnh, trong khi châu Âu cũng ngày càng phụ thuộc nhiều vào nguồn cung ứng năng lượng (đặc biệt là khí đốt) của Nga. Khí đốt đã trở thành "vũ khí chính trị" lợi hại, tạo cơ hội cho nước Nga nắm thế "trên cơ" trong quan hệ với châu Âu.

Với nhu cầu nhập khẩu khí đốt của toàn châu Âu dự kiến tăng lên 60% trong vài năm tới, một viễn cảnh các nước thành viên Liên minh châu Âu cạnh tranh nhau ký kết các hợp đồng mua bán năng lượng hoàn toàn có lợi cho Nga. Như vậy, hai tuyến ống Nord Stream và South Stream như 2 gọng kìm Nga ôm trọn lấy châu Âu.

Trên thực tế, Đức, Italia và vài nước nữa đã quay sang chống lại việc kết nạp Ukraina và Gruzia. Trong khi đó, dự án tuyến ống Nabucco - đối thủ cạnh tranh của South Stream - đang giãy chết vì thiếu đối tác và hàng loạt khó khăn khác.

Đây là những điều khiến Mỹ "ăn không ngon, ngủ không yên", và Washington đang tìm kế cản trở hoặc chí ít là gây khó dễ cho việc trao đổi mua bán giữa đôi bên. Trước mắt, Washington đang đề cao "quan hệ đặc biệt" với Ba Lan - nước Chủ tịch luân phiên của EU - nhằm lợi dụng vị thế của Ba Lan tạo cơ chế kiểm soát chặt chẽ các giao ước mua bán giữa Nga với từng quốc gia

An Châu (tổng hợp)
.
.