Ngân sách hoạt động tình báo của CIA ở Syria bị cắt giảm

Thứ Năm, 25/06/2015, 11:05
Mới đây, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ vừa bỏ phiếu nhất trí cắt giảm đến 20% nguồn tài chính bí mật cung cấp cho chương trình của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) ở Syria được cho là lớn nhất và ngốn ngân sách gần 1 tỉ USD/năm.

Quyết định của các nhà lập pháp phản ánh sự nghi ngờ đối với tính hiệu quả của chương trình huấn luyện và vũ trang cho phe nổi dậy ở Syria của CIA cũng như chiến lược của chính quyền Tổng thống Barack Obama ở khu vực Trung Đông.

Giới chức Nhà Trắng cũng như CIA đều bày tỏ mối lo ngại chung về sự cắt giảm ngân sách có thể làm suy yếu phe nổi dậy ở Syria khi họ bắt đầu trở thành những chiến binh hiệu quả.

Các báo cáo đánh giá mới đây của CIA dự báo: Chiến tranh ở Syria đang tiến gần đến giai đoạn quyết định khi Tổng thống Bashar al-Assad đang mất dần các vùng lãnh thổ lẫn sức mạnh quân sự và chẳng bao lâu nữa sẽ buộc phải bỏ rơi phần lớn đất nước vào tay quân nổi dậy, kể cả những vùng đất nằm dưới sự kiểm soát của chiến binh Hồi giáo.

Tuy nhiên, một quan chức CIA giấu tên cho rằng, Nga và Iran đang tiếp tục ủng hộ Tổng thống Al-Assad và có thể giúp ông thoát khỏi sự sụp đổ chế độ. Quan chức này cũng nhận định sự thất trận của quân đội chính phủ ở tỉnh Idlib giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến cho "nhiều người bắt đầu mở cuộc thương lượng công khai về giai đoạn cuối cùng cho Tổng thống Bashar al-Assad và Syria". Điều đó đã dẫn đến những cuộc bàn cãi sôi nổi tại Nhà Trắng, CIA và Bộ Quốc phòng về những kịch bản thời hậu Assad, và liệu lực lượng ôn hòa được Mỹ ủng hộ có khả năng ngăn chặn Syria rơi vào tay các nhóm chiến binh cực đoan, bao gồm tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay không.

Oubai Shahbandar, cựu chuyên gia cố vấn hàng đầu của lực lượng đối lập.

Vừa qua, Tổng thống Obama đã cho phép mở rộng vai trò của quân đội Mỹ chống lại IS với kế hoạch triển khai nhóm cố vấn Mỹ tới các căn cứ mới ở Iraq và thông báo không thay đổi chiến dịch đánh bom có giới hạn ở Iraq và Syria tiến hành vào năm 2014. Trong khi đó, một chương trình riêng biệt khác của Bộ Quốc phòng Mỹ cho phép huấn luyện chiến binh ôn hòa chống lại IS vẫn chưa được bắt đầu.

Giới chức Mỹ cho biết CIA đã huấn luyện và vũ trang cho gần 10.000 chiến binh được gửi đến Syria trong vài năm qua - nghĩa là cơ quan tình báo đang tiêu khoảng 100.000 USD mỗi năm cho mỗi chiến binh. Chương trình của CIA là một phần trong nỗ lực lớn hơn trị giá nhiều tỉ USD của chính quyền Mỹ nhằm liên kết với Arập Xêút, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ một liên minh dân quân gọi là Mặt trận phía Nam của Quân đội Syria Tự do (FSA).

Tiền của CIA dùng để điều hành các trại huấn luyện bí mật ở Jordan, thu thập thông tin tình báo cho chiến dịch quân sự và tổ chức mạng lưới hậu cần. Trong 2 năm qua, mục tiêu sứ mạng của CIA ở Syria đã thay đổi từ kế hoạch lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sang chống lại sự lớn mạnh của các nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan bao gồm nhánh Jabhat al-Nusra của Al-Qaeda và IS. Nghị sĩ Dân chủ Adam B.

Chiến binh FSA đang tham gia chương trình huấn luyện của CIA gần thành phố Aleppo, miền bắc Syria, ngày 10/6/2015.

Schiff nhận định: "Tôi cho rằng IS, al-Nusra và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác đang lợi dụng sự hỗn loạn ở Syria để củng cố vị thế của chúng". Ngay đến những người bảo vệ cho chương trình của CIA cũng phải thừa nhận rằng, phe chiến binh ôn hòa ở Syria thiếu năng lực chiến đấu và dễ bại trận trước bất cứ sự đối đầu nào với IS. Mặc dù vậy, giới lãnh đạo đối lập ở miền Nam Syria - nơi tập trung chiến binh được CIA huấn luyện - vẫn tuyên bố là thời gian gần đây, các nhóm chiến binh được tổ chức tốt hơn và hiệu quả hơn trong việc sử dụng những vũ khí hạng nặng do Mỹ cung cấp bao gồm các tên lửa chống tăng TOW.

Oubai Shahbandar, cựu chuyên gia cố vấn hàng đầu của lực lượng đối lập duy trì liên lạc thường xuyên với quân nổi dậy ở Syria, khẳng định: "Họ có bộ phận chỉ huy hiệu quả, được kiểm soát tốt và có các nhóm Sunni thống nhất". Phe chiến binh ôn hòa đã kiểm soát được các cửa ngõ biên giới vào Jordan và Cao nguyên Golan đang bị Israel chiếm đóng và đang chiến đấu ở vùng ngoại ô Damascus. Shahbandar cho rằng thành quả này có được nhờ chương trình huấn luyện của CIA. Do đó, Shahbander nhấn mạnh, thay vì cắt giảm nguồn tài chính, chính quyền Mỹ "nên tăng gấp đôi cho chương trình ở miền Nam Syria".

Lina Khatib ở Trung tâm Carnegie về Trung Đông (CMEC), cho rằng các đơn vị quân nổi dậy chống chính quyền Bashar al-Assad đã thành lập cơ sở chính quyền dân sự ở miền Nam Syria có thể được coi là kiểu mẫu cho của sự chuyển tiếp chính trị mà Mỹ đang tìm kiếm để thay thế chính quyền Assad.

Đồng thời, một liên minh riêng biệt của các nhóm nổi dậy gọi là Jaish al-Fatah (Đội quân Chinh phục) tiếp nhận vũ khí mới và tiền mặt từ Arập Xêút, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar mới đây đã chiếm giữ hoàn toàn thành phố Ariha, tỉnh Idlib. Các chuyên gia và giới chức Mỹ bình luận sức ép đáng kể nhất đối với chính quyền Tổng thống Assad là ở khu vực miền Nam Syria, nơi IS đang ở thế tấn công.

Thục Miên (tổng hợp)
.
.