Ngày trở về của điệp viên Ibrahim

Thứ Bảy, 06/06/2009, 23:45
Ibrahim là mật danh của Kashmir Singh, điệp viên nằm vùng của Cơ quan Tình báo quốc phòng Ấn Độ (IMI) bị phản gián Pakistan bắt giữ tại bang Peshawar vào tháng 11/1973. Bị tuyên án tử hình bởi một tòa án quân sự đặc biệt của Pakistan rồi sau đó đã thoát tội chết bởi phán quyết chung thẩm của Tòa án tối cao Pakistan nhưng phải chịu biệt giam vô thời hạn.

Đến năm 2008, nhờ sự can thiệp của cộng đồng quốc tế và Bộ Nhân quyền Pakistan, Singh đã được Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf ân xá vào ngày 4/3/2008 và trao trả về lại Ấn Độ để đoàn tụ với gia đình sau 35 năm chịu sự tù đày của 6 nhà tù ở Pakistan.

Kashmir Singh sinh ngày 21/5/1941 tại bang Punjab của Ấn Độ. Năm 1961, Singh gia nhập quân đội và đến năm 1965 chuyển sang làm việc trong ngành cảnh sát. Là một thanh tra cảnh sát hình sự thông minh, năng nổ và quyết đoán, Singh đã giúp cảnh sát bang Punjab phá được nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng.

Đặc biệt, Singh có tài cải trang để hòa mình vào đời sống xã hội nhằm săn đuổi và sau đó bắt giữ bọn tội phạm khiến chúng trở tay không kịp. Với thành tích đáng nể này, Singh được Cơ quan Tình báo quốc phòng (IMI) chú ý và đến năm 1970 đặt vấn đề tuyển dụng và được Singh chấp thuận.

Sau thời gian được IMI huấn luyện nghiệp vụ tình báo, đến năm 1971, khi xảy ra chiến tranh giữa Ấn Độ và Pakistan, Singh được lệnh thâm nhập vào lãnh thổ Pakistan tại hai bang biên giới giáp Ấn Độ là Peshawar và Rawalpindi để thu thập thông tin về việc điều động lực lượng của quân đội Pakistan, cách bố phòng... Singh còn được giao nhiệm vụ thiết lập một đường dây điệp báo nằm vùng thông qua việc tuyển dụng điệp viên nội gián là người địa phương.

Nhờ vậy mà không lâu sau, IMI đã có thể nắm bắt nhanh chóng các cuộc điều chuyển quân để tổ chức tấn công vào các bang Punjab, Rajasthan và Kashmir của Ấn Độ nằm sát hai bang Peshawar và Rawalpindi của Pakistan. Cũng chính từ chỉ điểm chính xác của Singh mà không quân Ấn Độ đã kịp thời ra tay trước tấn công vào các sân bay quân sự của Pakistan nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công bằng không quân vào thủ đô Dehli.

Để hoàn thành nhiệm vụ, Singh cải trang thành một người Hồi giáo chính thống thuộc một bộ tộc thiểu số ở bang Peshawar và mang tên Hồi giáo là Ibrahim. Đôi lúc, Singh còn cải trang thành một tay buôn lậu vũ khí, một doanh nhân, tài xế xe tải di chuyển dọc ngang hai bang PeshawarRawalpindi để thu thập thông tin tình báo.

Bà Paramjit Kanet, vợ của Singh và con gái.

Liên tiếp hứng chịu những thất bại, nên từ cuối năm 1972, Bộ Quốc phòng Pakistan bắt đầu nghi vấn có thể điệp viên nằm vùng của Ấn Độ đã chỉ điểm cho các vụ không kích hiệu quả này. Phản gián Pakistan đã tổ chức điều tra và lần ra được hoạt động điệp báo nằm vùng của Singh.

Tuy nhiên, không dễ để truy bắt được Singh và phải đợi đến khi Mohammed Waraich, một điệp viên nội gián người Pakistan hoạt động trong đường dây điệp báo của Singh tại bang Peshawar do tham số tiền treo thưởng lên đến 50.000 USD cho bất cứ ai cung cấp thông tin để nhà chức trách Pakistan bắt giữ được Ibrahim (Singh), đã đầu thú và chỉ điểm cho phản gián Pakistan mai phục và bắt giữ được Singh khi điệp viên nằm vùng này di chuyển trên Quốc lộ 22 nối liền hai bang Peshawar và Rawalpindi vào chiều ngày 6/11/1973.

Cho dù bị thẩm vấn liên tục, bỏ đói, khát và sau cùng là tra tấn nhưng Singh vẫn kiên trì không khai báo về hoạt động điệp báo nằm vùng của mình mà chỉ nhận tội buôn lậu vũ khí. Tuy không đủ chứng cứ để bị buộc tội gián điệp nhưng Singh vẫn bị tuyên án tử hình bởi một tòa án quân sự đặc biệt mở ra tại thành phố Lahore vào tháng 2/1974.

Và vì Singh kháng cáo nên đến năm 1976, Tòa án tối cao Pakistan đã thụ lý lại vụ án và do không có đầy đủ chứng cứ chứng minh hoạt động điệp báo nằm vùng của Singh nên chỉ phán quyết buộc tội Singh buôn lậu vũ khí với mức án giam giữ không giới hạn.

Từ đó bắt đầu diễn ra cuộc sống vô cùng khắc nghiệt của điệp viên nằm vùng can trường này. Tức giận vì Singh thoát tội hoạt động điệp báo nằm vùng nên Bộ Quốc phòng Pakistan đã bí mật yêu cầu các nhà tù phải đối xử thật khắc nghiệt và tệ hại với Singh. Cứ vài năm, Singh lại được bí mật giải giao đến các nhà tù khắc nghiệt nhất Pakistan và phải chịu cảnh biệt giam suốt 35 năm trong điều kiện bị xiềng xích liên tục, bị biệt giam. Mỗi ngày Singh chỉ được phát đúng hai ca nước để làm vệ sinh cá nhân, uống và giặt giũ áo quân...

Trong khi đó, tại Ấn Độ, bà Paramjit Kauer, vợ của Singh vẫn không bao giờ mất lòng tin về một ngày sẽ được đoàn tụ với chồng, nhất là vào năm 1988 khi Chính phủ Pakistan quyết định phóng thích một số tù nhân là binh lính Ấn Độ bị bắt giữ trong những năm cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70.

Dịp may đến với Singh cùng gia đình là vào đầu năm 2008 khi Bộ trưởng Bộ Nhân quyền Pakistan Ansar Burney hướng dẫn một phái đoàn của Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đến thăm nhà tù Lahore và phát hiện ra trường hợp bi đát của Singh, nhất là khi biết tù nhân mang số hiệu RL-459 này đã bị giam giữ trong những điều kiện tệ hại nhất suốt 35 năm mà không được quan tâm. Sau đó, từ kiến nghị của Bộ trưởng Ansar Burney và phái đoàn Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf đã quyết định phóng thích Singh vào ngày 4/3/2008.

Sau khi đặt chân lên mảnh đất quê hương Ấn Độ tại cửa khẩu biên giới Wagah, Singh được gia đình, người thân, bạn bè, đồng đội cũ và các cấp chính quyền đón chào như một anh hùng dân tộc. Trong niềm hạnh phúc vô bờ bến, Singh đã tuyên bố: "Tôi đã cắn răng chịu đựng tất cả cực hình để không gây phương hại đến Tổ chức và phản bội lại tổ quốc"

Văn Hòa (theo CiCentre Archives)
.
.