Nghệ thuật “thánh tích hóa” J.Kennedy của Đệ nhất phu nhân

Thứ Sáu, 29/11/2013, 16:30

Trong quyển “Kết thúc những tháng ngày: Vụ ám sát John F. Kennedy”, tác giả James Swanson kể lại bằng cách nào mà Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy đã tận dụng các hình ảnh để biến chồng bà thành một thánh tích.

Vụ ám sát đã biến Kennedy thành một huyền thoại. Bí ẩn bao trùm cái chết thương tâm của ông đã đưa ông lên hàng thánh tích. Khi nhắc đến tên ông, người ta nghĩ trước tiên đến vụ ám sát. Và 50 năm sau điều đó vẫn như thế.

John Fitzgerald Kennedy (JFK), vị Tổng thống Mỹ thứ 35, đã chết ngày 22/11/1963 tại Dallas dưới làn đạn của Lee Harvey Oswald. Nhưng huyền thoại về vị nguyên thủ quốc gia đó cũng nhờ công lao của phu nhân Jackie. Dù sao đó là điều mà tác giả James Swancon muốn chứng minh trong tác phẩm "Kết thúc những tháng ngày: vụ ám sát John F. Kennedy".

Trong quyển sách đó, tác giả cho rằng ngay cả ở những giờ phút bi thảm nhất, Jackie luôn ý thức được sự kế thừa của chồng và dùng hình ảnh để tạo ra huyền thoại mà người ta đã biết.

Trong tác phẩm đó, người ta biết rằng vào những giờ phút tiếp theo sau vụ nổ súng, vô số người  đã gợi ý cho Jackie nên thay trang phục dính máu. Và Đệ nhất phu nhân đã luôn từ chối. Do vậy bà vẫn giữ nguyên bộ trang phục hồng, đôi găng tay trắng với những vệt máu đã khô trong suốt nhiều giờ.

Bà đã nói với tất cả mọi người: "Tôi sẽ không thay đồ, tôi muốn họ trông thấy những gì họ đã làm". Lúc đi vào toilet để rửa mặt, Jackie đã có quyết định. "Tôi nhìn thấy mình trong gương, mặt và mái tóc của tôi bê bết máu… Tôi dùng khăn giấy lau đi… và một thoáng sau tôi tự hỏi vì sao mình phải chùi rửa chứ? Tôi đã vứt khăn tay và đi ra ngoài…".

Lịch sử đã chứng minh bà hành động đúng, hình ảnh khi bà bước ra khỏi chiếc phi cơ Tổng thống trên đường băng sân bay Washington đã được truyền đi khắp thế giới. Sau khi chứng kiến lễ tuyên thệ của Lyndon Johnson trên máy bay đó, Jackie Kennedy bước ra khỏi máy bay. Có hàng ngàn người theo dõi sự kiện trên truyền hình. Nhân dân Mỹ đã đoàn kết sau Đệ nhất phu nhân và sững sờ trước các hình ảnh.

Tổng thống Kennedy và phu nhân.

Khi bước ra khỏi chiếc Air Force One 5 giờ sau vụ ám sát, trang phục của Jackie vẫn còn dính đầy máu. Nhưng tất cả đã được trù liệu. Bà muốn đưa vào ký ức tập thể của người dân điều mà bà vừa trải qua. Sẽ không ai quên được giây phút đó. Và người ta phải thừa nhận rằng việc đó đã thành công.

Từ đó, nhiều thập niên qua, chỉ cần nhìn hình ảnh đó sẽ gợi ra trong hồi ức của mọi người về biến cố ngày 22/11/1963. Nhiều hình ảnh khác sẽ nối tiếp theo. Một trong số đó sẽ giúp khắc ghi sâu đậm hơn về huyền thoại JFK, đó là trong lễ mai táng. Buổi lễ diễn ra tại nghĩa trang quốc gia Arlington thật đầy xúc cảm. Jackie đã chuẩn bị tất cả và muốn rằng buổi lễ sẽ gợi nhớ về đám tang của cố Tổng thống Abraham Lincoln.

Jackie đã yêu cầu người ta đặt một "ngọn lửa tưởng niệm" cháy vĩnh cửu để hồi tưởng về người chồng quá cố. Một chuyện khác cũng đáng nhớ trong khi buổi lễ được tiến hành. Lúc linh cữu được đội vệ binh nâng lên, Jackie đã nói nhỏ với con trai lúc ấy 3 tuổi: "John, con có thể chào cha rồi, đây là lúc để nói lời vĩnh biệt với cha". Đứa trẻ nghe theo và đứng chào theo kiểu quân đội. Một cử chỉ xé lòng sẽ mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử như là một khoảnh khắc cảm động nhất của buổi lễ mai táng.

Hành động cuối cùng được Đệ nhất phu nhân nghĩ ra để dựng nên huyền thoại JFK là buổi phỏng vấn của nhà báo Théodore White của tờ Life 1 tuần sau vụ ám sát. Buổi phỏng vấn nhằm mục đích để Kennedy không bị quên lãng. Điều quan trọng nhất trong đó là Jackie so sánh những năm tháng mà bà sống cùng Kennedy tại Nhà Trắng với lâu đài Camelot, dinh thự huyền thoại của Vua Arthur. Qua sự so sánh nổi tiếng đó mà giờ đây người ta xem vợ chồng Kennedy như là "vua và hoàng hậu ở Camelot".

Nhưng điều ít người biết đến, đó là tiến trình của buổi phỏng vấn. Chính Jackie đã có sáng kiến cho mời phóng viên Theodore White (ông này là bạn cùng lớp với em trai của Kennedy, Joseph). Nhưng White lại không có ở nhà lúc ấy. Cuối cùng, khi White nói chuyện với Jackie qua điện thoại, bà mời ông đến Hyannis Port, nơi bà đang sống. Và bà đã gợi ý rằng bài phỏng vấn của White phải đối chiếu giữa cuộc đời của Kennedy với Vua Arthur.

Sau khi đã kể thật lâu với White về biến cố tại Dallas: máu, vết thương ở đầu, bệnh viện, lời vĩnh biệt… bà đi đến lý do thực sự. "Có một điều mà tôi muốn nói… nó đã trở thành nỗi ám ảnh đối với tôi. Tôi không ngừng nghĩ về câu hát trong một vở nhạc kịch. Về đêm trước khi đi ngủ, John thích chơi một vài bản nhạc, và bài hát anh ấy thích nhất là trong vở nhạc kịch Camelot. Câu nói anh ấy thích nhất là: "Đừng quên nơi chốn này mà trong một khoảnh khắc vinh quang đã được gọi là Camelot".

Lo rằng chàng phóng viên không hiểu rõ, Jackie kể lại câu chuyện. Bà còn nói thêm: "Sẽ còn có nhiều tổng thống vĩ đại trong Nhà Trắng, nhưng sẽ không bao giờ như Camelot". Sau một lúc, Theodore White định chuyển sang đề tài khác nhưng Jackie cố: "Đừng quên nơi chốn này mà trong một khoảnh khắc vinh quang đã được gọi là Camelot". Bà nhất quyết thuyết phục White rằng đời Tổng thống của chồng bà là độc nhất, huyền hoặc và đã mãi mãi mất đi.

Cuối buổi phỏng vấn lúc 2 giờ sáng, White cáo lui. Sự quyết tâm của Jackie đã thành công. Bài báo của White nói về cuộc đời của gia đình Kennedy tại Nhà Trắng đã được biến thành một ngày tại Camelot thời hiện đại. Từ đó đã nảy sinh một trong các huyền thoại bền bỉ và sai lạc nhất.

Vì sau đó White đã thú nhận: anh dám so sánh giữa JFK và Camelot vì có cảm tình với người góa phụ quá yêu thương một vị Tổng thống vừa bị ám sát. Anh thừa nhận rằng bài viết là một sai lầm lịch sử. "Camelot: ma lực của John F. Kennedy" chưa bao giờ hiện hữu. Và điều quan trọng là đấy, huyền thoại JFK vẫn tiếp tục tồn tại

Minh Luân (theo Le Point)
.
.