Nghi vấn quanh cái chết của Đại sứ Canada tại Ai Cập

Thứ Sáu, 19/10/2007, 06:30
Sáng sớm ngày 5/4/1957, nhân viên bảo vệ của tòa cao ốc 8 tầng nằm trên đường Dokki ở thủ đô Cairo của Ai Cập, là nơi trú ngụ của phần lớn quan chức và nhân viên ngoại giao đoàn nước ngoài, phát hiện thi thể Egerton Herbert Norman, Đại sứ Canada tại Ai Cập, nằm sấp ở phía sân sau của tòa nhà, liền cấp báo cho cảnh sát.

Kiểm tra sau đó của cảnh sát cho biết nạn nhân đã tử vong do rơi xuống từ tầng 8, bị tổn thương nặng ở đầu, ngực và tứ chi. Về nguyên nhân, Bộ Nội vụ Ai Cập nghiêng về giả thuyết là Đại sứ Norman đã tự tử vì theo lời khai của nhiều nhân chứng thì trước đây ít lâu, nạn nhân đã có dấu hiệu mắc chứng trầm cảm.

Tuy nhiên, vẫn không loại trừ khả năng Đại sứ Norman là nạn nhân của một vụ thanh toán bởi một thế lực nào đó. Theo lời khai báo của Naima Hassan Ibrahim, 22 tuổi, người giúp việc của gia đình Đại sứ Anh, cũng trú ngụ tại tòa cao ốc, có trông thấy lố nhố nhiều bóng người trên sân thượng tòa cao ốc là nơi mà chỉ vài phút sau đó Đại sứ Norman đã rơi xuống.

Cái chết của Đại sứ Norman đã khiến dư luận quốc tế quan tâm và làm bùng phát tranh luận trên các phương tiện truyền thông ở phương Tây, đặc biệt là sau khi xảy ra sự kiện Naima Hassan Ibrahim, nhân chứng quan trọng trong cuộc điều tra về nguyên nhân tử vong của Đại sứ Norman, bị chết vì một tai nạn giao thông khó hiểu xảy ra sau đó đúng 1 tuần.

Egerton Herbert Norman sinh ngày 1/9/1909, trong một gia đình giáo sĩ người Canada đến truyền đạo tại Nhật. Sau khi tốt nghiệp trung học, Norman theo học ngành lịch sử tại Đại học Toronto, Canada rồi sau đó học tiếp ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Cambridge, Anh và ngành luật tại Đại học Harvard, Mỹ. Đến năm 1939, ở tuổi 30, Norman được nhận vào làm việc tại Bộ Ngoại giao Canada.

Nhiệm sở đầu tiên của Norman ở nước ngoài là Sứ quán Canada tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Sau khi Nhật tấn công Mỹ gây ra trận chiến Trân Châu Cảng vào tháng 12-1941, khơi mào cho Chiến tranh thế giới lần thứ hai tại châu Á, Norman bị chính quyền Nhật quản thúc một thời gian trước khi được trả về Canada vào tháng 6/1942.

Khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, do am hiểu về tình hình nước Nhật nên Norman được cử làm đại diện Canada trong Phái bộ Đồng minh quản lý và chiếm đóng lãnh thổ Nhật (SCAP).

Trong thời gian làm việc tại SCAP, Norman đã nhiều lần bày tỏ quan điểm không ủng hộ Mỹ trong việc triển khai các chính sách kinh tế, quân sự mang tính áp đặt quá mức đối với nước Nhật. Vì vậy đã xảy ra bất đồng sâu sắc giữa Norman và chỉ huy SCAP là tướng Mỹ Douglas MacArthur. Để tránh gây căng thẳng trong quan hệ Canada - Mỹ, Chính phủ Canada quyết định điều chuyển Norman về lại Canada.

Vào những năm đầu thập niên 50, khi phong trào chống Cộng điên cuồng diễn ra tại Mỹ và lan sang tận Canada, Norman đã bị đích danh Nghị sĩ Mỹ McCarthy và Ủy ban An ninh quốc gia Mỹ buộc tội làm điệp viên nội gián cho tình báo Liên Xô vì cho rằng ông có quan hệ với điệp viên huyền thoại Kim Philby và Guy Burgess khi còn theo học tại Đại học Cambridge, Anh vào năm 1935.

Ngoài ra, chính hành động chống lại sự áp đặt của Mỹ tại SCAP của Norman cũng bị quy tội là chống lại Chính phủ Mỹ. Chính phủ Canada đã chú ý đến các cáo buộc của Mỹ về Norman và tổ chức điều tra, nhưng do không phát hiện bất cứ chứng cứ nào để buộc tội ông nên đến năm 1956 vẫn quyết định bổ nhiệm Norman làm đại sứ tại Ai Cập.

Vào thời kỳ đó, Tổng thống Ai Cập Gamal Nasser quyết định phát triển quan hệ với Liên Xô và nhiều quốc gia XHCN Đông Âu để nhờ các quốc gia này giúp đỡ phát triển đất nước.

Vì vậy, tình báo Mỹ cho rằng việc Chính phủ Canada bổ nhiệm Norman, một người không thân Mỹ, có nghi vấn làm việc cho tình báo Liên Xô làm đại sứ tại Ai Cập chẳng khác gì tạo điều kiện cho ông ta cộng tác với Liên Xô chống phá Mỹ.

Và thế là, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) bí mật tổ chức trừ khử Norman bằng cách cho người xô ngã ông từ tầng 8 của tòa cao ốc dành cho ngoại giao đoàn ở thủ đô Cairo và ngụy tạo thành một vụ tự tử.

Trong khi đó, hầu hết các phương tiện truyền thông ở Ai Cập và các quốc gia Trung Đông lại cho rằng, Đại sứ Norman là nạn nhân của một vụ thanh toán do Cơ quan Tình báo Hải ngoại Israel (Mossad) gây ra.

Nguyên nhân là từ tháng 3/1956, khi được bổ nhiệm làm Đại sứ Canada tại Ai Cập, ông Norman luôn tỏ thái độ bảo vệ quyền lợi của các quốc gia Arập chống lại sự bành trướng của Nhà nước Israel tại Trung Đông.

Đã nhiều lần Đại sứ Norman yêu cầu Chính phủ Canada gây sức ép, buộc Chính phủ Israel trả lại một phần thành phố Jerusalem mà họ chiếm đóng cho dân tộc Palestine. Đại sứ Norman còn vận động quyên góp tài chính để giúp cho những người Palestine sống lưu vong tại nhiều quốc gia, có điều kiện quay về định cư tại vùng lãnh thổ đã được Liên Hiệp Quốc xác định  là đất của Palestine, đây là điều mà Chính phủ Israel kiên quyết phản đối đến cùng.

Và để ngăn chặn các hành động được xem là gây hại đến an ninh của Israel, chính phủ quốc gia này đã ra lệnh cho Mossad tìm cách trừ khử Đại sứ Norman. Một toán điệp viên Mossad xâm nhập vào lãnh thổ Ai Cập đã đột nhập được vào tòa cao ốc nơi Đại sứ Norman trú ngụ, trấn áp ông ta lên sân thượng của tòa nhà rồi đẩy ngã xuống đất.

Đây là nguyên nhân khiến Naima Hassan Ibrahim, người giúp việc của gia đình Đại sứ Anh, khai báo là đã trông thấy lố nhố nhiều bóng người trên sân thượng tòa nhà trước khi xảy ra vụ việc.

Trong khi cái chết của Đại sứ Norman vẫn còn là một bí ẩn thì đến năm 1964, tại Canada lại xảy ra cái chết bí ẩn tiếp theo của John Watkins, Đại sứ Canada tại Liên Xô, được xác định bị ngộ độc dẫn đến tử vong sau một bữa ăn, nhưng nhiều người tin rằng ông bị phản gián Canada và Mỹ bức tử đến chết vì nghi vấn làm điệp viên nội gián cho tình báo Liên Xô.

Giả thuyết về việc Đại sứ Norman là nạn nhân của vụ thanh toán bởi một thế lực tình báo nào đó càng được khẳng định vào tháng 4/2007, nhân kỷ niệm 50 năm ngày xảy ra cái chết bí ẩn của ông, khi các phương tiện truyền thông ở Canada đồng loạt đưa tin về việc tiết lộ một báo cáo của Ủy ban điều tra đặc biệt thuộc Chính phủ Canada về cái chết của Đại sứ Norman  (còn được gọi là Báo cáo Peyton).

Trong báo cáo này, Chính phủ Canada cho rằng, Đại sứ Canada không tự tử mà là bị ngộ sát bởi một cơ quan tình báo nước ngoài có thể là CIA hoặc Mossad

Văn Hòa (theo Historia)
.
.