Nghi vấn tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng sở hữu vũ khí hóa học

Thứ Ba, 04/11/2014, 16:10

Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã kiểm soát một kho vũ khí hóa học rộng lớn ở phía tây bắc Baghdad của Iraq, nơi còn giữ khoảng 2.500 quả tên lửa cũ được nhồi tác nhân thần kinh sarin cách đây nhiều thập niên cùng nhiều tác nhân hóa học khác. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ bác bỏ khả năng đe dọa từ sự chiếm hữu này, cho rằng không còn vũ khí nào còn nguyên vẹn và rất khó - nếu không nói là không thể - sử dụng vào mục đích quân sự.

Trong một bức thư, Đại sứ Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Iraq Mohamed Ali Alhakim báo cáo với Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon rằng "các nhóm khủng bố vũ trang" đã tràn vào khu vực Muthanna phía nam thành phố Samarra của Iraq ngày 11/6/2014, bắt giữ các sĩ quan và binh lính bảo vệ các cơ sở vũ khí hóa học ở đây. Alhakim lưu ý đến 2 Bunker 13 và 41 trong khu phức hợp hỗn độn nằm cách Baghdad 56 km về phía tây bắc.

Theo Alhakim, Bunker 13 chứa 2.500 quả tên lửa 122mm chứa sarin được Iraq sản xuất trước năm 1991 và khoảng 180 tấn sodium cyanide cực độc và là tiền thân của tác nhân thần kinh tabun.

Nhưng, giới chức LHQ cho biết, Bunker 13 đã bị đánh bom dữ dội trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 vào tháng 2/1991, và các tên lửa hóa học đã bị "phá hủy một phần hoặc đã bị hư hỏng". Các container chứa tác nhân tabun đều được xử lý với dung dịch khử độc, song các chuyên gia cho rằng phần cặn bã sau xử lý vẫn rất nguy hiểm.

Chuyên gia vũ khí hóa học LHQ làm việc ở Syria.

Cũng theo báo cáo của Alhakim, Bunker 41 chứa 2.000 quả đạn pháo 155mm rỗng bị nhiễm tác nhân hóa học mustard mặc dù không còn sử dụng được cho mục đích quân sự nhưng "vẫn còn rất độc". Ngày 20/6/2014, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki, bày tỏ mối lo ngại về việc IS chiếm giữ khu phức hợp song vẫn đánh giá thấp tầm quan trọng của hai Bunker. Khu vực Muthanna là địa điểm đầu tiên của Iraq sản xuất các tác nhân vũ khí hóa học.

Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh Vùng Vịnh đầu tiên, các thanh tra vũ khí LHQ đã có mặt ở Muthanna để tiêu hủy các hóa chất có thể được sử dụng làm vũ khí, phá hủy các cơ sở sản xuất và trang thiết bị, thủ tiêu các tác nhân vũ khí hóa học. Đoàn thanh tra LHQ rời khỏi Iraq trước khi Mỹ tấn công nước này vào tháng 3/2003 và họ không bao giờ trở lại nữa. Lúc đó, nhóm điều tra Iraq do Mỹ lãnh đạo tiếp tục tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của chính quyền Iraq nhưng không tìm thấy gì. Điều đó cho thấy không có bằng chứng thuyết phục nào chứng minh IS sở hữu WMD.

Tuy nhiên, chlorine không phải là chất cấm và được buôn bán trên thị trường để sử dụng cho các mục đích vô hại như là khử trùng nước sinh hoạt. Và, có thông tin cho rằng các chiến binh IS sử dụng khí chlorine trong cuộc tấn công quân đội Iraq ngày 16/9 vừa qua tại tỉnh Saladin phía bắc thủ đô Baghdad gây thương tổn cho 12 binh sĩ.

Một thông tin khác đề cập đến vụ 15 chiến binh IS bị giết chết do sử dụng những quả tên lửa chứa tác nhân hóa học. Ngay sau đó, giới chức Anh, Pháp và Đức cũng cho rằng việc IS sở hữu chlorine và sử dụng nó để tấn công quân đội Iraq là "hợp lý" mặc dù không có bằng chứng xác thực nào! Chlorine là tác nhân đốt cháy phổi nếu hít vào đủ lượng cần thiết. Chlorine cũng có thể sinh ra cảm giác sợ hãi, hoảng loạn tinh thần.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), việc sử dụng chlorine làm vũ khí được CWC coi là sử dụng vũ khí hóa học. CWC là Quy ước toàn cầu nghiêm cấm sản xuất, tích trữ, chuyển giao và sử dụng vũ khí hóa học được phần đông các quốc gia trên thế giới ký kết.

Kho vũ khí hóa học ở phía bắc thủ đô Baghdad, Iraq, bị phá hủy.

Chuyên gia hàng đầu về vũ khí hóa học thuộc Công ty an ninh SecureBio ở Anh - Hamish de Bretton-Gordon - cũng thừa nhận: "Có mối đe dọa đang tăng từ vũ khí hóa học có sẵn được IS sở hữu".

Mới đây, Bretton-Gordon đã trở về Anh từ Syria, nơi ông huấn luyện cho các bác sĩ cách chữa trị cho những nạn nhân của vũ khí hóa học. Các chuyên gia tin rằng chlorine từng được chính quyền Tổng thống Bashar al-Asad sử dụng với số lượng lớn. Năm 2013, một cuộc tấn công bằng khí chlorine được cho là của quân đội Syria nhằm vào các khu vực của quân nổi dậy gần Damascus giết chết hàng trăm người.

Trong khi đó, chính quyền Damascus tố cáo cuộc tấn công bằng khí độc là do quân nổi dậy tiến hành. Vụ việc từng suýt buộc Mỹ tiến hành chiến dịch tấn công Syria nhưng sau đó Nga can thiệp để cho các chuyên gia được LHQ chỉ định giám sát và tiêu hủy các kho vũ khí hóa học của chính quyền Damascus.

Tháng 7 vừa qua, các bác sĩ và giới chức thị trấn Kobani gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ buộc tội chiến binh IS sử dụng vũ khí hóa học tấn công lực lượng người Kurd ở đây. Sau khi khám nghiệm tử thi 2 chiến binh người Kurd, bác sĩ khẳng định họ tìm thấy một số dấu vết chứng minh IS sử dụng vũ khí hóa học.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cũng báo cáo các chiến binh Kurd bị giết chết trong những cuộc đụng độ với IS nhưng trên xác họ không có dấu vết của đạn pháo

Duy Minh (tổng hợp)
.
.