Người Kurd và câu chuyện độc lập

Thứ Ba, 12/11/2019, 14:52
Người Kurd là dân tộc lớn nhất trên thế giới không có quốc gia riêng. Người Kurd đã nhiều lần cố gắng tạo ra nhà nước của riêng họ. Tuy nhiên, có một số lý do cho thấy những trở ngại và thậm chí không thể thực hiện được quá trình này.


Vấn đề của người Kurd

Hiện tại có trên 35 triệu người Kurd trên thế giới, phần lớn trong số họ sống ở các khu vực thiểu số ở vùng Kurdistan, nằm giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran và Iraq. 

Khoảng 2,5 triệu người Kurd sống ở miền bắc Syria, hơn 6 triệu người ở Iran và 7 triệu người ở Iraq. Hầu hết người Kurd tập trung ở Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu ở phía Đông nam, theo những số liệu khác nhau có từ 16-20 triệu người, chiếm 20-23% dân số cả nước. Chính quyền Ankara buộc phải tính đến cả dân tộc thiểu số này.

Một phụ nữ người Kurd tại Iran tham gia cuộc tuần hành.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi chính sách ngăn chặn chủ nghĩa ly khai của người Kurd, đặc biệt là sự phát triển hệ thống giáo dục ở đó. Điều thuận lợi đối với họ là đa số người Kurd không biết chữ, đặc biệt là các bé gái người Kurd không được tiếp cận với kiến thức. 

Tất nhiên, sự phát triển các truyền thông địa phương không được khuyến khích tại đây, việc sử dụng ngôn ngữ của người Kurd trên các phương tiện truyền thông bị hạn chế. Tuy vậy, gần đây, dưới áp lực của cộng đồng thế giới và do Đảng Công nhân người Kurd, chủ yếu là giới quân sự giảm hoạt động, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu xóa bỏ các lệnh cấm phổ biến ngôn ngữ Kurd. Từ năm 2009, truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ đã có thể xem các chương trình phát sóng suốt cả ngày bằng tiếng Kurd.

Vấn đề người Kurd là một trở ngại cho việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập liên minh châu Âu. Ở Brussels, họ muốn thấy người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ tự do hơn, điều mà tại Ankara bị phản đối cực lực. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng điều này sẽ tạo ra mảnh đất màu mỡ không chỉ cho sự phát triển của chủ nghĩa ly khai, mà còn cho việc kích hoạt các nhóm khủng bố khác nhau.

Người Kurd đã cố gắng để được độc lập. Vào những năm 1920, trên bản đồ thế giới đã xuất hiện: người Kurd gốc Iran ở Ba Tư, Cộng hòa Kurd Ararat ở Thổ Nhĩ Kỳ, quận người Kurd ở Azerbaijan. Tuy nhiên, tất cả những quốc gia bán chính thức này đều chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Ngày nay, quyền tự trị duy nhất được công nhận một phần của người Kurd là người Kurd ở Iraq với thủ phủ ở Erbil.

Những hỗ trợ ngầm

Vị trí địa lý nhỏ gọn liền kề nhau của các khu vực người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran và Iraq tạo thuận lợi cho việc tạo ra cơ hội tự trị của người Kurd. Nhưng đồng thời, yếu tố này hợp nhất các chính phủ của các quốc gia đó để ngăn chặn mọi biểu hiện của chủ nghĩa ly khai người Kurd. 

Nữ chiến binh người Kurd.

Các nhà chính trị tin rằng trong tương lai gần có thể chỉ có một mức độ tự trị nhất định của người Kurd trong khuôn khổ các hệ thống liên bang. Những nhà lãnh đạo các cường quốc phương Tây đang kêu gọi kiềm chế những khát vọng của họ đối với quyền tự quyết của người Kurd.

Tuy nhiên, nhà phương Đông học nổi tiếng Tofig Abbasov tin rằng Mỹ quan tâm đến việc tạo ra một nhà nước Kurd độc lập, mặc dù họ không công khai tuyên bố điều này. 

Ngay từ thời tổng thống Saddam Hussein, người Mỹ đã góp phần đáng kể để hình thành giới tinh hoa người Kurd bản địa ở Iraq làm nền tảng xây dựng nhà nước. Đồng thời, có một quá trình đào tạo các nhóm bán quân sự người Kurd ở Peshmerg để giúp các chính trị gia phát huy lý tưởng độc lập. 

Kết quả hoạt động của người Mỹ rất rõ ràng: Peshmerga ngày nay ước tính có là 100.000 tay súng, còn các nhà lãnh đạo người Kurd ở Iraq quyết tâm biến quyền tự trị của họ thành một quốc gia độc lập.

Trong những năm gần đây, Washington đã đặt hy vọng vào người Kurd ở Syria, nuôi dưỡng ý tưởng hình thành một thứ tương tự như người Kurd ở Iraq tại miền bắc Syria. Họ cần một khu vực được kiểm soát hoàn toàn để bố trí các căn cứ của mình. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã phá vỡ kế hoạch của Mỹ khi tiến hành chiến dịch quân sự thứ hai trong 4 năm chống lại các nhóm khủng bố người Kurd của Syria. 

Chiến xa Mỹ rút khỏi vùng đệm 30km biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông sẽ không can thiệp vào cuộc xung đột này, đồng thời công khai lên án cuộc xâm lược Syria của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Tất nhiên, người Mỹ sẽ không rút toàn bộ đội ngũ của họ khỏi Syria, tuy rằng sự hỗ trợ về tiền và vũ khí cho các lực lượng dân chủ Syria (như cách người Mỹ gọi dân quân địa phương người Kurd) dường như sẽ bị từ chối. Dự án “người Kurd ở Syria” cũng đang bị treo.

Có một quốc gia khác nhìn thấy nhiều lợi thế trong việc tạo ra một nước Kurd độc lập - đó là Israel. Cách đây không lâu, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nói: “Trong khi Israel phản đối bất kỳ biểu hiện khủng bố nào thì vẫn ủng hộ những nỗ lực chính đáng của người Kurd để có được nhà nước của mình”. Rõ ràng là Jerusalem hành động theo nguyên tắc “kẻ thù của kẻ thù tôi-là bạn của tôi”. Đối với Israel, bất kỳ lực lượng nào trong khu vực có khả năng chống lại thế giới Arab đều là quan trọng.

Trên con đường đi tới độc lập

Gần nhất với việc thành lập một quốc gia người Kurd độc lập là người Kurd ở Iraq. Vào tháng 9 năm 2017, bất chấp lệnh cấm đối với Baghdad, người Kurd ở Iraq đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết của họ, trong đó có hơn 3,3 triệu người tham gia. Đại đa số áp đảo (92,73%) đã bỏ phiếu ủng hộ việc giành độc lập hoàn toàn. 

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào biên giới miền Bắc Syria.

Để làm dịu phản ứng tiêu cực của chính quyền Iraq, lãnh đạo người Kurd khi đó là Massood Barzani nói rằng, trong tương lai gần họ không có ý định tuyên bố độc lập. Ông hiểu rõ rằng bất kỳ một bước đi bất cẩn nào theo hướng này đều có thể làm nổ tung khu vực, tạo ra một điểm nóng khác ở đó.

Baghdad gọi cuộc trưng cầu dân ý là bất hợp pháp và từ chối công nhận kết quả của nó. Vào ngày 27-9-2017, quốc hội Iraq đã trao cho Thủ tướng mở rộng quyền hạn để giải quyết vấn đề người Kurd bằng con đường hòa bình cũng như bằng vũ lực. 

Trước hết, giới lãnh đạo Iraq quan tâm đến khu vực dầu mỏ Kirkuk bị bỏ lơi vào năm 2014 bởi các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng  (IS) và bị các đơn vị quân đội người Kurd chiếm giữ. Chính quyền Iraq đã hành động kịp thời. Trong hai tuần đầu tiên của tháng 10, họ đã chấm dứt mọi quan hệ với khu vực người Kurd, phong tỏa kinh tế, còn quân đội Iraq chiếm Kirkuk. Người Kurd đã buộc phải đồng ý với các điều kiện của Baghdad và đóng băng kết quả trưng cầu dân ý.

Các nước phương Tây, cũng như Nga đã nhất trí ủng hộ chính quyền Iraq trong cuộc xung đột này. Hội đồng Bảo an LHQ tuyên bố rằng, sự độc lập của người Kurd ở Iraq gây ra mối đe dọa lớn đối với sự ổn định của cả nước, điều đó có thể trở thành một trở ngại nghiêm trọng trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo và “can thiệp vào nỗ lực đảm bảo sự trở lại an toàn và tự nguyện của 3 triệu người tị nạn và người di cư trong nước”.

Nếu người Kurd ở Iraq chưa thể giành được độc lập thì việc tạo ra một nước Kurd thống nhất là không thể. Điều này bị cản trở không chỉ bởi vị thế của chính quyền trung ương, mà còn bởi sự thiếu hợp nhất trong cộng đồng người Kurd. Ví dụ, người Kurd ở Iraq và ở Syria đang đối đầu ác liệt với nhau. Trên chính trường không có nhà lãnh đạo nào có thể mang lại cho chủ nghĩa ly khai người Kurd một chính thể trọn vẹn.

Những trở ngại khó lường của người Kurd

Hiện tại, ý tưởng về một nhà nước Kurd độc lập là giả thuyết chỉ có thể ở trong khuôn khổ của một khu vực. Sự tự trị của người Kurd ở Iraq cho thấy rõ ràng nhà nước này trông như thế nào. Người Kurd ở Iraq có lực lượng vũ trang, có tiền tệ riêng, tiến hành ngoại giao với Iraq và tự mình ký hợp đồng dầu mỏ với các quốc gia khác. 

Mức thuế thấp đã khiến cho quyền tự chủ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ngày nay thủ phủ Erbil về mặt kinh tế có vẻ khả quan hơn nhiều so với Baghdad, điều này khẳng định GDP của người Kurd ở Iraq là cao hơn.

Nhà phân tích chính trị Tofig Abbasov tin rằng dẫu sao trong tương lai gần chúng ta sẽ thấy nhà nước độc lập của “người Kurd ở Iraq” trên bản đồ thế giới, nhưng quá trình tạo ra nó sẽ kéo dài và khổ ải. Ông lưu ý đến thực tế là cả Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bằng mọi cách can thiệp vào sự ra đời của một quốc gia mới. Thổ Nhĩ Kỳ có vấn đề riêng về người Kurd và sẽ không tạo tiền lệ khuyến khích chủ nghĩa ly khai.

Ngay cả khi nhà nước Kurd ở Iraq được lập ra, nó sẽ đối mặt với những đối thủ quan trọng của các cường quốc khu vực, họ sẽ tạo ra mọi điều kiện để cô lập chính trị và kinh tế của nhà nước non trẻ. Lấy ví dụ là đường ống dẫn dầu được người Kurd ở Iraq sử dụng: tất cả chúng sẽ thuộc về Baghdad. Chặn nguồn dầu đối với người Kurd đồng nghĩa với việc tước đi nguồn thu nhập chính của họ. Người Kurd ở Iraq không có đường ra biển, điều này giúp các nước láng giềng dễ dàng tổ chức phong tỏa về giao thông.

Ngoài ra, với sự hình thành một nhà nước Kurd độc lập, tình hình chính trị ở khu vực Trung Đông có thể sẽ nóng lên nghiêm trọng. 

Theo ông Igor Borovkov, người đứng đầu Trung tâm điều phối của Viện nghiên cứu chiến lược Nga, do kết quả của quyền tự quyết của người Kurd ở Iraq, mong muốn chủ quyền giữa các dân tộc khác- người Assyria, người Chaldean, người Yezidis sẽ dâng cao.

 “Nếu mỗi tộc người đều đòi hỏi độc lập thì điều này chắc chắn sẽ dẫn đến sự chia cắt đất nước, đến sự tranh chấp vương quyền giữa họ và một thiên niên kỷ đổ máu” - chuyên gia này kết luận.

Bích Nguyễn (tổng hợp)
.
.