Người bị cáo buộc ra tay với nhà báo Khashoggi là ai?

Thứ Ba, 06/11/2018, 20:23
Mohammed bin Salman đang là cái tên được liên tục nhắc đến trên các phương tiện truyền thông đại chúng toàn cầu trong thời gian vừa qua, sau vụ sát hại dã man nhà báo đối lập Jamal Khashoggi.

Nguyên nhân bắt đầu từ những cáo buộc người sẽ kế vị ngai vàng tại Saudi Arabia trong tương lai đã ra lệnh sát hại, phân xác nhà báo đối lập ngay trong khuôn viên lãnh sự quán Saudi Arabia tại Stambul (Thổ Nhĩ Kỳ). Đó cũng là nhận định chung của phần lớn các nhà quan sát, trong đó có cả các chính trị gia từ Mỹ, dù thông tin chính thức chỉ khẳng định, nạn nhân đã thiệt mạng sau một cuộc ẩu đả tại lãnh sự quán.

Nhưng công bằng mà nói, thái tử Salman từ trước không bị coi là một nhà độc tài tàn nhẫn và độc ác. Trái lại, ông được nhìn nhận như một nhà cải cách, là người duy nhất có khả năng cải tổ và đổi mới một quốc gia luôn đi theo đường lối bảo thủ như Saudi Arabia.

Thái tử Mohammed bắt đầu được chú ý nhiều sau vụ Saudi Arabia bắt giữ hàng trăm quan chức và thương gia – chủ yếu là các thành viên hoàng gia bị buộc tội tham nhũng. Thế giới bắt đầu bình luận về việc, đế chế Hồi giáo theo đường lối cực kỳ bảo thủ như tại Saudi Arabia sẽ chuẩn bị có những biến đổi mang tính cách mạng. Đầu tiên là nhiều quan chức hồi giáo bị tước bỏ những vị trí được coi là “trọn đời” của mình, phụ nữ đã được phép lái xe, tới các sân vận động và rạp chiếu phim.

Trong con mắt của các nước phương Tây, Mohammed mới đây còn được đánh giá là hình tượng tiêu biểu của một nhà lãnh đạo hiện đại và lý tưởng tại quốc gia Trung Đông trên: trẻ tuổi, táo bạo, tiến bộ, tràn đầy tham vọng, đồng thời chỉ có… đúng một người vợ. Mohammed đã không ít lần tuyên bố, vương quốc Saudi sẽ quay trở về với đường lối Hồi giáo ôn hòa, cởi mở với toàn thế giới và sẽ được hiện đại hóa theo hình mẫu của phương Tây. Chưa hết, chính trị gia của làn sóng cải cách mới còn tuyên bố, Saudi Arabia cho tới năm 2020 sẽ có thể tồn tại và phát triển mà không cần phụ thuộc vào dầu mỏ.

Trắc trở

Những năm tháng niên thiếu của Mohammed bin Salman – như mọi người tại Saudi vẫn mệnh danh ông ta là thái tử MBS hay “Mr. Everything” (Ngài tất cả và ngay lập tức) – lại không được công chúng biết đến nhiều. Người ta chỉ biết thái tử tương lai sinh ra trong gia đình của hoàng tử Salman, con trai của vua Abdul Aziz.

Thái tử Mohammed Bin Salman được truyền thông phương Tây ca ngợi như một nhà lãnh đạo tiến bộ có những quan điểm cải cách mạnh mẽ.

Ngay từ năm 12 tuổi, Mohammed đã từng xuất hiện tại những cuộc họp bàn quan trọng có sự tham gia của cha mình. Thay vì ra nước ngoài du học như phần lớn các anh em, ông quyết định ở lại quê hương, nhận bằng cử nhân luật sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp mang tên nhà vua Saud vào năm 2007. Theo Mohammed kể lại, ông đã lên kế hoạch phải cưới vợ, ra nước ngoài và sau đó trở lại quê hương để bắt đầu hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên cha ông lại quyết định hoàn toàn khác. Chính vì vậy mà trong tất cả các kế hoạch đã vạch ra, ông chỉ thực hiện được có một – đó là cưới vợ.

Có đủ bằng cấp theo quy định, Mohammed bắt đầu vào phục vụ trong cơ quan nhà nước. Ông giữ vị trí cố vấn Hội đồng bộ trưởng trong 2 năm. Theo các đồng nghiệp cũ, thái tử là người khá tham vọng và quyết liệt: những việc trước đó thường phải mất hai tháng để hoàn thành, ông yêu cầu phải làm xong trong vài ngày. Theo như khẳng định của bản thân Mohammed, ông không hề mơ tới chuyện ngai vàng vì vào thời điểm đó đang có quá nhiều ứng cử viên trong hoàng gia Saudi Arabia.

Sau đó, Mohammed trở thành cố vấn của cha mình, khi đó đang là tỉnh trưởng Riyadh. Cũng chính vào thời điểm này, thái tử đã phải đối đầu với nhiều âm mưu chống đối trong nội bộ cung đình cũng như các bộ máy nhà nước. Phần lớn đều bắt tay chống đối lại ông: các chính trị gia sừng sỏ đều không ưa “kẻ chơi trội” trẻ tuổi này. Trong cuộc đấu này, Mohammed đã thua: ông bị tẩy chay, trên thực tế bị cách ly khỏi cha và bị nói xấu trước mặt nhà vua Abdullah.

Cuộc đảo chính cung đình

Phải cho đến khi cha trở thành Bộ trưởng quốc phòng, Mohammed mới tận dụng cơ hội mới để xây dựng lại hình ảnh và uy tín của mình, cũng như tìm kiếm sự ủng hộ của các nước phương Tây. Với mục đích trên, ông tập hợp quanh mình cả một đội ngũ chuyên gia nước ngoài về quan hệ công chúng, liên tục trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài cũng như ca ngợi và cổ xúy cho các giá trị phương Tây. Mohammed thành lập ra một quỹ hỗ trợ thanh niên gặp khó khăn: Saudi Arabia có 70% dân số dưới 30 tuổi, trong số này có từ 20 đến 25% đang thất nghiệp.

Cơ hội càng thực sự rộng mở với Mohammed khi cha ông trở thành thái tử. Ông được vua Abdullah đích thân mời quay trở về với chính phủ, trực tiếp đảm nhiệm việc trong sạch hóa Bộ Quốc phòng. Với “cơn bão” do Mohammed khuấy động tại đây, hàng loạt các quan chức đã phải mất ghế vì tội danh tham nhũng và nhận hối lộ. Có điều trùng hợp may mắn là phần lớn những kẻ tham nhũng trên đều là kẻ thù cũ hay là những đối thủ tiềm tàng của Mohammed trên con đường lên tới đỉnh cao quyền lực.

Thái tử Mohammed bin Salman.

Tháng 1-2015, cha của Mohammed lên nắm ngai vàng sau cái chết của nhà vua Abdullah. Tân vương lập tức bổ nhiệm con trai làm Bộ trưởng Quốc phòng. Mohammed (khi đó mới 29 tuổi) trở thành bộ trưởng trẻ nhất trong lịch sử của vương quốc. Có điều nhà vua Salman vẫn chưa thể đưa con mình lên chiếc ghế thái tử ngay. Người kế nhiệm chính thức cho ngai vàng khi đó vẫn là Muhammad bin Nayef, người cháu trai 56 tuổi, cũng là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất tại vương quốc. Bin Nayef trong suốt 13 năm đã lãnh đạo chương trình chống khủng bố và bạo loạn nên được mệnh danh là “Vua chống khủng bố”, đồng thời có được sự tín nhiệm và tôn trọng khá cao của Mỹ và các nước châu Âu.

Dù với xuất phát ban đầu chỉ là một chính trị gia trẻ tuổi thiếu kinh nghiệm, nhưng Mohammed đã tận dụng những chuyến công du liên miên của Bin Nayef để dần dần từng bước đánh lùi ảnh hưởng của đương kim thái tử. Khi đã củng cố được hoàn toàn quyền lực, nhà vua Salman tiến hành một bước quyết định: tước danh hiệu thái tử của Bin Nayef trước khi đặt con trai vào chiếc ghế này. Nắm trong tay đầy đủ quyền lực và điều kiện, người kế nhiệm ngai vàng trong tương lai bắt đầu kiên quyết cải tổ lại hệ thống quyền lực trì trệ và bảo thủ của Saudi Arabia. 

Cải tổ và chống tham nhũng

Nhu cầu cải tổ đã được nhắc tới tại Saudi Arabia từ khá lâu. Chính sách kinh tế do chính quyền Riyadh tiến hành trong suốt nhiều thập niên qua đã không thể giúp tạo thêm công ăn việc làm – tại cường quốc dầu mỏ này, tỉ lệ thất nghiệp luôn vượt quá 12%. Chính vì vậy, nhiều người Saudi đã so sánh những quan điểm cấp tiến của Mohammed với chương trình của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Phát ngôn của thái tử cũng thường xuyên xuất hiện những khẩu hiệu kiểu như: “Saudi Arabia là trên hết!” hay “Hãy cùng làm cho vương quốc vĩ đại trở lại”.

Mohammed đã tuyên bố về một chương trình triển khai các cải cách cấp tiến có tên “Tầm nhìn 2030” với mục tiêu chính là đấu tranh chống nạn thất nghiệp, đa dạng hóa nền kinh tế, củng cố vị thế thống lĩnh trong khu vực của vương quốc và mở cửa với thế giới bên ngoài. Trong khuôn khổ chương trình này, “Mr. Everything” tuyên bố sẽ biến Saudi Arabia trở thành “một thành trì của chủ nghĩa hồi giáo ôn hòa”, gây ra làn sóng phản ứng dữ dội trong nước cũng như tại khu vực Trung Đông. Nguyên nhân là trong lịch sử, chính sách hồi giáo bảo thủ luôn đóng vai trò quan trọng trong hệ tư tưởng của Saudi và nhiều nước láng giềng.

Làn gió đổi mới đã bắt đầu thổi: phụ nữ được cho phép tới sân vận động, lái xe hơi cũng như tham gia các câu lạc bộ võ thuật. Ngoài ra, công dân của vương quốc được cho phép tới các rạp chiếu phim. Thậm chí còn có một cơ quan gọi là “Cục giải trí” được thành lập để thúc đẩy văn hóa phương Tây. Để giảm bớt sự phụ thuộc của vương quốc vào khai thác dầu mỏ, Mohammed quyết định tập trung phát triển một số lĩnh vực kinh tế mới như công nghiệp khai khoáng và chế biến, ngân hàng, du lịch v.v… Thái tử còn chuẩn bị bắt tay vào dự án xây dựng giữa sa mạc siêu thành phố hiện đại Neom có diện tích hơn 25.000km2, là nơi sinh sống và làm việc của hàng ngàn chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau.

Tuy nhiên, những bước cải tổ đáng chú ý nhất diễn ra ngay trong bộ máy nhà nước. Đêm ngày 5-11-2017, tại Saudi Arabia đã diễn ra một sự kiện khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng. Hàng chục quan chức cao cấp và thương gia - trước đó được coi là “bất khả xâm phạm” – bị bắt giữ vì nghi ngờ tham nhũng, hối lộ và đục khoét ngân sách, trong đó có tới 11 hoàng thân và 4 bộ trưởng đương nhiệm. Tất cả đều xuất phát từ những cáo buộc từ Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia do Mohammed đứng đầu.

“Kỷ nguyên đấu tranh chống tham nhũng mới đã bắt đầu” – đó là bình luận của Bộ trưởng Tư pháp Saud al-Mojeb về sự kiện chưa có tiền lệ trên. Phần lớn những thành phần bị bắt giữ đáng chú ý đều thuộc về phe của nhà vua quá cố Abdullah. Một khuôn mặt đáng chú ý đầu tiên trong danh sách này là cháu của nhà vua, đồng thời cũng là một trong những người giàu nhất tại Saudi Arabia – hoàng thân Al-Waleed bin Talal.

Trong danh sách bị bắt giữ ban đầu là 350 người, một phần không nhỏ trong số này về sau lại chuyển sang làm tư cách nhân chứng, chỉ còn gần 200 người trở thành tù nhân thực sự. Có điều những tù nhân đặc biệt của Mohammed được bố trí trong khách sạn 5 sao Ritz Carlton ngay giữa thủ đô, có thể sử dụng thoải mái các dịch vụ của một nhà hàng cao cấp, câu lạc bộ fitness, spa và bowling v.v… 

Bằng chế độ giam cầm này, Mohammed muốn bày tỏ sự tôn trọng đối với họ, sẵn sàng gỡ bỏ mọi cáo buộc để đổi lấy sự trung thành. Đến ngày 30-1-2018, tất cả được trả tự do nhưng với điều kiện phải nộp vào công quỹ khoản tiền tổng cộng 100 tỉ đôla. Đây là số tiền không hề nhỏ nếu biết rằng, ngân sách hiện nay của Saudi cũng chỉ có hơn 190 tỉ đôla.

Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong những nguyên thủ thế giới đầu tiên lên tiếng ủng hộ chiến dịch chống tham nhũng của Saudi Arabia. Ông Trump bày tỏ sự tín nhiệm cao đối với nhà vua Salman cùng con trai mình, những người theo ý kiến của ông là “biết rõ những điều mình đang làm”. Chiến dịch trên cũng nhận được sự ủng hộ của đa số công dân tại Saudi. Mohammed nhanh chóng trở thành một chính trị gia nổi tiếng nhất đất nước: chân dung của ông được treo trên tường tất cả các cơ quan nhà nước, dán lên kính xe hơi, trên các tấm biển quảng cáo v.v…

Thái tử Mohammed tóm lại đã đạt được hàng loạt mục đích trong chiến dịch chống tham nhũng của mình: loại bỏ những đối thủ tương lai, củng cố uy tín của một nhà cải cách, bổ sung đáng kể cho ngân quỹ nhờ số tiền tịch thu được và cái lớn nhất là thể hiện đối với người dân và cả thế giới rằng quyền lực thực tế đang nằm trọn trong tay ông.

Thách thức phía trước

Dù khá thành công với những “chuyến phiêu lưu” trong nước, nhưng Thái tử Mohammed lại gặp vấn đề với các chính sách đối ngoại. Đầu tiên là việc Saudi Arabia sa lầy vào cuộc chiến không biết đến bao giờ mới kết thúc với Yemen từ tháng 2-2015. Quốc gia giàu nhất thế giới Arập đã không thể chiến thắng được lực lượng nổi dậy tại một trong những nước nghèo nhất khu vực. Người Houthis vẫn đang kiểm soát thủ đô Sana'a của Yemen. Riyadh vẫn đang phải đối đầu với sự cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt từ Iran, chưa đủ uy tín để thành lập một liên minh đủ sức làm thay đổi chế độ của Bashar al-Assad tại Syria, cũng như trên thực tế đã thất bại trong cuộc chiến ngoại giao với Qatar.

Còn ngay trong nước, nhà cải cách táo bạo dù nhận được sự ủng hộ của tầng lớp thanh niên vẫn phải đương đầu với không ít sự chống đối ngấm ngầm từ giới thượng lưu Saudi, cũng như lực lượng hành pháp. Đa phần giới lãnh đạo tinh thần tại Saudi cũng không ưa gì kế hoạch biến vương quốc này trở thành một quốc gia hồi giáo ôn hòa. Đó là chưa kể những bất lợi nảy sinh từ vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Không chỉ có nguy cơ phải đón nhận sự trừng phạt từ phương Tây, vụ việc trên còn đang được các đối thủ chính trị trong nước ra sức tận dụng. Trong thời điểm nhà vua 82 tuổi Salma đang bị ốm nặng, cũng không thể loại trừ khả năng thái tử có thể bị loại bỏ bởi các giới chức quân sự hay tôn giáo. Thái tử Mohammed rõ ràng đã thắng một vài trận đánh, nhưng kết cục cuối cùng của trận chiến quyền lực lớn nhất trên đường tới ngai vàng vẫn không thể dự đoán trước.

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.