Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7:

Người đàn bà tâm thần và đứa con nuôi

Thứ Hai, 26/07/2010, 09:30
Đứa con nuôi ấy chính là tôi. Cái điều chắc không ai ngờ tới, trừ bà con ấp I và II xã An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre và đồng đội của tôi - cán bộ, chiến sĩ cụm Tình báo chiến lược H67, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang thuộc Đoàn J22, Tổng cục II Bộ Quốc phòng, những người đã gắn bó với tôi trên 1.800 (một ngàn tám trăm) ngày tại chiến trường sông nước Bến Tre (từ năm 1969 đến 1974).

Phong tỏa vùng tứ địa

Dẫu không có bút tích nào minh chứng điều đó và cũng không có một lời tuyên bố nào giữa tôi và bà, rằng "từ nay tôi xin nhận bà là má nuôi của tôi...". Song, tình cảm của tôi đối với bà và tình cảm của bà dành cho tôi (khi đã hết chứng tâm thần, điên loạn), đó là tình cảm mẹ con.

Có rất nhiều chi tiết, sự kiện nói lên điều ấy mà trong đó có một lần, khi bà đã trở lại trạng thái tâm lý bình thường được một năm, khi nghe cô con gái thứ  9 (Chín Thêm) thăm dò ý kiến bà về người yêu của mình, bà tuyên bố một câu xanh rờn: "Bay thương ai thì tìm hiểu cho kỹ. Nhưng, việc này phải hỏi ý kiến anh Ba bay! Thằng Ba nó ưng ai thì má ưng thằng đó...". Thằng Ba ở đây là bà nói tới tôi. Tên thường dùng ở chiến trường của tôi là Dương do Cục II đặt cho (Khổng Thái Dương).

Là con thứ 2 trong gia đình, trên tôi còn chị cả. Theo phong tục Nam Bộ - người con đầu lòng, gọi theo thứ bậc là anh hai hoặc chị hai. Người tiếp theo là thứ ba. Không mấy khi người ta gọi đích tên mà gọi theo thứ, trừ trong cơ quan, đơn vị, có gọi tên nhưng vẫn kèm theo thứ. Ba Dương trở thành tên thường dùng của tôi ở Bến Tre là vậy. Cái tên khai sinh Khổng Minh Dụ tuyệt nhiên không ai biết.

Bà Mười (Đồng Thị Khoái) - bà mẹ Việt Nam Anh hùng cùng tác giả bên mộ 4 con trai liệt sĩ (ảnh chụp năm 1995).

Thực lòng, ý kiến của bà tôi không được nghe trực tiếp mà thông qua mấy người con dâu, con rể, con gái của bà thuật lại và nó được diễn đạt một phần qua chính lời đương sự.

Một buổi chiều "yên bình" ở An Phước (hết giờ địch càn quét và không có tiếng bom, tiếng pháo) Chín Thêm tìm vào căn cứ của đơn vị xin được gặp tôi. Ngập ngừng mãi cô gái mới cất thành lời - "Em vô... xin ý kiến anh về việc... anh Năm tìm hiểu em..." - "Năm nào?" - "Dạ... Năm Chót chớ Năm nào!...". "Năm Chót ở chỗ anh phải không... được! Thẳng (thằng ấy) được đó! Vậy em tính sao? - "Thì... má biểu vô gặp anh...". "Gặp anh mần chi?... Việc này do má, em và gia đình quyết chớ!..." - "Má biểu anh là quyền... quyền gì đó? - "Quyền huynh thế phụ hả?..." - "Ừa... đúng rồi! Quyền huynh... thế phụ... anh ưng ai thì má ưng người đó".

Tự dưng nước mắt tôi ứa ra. Tôi như không tin vào tai mình trước tấm lòng, sự ủy thác của người mẹ miền Nam dành cho mình. Bà là hiện thân của nỗi thống khổ, đau thương để rồi trở thành người đàn bà tâm thần, điên loạn, khi đứa con trai cuối cùng của bà - Xã đội phó Đoàn Văn Ngang (Sáu Ngang) hy sinh ngay trên quê hương An Phước anh hùng.

Nỗi lòng người mẹ, dẫu thần kinh có sắt đá tới đâu cũng không thể cưỡng nổi cơn hoảng loạn, khi chỉ trong vòng 3 năm (1969-1972), kẻ thù đã cướp đi sinh mạng của cả 4 người con trai thân yêu của bà. Đầu tiên là Đoàn Văn Bang (Năm Bang) Ấp đội trưởng ấp 1; tiếp theo là Đoàn Văn Xước (Ba Xước) xã đội trưởng, rồi tới Đoàn Văn Ngưu (Tư Ngưu) Chính trị viên xã đội và cuối cùng là Đoàn Văn Ngang.

Ba người con lần lượt ra đi, nén đau thương, bà nín chịu, dẫu rằng đã khô nước mắt. Song, tới lần thứ tư này, khi nghe tin, bà bỗng phát điên, lao ra khỏi nhà, chạy như bay vào rừng dừa ấp I bất chấp kênh rạch, mương vườn, bụi rậm... mấy cô con gái bà hớt hải chạy đi báo chúng tôi và anh em du kích.

Một cuộc báo động khẩn cấp. Lực lượng chia đôi - Một bộ phận phong tỏa ngay các khu vực "tử địa" (vùng đã được gài mìn, cắm chông chống càn quét của địch) và một lực lượng chia ra nhiều hướng tìm bà.

Từ căn cứ bờ sông Ba Lai, đơn vị chúng tôi được bố trí 2 tổ trinh sát - một chạy về phía ấp II và một chạy về phía lộ giữa ấp I thì được tin du kích đã tìm được bà và đưa về nhà, ở ven đồng ấp I.

Tất cả đều chạy ra nhà bà. Tôi lặng người trước cảnh thương tâm bà nằm bất động trên chiếc vạt tre. Đầu tóc, mặt mũi, chân tay, áo quần bê bết bùn. Theo lời Xã đội trưởng Tư Minh - "May quá, những mương, rạch bà lội qua đều là khu vực an toàn. Bà vừa lội vừa gọi Sáu Ngang cho tới khi đuối sức nằm ngay bên bờ rạch gần lộ giữa...".

Địa bàn mới và cơ sở đầu tiên

Tháng 12/1969, đơn vị chúng tôi nhận được lệnh của J22 chuyển căn cứ bám trụ tại rừng Bời Lời thuộc chiến khu "C" về bám trụ tại địa bàn sông nước Bến Tre. Bởi thời điểm đó, chiến trường Đông và Tây Bắc Sài Gòn trở thành trọng điểm tấn công hủy diệt của địch. Căn cứ tạm thời lúc đó tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm.

Tháng 1/1970, Cụm trưởng Lê Văn Vĩnh cử Cụm phó Trung Tuyến (Năm Tuyến) cùng Cụm phó Năm Phước dẫn một tổ trinh sát và tôi về xã An Phước, huyện Châu Thành khảo sát tình hình để xây dựng căn cứ bám trụ chính thức tại đây.

Đường từ Giồng Trôm về Châu Thành chẳng bao xa, cách mỗi cái thị xã Kiến Hòa, ấy vậy mà phải đi gần tuần lễ mới tới nơi vì phải vượt qua nhiều đồn bốt địch. Tình đất, tình người đã níu gót chúng tôi ngay từ buổi đầu đặt chân tới.--PageBreak--

Bí thư Chi bộ An Phước lúc đó là anh Hai Công Chánh, một người hiền từ, phúc hậu. Sau khi xem giấy giới thiệu do ông Ba Đào, Tỉnh đội trưởng ký và nghe chúng tôi trình bày xin được xây dựng căn cứ bám trụ ở An Phước, ông tỏ ra rất vui mừng và nêu phương án ngay - các anh về đồng cam cộng khổ với địa phương thì tốt quá.

Xã này có 5 ấp. Nhưng 2 nơi có thể xây dựng được căn cứ tương đối an toàn, thuận lợi, đó là ấp II và ấp I. Trong khi tìm, xác định địa điểm, tôi sẽ bàn với anh em du kích cho các anh mượn tạm một căn cứ dự bị để đảm bảo an toàn. Chúng tôi mừng rơn. Thật là "buồn ngủ lại gặp chiếu manh".

Tới khi đoàn trưởng Năm Tuyến nêu vấn đề nhờ anh giới thiệu cho một gia đình ở khu dân cư để khi cần sẽ nhờ bà con mua giúp nhu yếu phẩm, thuốc men cho đơn vị. Ông Công Chánh khẽ cười: "Việc đó các anh khỏi lo. Ở đây bà con tốt lắm. Ai cũng sẵn lòng giúp chúng ta. Thôi được, tôi sẽ giới thiệu một gia đình trên ven đồng ấp I. Đó là nhà ông bà Mười Tầm. Đây là gia đình cơ sở cách mạng, đã từng nuôi, giấu bà Ba Định. Ông Mười già yếu. Bà Mười còn khỏe, sống bằng nghề bánh tráng. Bốn đứa con trai ông bà Mười hình thành "Gia đình xã đội". Toàn ban chỉ huy xã đội đều là con trong một gia đình...".

Thế là chỉ hai tuần sau chúng tôi đã xây dựng xong cơ bản một căn cứ với gần 10 căn hầm đủ sức chứa cho bộ phận công tác tại hậu cứ từ Giồng Trôm chuyển về. Đồng thời xây dựng được hai gia đình cơ sở trong đó có gia đình bà Mười để khi giao thông viên hợp pháp từ nội thành về, nếu gặp trắc trở còn có nơi tá túc tạm thời nhằm che mắt địch.

Những tháng ngày khốc liệt

Rời miền Đông máu lửa về chiến trường sông nước Bến Tre vào thời điểm địch tập trung đánh phá ác liệt Khu 5 và miền Đông Nam Bộ, nên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long đỡ căng thẳng hơn.

Thực ra sự lắng dịu cũng chỉ là tạm thời để rồi chưa đầy một năm sau đó, quê dừa lại trở thành chiến trường trọng điểm tiến công của địch với âm mưu cực kỳ thâm độc đánh nhụt ý chí của quê hương Đồng khởi.

Bằng các chiến dịch khai quang địa hình, lùng diệt, dồn dân vào các khu gom, cài cắm đồn bốt sâu trong vùng căn cứ của ta, tăng cường các trận càn quét với quy mô lớn, bao vây phong tỏa kinh tế vùng căn cứ giải phóng; sử dụng hỏa lực tối đa - bom, pháo (kể cả B52 và chất độc hóa học)... Rừng dừa bỗng tan hoang, xơ xác. Lực lượng chiến đấu bị tiêu hao nhiều. Chỉ trong 2 năm đơn vị chúng tôi cũng phải tiêu  hao tới gần 20 phần trăm quân số; Ban Chỉ huy xã đội bị xóa sổ.

Đau xót thay, nó rơi cả vào gia đình bà Mười Tầm. Dẫu là thần kinh thép cũng không thể giữ được trạng thái tinh thần bình thường. Cái hôm đứa con trai cuối cùng hy sinh, bà mắc chứng tâm thần, rồi ngất đi, sống lại bao lần, kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần như thế.

Xót thương, lo lắng cho tính mạng của bà, một hôm Bí thư Chi bộ - ông Công Chánh, Trưởng ban Công binh huyện Hai Hoàng, Xã đội trưởng Tư Minh, những người thân thiết với H67 - gặp tôi, nêu vấn đề hết sức nghiêm túc - "Tình trạng sức khỏe bà Mười căng lắm! Chúng tôi tính tới, tính lui, chỉ còn một cách có thể giúp bà nguôi nỗi đau buồn, đề nghị anh Ba Dương nhận làm con nuôi bà. Chúng tôi biết, lúc còn khỏe bà Mười rất quý Ba Dương. Bà đã từng nói với bọn tôi - "tội nghiệp thằng Ba Dương, vì ba cái thằng Mỹ mắc dịch mà nó phải bỏ cha bỏ mẹ, bỏ xứ vô đây...".

Những ngày sau đó tôi thường xuyên ra thăm bà. Tôi đã chuyển cách xưng hô, từ gọi là bác chuyển sang từ má và xưng là con. Cho tới ngày bà bình phục hoàn toàn, nỗi đau buồn đã nguôi ngoai tôi mới dám ngỏ lời gọi là động viên, an ủi bà - "Má ạ! Vì dân, vì nước mà các em con đã hy sinh. Má ráng chịu đựng, giữ gìn sức khỏe, vì còn mấy cô con gái, các cháu nội, ngoại, còn chúng con. Nếu má có bề nào thì tất cả sẽ bơ vơ, biết nương tựa vào đâu!". Bà ngước nhìn tôi, nước mắt lăn dài trên hai  gò má nhăn nheo, rồi vỗ vỗ vào vai tôi, đầu gật gật.

Giữa năm 1974, cấp trên điều tôi về "R" công tác. Năm 1975, ra Bắc. Tôi xa chiến trường Bến Tre từ đó. Người lính sau chiến tranh, biết bao thứ phải lo toan - lo lấp lỗ hổng về kiến thức, lo chỗ đứng chỗ ngồi, lo miếng cơm manh áo... trong hoàn cảnh đất nước đầy rẫy khó khăn bởi gia tài khánh kiệt vì cuộc chiến. Cái khó bó cái khôn, muốn trở lại thăm chiến trường xưa, thăm người thân cũ cũng không thực hiện được.

Mãi tới năm 1978, với vai trò trợ lý chính trị của Cục An ninh nội bộ và Văn hóa - Tư tưởng, tôi được cử vào phía Nam sưu tầm tài liệu liệt sĩ của đơn vị để xây dựng Phòng Truyền thống, trong đó có 2 liệt sĩ Lê Văn Ngân và Tạ Hồng Sơn hy sinh ở Tiền Giang. Nhờ vậy mới có điều kiện về An Phước mấy ngày.

Sang thập niên 80, có được một tí chức sắc (chỉ là cấp phòng, cấp cục thôi) mới có điều kiện vào công tác phía Nam nhiều hơn và cũng tranh thủ về thăm chiến trường cũ nhiều lần hơn.

Thú thực, phải tới thời điểm đó nhờ tấm bằng Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho bà tôi mới biết họ tên thật của bà là Đồng Thị Khoái.

Bà cầm thẻ hương, dẫn tôi ra phía sau nhà. Tôi lặng người trước hàng mộ bia trắng toát, 5 ngôi mộ xếp hàng thẳng tắp trên bờ mương dừa (4 đứa con trai và đứa con rể thứ 9 của bà hy sinh trước ngày Giải phóng miền Nam chưa đầy 1 tháng). Tôi mơ hồ nghe tiếng bà từ đâu đó - "Nghĩa trang đã bố trí chỗ, nhưng má xin xã đưa về đây để anh em nó thường xuyên được gần má...".

Ôi! Tấm lòng người mẹ! Người mẹ Anh hùng của một dân tộc Anh hùng. Không biết trên thế gian này có nơi nào như xứ sở chúng ta, xứ sở của những người mẹ với lòng thương con mênh mông như biển cả, để mãi mãi chúng ta là những đứa con nhỏ bé được đón nhận tình yêu thương che chở của mẹ cho tới khi rời thế gian này.

Hà Nội, tháng 7/2010

(Trích Hồi ức chiến trường của Thiếu tướng Khổng Minh Dụ)

K.M.D.
.
.