Người phụ nữ đầy quyền lực của quân đội Mỹ

Thứ Hai, 06/01/2014, 22:30

Tổng thống Barack Obama vừa mới bổ nhiệm bà Christine Fox làm quyền Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ - nhân vật quyền lực thứ 2 ở Lầu Năm Góc. Quyết định chưa từng có tiền lệ này sẽ đưa bà Fox trở thành người phụ nữ có cấp bậc cao nhất trong lịch sử quân đội Mỹ. Bà lên thay thế Ashton Carter, người đã từ chức từ tháng 10 và chính thức rời khỏi vị trí Thứ trưởng Quốc phòng từ ngày 4/12.

Tờ Wall Street Journal miêu tả Christine Fox là người phụ nữ uyên bác nhất quân sự Mỹ, ví sức mạnh tiềm ẩn của bà giống như những dư chấn đầu tiên của một cuộc không kích, khiến đối phương choáng váng và… phải bỏ chạy!

Người phụ nữ đa tài

Christine Fox bắt đầu khởi nghiệp từ đầu những năm 80 thế kỷ trước, trong vai trò là một chuyên gia phân tích tại Trường bay Top Gun của Hải quân Mỹ. Bà cũng tiến hành công tác tư vấn cho lực lượng hải quân cách tốt nhất để bảo vệ các hàng không mẫu hạm của lực lượng này. Xuất thân là một nhà toán học, nhưng niềm đam mê quân sự khiến Fox quyết định từ bỏ nghề cũ, theo học các khóa đào tạo quân sự cao cấp dưới sự trợ giúp của gia đình cùng bạn bè.

Các mối quan hệ xã hội cùng hiểu biết sâu sắc giúp Christine Fox vượt qua nhiều kỳ sát hạch gay gắt, để chính thức gia nhập nhóm cố vấn Trung tâm Phân tích Hải quân (CNA). Christine Fox có gần 30 năm kinh nghiệm phân tích và nghiên cứu về các vấn đề an ninh, quốc phòng và rất thông thạo chỉ huy các lực lượng quân sự. Bà từng phụ trách đào tạo gần 100 tổng tư lệnh, tập trung xây dựng kỹ thuật tác chiến và triển khai các chiến dịch quân sự.

Bà Fox được coi là chuyên gia phân tích sắc sảo nhất CNA, trực tiếp tham gia các chiến dịch thực tế ở Bosnia và Kosovo những năm 90 thế kỷ trước, điều động lực lượng tới Afghanistan sau vụ tấn công khủng bố 11/9 và triển khai quân sự ở Iraq hồi đầu năm 2003.

Khi hoạt động ở CNA, Christine Fox được cử tới miền Tây tham vấn cho các sĩ quan chỉ huy không quân thuộc Hạm đội Thái Bình Dương. Chính cơ hội một lần trong đời này đã cho bà trải nghiệm được bay cùng với những chiếc B52 tối tân nhất, hay loại phi cơ "mắt diều hâu" E2C. Fox cũng nhanh chóng tích lũy kinh nghiệm khi quan sát quá trình huấn luyện phi công, vận hành các loại máy bay và thử nghiệm cảm giác nhảy dù khi gặp bất trắc trên không trung.

Christine Fox từng có thời gian làm tại Văn phòng Thứ trưởng Quốc phòng từ năm 2009, chịu trách nhiệm phân tích và đánh giá những kế hoạch, chương trình và ngân sách liên quan tới các mục tiêu quân sự của Mỹ. Gần đây nhất, bà Fox đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Đánh giá chương trình và chi phí của Lầu Năm Góc.

Đầu năm nay, bà rời khỏi vị trí này để làm việc cho Phòng Thí nghiệm Vật lý ứng dụng, Đại học Hopkins với tư cách một cố vấn chuyên môn hàng đầu. Đến tháng 9/2013, bà bắt đầu làm cố vấn cho Thứ trưởng Quốc phòng Ashton Carter.

Tờ Wall Street Journal từng tiết lộ. Khi Fox đang nghiên cứu toán học tại San Diego, bà đã nhận được lời mời tới gặp hai nhà sản xuất phim Don Simpson và Jerry Bruckheimer. Cuộc nói chuyện đã gây được rất nhiều thiện cảm, trở thành bệ phóng cho nhân vật Charlie - nguyên mẫu ngoài đời chính là Christine Fox. Và sau đó, bộ phim "Top Gun" đã được công chiếu vào năm 1986, kể về những thăng trầm quân sự, tình yêu và thành công trong cuộc đời ít được nhắc tới của một trong số những người phụ nữ quyền lực nhất  quân đội Mỹ hiện nay.

Ngoài làm cố vấn quân sự, Christine Fox cũng rất nhạy bén với tài chính và trở thành trụ cột tham vấn của Bộ Quốc phòng. Bà được yêu cầu phải duy trì mức ngân sách tối thiểu để hoạt động quân sự không bị gián đoạn, và đưa ra góp ý liên quan tới những cắt giảm ngân sách có nguy cơ ảnh hưởng tới Bộ trong giai đoạn suy thoái đầy khó khăn hiện nay.

Chức vụ "Giám đốc Đánh giá chi phí" khiến mọi người liên tưởng tới một Christine Fox keo kiệt và chỉ tìm cách "biến đổi" ngân sách quốc phòng. Thế nhưng, Fox chưa bao giờ ủng hộ cắt giảm ngân sách bởi vì bà hiểu tầm quan trọng của tiền đối với quân sự.

Bà mạnh mẽ lên án và kêu gọi hành động từ giới chính khách nhằm ngăn chặn những ý tưởng bất bình thường bằng một bài viết trên tờ Wall Street Journal, có đoạn: "Hệ quả tất yếu của việc cắt giảm ngân sách liên tục là hệ thống quân đội suy yếu, công nghệ kỹ thuật trở nên lạc hậu và tinh thần chiến đấu không còn mạnh mẽ. Và nếu cứ lờ đi những vấn đề này, cho rằng chúng ta tự hài lòng về thực tại, thì quả thực đó là một sai lầm quá lớn!".

Bằng chứng rõ ràng nhất là ngay đầu năm nay, Christine Fox đã khiến dư luận sửng sốt khi chỉ trích việc tự động cắt giảm ngân sách quân sự. Bà khẩn thiết kêu gọi đối thoại cấp quốc gia về một hướng giải quyết bền vững hợp lý, giảm thiểu phát sinh mâu thuẫn nội bộ và suy giảm nhuệ khí quân nhân.--PageBreak--

Người cai quản ngân sách Lầu Năm Góc

Trong con mắt đồng nghiệp, Christine Fox được coi là một nhà quân sự có tư duy chiến lược rất tinh nhanh và một nhà quản lý thành thạo. Công việc thực sự của Fox liên quan tới những cá nhân ở hậu trường - lực lượng quân đội đang chờ chi tiết về kế hoạch và chiến lược quân sự, thay vì phải trực tiếp tham gia ở tiền tuyến. Bà cũng nắm rất chắc về cách sử dụng các thiết bị quân sự chuyên dụng, đặc biệt là hệ thống radar và dò mìn hiện đại.

Một số người cho rằng,  bà nắm bắt được những bí mật "không thể tiết lộ" trong giới quân sự, và không bao giờ thể hiện bản thân quá nhiều trước mặt công chúng. Chẳng thế mà cái tên Christine Fox chưa bao giờ được dư luận nhắc tới, cho tới khi bà được Tổng thống Obama đề cử chức vụ quyền Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ.

Trước báo chí, người phụ nữ này luôn tỏ ra ít nói và rất khiêm tốn. Bà dường như muốn tránh mặt truyền thông và rất hạn chế xuất hiện trên truyền hình, hay trong các buổi họp báo nếu không thực sự cần thiết.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, luôn dành mọi lời khen ngợi cho bà. Ông cho biết, người thay thế Ashton Carter phải là một ai đó có kiến thức sâu rộng về Lầu Năm Góc và dường như Christine Fox đáp ứng được tiêu chí trên. Ông nhận định nữ chuyên gia này là một nhà tư duy quốc phòng tài giỏi và là một nhà quản lý đã kinh qua thử thách.

"Tôi rất tin tưởng vào cá nhân Christine Fox. So với mọi người trong bộ phận nòng cốt quốc phòng, bà ấy có kinh nghiệm phân tích uyên thâm nhất, mà tôi nghĩ sẽ là yếu tố then chốt khi chúng tôi phải đưa ra những lựa chọn khó khăn” - Bộ trưởng Hagel cho biết.

Quả thực, Christine Fox biết cách nhận diện và đối đầu với khó khăn, luôn đưa ra giải pháp tối ưu và nắm bắt triệt để mọi cơ hội nhằm thay đổi bộ mặt của Bộ Quốc phòng, đặc biệt trong giai đoạn bất ổn về ngân sách. Là một trong những trợ lý xuất sắc nhất của ông Hagel, Christine Fox lập sẵn các kế hoạch ưu tiên ngay thời gian đầu tiếp quản nhiệm vụ phân tích chiến lược quân sự dựa trên nguồn ngân sách và chính sách toàn cầu.

Cho tới nay, chưa có một ai thay thế được cái tên Christine Fox trong tư duy của Chuck Hagel, và chắc chắn ông cảm thấy rất tiếc nuối khi một người tài như vậy quyết định rời bỏ ông. 

Giờ đây, Christine Fox cũng "cai quản" cả ngân sách Lầu Năm Góc, phụ trách xây dựng chiến lược tài chính lâu dài và ổn định. Phong cách ưa thích của Fox gói gọn trong mấy chữ "rõ ràng, chính xác, hiệu quả", hoàn toàn phù hợp với quan điểm cá nhân bà từng nhiều lần nhấn mạnh: "Tôi không thích nền chính trị theo đuổi chính sách “bên bờ vực chiến tranh”, tức là chi quá nhiều mà vô ích vào các hoạt động quân sự nhằm gây mâu thuẫn, để rồi khi hết tiền thì phải cắt giảm triệt để dẫn tới ngưng trệ hoạt động".

Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận rằng, Christine Fox chỉ được "tạm thời" giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ. Chức vụ này chỉ được thông qua khi Quốc hội tổ chức các phiên điều trần, lấy ý kiến đa số nghị sĩ, có thể kéo dài tới nhiều tháng. Mục đích của Tổng thống Barack Obama khi bổ nhiệm bà Fox là níu giữ sợi dây đoàn kết bên trong lực lượng quân sự Mỹ, và ủng hộ Dự thảo Kế hoạch ngân sách năm 2015 của Lầu Năm Góc cũng như "kéo dài thời gian" tìm nỗ lực mới ngăn chặn mọi ảnh hưởng tiêu cực từ một số ý định cắt giảm ngân sách đang nhen nhóm trong Quốc hội.

Theo tờ Wall Street Journal, sự bổ nhiệm này rất hiếm khi xảy ra, nhưng hiện nay lại có ý nghĩa rất quan trọng đối với một nước Mỹ đang loay hoay trước những cơn bão khủng hoảng tới từ nhiều phía…

Anh Doãn - Việt Dũng (theo Wall Street Journal)
.
.