Người phụ nữ suýt làm lộ kế hoạch D-Day

Thứ Sáu, 14/10/2016, 11:15
Garbo là điệp viên nhị trùng thành công nhất thời Chiến tranh Thế giới thứ hai khi điều hành một mạng lưới điệp viên để lừa quân Đức, giúp kích hoạt thành công D-Day, tức ngày quân Đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandy. Thế nhưng ít người biết, kế hoạch D-Day suýt nữa bị lộ chỉ vì những câu chuyện vụn vặt trong gia đình, bắt nguồn từ một người phụ nữ…

Phi vụ lừa vợ

Garbo là một người Tây Ban Nha, tên thật là Juan Pujol Garcia, gần như một tay gây dựng nên mạng lưới điệp viên chuyên cung cấp thông tin giả cho người Đức. Một khi đã chiếm được lòng tin của phe Đức, ông gửi các thông tin tình báo sai lệch trong những ngày sắp diễn ra sự kiện D-Day. Những thông tin này khiến phát xít Đức triển khai binh lính cách xa các khu vực đổ bộ trong thực tế. Vụ lừa đảo tinh vi này được thực hiện từ nhà của Garbo ở Hendon, tây bắc London (Anh).

Kế hoạch của Garbo đã cứu vô số mạng sống của quân Đồng minh và trì hoãn quân Đức hàng tháng trời. Tuy nhiên, theo tài liệu mới giải mật, mặc dù kế hoạch lừa gạt quân Đức của Garbo diễn ra suôn sẻ nhưng ông đã phải chật vật lo thu xếp bất ổn trong gia đình với bà vợ tính nóng như lửa.

Garbo và bà vợ nóng như lửa ở Tây Ban Nha năm 1940.

Trong một trận cãi nhau vì chồng không cho đi dự tiệc ở Đại sứ quán Tây Ban Nha, bà vợ tên là Araceli nói với Tomas Harris - người phụ trách của chồng bà ở Cơ quan Tình báo Anh MI5 năm 1943: "Tôi nói với ông lần cuối rằng nếu giờ này ngày mai ông không chuẩn bị sẵn sàng giấy tờ cho tôi để rời đất nước này ngay lập tức, vì tôi không muốn sống thêm năm phút nữa với chồng tôi, thì tôi sẽ tới thẳng Đại sứ quán Tây Ban Nha. Tôi biết rất rõ phải làm gì và nói gì để khiến ông và chồng tôi nổi điên. Tôi sẽ thỏa mãn khi tôi làm hỏng mọi thứ. Ông có hiểu không? Tôi không muốn sống ở Anh một ngày nào nữa".

Cơ quan MI5 lo ngại đến mức đã ra lệnh theo dõi Đại sứ quán Tây Ban Nha và yêu cầu bắt giữ ngay vợ của Garbo nếu bà ta xuất hiện. Trong một báo cáo, Tomas Harris cho biết: "Bà Garbo không bao giờ cố gắng thích nghi với lối sống ở Anh, bà cũng không thể học tiếng Anh. Khao khát trở về đất nước của bà và đặc biệt là mong muốn gặp mẹ đã khiến bà có những lúc hành động như thể bị mất cân bằng".

Ông Harris đã bày ra một kế hoạch tầm cỡ kịch bản phim về điệp viên James Bond để ngăn bà Garbo phá tan vỏ bọc gián điệp của chồng. Tuy nhiên, kế hoạch này đối với Garbo là chưa đủ tinh vi. Ông đã tự nghĩ ra chiến lược "dữ dội" mà về sau ông Harris phải thừa nhận đó là "kiệt tác".

Hôm đó, Garbo đã để lại cho vợ một mẩu giấy nói rằng mình đã bị bắt. Thông tin từ chồng đã khiến bà Araceli khiếp đảm. Bà đã gọi điện thoại cho ông Harris. Ông Harris nhớ lại cuộc điện thoại: "Bà ấy khóc lóc khi biết chuyện và cam kết rằng chồng bà đã luôn luôn trung thành với đất nước chúng ta và sẽ sẵn sàng hi sinh mạng sống của ông ấy vì sự nghiệp của chúng ta".

Bà Araceli đã gọi một nhân viên MI5 khác tới nhà và ông này phát hiện thấy bà ở  trong bếp đang định tự tử bằng khí ga. Ông Harris đã bảo vợ mình tới an ủi bà Araceli. Khi việc này không có kết quả, bà đã được đưa đến gặp chồng ở một trại ở MI5 trong tình trạng bị bịt mắt. Tại đây, ông đã cạo râu và mặc quần áo tù nhân. Hình ảnh này đã có hiệu quả. Khóc lóc vật vã, bà Araceli đã kí vào một tuyên bố thề rằng sẽ không bao giờ nói cho người Đức biết chồng bà là một điệp viên nhị trùng.

Sau đó, bà Araceli được đưa tới gặp một cố vấn pháp lý của MI5, ông Edward Cussen. Ông đã nhắc nhở bà Araceli rằng nếu một lần nữa tên bà lại được đề cập với ông, ông sẽ ra lệnh nhốt bà lại.

Về sau, ông Harris đã ca ngợi kế hoạch của ông Garbo: "Sự thiên tài phi thường khi ông nghĩ ra và thực hiện kế hoạch này đã cứu vãn tình hình mà nếu không nhờ đó thì mọi thứ đã không thể chịu đựng nổi".

Kế hoạch dang dở

Điều khó tin là Garbo trước đó từng liên tục bị MI5 từ chối khi đề nghị hỗ trợ nỗ lực chiến tranh và muốn trở thành điệp viên nhị trùng giả vờ do thám cho quân Đức. Khi MI5 nhận thấy kỳ tích khó tin mà Garbo đã làm được về chiến dịch D-Day, họ nhanh chóng tận dụng ông. Garbo tiếp tục trở thành điệp viên thành công nhất của Anh trong cả thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

MI5 định triển khai Garbo để chống lại nước Nga dưới thời nhà lãnh đạo Stalin sau khi ông làm quân Đức thất bại trong ngày D-Day. Garbo đã thuyết phục được giới chức tình báo Đức triển khai binh sĩ ở Pas de Calais, cách xa các khu vực đổ bộ thực tế ở Normandy. Khi chiến tranh gần kết thúc, MI5 bắt đầu nghĩ ra cách mới để sử dụng Garbo.

Tháng 5-1945, Tomas Harris đã chuẩn bị mọi thứ để tình báo Liên Xô tuyển mộ Garbo. MI5 lệnh cho Garbo trở về Tây Ban Nha và viết thư nặc danh cho tùy viên quân sự Liên Xô ở London tiết lộ công việc mình làm là điệp viên Anh. Garbo sẽ nói với họ rằng ông đã vỡ mộng và muốn làm việc cho người Liên Xô sau khi nhà độc tài Tây Ban Nha Franco vẫn tại vị sau chiến thắng của quân Đồng minh. 

Ông Harris kể lại: "Ông ấy sẽ nói rằng đã mặc cả xong với người Anh và giờ rõ ràng là người Anh không chỉ tránh những bước đi lật đổ ông Franco mà còn rõ ràng muốn giữ ông này ở Tây Ban Nha". Bức thư được kỳ vọng sẽ dọn đường cho một lần tiếp cận nữa vài năm sau để Garbo có thể trở thành một điệp viên nhị trùng Liên Xô. Ông Harris cho biết kế hoạch này có thể thành công nếu như người Liên Xô dần trở nên tin tưởng Garbo như quân Đức.

Ngoài ra, MI5 còn có một kế hoạch sử dụng Garbo để dụ dỗ các thành viên Đức quốc xã còn lại liên lạc với ông và cho ông tham gia vào mạng lưới ngầm của họ. Kế hoạch của Garbo là không để bị người Đức phát hiện và uy tín của Garbo sẽ tăng trong mắt người Đức. 

Trong một báo cáo khác, ông John Cecil Masterman, người điều hành hệ thống Double Cross, viết: "Nếu Đức sụp đổ hoặc sụp đổ một phần, họ sẽ nỗ lực nhằm duy trì một kiểu cơ quan tình báo bí mật nào đó. Trong trường hợp đó, tổ chức của Garbo sẽ làm một 'bẫy mật”… Ông có thể được sử dụng làm điểm quy tụ mọi tổ chức phát xít Đức bí mật còn tồn tại sau chiến tranh và nhờ đó, chúng ta có thể phá hủy chúng trước khi chúng trở nên nguy hiểm hay hoạt động có hiệu quả". 

Tuy nhiên, sau này mọi kế hoạch sử dụng Garbo đều bị hủy bỏ. Vợ chồng Garbo về hưu và sống tại Venezuela.

N.M. (tổng hợp)
.
.