Người tình đặc biệt của John Kennedy

Thứ Bảy, 10/10/2020, 14:46
Cô gái tóc vàng xinh đẹp Mary Meyer và John Kennedy quen nhau tại trường trung học và đến đầu những năm 1960 giữa họ bắt đầu một mối tình lãng mạn bí mật và kéo dài cho đến khi xảy ra cái chết bi thảm của Tổng thống. Một năm sau đó, vào ngày 12/10/1964, Mary Mayer đã bị bắn chết trong lúc đi dạo ở công viên. Đây là âm mưu của cơ quan mật vụ hay cô là nạn nhân ngẫu nhiên của nạn bạo lực?


Cái chết đầy bí ẩn của Mary Meyer

“Cô ấy bị bắn thẳng vào đầu. Những người đi đường nghe thấy tiếng kêu và một nhân chứng đã nhìn thấy một người đứng bên cạnh xác nạn nhân. Cảnh sát đến và bắt người đàn ông da đen Ray Crump nhưng họ không tìm thấy vũ khí giết người” - Nữ nhà báo Nina Burleigh đã viết trong cuốn sách về cuộc đời của nữ họa sĩ Mary Meyer.

Đến tháng 7 năm 1965 Ray Crump xuất hiện tại tòa án nhưng không bị kết tội vì thiếu bằng chứng. Mặc dù thực tế anh ta là nghi phạm chính thức duy nhất trong vụ án này nhưng có nhiều tin đồn rằng trên thực tế cái chết của Mary Meyer có liên quan đến mối tình bí mật của cô với Tổng thống. Theo thuyết này, cô đã phải chết vì biết quá nhiều điều.

“Cô ấy đã bị sát hại sau 10 ngày kể từ khi báo cáo của Warrel được công bố, điều này khiến nhiều người tin rằng cô đã bị giết để bịt miệng. Cô ấy đã sống trong thế giới của những điều bí mật điệp báo. Cô tham gia vào những âm mưu quốc tế phức tạp làm cả thế giới sôi động vào thời buổi bắt đầu kỷ nguyên hạt nhân” - Nina Burleigh lý giải.

John Kennedy và Mary Meyer.

Một trong những nhân chứng tình cờ của vụ giết Mary là một người dân địa phương, Trung úy William Mitchell sau ngày làm việc căng thẳng đã chạy bộ trong công viên. Anh ta đưa ra lời khai và sau đó biến mất dạng.

Sau này các nhà điều tra phát hiện ra rằng không có ai ở Geortaun biết về William Mitchell và hồ sơ về người này cũng không tìm thấy trong kho lưu trữ thành phố. Chỉ nhiều năm sau mới rõ William Mitchell chỉ là biệt danh của một điệp viên CIA. Và tất nhiên là không thể tìm ra dấu vết của ông ta. Không phải vô tình mà đặc vụ này có mặt trong công viên ngay trước khi Mary Meyer bị sát hại.

Còn một tình huống kỳ lạ đã không được đưa vào cuộc điều tra chính thức. Vài giờ sau cái chết của Mary có một người lạ mặt đã thâm nhập vào xưởng vẽ của cô. Chứng kiến sự kiện này là Ben Bradley, anh rể của Mary sống ở ngôi nhà bên cạnh. Bradley đã kể trong hồi ký của mình rằng, trong đêm sau khi Mary Meyer bị giết hại, đã phát hiện ra giám đốc phản gián của CIA James Anglton trong xưởng vẽ của cô.

Ông ta đã tìm cuốn nhật ký của cô. Như chính Ben viết, Anglton thừa nhận rằng muốn tiêu hủy tất cả những ghi chép cá nhân của Mary bởi chúng có thể để lộ những góc khuất về cái chết của John Kennedy. Ben đã không trao cuốn nhật ký của Mary mặc dù biết chỗ giấu nó. Theo lời Ben, sau này vợ anh đã đốt tất cả những ghi chép của người em gái quá cố.

Người tình đặc biệt của John Kennedy

Là người đào hoa và ưa phiêu lưu tình ái, Tổng thống John Kennedy có nhiều người tình nhưng không người phụ nữ nào có ảnh hưởng đặc biệt đối với ông, ngoại trừ một người, đó là Mary Meyer.

Mary Mayer là con gái của một luật sư giàu có và thành đạt. Mẹ cô viết văn và cũng ủng hộ các dự án xã hội. Mary là “một quý tộc Mỹ thực thụ và là một cô gái xinh đẹp. Cô lớn lên ở Đại lộ Park, được học ở những ngôi trường tốt nhất, cô gần như là một “công chúa” người Mỹ.

Cô đã gặp John Kennedy tại các buổi vũ hội ở trường trung học. Theo một số báo cáo, sau đó John đã mời cô hẹn hò. Tuy nhiên, mối tình lâu dài này đã không đi tới đích. Sau khi tốt nghiệp đại học Mary đã kết hôn với một quan chức cấp cao của CIA là Cord Meyer.

Mary Meyer thời trẻ.

Bởi chồng của Mary thường xuyên đi công tác nên mọi việc nhà và nuôi con đều đổ lên vai người phụ nữ này. Trước kia cô đã từng học trường thiết kế Cambridge và thích vẽ. Mary không biết nhiều về công việc của chồng mình. Cô chỉ biết có một bộ phận của CIA mà chồng là thành viên làm về tình báo chống cộng sản, nghe lén công dân cũng như phân loại thí nghiệm việc sử dụng ma túy.

Thời gian đó có tin đồn rằng Cord có những mối liên hệ bí mật với cộng sản. Thượng nghị sĩ MacCarthy thậm chí còn nhất quyết tiến hành cuộc điều tra đặc biệt nhưng không chứng minh được chồng của Mary là điệp viên của Liên Xô.

Cuộc sống của gia đình Mary xảy ra nhiều mâu thuẫn, nhất là sau khi một cậu con trai  của cô tử nạn. Năm 1958, Mary ly hôn và cùng hai con trai chuyển đến Georgetown, bắt đầu sự nghiệp của mình và giao tiếp với nhiều chính trị gia và nghệ sĩ nổi tiếng.

Cô định cư trong một khu phố danh tiếng và trở thành láng giềng của vợ chồng John Kennedy (khi đó John còn là thượng nghị sĩ). Từ đó hai người tiếp tục các cuộc trò chuyện. Chị gái của Mary kết hôn với Ben Bradley, là bạn thân của John, đó cũng là một yếu tố khiến họ thân nhau hơn.

Mặc dù không biết chính xác mối tình lãng mạn bí mật của Mary và John thực sự bắt đầu từ khi nào nhưng Ben Bradley tin rằng điều này xảy ra vào năm 1961 hoặc 1962. Tên của Mary xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn lưu bút của Nhà Trắng vào tháng 12 năm 1962.

Cô thường xuyên đến gặp John khi Jackie vắng mặt và trở thành khách quen tại Nhà Trắng và cuối cùng là người tình cao cấp của Tổng thống Kennedy. Cô tham gia nhiều buổi chiêu đãi cũng như xuất hiện trong các bữa tối riêng tư với Tổng thống. Không giống như những người bạn gái khác của Kennedy, Mary Mayer được phép ở lại để thảo luận nghiêm túc và tham dự các cuộc họp về chính sách.

Trong hồi ký của mình, Ben Bradley từng khẳng định rằng không biết gì về mối tình bí mật của Mary và John, ít nhất là trong suốt cuộc đời Tổng thống. “Giống như những người khác, chúng tôi nghe nói rằng Tổng thống không chung thủy với vợ mình, nhưng không có bằng chứng nào về điều này”. Nhưng sau khi đọc nội dung nhật ký của Mary, Ben ông nhận thấy cô ấy là tình nhân của Tổng thống Mỹ, mặc dù tên của ông ấy chưa bao giờ được nhắc đến”. Ben cũng nói thêm rằng ông đã bị sốc mạnh bởi hiểu ra mức độ của sự gian díu này.

Bằng chứng duy nhất của mối tình tai tiếng này là bức thư John đã viết cho người tình của mình vài ngày trước khi ông bị sát hại.

“Em hãy đến chỗ tôi, hoặc là tới đây, hoặc ra biển vào tuần tới, hoặc là đến Boston vào ngày 19 tháng 10. Tôi biết rằng điều này là không khôn ngoan, không hợp lý và em có thể ghét tất cả những điều đó. Nhưng mặt khác, có thể là không - và tôi sẽ rất vui mừng. Em nói rằng điều này tốt cho tôi, nếu không có được những gì tôi muốn. Sau tất cả từng ấy năm thì em nên cho tôi một câu trả lời đáng yêu hơn thế. Vì sao mà em lại không nói được câu - Vâng?”. (Bức thư này chưa bao giờ đến tay Mary, đã được bán đấu giá 89 nghìn USD vào năm 2016).

Những giả thiết về cái chết của Mary Meyer

Nina Burleigh cũng như nhiều người khác nghiên cứu về tiểu sử của Mary Meyer, cho rằng giữa nữ họa sĩ và Tổng thống đã có mối quan hệ đặc biệt được xây dựng trên “sự hòa hợp trí tuệ”. Khác với những người tình khác của Kennedy, bà đã chia sẻ những quan điểm chính trị và nghệ thuật của John.

Hiện trường xảy ra vụ sát hại Mary Meyer, năm 1964.

“Mary thuộc về giới thượng lưu và đi trước thời đại của mình, thể hiện bản thân trong nghệ thuật đương đại, phong cách cá nhân, kể cả việc sử dụng cần sa và LSD. Cô trở thành một trong số những người tiên phong về nghệ thuật hiện đại  đã trở nên phổ biến trong những năm 1960”.

Vào tháng 4 năm 1962, Mary đã gặp một nhà tâm lý học nổi tiếng Timothy Leary, người tham gia chiến dịch nghiên cứu thuốc ảo giác và là giảng viên Đại học Harvard. Sau này, ông đã viết trong tự thuật của mình rằng nữ họa sĩ đã yêu cầu ông dạy bà cách sử dụng thuốc LSD mới nhất.

Bà ấy nói: “Tôi có một người bạn, một người rất quan trọng. Anh ấy rất ấn tượng khi những người khác - bao gồm cả tôi - nói với anh ấy về LSD. Bây giờ anh ấy muốn tự mình thử”, điều này ám chỉ John Kennedy. Mary và một nhóm phụ nữ muốn sử dụng LSD “vì hòa bình, không phải chiến tranh. Bằng cách tổ chức việc sử dụng LSD với những nhân vật quyền lực của Washington để khai sáng tâm thức cho họ”.

Cũng theo Leary thì Mary đã nói rằng, “Kennedy đã phải chết bởi ông ấy đã hy vọng ký kết hòa bình với người Nga, điều mà nhiều cường quốc công nghiệp quân sự đã phản đối”. Sau đó Leary tuyên bố Mary Meyer đã có ảnh hưởng đến quan điểm của Kennedy về giải trừ hạt nhân và quan hệ hợp tác với Cuba.

Theo một giả thiết, Mary Meyer không bao giờ che giấu sự đồng cảm của mình đối với những người cộng sản và xã hội chủ nghĩa, bà đã đồng ý với quan điểm của John trên cơ sở lợi ích chung và đã ghi chép cẩn thận ý tưởng của họ trong nhật ký cá nhân. Tuy nhiên, vài năm sau đó bà đã thất vọng về ông ấy cũng như về chính sách của Kennedy và đã từ bỏ ông.

Cho đến nay, vụ giết hại Mary vẫn chưa được sáng tỏ. Có thể chúng ta không bao giờ biết được ai là kẻ đã giết Mary Meyer. “Tôi có nghe kể rằng, vào những năm cuối đời Mary đã nói với bạn bè những sự nghi ngờ là có những người nào đó đã bí mật lẻn vào nhà bà và lục tung đồ đạc lên. - Nhưng không ai nói với tôi rằng cô ấy lo sợ cho cuộc sống của mình. Bà từng là một phụ nữ can đảm, gần như là không sợ hãi”.

Nhưng điều thực sự khiến Mary trở nên nguy hiểm đối với Kennedy bởi bà là một người có tư tưởng tự do với những cảm nhận mạnh mẽ về chính sách đối ngoại của Mỹ, về mối đe dọa của chiến tranh hạt nhân và những mối nguy hiểm cố hữu của chính phủ Mỹ.

Cảm nhận của bà không hẳn là không có cơ sở. Từng kết hôn với một nhân viên CIA và kết bạn với nhiều nhân vật cao cấp của tổ chức này, Meyer biết rất nhiều điều - có thể là quá nhiều. Và nếu bà ấy từng có những cuộc trò chuyện không chính thức, sôi nổi với Tổng thống đương nhiệm về những thông tin nhạy cảm như vậy thì sẽ không quá ngạc nhiên khi biết rằng những người trong bộ máy an ninh quốc gia Mỹ coi bà là một mối đe dọa.

Hải Yến (Tổng hợp)
.
.