Người tình nguyện làm tù nhân trại giam Do thái của phát xít Đức

Thứ Bảy, 17/10/2015, 07:00
Thế chiến II, phần lớn nhân loại không hay biết gì về những kinh hoàng diễn ra bên trong trại tập trung Auschwitz của Đức quốc xã cho đến khi có một người tình nguyện tìm hiểu những gì bên trong trại tập trung khét tiếng này. Đó là đại úy Witold Pilecki, người Ba Lan.

Thông tin về trại tập trung này từ Pilecki bị cấm xuất bản hàng chục năm trời dưới thời Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, và chỉ mới được dịch sang tiếng Anh dưới tiêu đề "The Auschwitz Volunteer" (Tình nguyện viên Auschwitz) - được đánh giá là một tài liệu lịch sử có tầm quan trọng lớn.

Dấn thân vào chỗ chết

Pilecki đã 40 tuổi khi tình nguyện bước vào trại Auschwitz dưới cái tên giả Tomasz Seranfinski. Trước đó, tháng 9/1939, Pilecki tham gia chống quân Đức dưới sự chỉ huy của thiếu tá Jan Wlodarkiewicz trong vùng tạm thời bị phát xít Đức kiểm soát. Cùng với thiếu tá Wlodarkiewicz, Pilecki và đồng đội đã hình thành một phong trào phản kháng mang tên Đội quân Ba Lan bí mật trong bối cảnh Ba Lan bị Đức chiếm đóng. Phong trào này nhanh chóng lan khắp Ba Lan.

Mùa hè năm 1940, Đức bắt đầu chiến dịch đột kích ở Warsaw, binh sĩ Đức bắt giữ người dân trên phố và đưa họ tới Auschwitz - trại tập trung vừa mở cửa. Các cuộc đột kích này nhằm gieo rắc kinh hoàng đối với người dân Ba Lan và tập hợp lực lượng lao động nô lệ. Thiếu tá Wlodarkiewicz và Pilecki quyết định tìm hiểu thêm về trại tập trung Auschwitz - nơi mà hai thành viên của phong trào Đội quân Ba Lan bí mật đã bị bắt và bị đưa vào đây. Họ muốn tổ chức một cuộc nổi dậy từ bên trong trại này. Và Pilecki tình nguyện dấn thân để thực hiện kế hoạch.

Ngày 19/9/1940, binh sĩ phát xít Đức đã làm chính xác điều mà đại úy Pilecki đang hi vọng: Chúng bắt anh trên đường phố thủ đô Warsaw và tống anh vào trại Auschwitz. Pilecki đã mô tả lúc bước vào trại tập trung là lúc anh vĩnh biệt mọi thứ trên trái đất để bước vào một nơi dường như không thuộc về trần gian. Ngay khi vừa bước vào Auschwitz, Pilecki đã nhận ra mục đích thực sự của trại tập trung này: giết người!

Witold Pilecki (trước và sau khi tình nguyện vào trại Auschwitz).

Trong tù, Pilecki thành lập một mạng lưới gồm 5 tù nhân không quen biết nhau để hạn chế thiệt hại về người nếu chẳng may bị mật vụ Đức bắt. Nhiệm vụ đầu tiên của anh là nâng cao điều kiện sống cho các thành viên mạng lưới. Ưu tiên với các thành viên là tìm một công việc trong nhà để tránh phải chịu đựng điều kiện khí hậu khắc nghiệt ngoài trời. Nhờ Đức Quốc xã thường dùng tù nhân làm cấp phó để hỗ trợ quản lý trại tập trung nên Pilecki và mạng lưới đã thâm nhập vào phần lớn hệ thống quản lý của trại tập trung.

Pilecki đã tuồn ra ngoài một số báo cáo ngắn từ Auschwitz đồng thời viết hai báo cáo vắn tắt sau khi trốn thoát năm 1943, sau hơn hai năm là tù nhân tình nguyện. Báo cáo viết về tình trạng đối xử tàn ác với người Ba Lan trong trại tập trung Auschwitz vào năm 1940 và 1941.

Trong trại tập trung Auschwitz, Pilecki tìm mọi cách để tuồn thông tin về trại này ra ngoài. Những thông tin đầu tiên do các tù nhân trốn tù chuyển ra. Thông tin cũng được truyền ra ngoài thông qua người dân, sau đó chuyển tới trụ sở bí mật ở Warsaw, rồi được đưa tới Chính phủ Ba Lan đang lưu vong ở London.

Kỳ công ấn tượng nhất của Pilecki và nhóm là làm được một bộ truyền sóng vô tuyến bằng những thứ họ tìm thấy xung quanh trại Auschwitz. Bộ truyền sóng này hoạt động được một vài tháng năm 1942. Nó được giấu tại bệnh viện trong trại, nơi mà cai ngục thường không hay lui tới. Pilecki truyền thông tin ra ngoài vào các thời điểm khác nhau trong ngày để tránh bị phát hiện. Về sau, do một thành viên trong nhóm để lộ chuyện này nên bộ truyền sóng bị ngừng sử dụng để tránh nguy cơ bị lộ.

Những thông tin truyền ra ngoài gồm cách đối xử tàn bạo của Đức Quốc xã với cộng đồng người Do Thái trong trại. Pilecki là một trong số những người đầu tiên nói về các phòng hơi ngạt ở Auschwitz II - trại Birkenau. Đây là trại lớn nhất trong số 40 trại ở khu Auschwitz. Anh thu thập thông tin từ đội biệt kích đang hoạt động ở Birkenau. Trong báo cáo, Pilecki đã đề cập tới cách mà lính Đức Quốc xã đầu độc người Gypsy bằng khí độc Zyklon B. Anh cũng đề cập tới cuộc thử nghiệm khí Zyklon B đầu tiên vào tháng 9/1941 đối với hàng trăm tù nhân Liên Xô. Trong báo cáo, Pilecki viết: "Tù nhân bị dồn chật cứng đến mức thậm chí khi chết, xác họ cũng không thể đổ gục xuống".

Nhưng không ai ở bên ngoài trại Auschwitz tin vào những gì Pilecki báo cáo. Giới chức Anh còn không tin rằng phòng hơi ngạt có thể tồn tại. Tại sao người Đức vốn quen bắn và bỏ đói người Do Thái hằng ngày lại phải dùng đến phòng hơi ngạt? Họ cho rằng Chính phủ Ba Lan lưu vong nói quá lên để tìm sự hỗ trợ của phe Đồng minh. Đáng tiếc là ngay cả Đội quân Ba Lan bí mật cũng không tin vào báo cáo của Pilecki về lò thiêu, phòng hơi ngạt, tiêm thuốc độc cho tù nhân.

Ngoài việc chuyển thông tin về trại Auschwitz, Pilecki còn tổ chức đấu tranh trong trại. Cuộc đấu tranh diễn ra dưới nhiều hình thức. Đầu tiên là một cuộc đấu tranh thường trực để cứu càng nhiều người càng tốt bằng cách giết những tên lính nguy hiểm nhất cùng với những người chuyên hớt lẻo trong trại. Người Đức lập một hộp thư khuyến khích tù nhân tố cáo lẫn nhau để được thưởng. Pilecki và đồng đội đã bí mật mở hộp thư cẩn thận hủy những thư nguy hiểm nhất. Họ cũng chơi trò phản gián, bỏ vào hộp một số lá thư của mình để tố cáo những người có dã tâm. Về việc giết bọn cai ngục, nhiệm vụ này rất khó khăn. Pilecki đã nuôi một bầy rận mang trùng rận gây lây nhiễm sốt trong phòng thí nghiệm bệnh viện ở trại để "tặng" cho chúng. Một vài tên cai ngục đã chết vì nhiễm trùng rận.

Vượt ngục thành công

Pilecki quyết định trốn trại để bảo vệ sự nghiệp của mình vì không ai tin báo cáo của anh để có một quyết định đối với số phận của trại Auschwitz. Anh viết: "Ở lại thêm có thể quá nguy hiểm và khó khăn đối với tôi". Lúc đó, đám cai ngục đã phong thanh về mạng lưới của anh. Chúng đã săn tìm và bắt một số thành viên, đồng thời trục xuất nhiều người Ba Lan sang các trại khác.

Đêm 26 rạng sáng 27/4/1942, Pilecki trốn trại cùng hai tù nhân là Jan Redzej và Edward Ciesielski. Trước đó, họ tìm cách để được bố trí ca trực đêm tại một tiệm bánh bên ngoài trại. Lúc đó chỉ có hai cai ngục canh gác. Redzej đã dùng bánh mỳ tươi để in dấu con ốc ở bản lề cửa và tìm chiếc cờ lê để mở. Trong là bộ đồng phục tù nhân, Pilecki và Ciesielski khoác bên ngoài quần áo thường dân. Họ dùng thuốc lá, bóp vụn rải phía sau để đánh lạc hướng lũ chó nghiệp vụ. Trước đó họ đã cắt đường dây điện thoại của trại.

Sau khi chờ cho hai cai ngục không để ý, họ mở cửa và chạy. Họ chạy cho đến khi tới Vistula. Có chiếc thuyền đậu ở bờ biển nhưng bị buộc bằng xích. Hai sợi xích bị cột vào nhau bằng đinh ốc. Họ rất ngạc nhiên và cảm thấy may mắn khi phát hiện ra chiếc cờ lê mở con ốc ở cửa trại lại vô tình có thể vặn được đinh cột hai sợi xích. Sau khi đi thuyền, họ tiếp tục đi bộ hàng chục kilômét xuyên rừng. Cả hai may mắn được một nông dân cho ăn và trú qua đêm. Ngày 1/5, họ bị binh sĩ Đức phát hiện và Pilecki bị bắn vào tay. Cuối cùng ngày 2/5, họ cũng tới được đích là nhà bố dượng của một tù nhân trong trại Auschwitz.

Sau khi trốn thoát, Pilecki gia nhập lại Đội quân Ba Lan bí mật và viết báo cáo tình báo đầu tiên về trại tập trung Auschwitz của Đức Quốc xã. Năm 1945, Pilecki đồng ý thu thập thông tin tình báo về Liên Xô cho Chính phủ Ba Lan lưu vong và cuối cùng bị vệ binh Cộng hòa nhân dân Ba Lan bắt. Sau khi bị xét xử, Pilecki bị kết tội làm gián điệp và bị hành quyết ngày 25/5/1948 tại nhà tù Mokotow ở Warsaw. Có một lý do mà phần lớn mọi người không ai biết chuyện Pilecki xâm nhập trại Auschwitz đó là sau chiến tranh, Chính phủ Ba Lan cấm nhắc tên Pilecki công khai và lệnh cấm tồn tại cho đến khi bức tường Berlin sụp đổ.

Trong phần giới thiệu cuốn sách "The Auschwitz Volunteer", sử gia người Anh Norman Davies viết: "Nếu có anh hùng phe Đồng minh xứng đáng được tưởng nhớ và vinh danh, thì Pilecki là một người trong số đó".

Nhật Minh (tổng hợp)
.
.