Nguy cơ bom bẩn từ các bệnh viện Mỹ

Thứ Ba, 02/10/2012, 11:40

Bom bẩn được chế tạo từ chất thải phóng xạ là một nguy cơ không nhỏ. Sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001, nước Mỹ luôn bị ám ảnh bởi nguy cơ bọn khủng bố sử dụng các chất phóng xạ làm nguyên liệu chế tạo bom tấn công các cơ sở của Mỹ trên khắp thế giới, ngay cả trên đất Mỹ. Một quả bom bẩn có thể gây nhiễm xạ cả một thành phố.

Đó chỉ là giả thuyết do các chuyên gia chống khủng bố đưa ra nhằm bảo đảm an toàn ở mức tối đa. Nhưng nếu một mai giả thuyết đó trở thành hiện thực thì những nguy hại do bom bẩn gây ra quả thực không thể lường trước được.

Vào đúng ngày 11/9/2012, Văn phòng Tổng Kiểm toán  (GAO) của Quốc hội Mỹ đã tung ra một báo cáo giám sát việc thực thi bảo đảm an toàn đối với các kho chất thải phóng xạ tại các bệnh viện trên toàn nước Mỹ. Báo cáo cho biết, chỉ có 20% số bệnh viện ở Mỹ đảm bảo an toàn kho chất thải phóng xạ sau khi sử dụng trong điều trị y khoa. Số còn lại, đến 80%, là có nguy cơ cao. Có nghĩa là chỉ có 321 trên tổng số 1.503 bệnh viện bảo đảm an toàn chất thải phóng xạ. Loại nguyên liệu phóng xạ được dùng phổ biến trong điều trị ung thư là đồng vị cesium-137.

Báo cáo của GAO cũng ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan có trách nhiệm ở Mỹ trong việc bảo đảm an toàn kho chất thải phóng xạ. Theo ghi nhận của GAO, trong giai đoạn từ sau sự kiện 11/9 đến nay, Cơ quan Quản lý an toàn hạt nhân quốc gia (NNSA) đã tiến hành một số biện pháp nhằm cải thiện tình trạng an ninh phóng xạ, bao gồm củng cố cửa an toàn, tăng cường thiết bị giám sát và lắp đặt hệ thống báo động cảm ứng nhiệt, và đã chi đến 108 triệu USD cho việc tăng cường đảm bảo an toàn phóng xạ cho 321 bệnh viện, nhưng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tất cả bệnh viện trên toàn nước Mỹ thì phải đến năm 2025.

Ủy ban Kiểm soát hạt nhân (NRC) cũng giải trình một số hoạt động về mặt quản lý, như đưa ra các quy định chặt chẽ hơn, đòi hỏi khắt khe hơn về an toàn phóng xạ đối với các cơ sở được cấp phép tồn trữ nguyên liệu phóng xạ kể từ ngày 11/9/2001.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, với 80% bệnh viện không bảo đảm an toàn kho chất thải phóng xạ là một nguy cơ lớn về việc khủng bố có thể lợi dụng, khai thác chúng để dùng làm nguyên liệu chế tạo bom bẩn.

Theo ghi nhận của các chuyên gia GAO, trong một số trường hợp, máy chiếu xạ trị bệnh ung thư sau khi sử dụng vẫn còn nguyên vật liệu phóng xạ trong máy và được đặt trên pa-lết có bánh xe đẩy, được đặt ở một vị trí không được khóa cẩn thận, rất dễ bị lấy trộm. Có đến hơn 40.000 curie (đơn vị đo độ phóng xạ) nguyên vật liệu phóng xạ được lưu giữ ở những nơi không an toàn. GAO ước tính khả năng tiếp cận nguyên liệu phóng xạ rất cao, và ở một bệnh viện thông thường như thế có đến 500 người có thể tiếp cận nguyên liệu phóng xạ!

Thiết bị chiếu xạ dùng các đồng vị phóng xạ trong điều trị y học đang đặt ra vấn đề nguy cơ khủng bố bom bẩn ở Mỹ.

Nguy cơ là thế, nhưng vẫn có một số chính khách tranh cãi về các số liệu báo cáo của GAO. Một số nghị sĩ bênh vực các cơ quan quản lý phóng xạ NNSA và NRC lập luận rằng, vấn đề bom bẩn thực ra "không có gì ghê gớm lắm". Chẳng hạn, nghị sĩ Daniel Akaka, bang Hawaii, cho rằng, việc chậm triển khai biện pháp an toàn cho các kho vật liệu phóng xạ ở Mỹ "không nhất thiết là đặt dân Mỹ vào nguy cơ khủng bố".

Akaka nói, cho dù kẻ xấu tiếp cận được nguyên liệu chất thải phóng xạ đó, và thậm chí chế tạo được bom bẩn thì mức độ ảnh hưởng cũng chẳng là gì so với bom chế tạo từ nguyên liệu hạt nhân thứ thiệt, vì bom bẩn "cùng lắm chỉ gây choáng và nhiễm xạ" chứ không phải là loại bom "hủy diệt hàng loạt" như bom chế tạo từ nguyên liệu hạt nhân uranium làm giàu cao.

Ông này cho rằng, vấn đề lớn hơn là các nguyên liệu uranium làm giàu cao (HEU) có thể rơi vào tay khủng bố, vì công tác bảo đảm an toàn chung cho nguyên liệu hạt nhân, bao gồm cả HEU, ở Mỹ hiện tại chưa thật sự đáng tin cậy. Một khi các phần tử khủng bố tiếp cận được HEU, chúng hoàn toàn có thể tạo ra một quả bom có sức công phá tương đương 2 quả bom từ được ném xuống HiroshimaNagasaki.

Vấn đề GAO đặt ra không chỉ có ở Mỹ mà đã từng được cảnh báo trên phạm vi toàn cầu. Tại nhiều quốc gia, như Thái Lan, Moldova, Brazil,… việc buông lỏng quản lý và quản lý thiếu an toàn các nguyên liệu, thiết bị liên quan đến chất đồng vị phóng xạ (phổ biến là cesium-137, cobalt-60…). Nguy cơ do các nguyên liệu phóng xạ dùng trong y học từng được cảnh báo cách đây nhiều năm. GAO dẫn chứng vụ nổ máy chiếu xạ do tai nạn tại một bệnh viện ở Brazil vào năm 1987 làm chết 4 người. Máy chiếu xạ bị nổ khi đó chứa 1.400 curie đồng vị cesium-137, và đã gây tổn thất về kinh tế trị giá 36 triệu USD (giá trị thời điểm 1987). Từ đó, GAO tính toán, nếu không may hàng chục ngàn curie nguyên liệu phóng xạ ở các bệnh viện Mỹ rơi vào tay khủng bố, nguy cơ tổn thất không chỉ về nhân mạng mà về kinh tế sẽ rất lớn.

Sau hơn 10 năm phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, nước Mỹ có thể tự hào đã làm cho Al-Qaeda suy yếu, đã tiêu diệt được ông trùm của mạng lưới khủng bố này. Nhưng Al-Qaeda hiện vẫn chưa bị tiêu diệt, thậm chí đang lan rộng và biến hóa đa dạng hơn. Điều nguy hiểm là mạng lưới khủng bố này từ lâu đã ráo riết tìm cách tiếp cận nguyên liệu phóng xạ, kể cả vũ khí hóa học, để chế tạo ra loại bom gây sát thương và tổn thất cao hơn bom tự chế thông thường. Chính vì vậy mà vấn đề an toàn hạt nhân luôn được Tổng thống Obama và lãnh đạo nhiều nước đặt làm ưu tiên hàng đầu, và luôn cam kết hợp tác để cùng hạn chế nguy cơ khủng bố hạt nhân

An Tôn (tổng hợp)
.
.