Nguyên nhân xung đột giữa Armenia và Azerbaijan

Thứ Sáu, 28/09/2012, 16:35

Cộng hòa Armenia đã chính thức tuyên bố tình trạng chiến tranh với Cộng hòa Azerbaijan, khơi gợi dư âm cuộc chiến Nagorno-Karabakh gần 1/4 thế kỷ trước. Vậy nguyên nhân nào khiến 2 quốc gia láng giềng lại lâm vào tình trạng căng thẳng mới?

Trở lại "vụ Safarov" xảy ra tại Budapest (Hungary) từng gây chấn động Armenia 8 năm trước, khi viên trung úy 27 tuổi người Azerbaijan Ramil Safarov đã sát hại bạn đồng khóa Gurgen Margaryan, 26 tuổi, người Armenia trong ký túc xá Học viện Quân sự Hungary. Họ cùng tới Budapest theo học khóa tiếng Anh kéo dài 3 tháng, trong khuôn khổ chương trình "Quan hệ đối tác vì hòa bình" của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Vào lúc 5h sáng ngày 19/2/2004, Ramil đã lẻn vào phòng của Trung úy Gurgen lúc anh này đang ngủ, dùng rìu chẻ củi chém 16 nhát vào đầu khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Thoạt tiên luật sư biện hộ cho R. Safarov khẳng định trước tòa, rằng G. Margaryan đã tự mình "chuốc họa vào thân" do đã xúc phạm tới quốc kỳ và quân đội Azerbaijan. Nhưng giới điều tra chẳng thể tìm đâu ra bằng chứng cho sự suy diễn vô lối này.

Đúng ra mọi chuyện xoay quanh cuộc chiến Nagorno-Karabakh, vùng đất thuộc Azerbaijan với đa phần dân cư là người gốc Armenia đòi ly khai đã kết thúc bằng thỏa hiệp hòa bình trong năm 1994, để lại hệ quả hơn 30.000 người thiệt mạng. Nguồn tin từ Yerevan tường trình cụ thể lời khai của R. Safarov trong quá trình xử án như sau: "Hôm 25/8/1993, quân Armenia tràn vào quê tôi, lại trùng vào ngày sinh nhật của tôi. Bản thân tôi đã mất phần lớn bà con họ hàng và người thân. Lòng tôi luôn day dứt, rằng mình chưa giết được một tên Armenia nào để trả mối thù này.

Rồi quân đội cử tôi tham dự khóa học của NATO, tôi chợt phát hiện ra có 2 người Armenia cùng theo học. Một lần nữa mối thù trong tôi lại trỗi dậy, khi đi ngang qua tôi, họ nói với nhau bằng tiếng Armenia rồi phá lên cười vào mặt tôi. Thời điểm này chính là lúc tôi quyết định phải giết họ". Rồi hung thủ ra tay sát hại nạn nhân, do những người đồng học kịp thức giấc ùa lại ngăn chặn, nên Trung úy Hayk Makuchyan đồng hương của G. Margaryan ở phòng bên cạnh đã thoát khỏi "lưỡi hái tử thần" từ R. Safarov giáng xuống. Gần 2 năm sau, một phiên tòa mở tại Budapest đã kết án Ramil Safarov 30 năm tù giam truất quyền ân giảm.

Đến ngày 31/8 vừa qua, chiểu theo Công ước Strasbourg về chuyển giao người bị kết án phạt tù, phía Hungary đã cho dẫn độ R. Safarov về Azerbaijan đáp ứng yêu cầu từ Baku. Nhưng thay vì tống can phạm vào tù chấp hành án với những năm tù còn lại, R. Safarov được nghênh đón như một người hùng. Tổng thống Azerbaijan Ilham Alyev đã thân chinh mở tiệc khoản đãi R. Safarov, sau khi ban hành sắc lệnh ân xá cho đương sự. Ngoài ra, R. Safarov còn được thăng vọt từ trung úy lên thiếu tá, được truy lĩnh 8 năm lương kể từ ngày bị quân cảnh Budapest bắt giữ.

R. Safarov trong khoảnh khắc trở về Azerbaijan.

Dân biểu Mubariz Gurbanguly trong ban lãnh đạo đảng Yeni Azerbaijan đương quyền, đã lên tiếng ca ngợi việc tha bổng Safarov như là "sự kết hợp logic giữa chủ nghĩa yêu nước với tinh thần dân tộc". Còn đảng Dân chủ Xã hội theo đường lối dân tộc chủ nghĩa đề nghị phong cho R. Safarov danh hiệu Anh hùng Azerbaijan. Cuối năm 2005, chính đảng này đã bình chọn R. Safarov đang nằm ấp ở nước ngoài làm "nhân vật của năm". Riêng bà Elmira Suleymanye đương kim Tổng Thanh tra Nhà nước Azerbaijan từng quả quyết, rằng "hiện thân R. Safarov xứng là tấm gương về lòng yêu nước để giới trẻ noi theo"(!).

Sau khi hay tin R. Safarov đã yên ổn về lại Azerbaijan, phía Armenia liền đơn phương cắt đứt quan hệ ngoại giao với Hungary, một việc chưa từng có giữa một nước thuộc Liên Xô (cũ) với một quốc gia thành viên NATO. Trong phiên họp đặc biệt của Hội đồng An ninh quốc gia được triệu tập bất thường, ngoài việc quy kết Budapest đã nuốt lời hứa không dẫn độ Safarov về Azerbaijan, Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan đã chính thức tuyên chiến với Baku bằng những lời lẽ hùng hồn: "Chúng ta không muốn chiến tranh, nhưng một khi cần chúng ta sẽ chiến đấu và sẽ giành chiến thắng. Phía Azerbaijan cần biết rằng họ đã được cảnh báo".

Kế đến, Bộ trưởng Quốc phòng Seyran Oganyan đã ra nhật lệnh, đặt quân đội Armenia trong tình trạng báo động sẵn sàng chiến đấu. Nhân cơ hội này, các đảng phái đối lập ở Yerevan lại lớn tiếng đòi xét lại thỏa thuận đã ký với Azerbaijan năm 1994, ngõ hầu công nhận nền độc lập cho vùng tự trị Nagorno-Karabakh hòng "tách khỏi sự cai quản của Baku" và sáp nhập vào Armenia.

Về phần mình Budapest cũng kịch liệt phê phán sự tráo trở từ phía Azerbaijan, coi đó là "hành động không thể chấp nhận được, đi ngược lại với những thỏa thuận giữa 2 nước và vi phạm luật pháp quốc tế", như tuyên bố của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Hungary nhân sự kiện tù nhân R. Safarov được tha bổng. Một chính khách Armenia cao cấp thân cận với Tổng thống S. Sargsyan lên tiếng nhận định, bởi Yerevan thừa biết động cơ cho dẫn độ Safarov nhằm mục đích kinh tế thuần túy.

Cụ thể trong chuyến công du Azerbaijan của Thủ tướng Hungary Viktor Orban tháng 6 vừa qua, Baku cam kết sẽ mua từ 2-3 tỉ euro trái phiếu Chính phủ Hungary giúp quốc gia này giảm bớt gánh nặng nợ nần. Hệ quả là một loạt cơ quan đại diện ngoại giao của Hungary tại nhiều thủ đô trên thế giới đã vấp phải làn sóng biểu tình phản đối từ những người gốc Armenia

Thu Hường (tổng hợp)
.
.