Nhà khoa học Áo chuyển giao bí mật chế tạo bom hạt nhân của Anh cho Liên Xô

Thứ Năm, 25/06/2009, 10:10
Trong suốt 10 năm, một điệp viên  có  mật danh là "Eric" đã âm thầm cung cấp những bí mật hạt nhân của Anh cho Moskva. KGB coi “Eric” là “nguồn chính” về tình báo nguyên tử; trong khi MI-5 (cơ quan Tình báo anh) nghi ngờ và theo dõi mọi sự di chuyển và thư từ của người này. Nhưng "Eric" không bao giờ bị bắt giữ.

Ngày nay, sau 70 năm, với sự giải mật hồ sơ của MI-5 và KGB, danh tính thật của "Eric" cuối cùng được tiết lộ là Engelbert (Bertie) Broda, một nhà khoa học Áo lỗi lạc đã lẩn tránh mọi sự theo đuổi của điệp viên Anh và làm việc cho Liên Xô trong chương trình nghiên cứu hạt nhân thời chiến tranh.

Engelbert (Berti hay Bertie) Broda đến Anh năm 1938, lúc 28 tuổi. Là con trai của một quý tộc Áo, Broda là một thanh niên thông minh và là đảng viên Cộng sản đầy nhiệt huyết. Broda từng bị Đức Quốc xã cầm tù 2 lần vì tội lãnh đạo những sinh viên theo đảng Cộng sản. Sau đó Broda bắt đầu tiếp xúc với tình báo Liên Xô và vợ anh, Hildegarde, cũng đi theo chí hướng của chồng. MI-5 bắt đầu quan tâm đến Broda khi anh mới chân ướt chân ráo đến nước Anh.

London, Broda nhanh chóng tiếp xúc với những di dân người Áo cánh tả và sau đó trở thành lãnh đạo nhóm đảng viên Cộng sản Áo tại nước này. MI-5 bí mật đọc thư từ và giám sát mọi động tĩnh của Broda, nhưng không thể tìm ra bằng chứng để buộc tội anh. Năm 1939, Broda bị giam giữ tạm thời và nơi ở của anh bị tình báo Anh lục tung nhưng vẫn không tìm thấy bằng chứng nào.

Năm 1941, Broda vào làm việc cho hệ thống phòng thí nghiệm của Đại học Cambridge. Thời gian này Broda làm việc về các lò phản ứng hạt nhân và kiểm soát các chuỗi phản ứng cùng với Hans Halban, nhà vật lý người Pháp di cư sang Anh. Halban chạy trốn người Đức năm 1940 và đến Anh cùng với cặp tài liệu chứa phần lớn bí mật về "nước nặng" dùng trong những lò phản ứng hạt nhân của Pháp.

Không bao lâu sau, Broda trở thành người nắm giữ bí mật hạt nhân của Anh lẫn của Mỹ - với Dự án Manhattan phát triển quả bom nguyên tử đầu tiên. Chưa đầy 1 năm sau khi làm việc ở Đại học Cambridge, Broda bắt đầu chuyển giao thông tin mật về hạt nhân cho KGB, thông qua Tudor Hart, một nữ điệp viên có tên mã "Edith" của tình báo Liên Xô.

Nhưng Broda không là điệp viên duy nhất của Liên Xô ở Anh cung cấp bí mật hạt nhân của nước này cho KGB. Một điệp viên khác nữa là John Cairncross (mật danh "Liszt") và người thứ 3 là Melita Norwood (tức "Tina", bị lộ tẩy năm 1999). Và còn một người khác là nhà vật lý Anh Allan Nunn May, bị buộc tội làm gián điệp cho Moskva năm 1946 và lãnh án tù 10 năm. MI-5 ngày càng tăng cường theo dõi Broda thông qua "Kaspar", một điệp viên nội gián.

Danh tính thật của "Kaspar" chưa từng được tiết lộ, song đây là người rất thân cận với Tudor Hart và Broda.  Có lẽ về sau Broda đã đánh hơi được sự theo dõi ráo riết của MI-5 nên anh hết sức cẩn thận khi tiếp xúc với người của KGB. Ngoài Tudor Hart, Broda còn chuyển tài liệu mật cho KGB thông qua một nha sĩ người Nga của anh tên là Schkolnikoff.

Vào cuối năm 1943, Broda làm việc cho dự án "Tube Alloys", mật danh của cuộc nghiên cứu sử dụng plutonium trong chương trình vũ khí hạt nhân của Anh. Broda "Eric" không hề nghi ngờ chính "Kaspar" là người đã phản bội mình và làm nội gián cho MI-5, nhưng Broda bắt đầu nhận thức được nguy hiểm đang rình rập sau khi Nunn May bị tình báo Anh bắt giữ vào mùa xuân 1946 và sau đó đã thú  nhận tội làm gián điệp.

Trong khi đó, Chính phủ Mỹ đã kịp thời nhận ra chương trình hạt nhân của Anh đã bị KGB bí mật khai thác nên họ bắt đầu hạn chế san sẻ những thông tin mật về hạt nhân cho Anh. Nhưng mãi về sau này Mỹ mới phát hiện chương trình hạt nhân của chính họ cũng bị KGB xâm nhập!

Trong thời gian này, Broda lên kế hoạch chạy trốn và năm 1947 anh chính thức xin giấy phép để rời khỏi nước Anh với lý do đi nghỉ mát ngắn ngày ở nước ngoài. Trước đề nghị này, MI-5 hết sức lúng túng không biết có nên cho phép Broda rời khỏi nước Anh hay không, nhưng cuối cùng do không nắm được bằng chứng gì về hoạt động gián điệp của Broda nên họ buộc phải chấp thuận.

Năm 1948, Broda trở về Áo và trở thành giảng viên Đại học Vienna. Kể từ đó Broda sống hẳn ở Áo. Nhiều năm sau, bằng chứng về việc KGB xâm nhập chương trình hạt nhân của Đồng minh được củng cố thêm và MI-5 gần như đã chắn chắc Broda làm điệp viên cho tình báo Liên Xô. Và, sự chắc chắn này càng được củng cố thêm khi vợ cũ của Broda là Hildegard thành hôn với Nunn May ngay sau khi người này mãn hạn tù vào năm 1952.

MI-5 sau đó thừa nhận: "Chúng tôi chắc chắn rằng Broda hoạt động gián điệp trong suốt thời gian chiến tranh, mặc dù chúng tôi không có bằng chứng rõ ràng. Broda có lẽ cũng chính là người tuyển mộ Nunn May cho tình báo Nga". Paul, con trai của Broda, vẫn ở lại nước Anh với mẹ và sau đó trở thành giáo sư Khoa Sinh học phân tử ứng dụng ở Đại học Manchester. Paul cũng đã viết cuốn sách về cha ruột, Broda và cha dượng, Nunn May của mình.

Thời gian trôi qua, khi cuộc Chiến tranh lạnh kết thúc, những điệp viên hạt nhân của Anh dần được tiết lộ. Allan Nunn May ra khỏi nhà tù và được xếp vào danh sách đen của các trường đại học ở Anh. Ông qua đời năm 2003.

John Cairncross bị lật tẩy là điệp viên Liên Xô năm 1990 do tên phản bội Oleg Gordievsky. Còn Melita Norwood bị tên phản bội Vasili Mitrokhin làm lộ diện. Nhưng Broda không bao giờ bị bắt và vẫn tiếp tục nắm giữ bí mật về cuộc đời hoạt động tình báo hạt nhân của mình cho đến khi qua đời.

Từ năm 1955 đến 1980, Broda là giáo sư hóa - lý ở Đại học Vienna, và là nhân vật lãnh đạo phong trào Pugwash - một liên minh các nhà khoa học quốc tế về sự lạm dụng khoa học - kêu gọi cộng đồng khoa học thế giới nỗ lực cảnh báo về mối đe dọa của vũ khí hạt nhân đối với nền văn minh của loài người.

Broda mất năm 1983, lúc 73 tuổi. Ông được an táng tại nghĩa trang Vienna trong "ngôi mộ danh dự", một sự tôn kính đặc biệt dành cho một trong những nhà khoa học lỗi lạc nhất của nước Áo

Thục Miên (theo The Times)
.
.