Một nhà phê bình nghệ thuật Anh giá trị hơn nhóm điệp viên “Bộ ngũ Cambridge”?

Thứ Năm, 03/09/2015, 11:30
Theo tài liệu mới giải mật của Cơ quan Phản gián Anh MI-5, nhà phê bình nghệ thuật Cedric Belfrage trong khi đang làm việc cho Cơ quan Tình báo đối ngoại MI-6 ở Mỹ đã chuyển giao nhiều tài liệu mật cho người Nga trong Thế chiến II. Những thông tin tình báo mà Cedric Belfrage chuyển giao cho Liên Xô được đánh giá là có giá trị cao hơn cả những gì mà điệp viên nổi tiếng trong "Bộ ngũ Cambridge" (Cambridge Five) Kim Philby cung cấp - theo nhà sử học của MI-5 Christopher Andrew.

Belfrage bí mật cung cấp thông tin cho Moscow về phương pháp huấn luyện gián điệp của người Anh, nhiều tài liệu mật về Chính phủ Vichy, chi tiết chính sách của London ở Trung Đông và Liên Xô.

Tháng 11/1945, nữ điệp viên hai mang Liên Xô Elizabeth Bentley bí mật tiếp xúc với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) để tiết lộ về mạng lưới gián điệp Xôviết hoạt động ngầm trên đất Mỹ và đó cũng là lúc hành tung của Cedric Belfrage bị bại lộ. Cedric Belfrage sinh năm 1904 tại London và học dở dang Đại học Cambridge - nơi ông bắt đầu bộc lộ thiên hướng về nghệ thuật điện ảnh.

Đầu những năm 30, Belfrage là nhà phê bình điện ảnh có tiếng của Anh làm việc cho 2 tờ báo Daily Express và Sunday Express trước khi chuyển đến thành phố Los Angeles của Mỹ năm 1936. Belfrage được cho là có quan điểm chính trị thiên tả, quan hệ mật thiết với lãnh đạo đảng Cộng sản Mỹ Earl Browder cũng như các thành viên đảng này ở Anh.

Cedric Belfrage.

 Năm 1941, Belfrage làm việc cho Cơ quan Hợp tác An ninh Anh (BSC) ở New York và trở thành cánh tay mặt của lãnh đạo cơ quan này là William Stephenson. BSC là cơ quan phối hợp trao đổi thông tin tình báo Anh với FBI. Trong thời gian làm việc tại BSC, Belfrage được các đảng viên đảng Cộng sản Mỹ giới thiệu với sĩ quan tình báo cao cấp của Liên Xô Jacob Golos. Từ năm 1941 đến 1943, Belfrage - với  mật danh là "Benjamin" - đã chuyển giao các tài liệu về chính sách đối ngoại của London với Nga, Trung Đông, một số báo cáo về Chính phủ Vichy ở Pháp cũng như hồ sơ điều tra của Cảnh sát Anh.

Khi hoạt động gián điệp bị lộ, Belfrage vẫn có lợi thế là không vi phạm luật pháp Mỹ bởi vì ông chỉ chuyển giao tài liệu của Anh cho Liên Xô. Tuy nhiên vào năm 1953, Belfrage vẫn bị triệu tập trước Ủy ban Hạ viện về các hoạt động chống Mỹ (HUAC) của nước này - tổ chức điều tra về phong trào cộng sản ở Mỹ thời chiến tranh. Do Belfrage từ chối trả lời một số câu hỏi nên HUAC đề nghị Chính phủ Mỹ trục xuất ông khỏi nước này. Năm 1955, Belfrage bị bắt giữ và trục xuất khỏi Mỹ.

Lý do mà người Mỹ đưa ra không phải là hoạt động gián điệp mà vì Belfrage là thành viên của đảng Cộng sản Mỹ vào thập niên 30 dưới tên giả. Việc Cedric Belfrage trở về Anh khiến cho giới chức MI-5 đau đầu tìm cách xử lý và một số người muốn đưa ông ra tòa.

Tài liệu của MI-5 về Cedric Belfrage.

Theo hồ sơ giải mật, Belfrage thừa nhận đã trao một số tài liệu "không có gì quan trọng" cho Liên Xô trong Thế chiến lần II, song ông tuyên bố đó là hành động theo lệnh từ thượng cấp trong tình báo Anh để được phía người Nga "lại quả" những tài liệu có giá trị. MI-5 cũng khó có thể truy tố Belfrage do vai trò của ông trong tình báo Anh sẽ bị phơi bày trước tòa án. Cuối cùng, Cedric Belfrage không bị truy tố nhưng ông luôn bị tình báo Anh giám sát chặt chẽ từ khi trở về nước.

Cuốn sách "The American Inquisition" của Cedric Belfrage.

Vài năm sau, Belfrage chuyển đến Mỹ Latinh và qua đời năm 1990 tại Mexico ở tuổi 85. Năm 1973, Belfrage đã quay về Mỹ một lần để quảng bá cuốn sách mới của ông mang tựa đề "The American Inquisition". Hồ sơ giải mật cũng tiết lộ MI-5 không thể lập hồ sơ chi tiết về các hoạt động của Belfrage cũng như không bao giờ thẩm vấn ông. Tuy vậy, nhà sử học của MI-5 Christopher Andrew, người từng nghiên cứu nhiều tài liệu mật của KGB, khẳng định: "Vào thời gian giữa Thế chiến II, tình báo Xôviết xếp hạng Belfrage trên cả Kim Philby".

Theo ông Andrew, một phần do vai trò điệp viên hai mang không được tin tưởng mấy của Kim Philby và phần khác do Belfrage là cầu nối quan trọng giữa Anh và Mỹ. Svetlana Lokhova, chuyên gia về tình báo Nga, cũng nhận xét: "Tôi tin rằng Belfrage chính là một trong những gián điệp quan trọng nhất mà Liên Xô từng có được". Lokhova cũng cho biết Liên Xô rất khao khát thông tin tình báo về các chính sách của Anh và Mỹ vào thời điểm cao trào của Thế chiến II. Lokhova và Andrew cùng thừa nhận KGB chưa bao giờ tiết lộ bất cứ điều gì về Cedric Belfrage.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.