Nhà văn nổi tiếng người Đức Gunter Wallraff từng là nhân viên của Stasi

Thứ Ba, 02/12/2008, 08:45

Từ tháng 8/2008 đến nay, tại Đức rộ lên thông tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến việc nhà văn - nhà báo nổi tiếng Gunter Wallraff, 66 tuổi, từng là nhân viên của Cơ quan Tình báo Đông Đức (Stasi) từ năm 1970 đến 1977. Sau một thời gian không lên tiếng, vào ngày 18/9/2008, Wallraff thừa nhận đã từng làm việc cho Stasi khi còn là một nhà báo chuyên thực hiện các phóng sự điều tra.

Gunter Wallraff sinh ngày 1/10/1942 tại thị trấn Burscheld gần thành phố Cologne của Đức. Ông bắt đầu làm báo từ năm 1964 sau khi tốt nghiệp Đại học Cologne. Những phóng sự điều tra sâu sắc của ông về các vấn đề xã hội như nạn thất nghiệp, tệ phân biệt chủng tộc, sự bóc lột sức lao động của công nhân... khi được đăng tải trên một số tờ báo ở Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức đã khiến ông nhanh chóng được biết tiếng nhưng cũng gây khó chịu cho nhiều người, nhất là giới chủ doanh nghiệp và các quan chức chính quyền địa phương và liên bang. Giọt nước làm tràn ly mâu thuẫn giữa Wallraff và giới chủ doanh nghiệp cùng các quan chức chính quyền là vào năm 1969 khi nhiều tờ báo tiếng tăm ở Tây Đức như tờ Bild-Zeitung, Der Spiegel cho đăng tải loạt 13 phóng sự điều tra được thực hiện bởi Wallraff liên quan đến bóc lột sức lao động công nhân của giới chủ trong các ngành sản xuất xe hơi, dược, cơ khí. Thay vì có hành động bảo vệ quyền lợi cho công nhân, nhiều quan chức chính quyền bang và liên bang đã bắt tay với giới chủ để gây khó khăn cho công nhân.

Bị gán tội là một nhà báo có tư tưởng dân chủ xã hội, nhất là vào cao trào của Chiến tranh lạnh, Wallraff đã bí mật bị xếp vào danh sách đen những công dân Đức cần phải giám sát vào theo dõi bởi Cơ quan Tình báo Tây Đức (BND).

Trong tình hình như vậy, Stasi đã tìm cách tiếp cận để tuyển dụng Wallraff, tuy nhiên không phải là trên lãnh thổ CHLB Đức mà khi Wallraff do biết bị theo dõi và làm khó dễ nên tìm cách đến hai quốc gia Nam Âu là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ để hành nghề. Vào đầu năm 1970, khi đang thực hiện các phóng sự liên quan đến quyền con người bị xâm phạm bởi chế độ độc tài quân sự ở Hy Lạp, Wallraff nhận được đề nghị tuyển dụng của Stasi. Chính Hermann Verlag, chỉ huy chi nhánh Stasi tại Hy Lạp, đội lốt tùy viên Sứ quán Cộng hòa Dân chủ  (CHDC) Đức tại thủ đô Athen của Hy Lạp đã nhiều lần gặp gỡ để thuyết phục Wallraff cộng tác với Stasi. Theo Ủy ban Điều tra liên bang về việc các công dân Đức có quan hệ với Stasi (BStU), được thành lập vào năm 2003 khi các hồ sơ tài liệu về Stasi bắt đầu được giải mã, Wallraff chính thức làm việc với Stasi từ tháng 6-1970 và mang mật danh “Wagner”.

Nhiệm vụ của Wallraff là thông qua việc hành nghề phóng viên điều tra, tiến hành thu thập các thông tin liên quan đến an ninh, quốc phòng và kinh tế của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ rồi chuyển giao cho Stasi. Trong 14 tháng hành nghề với tư cách là phóng viên của báo Bild-Zeitung tại Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, Wallraff đã tìm cách tiếp cận với thông tin về hoạt động quốc phòng, nhất là việc bố phòng của các căn cứ của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại hai quốc gia Nam Âu này thông qua mạng lưới các cộng tác viên là người bản địa được trả công từ nguồn tài chính của Stasi. Tất cả những thông tin này đều được Wallraff chuyển giao trực tiếp cho Hermann Verlag. Tuy nhiên, đến cuối năm 1971, Wallraff bị chính quyền độc tài quân sự ở Hy Lạp bắt giữ khi tìm cách xúi giục dân chúng phản đối sự hiện diện của một căn cứ NATO trên bán đảo Andros, gần thủ đô Athen. Vì hành vi này, Wallraff bị tuyên phạt 12 tháng tù giam. Đến tháng 8-1972, nhờ sự can thiệp của Chính phủ CHLB Đức nên Wallraff mới được trả tự do và bị trục xuất về lại Đức.

Trở về Đức, sau nhiều lần bị thẩm vấn, kiểm tra về thời gian làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, Wallraff tiếp tục hành nghề báo chí và được tuyển dụng làm biên tập của báo Bild-Zeitung ở thành phố Hanovre. Trong thời gian này, Wallraff bắt đầu viết sách và cho xuất bản cuốn sách đầu tay có tựa đề “Der Aufmacher” (Những câu chuyện quan tâm hàng đầu).

Năm 1974, sau một thời gian dài mất liên lạc, Stasi tìm cách nối quan hệ với Wallraff để giao nhiệm vụ mới. Stasi không muốn Wallraff tiếp tục thu thập thông tin về an ninh, quốc phòng như ông từng làm trước đây ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp vì đây là một việc làm nguy hiểm bởi Walrraff đang là đối tượng bị giám sát và theo dõi bởi BND. Nhiệm vụ mới của Wallraff là dùng uy tín và ngòi bút của mình để tạo dư luận có lợi cho CHDC Đức.

Tuy nhiên, theo điều tra của BStU, Wallraff còn hoạt động trong lĩnh vực tình báo kinh tế thông qua việc tiếp cận với hồ sơ về các phát minh mới của Tập đoàn Hóa chất Bayer AG và Tập đoàn Viễn thông Deutsch Telecom AG rồi chuyển giao cho Stasi. Cũng theo điều tra của BStU, Wallraff thôi làm việc cho Stasi vào năm 1977. Từ đó Wallraff chuyên tâm làm báo, viết sách và trở nên nổi tiếng.

Bị tố giác có thời gian làm nhân viên cho Stasi, Wallraff không phủ nhận nhưng biện minh hành động này của mình là không gây nguy hại đến an ninh quốc gia do không hề tiếp cận với hồ sơ, tài liệu về an ninh, tình báo, quốc phòng của CHLB Đức rồi sao chụp và chuyển giao cho Stasi. Nhưng theo quy định của luật pháp nước Đức, những công dân Đức được phát hiện có quan hệ hay làm việc với Stasi trong thời kỳ Chiến tranh lạnh đều phải bị điều tra và truy tố. Và Gunter Wallraff cũng không phải là một ngoại lệ.

Công tố viên liên bang Marianne Birthler, người đứng đầu bộ phận điều tra của BStU khẳng định: “Chúng tôi có đủ chứng cứ để buộc tội Wallraff từng làm việc cho Stasi trong thời kỳ Chiến tranh lạnh”. Cũng theo Công tố viên Birthler, trường hợp của Wallraff cũng rất cá biệt vì đây là lần đầu tiên mà cả tên họ và mật danh của một nhân viên làm việc cho Stasi được giải mã

Văn Hòa (theo CiCentre)
.
.