Nhân chứng sống ở trại Auschwitz

Thứ Bảy, 23/06/2007, 09:00
Auschwitz là trại tù dã man nhất của Đức Quốc xã, những người bị đẩy vào đây hầu như đều nằm xuống mãi mãi. Thế nhưng có một vài trường hợp, tù nhân đã trở về và viết lên những trang sử đầy hãi hùng về một tội ác không thể tha thứ.

Bà Fryda Grynberg là một nhân chứng sống đã góp phần vào việc hình thành bộ phim đầy cảm động đoạt giải Oscar của đạo diện lừng danh Steven Spielberg “Bản danh sách của Schindler”, kể về những tù nhân Do Thái trong các trại tập trung của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ II.

Con trai bà Fryda kể lại: “Mẹ tôi rất hãnh diện rằng, câu chuyện sống sót của bà đã đóng góp vào bộ phim “Bản danh sách của Schindler”. Mẹ tôi đã ra tòa làm chứng, Trung tâm lịch sử nghe nhìn Shoah do đạo diễn Spielberg thành lập để ghi chép và bảo quản những lời chứng của những người còn sống sót, và của nhân chứng thực mục sở thị việc thiêu người của bọn phát xít.

Năm 1997, đạo diễn Steven Spielberg đã viết thư cho mẹ tôi ca ngợi sự đóng góp vô giá của bà. Trong suốt Thế chiến thứ II, khi còn là tù nhân của nhiều trại tập trung, đặc biệt là trại Auschwitz, mẹ tôi đã sống qua hầu hết những gì mà chúng ta không thể tưởng tượng nổi. Bà là tù nhân mang bí số A-15698 và trong suốt cuộc đời bà, vết xăm ám số trên tay này không thể nào quên.

Năm 19 tuổi, mẹ tôi cư ngụ tại Bialystock, Ba Lan, nơi mà bọn Đức Quốc xã xâm chiếm. Mọi người bị đưa đến trong khu cách ly, và những khu cách ly này thỉnh thoảng lại bị lính Đức thanh lọc. Trong một lần bố ráp, bà bị lùa lên xe lửa cùng chồng và con gái 2 tuổi. Biết sẽ được đưa tới cõi chết, nên họ đã tìm cách trốn chạy.

Mẹ tôi nắm thắt lưng chồng và cột bé Genia vào lưng ông, nhìn ông nhảy ra khỏi xe lửa. Nhưng cú nhảy đã tính sai, khiến ông và con gái bị một chuyến xe lửa khác chạy qua làm chết ngay tức khắc. Bà bất tỉnh vì cú sốc, sau khi tỉnh lại thấy mình bị vùi dưới một biển xác người: bọn Đức đã nổ súng sát hại để ngăn những người khác khỏi bỏ trốn. Nhưng bà được phép sống sót vì có biệt tài may vá, và may quân phục Đức.

Trong các trại tập trung, chất bổ dưỡng duy nhất là một chén súp và một mẩu bánh mì vào buổi sáng. Thỉnh thoảng, bọn Đức gọi tù nhân ra khỏi trại và dùng gậy đánh họ cho đến khi chảy máu, ngã gục...

Mẹ tôi làm việc quần quật bên chiếc máy may suốt ngày, và thỉnh thoảng tình nguyện gọt khoai tây vào ban đêm. Có lúc mẹ ăn trộm khoai tây sống và bà bảo rằng ăn thấy giống như chocolate.

Mẹ tôi sống ngay sát phòng hơi ngạt, những gì bà thấy, là một chương rùng rợn. Những chuyến xe lửa chở đầy tù nhân tới, người nào người nấy ăn bận đẹp đẽ, họ cứ tưởng được chuyển trại, thế nhưng đây lại là trạm dừng cuối cùng của đời họ.

Mẹ tôi được cứu thoát khi chiến tranh chấm dứt, sau đó bà gặp cha tôi và chuyển sang sống ở Australia, vui hưởng cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Minh Thu (theo New Idea)
.
.