Nhiệm vụ bất khả thi của tàu ngầm U-234

Thứ Ba, 22/05/2007, 12:00
Nhiệm vụ đặc biệt Memphis mà OKW giao cho thủy thủ đoàn chiếc U-234 bị thất bại. Vào tháng 11/1947, một quả thủy lôi phóng đi từ một tàu chiến Mỹ đã đánh đắm chiếc U-234 tại vịnh Cape Cod.

Memphis là tên gọi một nhiệm vụ đặc biệt mà Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Đức Quốc xã (OKW) giao cho thủy thủ đoàn chiếc tàu ngầm mang ký hiệu U-234 của Hải quân Đức, đó là chuyển giao 660kg uranium 235, nguyên liệu dùng để chế tạo bom nguyên tử và 3 máy bay phản lực chiến đấu loại ME-262 được tháo rời cùng 10 động cơ phản lực của loại máy bay ném bom Junker cho phát xít Nhật.

Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn cho thủy thủ đoàn của tàu U-234, nhất là vào thời điểm mà Đức Quốc xã hoàn toàn thất bại trên các mặt trận.

Unterseeboot loại X là thế hệ tàu ngầm đặc biệt của Hải quân Đức sử dụng trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Đây là loại tàu ngầm thân dài, khoang rộng có trọng lượng lặn đến 2.710 tấn và được đánh giá là loại tàu ngầm lớn nhất mà các bên tham chiến sử dụng trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Lúc đầu, tàu ngầm Unterseeboot loại X được sử dụng để rải một lần đến 66 quả ngư lôi, sau đó được cải tạo lại các khoang để vận chuyển hàng kể cả nhiên liệu để tiếp tế cho các đội tàu ngầm chiến đấu U-boote. Trong chiến tranh, chỉ có 8 chiếc Unterseeboot loại X được hạ thủy, trong đó có chiếc U-234.

Vào tháng 3/1945, khi đang neo đậu tại căn cứ Hải quân của Đức Quốc xã trên đảo Kristiensend của Na Uy, chiếc U-234 do Thuyền trưởng Hans-Georg Fischer chỉ huy, nhận lệnh phải di chuyển ngay đến căn cứ Hải quân Kiel ở miền Bắc nước Đức để thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt.

Đó là bằng mọi cách phải chuyển giao cho phát xít Nhật một số hàng hóa đặc biệt bao gồm 3 phản lực cơ chiến đấu loại ME-262 mà Không quân Đức đang thử nghiệm, 10 động cơ phản lực của loại máy bay ném bom Junker và 10 thùng chứa  660kg uranium 235, nguyên liệu dùng để chế tạo bom nguyên tử.

Vào thời kỳ đó, cả Đức Quốc xã và phát xít Nhật đều dồn mọi cố gắng để chế tạo cho bằng được vũ khí nguyên tử, được xem là loại vũ khí tối thượng có thể làm thay đổi cục diện cuộc chiến.

Trong khi tại Đức, các nhà khoa học đang tập trung phát triển các máy ly tâm khí để làm giàu uranium thì tại Nhật, chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử cũng được bí mật triển khai bởi nhóm các nhà khoa học do Giáo sư Yoshiro Nishima phụ trách.

Cùng đến Nhật trên chiếc U-234, ngoài thủy thủ đoàn còn có tướng Không quân Đức Ulrich Kessler, phụ trách chương trình chế tạo các máy bay phản lực chiến đấu loại ME-262, nhà khoa học Heinz Schlicke, người khai sinh hệ thống dò tìm bằng tia hồng ngoại cùng 2 sĩ quan Nhật là Thiếu tá Tomanaga Hideo và Đại úy Shoji Genzo. Hai viên sĩ quan Nhật này đến Đức bằng tàu ngầm vào năm 1944 để áp giải chuyến hàng đặc biệt mà chiếc tàu ngầm U-234 trở về Nhật.

Theo kế hoạch, sau khi rời căn cứ Hải quân Kiel, chiếc U-234 sẽ theo hướng Biển Bắc đến vùng biển Ireland rồi xuôi xuống Đại Tây Dương dọc theo vùng biển Canada và Mỹ trước khi di chuyển ngang Đại Tây Dương đến mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi, vào Ấn Độ Dương để đến đích là cảng Yokohama của Nhật. Dự kiến chuyến đi sẽ kéo dài trong 4 tháng và được đặt tên là nhiệm vụ Memphis.

Vào ngày 15/4/1945, chiếc U-234 rời quân cảng Kiel để bắt đầu thực hiện nhiệm vụ đặc biệt của mình. Đến ngày 10/5/1945, khi đang di chuyển ở vùng biển ngoài khơi thành phố Halifax của Canada thì Thuyền trưởng Fischer biết được tin Đức Quốc xã sắp bại trận còn Đồng minh thì ra lệnh cho các tàu ngầm Đức Quốc xã phải đầu hàng. Bất chấp lệnh này, Thuyền trưởng Fischer vẫn ra lệnh tiếp tục hải trình để thực hiện nhiệm vụ Memphis.

Đến ngày 14/5/1945, khi đang di chuyển ở ngoài khơi bang Maine của Mỹ, chiếc U-234 bị chiến hạm USS Sutton của Hải quân Mỹ phát hiện. Với quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt, Thuyền trưởng Fischer ra lệnh không đầu hàng và sẵn sàng chiến đấu.

Tuy nhiên, đến ngày 16/5/1945, bị bao vây bởi 3 chiến hạm và 2 tàu ngầm Mỹ, sau khi hội ý với tướng Kessler, Thuyền trưởng Fischer từ bỏ ý định chiến đấu để đầu hàng.

Quyết định này đã buộc 2 sĩ quan Nhật là Thiếu tá Hideo và Đại úy Genzo phải tự vẫn bằng cách mổ bụng do không muốn rơi vào tay quân Mỹ. Sau khi tổ chức mai táng theo nghi lễ hải quân cho 2 viên sĩ quan người Nhật, Thuyền trưởng Fischer cho chiếc U-234 nổi lên mặt nước để đầu hàng và được Chiến hạm USS Sutton kéo về  căn cứ Hải quân Casco ở bang Maine.

Tất cả thủy thủ đoàn của chiếc U-234 cùng tướng Kessler và nhà khoa học Schlicke được đưa ngay đến Nhà tù 1142 của tình báo Mỹ ở thủ đô Washington để giam giữ và thẩm vấn.

Nhiệm vụ đặc biệt Memphis mà OKW giao cho thủy thủ đoàn chiếc U-234 bị thất bại. Vào tháng 11/1947, một quả thủy lôi phóng đi từ một tàu chiến Mỹ đã đánh đắm chiếc U-234 tại vịnh Cape Cod.

Hàng chục năm sau khi Mỹ cho công bố dự án chế tạo vũ khí nguyên tử có tên gọi Manhattan, nhiều người cho rằng chính việc thu giữ được 660kg uranium 235 trên chiếc tàu ngầm U-234 vào tháng 5/1945 là một cú hích quan trọng giúp Mỹ nhanh chóng chế tạo 2 quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật vào tháng 9/1945.

Ngoài ra, việc tịch thu được 3 phản lực cơ chiến đấu ME-262 còn nguyên vẹn cũng là cơ sở để Mỹ đẩy nhanh chương trình chế tạo máy bay chiến đấu phản lực loại F-86 của mình.

Câu chuyện về nhiệm vụ bất khả thi của tàu ngầm U-234 trở thành đề tài khai thác của văn học và điện ảnh. Đã có ít nhất 4 cuốn sách và 2 bộ phim ra đời từ đề tài này

Văn Hoà (Theo Historia)
.
.