Nhiều nước thận trọng hơn sau sự cố Fukushima Daiichi

Chủ Nhật, 24/04/2011, 02:25

Thảm họa hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã đặt ra nhiều bài học cho giới chuyên môn công nghệ năng lượng hạt nhân, đồng thời nó cũng khơi lại cuộc tranh cãi khắp thế giới, đặc biệt là châu Âu và Mỹ, về việc nên hay không nên tiếp tục duy trì các nhà máy điện hạt nhân, vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là vấn đề an ninh hạt nhân và bảo vệ môi trường.

Đức là quốc gia châu Âu đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi thảm họa hạt nhân Fukushima Daiichi. Chính phủ của bà Thủ tướng Angela Merkel đã quyết định hoãn thực hiện 3 tháng việc nâng thời gian hoạt động thêm 12 năm cho 17 nhà máy điện hạt nhân, đồng thời Berlin cũng đóng cửa 2 nhà máy lâu đời nhất, hoạt động từ giữa thập niên 70 thế kỷ XX, 5 nhà máy khác hoạt động từ cuối thập niên 70 phải tạm ngừng hoạt động trong 3 tháng (đến tháng 6/2011) để xem xét, kiểm tra tình trạng an toàn hạt nhân.

Đồng thời với những động thái của chính quyền Đức, Thụy Sĩ - với 5 nhà máy điện hạt nhân cung cấp 40% sản lượng điện toàn quốc - cũng ra tuyên bố đánh giá lại vấn đề an toàn của các lò phản ứng hạt nhân, có thể giảm phụ thuộc vào điện hạt nhân. Doris Leuthard - Bộ trưởng Năng lượng Thụy Sĩ cho biết, Thụy Sĩ sẽ ngưng các kế hoạch xây dựng và thay mới các nhà máy điện hạt nhân cho đến khi nào công tác đảm bảo an toàn kết thúc. Các bài học từ Nhật Bản sẽ phải được nghiêm túc rút tỉa và áp dụng cho tất cả các nhà máy trên cả nước.

Sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima do động đất và sóng thần.

Tại các quốc gia Đông Âu như Bulgaria, Romania và Slovenia, nơi có vài nhà máy điện hạt nhân đặt trên vùng địa chất đứt gãy (nguy cơ động đất cao), các chuyên gia môi trường và năng lượng bắt đầu lo ngại và tìm cách cứu vãn nguy cơ, đề phòng từ xa.

Toàn châu Âu có tất cả 195 nhà máy điện hạt nhân (riêng khối EU là 143 cái), trong đó nhiều nhà máy đã được xây dựng từ nhiều thập niên trước, sử dụng công nghệ cũ kỹ và thiết kế kém an toàn, đến nay đã già cỗi, không biết sẽ gây tai họa bất cứ lúc nào.

Theo khảo sát của Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace), khoảng một nửa trong tổng số 143 nhà máy điện hạt nhân của EU trong tình trạng đáng báo động về an toàn hạt nhân. Trong số này phải kể đến những nhà máy đã quá cũ kỹ và có nguy cơ rò rỉ phóng xạ cao như Forsmark-1 của Thụy Điển, Blayais của Pháp và Santa Maria de Garona của Tây Ban Nha. Ngoài ra còn 12 nhà máy cũ kỹ của Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc không được trang bị hệ thống bảo vệ hai lớp nên khó ngăn rò rỉ phóng xạ khi sự cố xảy ra v.v...

Trong khi đó, tại Mỹ, Fukushima Daiichi như một lời cảnh báo không thể xem thường, và một kế hoạch tổng kiểm tra các nhà máy điện hạt nhân cũng đang được triển khai. Các nhà máy ở Mỹ từ lâu đã là mối lo ngại của những người quan tâm đến an toàn hạt nhân.

Theo cách giải thích của Tiến sĩ David Lochbaum, Giám đốc Chương trình An toàn hạt nhân của Liên đoàn Các nhà khoa học có trách nhiệm (UCS) cho biết, nếu có đủ 3 nhân tố nguy cơ thì thảm họa hạt nhân là khó tránh khỏi; 2 nhân tố hợp lại sẽ là tình huống cận thảm họa; trong khi một nhân tố thì chỉ gây trục trặc nhỏ, không đáng kể.

Nhà máy điện hạt nhân Biblis ở bang Nam Hessian của Đức.

Theo báo cáo của (UCS), năm 2010 ở Mỹ từng xảy ra 14 sự cố tại các nhà máy điện hạt nhân ở mức độ "cận thảm họa", nghĩa là chỉ cần thêm một nhân tố tác động từ bên ngoài, như động đất hay lũ cuốn chẳng hạn, thảm họa có thể xảy ra.

Từ thực trạng đó, cơ quan chức năng Mỹ đã tiến hành kiểm tra toàn diện tại 14 nhà máy kể trên tại 12 bang khác nhau. Vấn đề chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp khi thảm họa xảy ra được người Mỹ quan tâm hàng đầu. Ngoài việc kiểm tra kỹ thuật các nhà máy, giới chức Mỹ quan tâm nhất đến vấn đề mở rộng bán kính khu vực sơ tán quanh nhà máy khi có sự cố hạt nhân.

Ở châu Âu, tại Hội nghị toàn thể Ủy ban Môi trường EU diễn ra hôm 16/3, Ủy viên phụ trách môi trường Gunther Oettinger thông báo: EU sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện tất cả 143 nhà máy hạt nhân trong khối. Các cuộc kiểm tra này sẽ xem xét các yếu tố nguy cơ về động đất, lũ lụt, máy bay đâm, tấn công khủng bố mạng công nghệ thông tin, các hệ thống làm lạnh và nguồn cung cấp điện tại chỗ. Và một khi tiến hành các cuộc kiểm tra toàn diện, EU có thể sẽ phải đóng cửa một số nhà máy điện hạt nhân vì không đáp ứng các chỉ tiêu an toàn.

An toàn hạt nhân không chỉ có sự an toàn trong các nhà máy điện hạt nhân mà là toàn bộ quy trình sản xuất, từ khai thác quặng mỏ các chất phóng xạ cho đến việc xử lý chất thải phóng xạ. Xử lý chất thải phóng xạ như thế nào cho an toàn luôn là vấn đề gây đau đầu cho các quốc gia có nhiều nhà máy điện hạt nhân, vì cho dù đã qua sử dụng, chất thải hạt nhân vẫn phóng xạ và gây nguy hại cho môi trường, cho sức khỏe con người

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.