Nhìn lại 50 năm sự kiện khủng hoảng Kênh đào Suez

Thứ Sáu, 26/05/2006, 08:00

Năm nay đánh dấu 50 năm sự kiện khủng hoảng Kênh đào Suez - huyết mạch lưu thông chính của tàu thuyền từ Tây sang Đông. Đó là cuộc chiến dũng cảm của nhà lãnh đạo Ai Cập trẻ tuổi thời đó - Tổng thống Gamal Abdel Nasser chống lại sự thống trị của các thế lực đế quốc phương Tây.

Đế quốc Anh chiếm quyền kiểm soát Kênh đào Suez vào năm 1875, thôn tính Ai Cập và các vùng xung quanh vào năm 1882. Đến năm 1922, Ai Cập thoát khỏi ách đô hộ, giành độc lập, nhưng khu vực xung quanh Kênh đào Suez vẫn bị Anh đô hộ cho đến năm 1952. Vào năm này, Vua Farouk bị phế truất sau một cuộc nổi dậy của các tầng lớp dân chúng Ai Cập, dẫn đầu bởi nhóm Free Officers' Group (Nhóm Sĩ quan tự do) do các tướng Nasser, Anwar Sadat và Abdel Hakim Amer lãnh đạo. Tướng Mohammed Naguib trở thành người đứng đầu chính phủ mới được thành lập sau đó.

Vào thời điểm đó, nước Anh và Tây Âu đang khôi phục sau khi bị tổn thất nặng nề trong Thế chiến II, nên phụ thuộc rất nhiều vào nguồn dầu nhập khẩu, trong đó 2/3 nguồn dầu đi qua ngả Kênh đào Suez. Vì thế Ngoại trưởng Anthony Eden nhận sứ mệnh thương lượng với Chính phủ Ai Cập, nhằm kéo dài thời gian hiện diện quân sự của Anh trong khu vực này.

Tuy nhiên vào năm 1954, tình hình chính trị nội bộ Ai Cập diễn biến bất lợi cho phương Tây: Nasser lật đổ tướng Naguib để lên nắm quyền. Dựa theo các tôn chỉ xã hội cấp tiến, Nasser đã ban hành hàng loạt biện pháp cứng rắn nhằm hạn chế quyền lực của người Hồi giáo tại Ai Cập. Đồng thời, thái độ chống đế quốc Anh của Nasser cũng ngày càng tăng, nhất là sau khi Ai Cập bị buộc phải ký kết Hiệp ước Baghdad vào đầu năm 1955 với Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.

Tình hình càng căng thẳng hơn sau cuộc bố ráp Dải Gaza của quân đội Israel vào tháng 2/1955, châm ngòi cho đụng độ và xâm nhập biên giới Ai Cập qua ngả Gaza tăng mạnh.

Kênh đào Suez ngày nay còn đóng vai trò chiến lược về an ninh.

Trong khi đó, sau khi lên nắm quyền, Nasser cũng cho tiến hành hàng loạt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm đạt mục tiêu phát triển đất nước, trong đó quan trọng nhất là dự án Đập Aswan. Tiếp theo, Nasser đi một nước cờ quan trọng khiến phương Tây sốt vó: ký kết các hợp đồng mua vũ khí với Liên Xô! Hành động này thêm một bước khẳng định sự hiện diện và ảnh hưởng của Liên Xô trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Nước Anh đáp trả bằng việc gây khó khăn nguồn tài chính cho dự án Đập Aswan. Trong bối cảnh chiến tranh lạnh đang ngày càng căng thẳng và tinh thần khu vực cũng dâng cao, Nasser nhìn thấy cơ hội lớn để giành lấy sự độc lập về kinh tế cho đất nước Ai Cập. Thế là, tháng 7/1956, ông ra lệnh quốc hữu hóa Kênh đào Suez.

Sự kiện này châm ngòi cho phản ứng quyết liệt từ phía các cường quốc phương Tây. Pháp nghi ngờ Ai Cập tiếp tay cho lực lượng kháng chiến Algeria, còn Anh thì e ngại việc Ai Cập lớn mạnh lên sẽ là “mối đe dọa” làm phá sản Hiệp ước Baghdad - một hòn đá tảng quyết định chiến lược của phương Tây ở khu vực Trung Đông. Cả 2 đã chạy đi cầu cứu Liên Hiệp Quốc can thiệp vào Kênh đào Suez nhưng bất thành.

Một cuộc họp bí mật giữa Ngoại trưởng Anh Eden, Thủ tướng Pháp Guy Mollet và Thủ tướng Israel David Ben Gurion đã diễn ra tại khu ngoại ô Sevres, gần Paris, dẫn đến sự ra đời một kế hoạch quân sự của phương Tây nhằm thủ tiêu chế độ mới của Ai Cập, đồng thời giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Suez. Một chi tiết mà giới nghiên cứu lịch sử cho là “sai lầm nghiêm trọng” là việc Mỹ đã không được tham gia cuộc họp và bị gạt ra ngoài kế hoạch.

Ngày 29/10/1956, chiến dịch quân sự mang tên “Lính Hỏa Mai” đã được khai hỏa với cuộc tấn công đồng loạt trên bộ lẫn trên biển của quân liên minh gồm 45.000 lính Anh, 34.000 lính Pháp và 175.000 lính Israel. Phần Israel cũng lợi dụng tình hình đưa quân trên bộ chiếm giữ bán đảo Sinai. Một tuần sau, không quân Anh, Pháp bắt đầu chiến dịch oanh tạc xuống Ai Cập, phá hủy hoàn toàn sân bay El Gamil của Ai Cập. Tiếp đến, tập đoàn quân thủy bộ Anh - Pháp đổ bộ đánh chiếm thành phố cảng Port Said trong Địa Trung Hải. Nhưng quân liên minh Anh - Pháp - Israel đã không thể đánh chiếm được Kênh đào Suez, và tướng Nasser đã phần nào thành công khi ngăn chặn các chuyến qua lại kênh đào của tàu thuyền phương Tây. Điều này càng khiến cho liên minh Anh - Pháp quyết tâm bằng mọi giá phải đánh bật quân của tướng Nasser ra khỏi Kênh đào Suez. Nhìn vào thế trận và thực lực quân sự thì chắc chắn Ai Cập không thể nào địch lại quân liên minh, do vậy khó tránh khỏi một thất bại nặng nề về mặt quân sự.

Đến đây thì “kẻ chủ chiến” trong mọi cuộc chiến tranh bắt đầu ra tay. Mỹ e ngại nếu để Anh-Pháp tiếp tục “ăn hiếp” Ai Cập, nhiều khả năng Liên Xô sẽ nhảy vào can thiệp (do Ai Cập lúc đó đang ngả về phía Liên Xô). Mặt khác, Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower cũng tức giận vì bị Anh - Pháp - Israel làm bẽ mặt, cũng muốn nhân cơ hội trả đũa. Bằng biện pháp gây sức ép về ngoại giao và kinh tế, Mỹ đã buộc quân Anh, Pháp và Israel phải chấp nhận ngừng bắn và rút quân hoàn toàn khỏi Ai Cập vào ngày 7/11/1956.

Rốt cuộc, 2 tuần chiến sự không đi đến đâu đã khiến cho Anh bị tổn thất 100 binh sĩ, Pháp tổn thất 43 và Israel 200 binh sĩ; phía Ai Cập chịu tổn thất nặng nề nhất: 5.000 binh sĩ chết và bị thương.

Do thất bại trong cuộc khủng hoảng Kênh đào Suez, Thủ tướng Pháp Mollet và Ngoại trưởng Anh Eden đã phải từ chức trong vòng chưa đầy một năm sau (riêng Ben Gurion tại vị cho đến năm 1963). Uy tín và ảnh hưởng của Anh, Pháp trong khu vực Trung Đông sụp đổ không bao giờ có thể hồi phục.

Còn đối với cá nhân tướng Nassar, tuy thiệt hại một số binh lính, nhưng dưới sự lãnh đạo của ông, Ai Cập phát triển không ngừng và trên hết là việc bằng mọi giá phải giữ kênh đào Suez, Nasser đã được dân chúng Ai Cập tôn vinh như một vị anh hùng dân tộc.

Sự kiện Kênh đào Suez cũng chứng kiến một cuộc “chuyển giao quyền lực” tại khu vực này từ các thế lực cũ sang một thế lực mới: Mỹ bắt đầu đóng vai trò chủ đạo, không ngừng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực Trung Đông, còn Anh, Pháp kể từ đó vai trò bị mờ nhạt hẳn.

Ngày nay, 50 năm sau sự kiện khủng hoảng tháng 10/1956, Kênh đào Suez vẫn là huyết mạch sống còn của tuyến lưu thông hàng hóa và dầu mỏ từ Đông sang Tây. Hơn thế nữa, Kênh đào Suez ngày nay còn có vai trò chiến lược về mặt an ninh trong khu vực Trung Đông, đặc biệt là trong cuộc chiến chống khủng bố Al-Qaeda. Vì thế, ngày nay không chỉ có Mỹ và phương Tây quan tâm Kênh đào Suez, mà còn có Nga và Trung Quốc - 2 thế lực kinh tế, chính trị mới đang lớn mạnh để trở thành đối trọng với Mỹ và phương Tây

Nguyên Khang (theo Asia Times)
.
.