Những bí ẩn trong vụ cướp chuyến xe lửa Kakori

Thứ Ba, 25/12/2018, 16:37
Trưa ngày 9-8-1925, chuyến xe lửa số 8 đang trên đường từ thành phô ëSaharapur đi thành phố Lucknow và lúc gần đến thị trấn Kakori, nay thuộc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, thì 4 người đàn ông ngồi ở toa số 3 đột ngột đứng dậy. Một trong 4 người này là Ram Prasad Bismil, đưa tay kéo chốt hãm dừng tàu khẩn cấp.

Sau đó, cùng với 6 người ở trên các toa khác, Ram Prasad Bismil đã cướp một két sắt chứa 8.000 rupee - là số tiền đang được chuyến đến kho bạc của Chính phủ Anh.

Ram Prasad Bismil là người sáng lập và đồng thời cũng là người lãnh đạo tổ chức Hiệp hội Cộng hòa Hindustan (HRA) với chủ trương giành độc lập cho Ấn Độ từ tay người Anh. Vụ cướp chuyến xe lửa Kakori đã châm ngòi cho nhiều cuộc tranh đấu về sau này…

Vụ cướp và sự ra đời của HRA

Theo các nhân chứng ở toa số 3 thì sau khi kéo chốt hãm tàu khẩn cấp, Ram Prasad Bismil với khẩu súng ngắn Luger trên tay, nói lớn: “Chúng tôi là Hiệp hội Cộng hòa Hindustan. Chúng tôi không làm hại ai cả. Xin quý vị hành khách cứ ngồi yên”. Lái tàu Keshab Murari cho biết có 2 người cầm súng xông vào buồng lái của ông rồi tuyên bố cướp tàu. Ở khoang số 1 và khoang 12, mỗi khoang có 2 nhân viên bảo vệ cũng đều bị khống chế.

Từ trái qua: Bismil, Roshan Singh, Ashfaqullah Khan và Rajendra Nath Lahiri, 4 nhà lãnh đạo HRA bị kết án tử hình.

Khoảng 10 phút sau, nhóm cướp tàu lấy đi một két sắt, bên trong có chứa 8.000 rupee (tiền Ấn Độ). Số tiền này đang được chuyển đến kho bạc của Chính phủ Anh ở thành phố Lucknow. Trước đó, do háo hức vì lần đầu tiên được cầm súng, một thành viên trong nhóm cướp là Manmath Nath Gupta đã bắn một phát thị uy nhưng viên đạn vô tình đã giết chết một hành khách là Ahmed Ali khi ông này xuống tàu để đi tìm vợ ngồi trong khoang dành cho phụ nữ. 

Đây cũng là người duy nhất chết trong vụ cướp. Lấy được két tiền, Bismil cùng các thành viên tẩu thoát. Và trong khi họ chưa kịp dùng số tiền ấy để mua vũ khí phục vụ cho việc chống lại người Anh, giành độc lập cho Ấn Độ thì tất cả đều đã bị bắt.

Ngược dòng thời gian, vào đầu thế kỷ 18, một công ty Anh quốc là Công ty Đông Ấn đã tiến hành đặt các văn phòng đại lý dọc theo duyên hải Ấn Độ, đồng thời giành quyền kiểm soát các cảng biển lớn, trong đó có cả vịnh Bengal, gạt các công ty châu Âu ra ngoài lề. Với lực lượng quân đội của riêng mình, Công ty Đông Ấn đã biến Ấn Độ từ một nước xuất khẩu hàng hóa thành nơi cung cấp nguyên liệu cho Đế quốc Anh. Theo các sử gia, đây là thời kỳ mà chủ nghĩa thực dân bắt đầu hình thành ở Ấn Độ.

Năm 1857, khởi nghĩa Ấn Độ bùng nổ, phát xuất từ sự bất mãn với các chính sách bóc lột của Công ty Đông Ấn. Mặc dù cuộc khởi nghĩa bị đàn áp vào năm 1858 nhưng  nó đã  khiến Công ty Đông Ấn phải giải thế, quyền quản lý tập trung vào tay Chính phủ Anh. Với quyết tâm giành lại độc lập, hàng chục năm sau đó, nhiều phong trào chống đối nổi lên, dẫn đến sự ra đời của Đảng Quốc Đại Ấn Độ vào năm 1885.

Một trong những phong trào chống lại người Anh là Hiệp hội Cộng hòa Hindustan, viết tắt là HRA, do Ram Prasad Bismil sáng lập năm 1922. Sinh ngày 11- 6-1897 tại tỉnh Shahjahanpur, tây bắc Ấn Độ, ngoài tiếng Hindi - là ngôn ngữ phổ thông ở Ấn Độ, Bismil còn đọc thông nói thạo thổ ngữ Urdu và tiếng Anh.

Năm 18 tuổi, lúc vẫn còn là học sinh, Bismil viết một bài thơ bằng tiếng Hindi khi nghe tin nhà tranh đấu Bhai Parmanand bị người Anh kết án tử hình. Nội dung bài thơ thể hiện quyết tâm xóa bỏ sự thống trị của người Anh đối với Ấn Độ. 20 tuổi, ông thành lập một tổ chức cách mạng gọi là “Matrivedi - Bàn thờ Tổ quốc”.

Bằng cách liên kết với Genda Lal Dixit, giáo viên Trường Trung học Auraiya, Bismil và Dixit xây dựng nhóm thanh niên vũ trang Shivaji Samiti, bao gồm những người trẻ tuổi đến từ các quận Etawah, Mainpuri, Agra và Shahjahanpur thuộc tỉnh United (nay là Uttar Pradesh). Tuy nhiên, thay vì đấu tranh giành độc lập, nhóm vũ trang Shivaji Samiti lại chỉ chuyên cướp bóc. Hậu quả là trong một chuyến đi cướp, bị cảnh sát Anh quốc truy đuổi, Bismil phải nhảy xuống sông để trốn thoát, Dixit bị bắt cùng với những người khác và bị giam trong pháo đài Agra.

Bismil phá két đựng tiền cướp được trên chuyến xe lửa Kakori (ảnh do Cảnh sát Anh dựng lại hiện trường.

Suốt năm 1919, Bismil ẩn náu ở nhiều ngôi làng khác nhau trong bang Uttar Pradesh. Đến tháng 2-1920, khi những người bị bắt trong vụ cướp được trả tự do, Bismil trở về nhà ở Shahjahanpur với lời cam kết sẽ không tham gia các hoạt động cách mạng. Tháng 2-1922, cảnh sát giết một số nông dân ở Chauri Chaura. Bị kích động, nông dân tấn công Sở cảnh sát Chauri Chaura, thiêu sống 22 người. Một lần nữa, Bismil lại xuất hiện và lần này, ông cùng những người cùng chí hướng thành lập Hiệp hội Cộng hòa Hindustan(HRA), chủ trương dùng bạo lực để đánh đuổi người Anh ra khỏi Ấn Độ.

Cuối tháng 1-1925, Bismil cho phát hành một cuốn sách nhỏ, có tên là “Cách mạng”, nội dung tương tự như một bản tuyên ngôn của HRA. Và vì không có tiền để mua vũ khí, Bismil quyết định cướp chuyến xe lửa Kakori để lấy tiền. Trước tòa, Raj Kuma Sinha, thành viên của HRA khai: “Bismil đã bỏ ra gần 3 tháng để điều tra về lịch trình chạy tàu, về số lượng nhân viên bảo vệ và thời điểm nào thì xe lửa mang tiền nộp cho kho bạc của Chính phủ Anh”.

Banwari Lal, cũng là thành viên HRA khai: “Có tất cả 10 người tham gia vụ cướp nhưng chỉ 4 người có súng ngắn hiệu Luger do Đức sản xuất, mỗi khẩu súng cũng chỉ có một băng đạn. Số súng này Bismil mua được ở thị trường chợ đen”. Theo dự tính, khi cướp được tiền, tất cả số tiền ấy sẽ được dùng để mua thêm vũ khí vì lực lượng Hiệp hội Cộng hòa Hindustan(HRA) lúc ấy đã lên đến 40 người, chưa kể những người có cảm tình với Hiệp hội.

Cái giá của sai lầm

Ngay sau khi nhận được tin xe lửa Kikori bị cướp và thủ phạm là HRA, cảnh sát Ấn Độ với sự phối hợp của cảnh sát Anh Quốc lập tức tiến hành một chiến dịch truy lùng quy mô trên toàn quốc. 10 tháng sau đó, họ đã bắt gọn 40 thành viên HRA, trong đó có cả Bismil, Ashfaqulla Khan, Roshan Singh và Rajendra Nath Lahiri - là 4 người lãnh đạo HRA, trực tiếp tham gia vụ cướp.

Chuyến xe lửa về đến ga Kakori sau khi bị cướp.

Những người còn lại bị bắt ở 15 bang khác nhau, trong đó bang Shahjahanpur, quê hương của Bismil có số lượng đông nhất là 10 người. Ngoài ra, một số người khác không liên quan cũng bị bắt chỉ vì cảnh sát tìm thấy trong nhà họ có cất giữ cuốn sách “Cách mạng”.

Tháng 8-1927, phiên tòa xét xử Bismil và các thành viên HRA diễn ra. Bismil bị cáo buộc tội danh cướp của, giết người, thành lập tổ chức vũ trang. Giữ quyền công tố tại tòa là Jagat Narayan Mulla, người có mối thù truyền kiếp với Ram Prasad Bismil vì hồi tháng 2-1920, khi trở về nhà ở Shahjahanpur, Bismil đã  cam kết sẽ không tham gia các hoạt động cách mạng nhưng 2 năm sau đó, Bismil vẫn cho ra đời Hiệp hội Cộng hòa Hindustan HRA.

Và mặc dù Jagat Narayan Mulla là anh rể của Pandit Jawaharlal Nehru, người sau này là Chủ tịch Đảng Quốc Đại và là thủ tướng Ấn Độ khi Ấn Độ giành độc lập năm 1947, nhưng Jagat Narayan Mulla lại không hề có một lời bênh vực cho đồng bào mình, và không ngần ngại đề nghị án tử hình cho Bismil cùng  3 nhà lãnh đạo HRA khác

Sau gần nửa tháng tranh tụng, 15 người được thả vì thiếu bằng chứng. Lợi dụng sự sơ hở trong việc canh giữ tại tòa, 5 thành viên HRA trốn thoát trong đó có Chandra Sekhar Azad và Sachindra Bakshi (năm 1928, Chandra Sekhar Azad một mình đứng ra tổ chức lại HRA, quy tụ được hơn 50 người, hoạt động cho đến ngày 27-2-1931. Hôm ấy, sau một cuộc chạm súng dữ dội kéo dài nhiều tiếng đồng hồ tại bang Allahabad với cảnh sát, đến lúc gần hết đạn, Chandra Sekhar Azad giữ đúng lời cam kết là không bao giờ để bị bắt sống thêm một lần nữa, ông tự bắn vào đầu).

Kết thúc phiên tòa, thêm 5 người nữa được tha, trong đó Damodar Swarup Seth được tha vì bị bệnh nặng. Veer Bhadra Tiwari, Jyoti Shankar Dixit và Shiv Charan Lal được tha do thành khẩn khai báo. Banwari Lal và Indu Bhushan Mitra được tha do ăn năn hối cải. Riêng Bismil, Roshan Singh, Ashfaqullah Khan và Rajendra Nath Lahiri - là những người lãnh đạo HRA bị kết án tử hình, những người còn lại lĩnh án tù từ 4 đến 14 năm.

Sau phiên tòa, Bismil, Roshan Singh, Ashfaqullah Khan va âRajendra Nath Lahiri kháng cáo. Ngày 16-9-1927 đơn kháng cáo được chuyển đến Hội đồng Cơ mật ở London, Anh quốc nhưng bị bác.

Và mặc dù được sự ủng hộ của các chính trị gia Ấn Độ nổi tiếng như Motilal Nehru, Muhammad Ali Jinnah, Acharya Narendra Dev, Jawaharlal Nehru và Lala Lajpat, cùng một số các luật sư, đứng đầu là Gobind Ballabh Pant, đề nghị Chính phủ Anh giảm án tử hình xuống còn tù chung thân nhưng ngày 17-12-1927, Lahiri bị treo cổ tại nhà tu âGonda, Ashfaqullah Khan bị treo cổ tại nhà tu âFaizabad. Hai ngày sau, Bismil và Roshan Singh cũng bị treo cổ tại nhà tù Gorakhpur.

Thi thể của Bismil được đưa đến sông Rapti để hỏa táng theo phong tục đạo Hindu. Nơi này hiện nay được gọi là Rajghat, và ngày 19-12 được người Ấn Độ xem là ngày giỗ của ông.

Theo các nhà sử học của cả Anh quốc lẫn Ấn Độ, Hiệp hội Cộng hòa Hindustan HRA tuy đạt được tính chính danh nhưng đường hướng hoạt động lại gặp phải nhiều sai lầm. Việc tổ chức cướp bóc và nhất là vụ cướp chuyến xe lửa Kakori dẫn đến một người chết do lạc đạn đã là cái cớ để cảnh sát Anh quốc ở Ấn Độ liệt HRA vào hàng lục lâm thảo khấu.

Trong cuốn sách nói về phong trào HRA, nhà sử học Anh quốc Williams Cromwell viết: “Bismil không tin vào sự thay đổi bằng giải pháp chính trị. Ông cho rằng chỉ có đấu tranh vũ trang mới là cách giải quyết tốt nhất, là con đường ngắn nhất để giành lại Ấn Độ từ tay người Anh. Và để có vũ khí đấu tranh vũ trang, ông đã chọn con đường… đi cướp nên vô hình trung, tính chính danh của HRA đã bị triệt tiêu!”.

Bên cạnh đó, một số sử gia khác cũng cho rằng yếu điểm của Bismil là không định hướng được việc tuyển mộ thành viên bởi lẽ xã hội Ấn Độ phân chia thành nhiều giai cấp, gồm quý tộc, tăng lữ, tướng lĩnh, sĩ quan quân đội, thương gia và cuối cùng mới đến dân nghèo.

Trong các giai cấp này, Bismil không biết phải chọn ai nên không có đối tượng cụ thể để tuyên truyền, dẫn đến số người tham gia HRA rất ít ỏi, chưa kể chủ trương giành độc lập bằng biện pháp đấu tranh vũ trang nhưng trong 40 thành viên của HRA, chẳng ai có chút kiến thức gì về quân sự… Tuy vậy,  vụ cướp chuyến xe lửa Kakori với mục đích lấy tiền mua vũ khí đã châm ngòi cho rất nhiều các cuộc đấu tranh về sau này, dẫn đến Ấn Độ giành được độc lập năm 1947. 

Vũ Cao (theo History)
.
.