Những bí mật trong “Hợp đồng thế kỷ” Al - Yamamah

Thứ Năm, 28/06/2007, 09:30
Ngày 7/6, Đài BBC và tờ báo Guardian đã gây xôn xao dư luận ở nước Anh sau khi đồng loạt tiết lộ những bí mật thu thập được (BBC và Guardian đều có cuộc điều tra riêng) liên quan đến hợp đồng mua bán vũ khí lớn nhất thế kỷ XX của nước Anh với Arập Xêút.

Bản hợp đồng mang biệt danh Al-Yamamah kéo dài hơn 20 năm qua, trong đó công ty sản xuất vũ khí hàng đầu nước Anh BAE Systems đã "lại quả" hàng tỉ bảng Anh cho các Hoàng tử Arập Xêút thông qua các quỹ và tài khoản bất minh.

Vụ việc đang  khiến cho nước Anh khó ăn khó nói với OECD (Tổ chức Hợp tác phát triển châu Âu) - cơ quan giám sát việc thực thi chống tham nhũng ở châu Âu.

Vài nét về “hợp đồng thế kỷ” Al-Yamamah

Theo Wikipedia, Al-Yamamah là thỏa thuận mua bán vũ khí giữa 2 chính phủ Anh và Arập Xêút, Công ty BAE Systems (tiền thân là Công ty British Aerospace) là nhà thầu được chỉ định triển khai thực hiện hợp đồng.

Sau khi nhận hợp đồng, BAE Systems phân bổ cho nhiều nhà thầu con sản xuất ở ngay trên đất Arập Xêút để tiện cho việc giao hàng. Tổng cộng, có khoảng 5.000 công nhân của BAE Systems và các nhà thầu con tham gia sản xuất cho hợp đồng Al-Yamamah.

Hợp đồng Al-Yamamah chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I (còn gọi là Al-Yamamah I) được ký kết lần đầu vào tháng 9-1985, bắt đầu giao lô hàng đầu tiên vào năm 1989, bao gồm hàng trăm phương tiện khí tài hiện đại, có cả các tên lửa Sea Eagle chống tàu chiến và ATARM chống radar, và các hệ thống cơ sở hạ tầng bảo vệ sân bay.

Hợp đồng Al-Yamamah II được ký kết vào tháng 7/1988 tại Bermuda giao hàng trong 8 năm (1990-1998). Tổng giá trị của 2 hợp đồng này là trên 43 tỉ bảng Anh, theo thỏa thuận sẽ được  Arập Xêút chi trả bằng một lượng dầu hỏa có giá trị tương đương, mỗi ngày giao 600.000 thùng.

Hoàng tử Sultan bin Abdul Aziz.

Tháng 12/2005, Chính phủ Anh và Arập Xêút tiếp tục ký một “Văn kiện hiểu biết” về việc mua bán khí tài quân sự. Ngày 18/8/2006, bản hợp đồng Al-Yamamah III được ký kết.

Nội dung của hợp đồng thứ 3 này đã được giữ bí mật gần như tuyệt đối, hơn cả hồ sơ về việc xây dựng các tòa nhà trụ sở của MI-5 và MI-6. Tuy vậy, những thông tin rò rỉ từ nội bộ BAE Systems cho biết, hợp đồng Al-Yamamah III có tổng trị giá bằng tiền hơn 10 tỉ bảng Anh, trong đó có đơn đặt hàng 72 chiếc máy bay tiêm kích thế hệ mới Eurofighter Typhoon trị giá 5,2 tỉ bảng, và nhiều tàu chiến, thiết bị khí tài quân sự tối tân.

Hợp đồng thứ 3 này vẫn được thanh toán bằng dầu hỏa, giao hàng mỗi ngày như các hợp đồng cũ. Ngoài ra, ngày 10/9/2006, BAE Systems còn nhận được hợp đồng nâng cấp 80 chiếc máy bay Tornado IDS cho Không lực Hoàng gia Arập Xêút (RSAF) trị giá 2,5 tỉ bảng.

Sẽ không có chuyện gì đáng nói nếu như trong việc vận động hậu trường và ký kết các văn kiện mua bán vũ khí liên quan các hợp đồng Al-Yamamah không có sự nhúng tay của vài nhân vật trung gian trong Hoàng gia Arập Xêút, mà người được nêu danh nhiều nhất chính là Hoàng tử Bandar bin Sultan, cựu Đại sứ Arập Xêút tại Mỹ.

Bandar bin Sultan – bạn của các nguyên thủ

Hoàng tử Bandar bin Sultan là một trong những người con trai của Hoàng thân Sultan bin Abdul Aziz (Hoàng thân Sultan nắm giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Arập Xêút từ khi vua Fahd còn sống.

Sau khi Hoàng thái tử Abdullah bin Abdul Aziz lên ngôi vua, Sultan tiếp tục nắm chức Bộ trưởng Quốc phòng, đồng thời được tấn phong Hoàng thái tử - sẽ được nối ngôi nếu Vua Abdullah qua đời).

Bandar sinh ngày 2/3/1949 tại làng Taif, Arập Xêút. Mặc dù mẹ ông là một nô lệ của gia đình, được Sultan chọn làm tì thiếp, nhưng theo luật Hồi giáo Sharia, Bandar vẫn được hưởng các quyền lợi bình đẳng với các anh em trai khác trong Hoàng tộc, và được cho đi học tại các trường hiện đại và danh tiếng trên thế giới.

Sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Cranwell thuộc Không lực Hoàng gia Anh (RAF), Bandar gia nhập RSAF và đeo quân hàm trung úy, phục vụ 17 năm với vai trò phi công lái máy bay chiến đấu.

Sau đó, Bandar tham gia các lớp đào tạo chuyên tu tại Căn cứ Không quân Maxwell (Mỹ) và Trường cao đẳng Công nghiệp Quân sự (Anh) trước khi theo học và tốt nghiệp thạc sĩ Chính sách công quốc tế tại Trường Quốc tế nâng cao Paul H. Nitze thuộc Đại học John Hopkins (Mỹ).

Năm 1978, Bandar bắt đầu vào nghề ngoại giao bằng cú làm ăn đầu tiên trong đời: vận động hành lang để Quốc hội Mỹ chấp thuận bán máy bay chiến đấu F-15 cho Arập Xêút.

Cần biết rằng, đây là phi vụ vô cùng khó khăn bởi Washington thời điểm đó rất thân Israel, không chấp nhận bán vũ khí cho bất cứ quốc gia nào thù nghịch với Israel trong khi Arập Xêút lại thuộc khối Arập Hồi giáo tẩy chay Israel.

Sau thành công đó, Bandar được cử sang Washington làm đại sứ vào năm 1983 và giữ chức vụ này suốt 22 năm cho đến tháng 6/2005 thì về nước đảm nhiệm chức vụ mới, quan trọng hơn. Ngày 16/10/2005, Hoàng tử Bandar được Vua Abdullah bin Abdul Aziz bổ nhiệm làm Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia.

Khu điền trang 810 hécta của Bandar ở Glympton, Oxfordshire (Anh).

Trong thời gian làm đại sứ tại Mỹ, Bandar nổi tiếng là “bạn của các nguyên thủ” bởi ông đã tạo được mối quan hệ thân thiết với cả Tổng thống George H.W. Bush (cha) lẫn George W. Bush, các gia đình Thủ tướng Anh Thatcher và Tony Blair, và gia đình Phó tổng thống Mỹ Dick Cheney. (đương kim Tổng thống Mỹ W. Bush từng gọi Bandar bằng cái tên thân mật “Bandar Bush”) Bandar chính là sợi dây gắn kết mối quan hệ mật thiết giữa Hoàng gia Arập Xêút với nước Mỹ.

Trong quyển sách nhan đề "Plan of Attack", nhà báo Bob Woodward của tờ Washington Post còn tiết lộ rằng, vào tháng 1/2003, Đại sứ Bandar đã được cho xem trước bản kế hoạch tấn công Iraq của Lầu Năm Góc.

Sau đó, Bandar đã bảo đảm với Washington rằng Riyadh sẽ hỗ trợ bằng cách tăng sản lượng dầu để đối phó với giá dầu tăng cao do ảnh hưởng của cuộc chiến.--PageBreak--

Và cú làm ăn thế kỷ

Theo tài liệu lưu trữ của Bộ Quốc phòng Anh, nhờ thành công với hợp đồng mua máy bay chiến đấu F-15, uy tín và tài ngoại giao của Bandar đã được người Anh đánh giá rất cao, và ông được xem là nhà trung gian lý tưởng cho hợp đồng Al-Yamamah.

Tháng 8/1984, Arập Xêút có vẻ sắp mua loại máy bay Mirage của Pháp, vì thế Bộ trưởng Michael Heseltine đã bay khẩn cấp sang Riyadh mang theo một bức thư của Thủ tướng Margaret Thatcher trình lên Vua Fahd.

Tháng 12/1984, Thủ tướng Thatcher trực tiếp vận động Hoàng tử Bandar - khi đó mới vừa được bổ nhiệm sang Washington làm đại sứ Arập Xêút - yêu cầu ông tham gia làm trung gian thương lượng.

Tháng 4/1985, Thủ tướng Thatcher bay sang Riyadh để hội đàm với Vua Fahd. Ngay sau đó, Bandar bay sang London để thảo luận các chi tiết hợp đồng với Charles Powell (thư ký riêng kiêm cố vấn cao cấp của bà Thatcher), Colin Chandler (Cục trưởng Cục Dịch vụ Xuất khẩu Quốc phòng, DESO, thuộc Bộ Quốc phòng) và Dick Evans (Chủ tịch BAE).

Tháng 8/1985, với tư cách là sứ giả của Vua Fahd, Bandar đã bay sang Salzburg (Áo), nơi bà Thatcher nghỉ mát, để trao bức thư quyết định cuối cùng của Vua Fahd trong đó ông đồng ý mua 48 chiếc Tornado và 30 chiếc Hawk.

Đây chính là hợp đồng đầu tiên Al-Yamamah I. Bandar tiếp tục đóng vai trò trung gian chủ chốt trong việc ký kết các hợp đồng tiếp theo (Al-Yamamah II và III).

Xin nói thêm, một mình Bandar cũng chưa chắc thành công trong việc thuyết phục Vua Fahd chấp thuận mua vũ khí của Anh nếu không có sự giúp sức của cha mình là Bộ trưởng Quốc phòng Sultan bin Abdul Aziz.

Đường đi của “hoa hồng" và cuộc điều tra không bao giờ kết thúc

Cả tờ Guardian ngày 7/6/2007 và chương trình BBC Panorama phát sóng ngày 11/6/2007, tiết lộ rằng Hoàng tử Bandar đã nhận “hoa hồng” từ BAE Systems số tiền lên đến trên 1 tỉ bảng Anh, chia ra mỗi quý chi trả 120 triệu bảng và chi liên tục trong 10 năm.

Riêng tờ Guardian đã tính toán tổng cộng số tiền "lại quả" mà BAE Systems đã chi, với sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng Anh và thông qua nhiều kênh khác nhau, lên tới trên 6 tỉ bảng (khoảng trên 12 tỉ USD).

Ngoài Bandar, BAE Systems còn hối lộ cho Hoàng tử Turki bin Nasser – người đứng đầu RSAF – và cha của Bandar là Bộ trưởng Quốc phòng Sultan bin Abdul Aziz, và một số người khác nữa trong Hoàng gia Arập Xêút.

Theo Guardian và BBC Panorama, tiền chung chi cho Bandar được chuyển vào các tài khoản của đại sứ mở tại Ngân hàng Riggs ở Washington D.C (từng bị tai tiếng là nơi chứa tài khoản bất minh của các chính khách tham nhũng trên thế giới như cựu độc tài Chile Augusto Pinochet).

Theo Guardian, Bandar hiện đang sở hữu nhiều bất động sản ở nước ngoài, trong đó đáng chú ý là khu dinh thự rộng 20 hécta ở Aspen, bang Colorado (Mỹ), và nhất là điền trang rộng 810 hécta ở Glympton, Oxfordshire (Anh).

Hai bất động sản này hiện có giá từ 130 triệu đến 150 triệu USD mỗi cái, được cho là tài sản Bandar mua sắm từ tiền chung chi của BAE Systems. Để có được khoản tiền chung chi lớn như thế, BAE Systems đã kê giá hợp đồng Al-Yamamah I và II lên đến 32%.

Cũng tờ Guardian cho biết, BAE Systems đã ngụy trang các khoản chung chi bất chính bằng cách lập ra quỹ đen và chi thông qua một số công ty bình phong ở hải ngoại.

Phần lớn số tiền "lại quả" được chi thông qua Công ty Robert Lee International Limited, hơn 1 tỉ bảng chi thông qua Công ty Poseidon, còn các khoản “bao trọn gói” cho Hoàng tử Turki bin Nasser thì thông qua công ty Travellers World Limited.

Ngoài ra còn có một số khoản chi được chuyển vào các tài khoản ở Ngân hàng Thụy Sĩ. Tất cả đều được thể hiện trên sổ sách là chi “dịch vụ đặc biệt” hoặc “dịch vụ tiếp thị”.

Một tiết lộ đáng chú ý của tờ Guardian là, mọi khoản chung chi của BAE Systems đều phải thông qua DESO (Cục Xuất khẩu vũ khí Bộ Quốc phòng Anh) và phải được cơ quan này duyệt mới được chi!

Thật ra, các cáo buộc tham nhũng và hối lộ đã bắt đầu xuất hiện vài tuần sau khi hợp đồng Al-Yamamah I được ký kết. Tuy nhiên, cho đến khi các hợp đồng Al-Yamamah I và II kết thúc, các cơ quan chống tham nhũng của Anh cũng chưa hề tiến hành cuộc điều tra chính thức nào!

Vào năm 1992, Văn phòng Kiểm toán quốc gia (NAO) đã từng tiến hành điều tra các cáo buộc tham nhũng nhưng bản báo cáo sau đó đã không được công bố do Chính phủ Anh lo ngại rằng, bản báo cáo có thể làm phật lòng Hoàng gia Arập Xêút, gây phương hại đến bản hợp đồng Al-Yamamah II đang triển khai.

Tháng 2/2001, Edward Cunningham – một cựu nhân viên của BAE Systems – tố giác với Văn phòng Chống gian lận nghiêm trọng (SFO) về những khoản chi trả bất minh của BAE Systems.

Lời tố giác đó đã không được đáp lại, vì SFO sau đó đã viết thư cho chuyên viên của Bộ Quốc phòng Kevin Tebbit và ông này lại thông báo sự việc cho BAE Systems biết để... đề phòng.

Tuy nhiên, ngày 11/9/2003, bằng cách nào đó, bức thư của SFO lại được rò rỉ trên tờ báo Guardian. Ngay hôm sau, SFO buộc phải tiến hành cuộc điều tra đầu tiên về Al-Yamamah.

Tháng 10/2004, chương trình Money Program của Đài BBC lại cho phát một phóng sự điều tra với lời tố giác của Cunningham cùng với một cựu nhân viên khác của BAE Systems về việc công ty này đã lập quỹ đen để “bao trọn gói” các chuyến công du của Hoàng tử Turki bin Nasser, người đứng đầu RSAF.

Tháng 11/2004, 2 nhân vật liên can đã bị bắt giữ theo Phần 12 của Luật Chống khủng bố, Tội phạm và An ninh ban hành năm 2001.

Cuộc điều tra của SFO đang trôi chảy bỗng gặp trục trặc khi BAE Systems tiến hành thương lượng hợp đồng Al-Yamamah III. Ngày 1/12/2006, Hoàng gia Arập Xêút đánh tiếng “dọa” sẽ cắt hợp đồng mua máy bay Eurofighter Typhoon nếu SFO tiếp tục cuộc điều tra đối với Al-Yamamah.

Lời đe dọa đó được “phụ họa” bởi tuyên bố ngay sau đó của Hãng Dassault (Pháp) rằng họ “sắp ký được hợp đồng với Arập Xêút. Thế là, ngày 14/12/2006, Tổng chưởng lý Anh Lord Goldsmith ra thông báo đình chỉ cuộc điều tra của SFO. Trước đó 2 ngày, 15 thành viên của nhóm điều tra đã được yêu cầu giao nộp toàn bộ hồ sơ điều tra.

Thông báo của Lord Goldsmith lập tức gây phản ứng gay gắt từ dư luận. Cả Lord Goldsmith và Thủ tướng Anh Tony Blair đều biện giải rằng, cuộc điều tra buộc phải bị đình chỉ vì lợi ích an ninh của nước Anh, và để ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn mối quan hệ chiến lược giữa Anh và Arập Xêút.

Tuy nhiên, lời biện bạch đó không thể thuyết phục được OECD. Cơ quan này đã lên tiếng phản đối việc nước Anh bao che cho các hành vi tham nhũng và hối lộ, đi ngược lại các cam kết chống tham nhũng (mà nước Anh là một thành viên ký kết). OECD hiện đang tiến hành điều tra về những vấn đề liên quan đến việc Lord Goldsmith đình chỉ cuộc điều tra của SFO

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.