Những cái chết khó hiểu của một số sĩ quan tình báo Tây Đức năm 1968

Thứ Hai, 05/11/2007, 14:29
Chiều chủ nhật 8/10/1968, xác của Hermann Ludke, 52 tuổi, Phó Đô đốc Hải quân Tây Đức, nguyên Cục phó Cục tình báo thông tin (SHAPE) của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), được phát hiện gần một bụi cây trong trang trại của một người bạn tại hạt Tier, cách Bonn 35km, trên tay còn nắm chặt khẩu súng săn hai nòng loại Mauser. Đây là cái chết do gặp tai nạn khi sử dụng súng hay tự tử hoặc bị giết chết?

Phó đô đốc Hermann Ludke sinh năm 1918 tại thành phố Duisburg ở miền Bắc nước Đức trong một gia đình quân nhân. Năm 1939, khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, Ludke gia nhập Hải quân Đức Quốc xã.

Khi chiến tranh kết thúc, do có kỹ năng hàng hải và không tham gia trực tiếp chiến đấu nên Ludke được chuyển tiếp phục vụ trong Hải quân Tây Đức. Năm 1963, Ludke được phong quân hàm Phó đô đốc và được giao nhiệm vụ thành lập đơn vị  tình báo đầu tiên của hải quân.

Đến năm 1966, Ludke được bổ nhiệm làm Cục phó Cục Tình báo thông tin của NATO, nhiệm vụ mà ông đảm nhiệm đến ngày 1/10/1968, khi bị đình chỉ chức vụ để điều tra về tội làm điệp viên nội gián cho tình báo Liên Xô. Được tạm tha sau 2 ngày thẩm vấn, Ludke bị quản thúc tại gia cho đến khi xảy ra cái chết khó hiểu của ông 1 tuần sau đó.

Trong khi cuộc điều tra về cái chết của Phó đô đốc Ludke đang được triển khai bởi cảnh sát và Cơ quan Phản gián Tây Đức (FCS) thì đến ngày 12/10/1968 lại xảy ra cái chết khó hiểu của tướng Horst Wendland, 54 tuổi, Phó giám đốc Cơ quan Tình báo liên bang Đức (FIS), tổ chức tình báo của Tây Đức được xây dựng theo mô hình Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Tướng Wendland được phát hiện chết tại phòng làm việc trong căn hộ của gia đình tại thủ đô Bonn.

Thông báo sau đó của Chính phủ Tây Đức cho biết, tướng Wendland đã sử dụng súng để tự tử do mắc bệnh nan y làm suy sụp tinh thần của ông.

Chưa hết, chỉ 3 ngày sau khi xảy ra cái chết của tướng Wendland, lại tiếp tục xảy ra cái chết của Trung tá Johanne Grimm, 39 tuổi, sĩ quan của Cơ quan Tình báo quân đội Tây Đức (DAIS).

Vụ tự tử của Trung tá Johanne Grimm.

Grimm được phát hiện chết ngay trên ghế ngồi trước tay lái của chiếc xe Wolswagen tại một xa lộ cách thủ đô Bonn 12km. Thông báo của Chính phủ Tây Đức cho biết, nạn nhân đã tự tử khi biết rằng bị bệnh nan y khó chữa trị được.

Ba cái chết được xác định là do tự tử của các sĩ quan tình báo cao cấp Tây Đức xảy ra trong vòng 5 ngày đã khiến dư luận Tây Đức và cộng đồng tình báo quốc tế phải quan tâm, nhất là vào thời kỳ cao trào của Chiến tranh lạnh. Chính phủ Tây Đức lúc đó kiên quyết không tiết lộ bất cứ chi tiết nào liên quan đã khiến cho các vụ việc chìm vào quên lãng để trở thành một bí ẩn của ngành tình báo Tây Đức.

Gần 30 năm sau đó, năm 1998, cái chết bí ẩn của 3 sĩ quan tình báo cao cấp Tây Đức mới được làm sáng tỏ qua tiết lộ của Phó đô đốc Gert Jeschonnek, nguyên Giám đốc FCS.

Theo tiết lộ của Jeschonnek, cả Ludke, Wendland và Grimm đều là điệp viên nội gián làm việc cho tình báo Liên Xô. Trong khi Wendland được tình báo Liên Xô tuyển dụng từ năm 1943 thì Ludke được tuyển dụng vào năm 1952, còn Grimm được tuyển dụng vào năm 1962. Suốt một thời gian dài, cả 3 điệp viên nội gián này đều giữ bí mật về hoạt động điệp báo của mình và không để lộ bất cứ sai sót nào, cho đến khi một điệp viên Liên Xô tên Bogdan Stashinsky đào thoát vào năm 1967 và đầu thú với CIA.

Từ tiết lộ của Stashinsky, CIA mới hốt hoảng khi biết rằng có đến 3 sĩ quan tình báo cao cấp Tây Đức đang hoạt động nội gián cho tình báo Liên Xô, trong đó có trường hợp đặc biệt của Phó đô đốc Ludke đang giữ chức vụ Phó giám đốc Cơ quan Tình báo thông tin của NATO, người nắm rất rõ về hệ thống mật mã truyền tin tối mật của NATO, địa điểm các kho vũ khí hạt nhân của NATO tại châu Âu...

Đến ngày 1/10/1968, Phó đô đốc Ludke bị đình chỉ chức vụ, tạm giữ để thẩm vấn. Khi tổ chức lục soát nhà và nơi làm việc của Ludke, các nhân viên điều tra đã thu giữ được một cuộn phim lấy ra từ một máy ảnh hiệu Minox. Trong cuộn phim này chứa nhiều tài liệu đóng dấu tuyệt mật và mật của Cục Tình báo thông tin NATO. Tuy nhiên, Ludke cho rằng đó không phải là chiếc máy ảnh của ông và có thể là một âm mưu ném đá giấu tay để mưu hại ông. Sau 2 ngày bị thẩm vấn, Ludke tiếp tục bị quản thúc và đã tự sát (?! ).

Theo điều tra của FCS thì Ludke không chết vì tự tử hay do súng cướp cò mà là bị giết chết, thủ phạm có thể là một sát thủ của NATO. Là một tay súng thiện xạ, Ludke không thể để súng cướp cò. Vì vậy, FCS cho rằng NATO đã cho người giết chết Ludke khi biết ông làm điệp viên nội gián của tình báo Liên Xô.

Về hai cái chết của tướng Wendland và Trung tá Grimm, FCS xác định là do tự tử vì đã bị lộ chân tướng từ khai báo của điệp viên đào thoát Stashinsky. Biết sẽ bị bắt giữ nên cả hai lần lượt chọn biện pháp chối bỏ tội trạng bằng cách dùng súng tự tử. Tuy nhiên, để giấu nhẹm vụ tai tiếng điệp viên nội gián này, Chính phủ Tây Đức đã ra thông báo, đây là những vụ tự tử do nạn nhân biết đang mắc bệnh nan y khó chữa

V.H. (theo Spy Eyes)
.
.