Những điệp viên hàng đầu của tình báo Xô Viết tại Israel
- Siêu điệp viên Liên Xô Gordon Lonsdale
- Điệp viên Liên Xô bị thất sủng
- Cha đẻ thuyết tương đối và mối tình với nữ điệp viên Liên Xô
Những thông tin quan trọng còn lại thường được Moskva chuyển giao cho các đồng minh Arab, giúp họ có thể đối đầu hiệu quả hơn với quốc gia Do thái trong các cuộc chiến nổ ra tại khu vực. Trên thực tế, Liên Xô có 2 điệp viên đáng chú ý nhất tại mặt trận này …
Yisrael Bar – Điệp viên nổi tiếng nhất
Ông ta là điệp viên duy nhất của Liên Xô có khả năng xâm nhập sâu vào hàng ngũ giới lãnh đạo chính trị-quân sự của Israel: kết bạn với Thủ tướng David Ben-Gurion, tiếp cận được các tài liệu bí mật của quốc gia này và chỉ chút nữa đã trở thành phó tổng tham mưu trưởng quân đội. Ngay cả sau khi đã nghỉ hưu, Bar vẫn được đánh giá là một chuyên gia và nhà nghiên cứu sử học quân sự hàng đầu.
Các nhà nghiên cứu cho tới hiện nay vẫn chưa thể thống nhất được về chân dung thực sự của Yisrael Bar, cho dù đã trải qua cả nửa thế kỷ sau cái chết của ông trong tù. Câu trả lời chuẩn xác cho những nghi vấn trên có lẽ chỉ nằm trong những tài liệu có dấu tuyệt mật trong kho lưu trữ của KGB. Những thông tin ban đầu cho biết, vào cuối hè năm 1938, sau khi phát xít Đức thôn tính nước Áo láng giềng, tại Jerusalem xuất hiện một chàng trai đeo kính đến từ Vienna, tự xưng là George Bar.
Yisrael Bar. |
Sau khi đổi tên thành Yisrael, anh ta vào học tại Đại học Do thái, đồng thời gia nhập tổ chức quân sự bí mật Haganah của người Do thái. Theo lời kể của Bar với những đồng đội mới, anh ta là một cựu sĩ quan quân đội Áo, từng tham gia cả cuộc nội chiến Tây Ban Nha và chỉ huy cả một tiểu đoàn.
Rất nhanh chóng, những kiến thức khá rộng của Bar về lịch sử quân sự, khả năng phân tích và tư duy mang tầm chiến lược của anh đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của nhiều lãnh đạo cao cấp của quân đội Israel về sau này – trong đó đáng chú ý có cả người sáng lập ra Haganah là Eliyahu Golomb và hai chỉ huy cao cấp khác là Yaakov Dori và Yigael Yadin, hai tổng tham mưu trưởng đầu tiên của Israel.
Cho đến năm 1949, Bar đã là chỉ huy Ban kế hoạch tác chiến trong Bộ tổng tham mưu quân đội Israel, đồng thời là trợ lý thân cận nhất của tướng Yigael Yadin – nhà lãnh đạo trẻ tuổi thứ hai trong lịch sử tại cơ quan quân sự trọng yếu này của Israel. Dưới sự nâng đỡ của tướng Yadin, Bar đã nỗ lực hết sức để hy vọng trở thành nhân vật phó của ông ta. Việc bổ nhiệm đáng tiếc đã bị hủy bỏ vào đúng thời khắc cuối cùng vì một số nguyên nhân chính trị.
Bar có mối quan hệ quá thân cận với giới lãnh đạo của Đảng công nhân thống nhất Mapam theo đường lối cánh tả. Hậu quả khiến cho Bar buộc phải rời khỏi quân đội, dù cả đến thập kỷ sau (trước khi bị bại lộ vào đầu những năm 1960) ông vẫn được coi là một nhân vật rất có ảnh hưởng trong giới chức tướng lĩnh quân sự.
Báo chí Israel đưa tin về vụ bắt giữ Yisrael Bar. |
Vào tháng 7 năm 1962, tức là sau khi Bar đã bị phát hiện, ra tòa và thú nhận mọi chuyện, một tạp chí của Thụy Sĩ cho đăng tải một bài phỏng vấn nhà văn người Anh Bernard Hutton, tác giả của nhiều cuốn sách có giá trị về đề tài tình báo, đồng thời cũng là một cựu điệp viên Xôviết, người khẳng định đã từng quen biết với Yisrael Bar. Cụ thể theo lời Hutton, cả hai vào năm 1934 từng sống trong một ký túc xá dành cho các thành viên Quốc tế cộng sản tại Moskva. “Đồng chí Kurt”, tên gọi khi đó của Bar không phải là người Do thái, mà là một đảng viên Đảng cộng sản Áo. Kurt được giới lãnh đạo đánh giá khá cao, và được tuyển chọn đặc biệt để đào tạo cho một sứ mạng bí mật.
Ngay từ đầu những năm 1930, sau hai năm được huấn luyện, Kurt được cử tới Vienna. Cho đến khi Hutton gặp lại anh ta tại Vienna, Kurt đã trở thành một trong những điệp viên hàng đầu của tình báo Liên Xô tại Áo. Vài năm sau, Kurt được gửi tới Tây Ban Nha, sau đó quay lại Vienna, đảm trách việc lãnh đạo mạng lưới tình báo tại thủ đô nước Áo. Hutton còn khẳng định, Yisrael Bar trên thực tế là người Do thái, từng học tại Đại học tổng hợp Berlin, vào năm 1938 đã chạy trốn tới Vienna trước nguy cơ thanh trừng của phát xít Đức rồi mất tích. Kurt được cho là đã lấy danh tính của chính nhân vật này.
Isser Harel, chỉ huy bộ phận an ninh của Haganah (về sau trở thành giám đốc cơ quan tình báo Mossad) đã nghi ngờ Bar từ giữa những năm 1950. Tuy nhiên vào thời điểm đó, Bar đã trở thành một diễn giả khá nổi tiếng cả trong và ngoài nước, phụ trách nhiều chuyên mục bình luận quân sự trên nhiều tờ báo khác nhau.
Bar còn thử sức mình cả trong chính trị, trở thành ứng cử viên của đảng Mapam trong cuộc bầu cử đầu tiên vào quốc hội Israel, dù không thể thắng cử. Lên nắm quyền điều hành Khoa lịch sử quân sự thuộc Trường đại học Tổng hợp Tel-Aviv, Bar bắt đầu thiết lập được mối quan hệ khá chặt chẽ với giới lãnh đạo quân đội Tây Đức, tìm mọi cách trở thành người điều phối hoạt động hợp tác giữa các cơ quan mật vụ Israel và Tây Đức.
Dù bị nghi ngờ từ lâu, nhưng nguyên nhân bại lộ của Bar bắt nguồn từ một sự việc khá tình cờ. Sau khi phản gián Israel phát hiện một nhà thờ tại khu vực Abu Kabir là một điểm gặp gỡ của các điệp viên KGB, họ bí mật tổ chức theo dõi thường xuyên. Kết quả đã phát hiện Bí thư thứ hai của đại sứ quán Liên Xô Vladimir Sokolov trao cặp tài liệu cho một người Israel nào đó, được xác định sau đó chính là Bar.
Trong quá trình thẩm vấn, ông ta chỉ thừa nhận được điệp viên Sergey Losevy, dưới vỏ bọc phóng viên Hãng thông tấn TASS của Liên Xô, tuyển mộ từ năm 1956. Bar thú nhận đã chuyển giao cho Moskva nhiều tài liệu quan trọng, chẳng hạn như thông tin chi tiết về căn cứ quân sự của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tin tức về vụ bắt giữ Bar đã gây ra một cơn sốc thực sự tại Israel. Tờ Maariv đã đặt tít bài viết là “Sét đánh ngang tai”, tạp chí “HaOlam HaZeh” còn phát hành cả một số riêng về đề tài trên. Năm 1962, Bar phải nhận bản án 10 năm tù. Đơn kháng án của ông không những không được chấp nhận mà còn khiến bản án tăng thêm 5 năm. Trong tù, Bar còn kịp viết cuốn sách cuối cùng của mình với nhan đề “An ninh Israel: hôm qua, hôm nay và ngày mai”. Điệp viên nổi tiếng hàng đầu của Liên Xô tại Israel qua đời trong tù vào tháng 5 năm 1966 vì một cơn đột quỵ.
Shabtai Kalmanovich – Điệp viên thành công nhất
Thua kém Yisrael Bar về mức độ nổi tiếng trên chính trường Israel, nhưng Shabtai Kalmanovich lại nổi trội hơn nhờ sự hiệu quả và cả… khả năng kinh doanh. Kalmanovich sinh năm 1947 tại Kaunas (Litva). Ông lọt vào mắt xanh của KGB kể từ khi gia nhập Trường đại học Bách khoa Kaunas. Rời khỏi ghế đại học, ông có một năm phục vụ trong quân đội, trước khi được cử đi đào tạo tại trường tình báo của KGB.
Shabtai Kalmanovich (trái) và Berel Lazar - nhà lãnh đạo cộng đồng Do thái giáo tại Nga (ảnh chụp năm 2004). |
Năm 1971, gia đình Kalmanovich hồi hương về Israel, trước khi ông tiếp tục vào học tại Đại học Tổng hợp Jerusalem, đồng thời bắt đầu bước chân vào kinh doanh. Hoạt động tình báo vốn cần có không ít tiền, còn bản thân tiền bạc cũng phải được hợp thức hóa. Kalmanovich khởi nghiệp tại châu Phi và nhanh chóng kiếm được hàng triệu đôla. Ông quay trở về Israel, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao đang rất hứa hẹn vào lúc bấy giờ.
Trong khi các công ty của Kalmanovich chế tạo và buôn bán đồ điện tử, ông tiếp tục đầu tư vào ngành công nghệ sinh học của Israel. Trong suốt 12 năm hoạt động cho tình báo Xôviết (từ năm 1974 cho tới khi bị bắt vào năm 1986), Kalmanovich đã chuyển cho Moskva rất nhiều thông tin có giá trị về các công nghệ mới nhất của Israel. Vụ bắt giữ nhà triệu phú này cũng là một thông tin gây bất ngờ lớn trong cộng đồng kinh doanh và nghiên cứu khoa học tại Israel.
Hiện vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân nào đã dẫn tới việc Kalmanovich bị bắt giữ, khi cơ quan phản gián Israel không tiết lộ bất cứ thông tin nào cho tới thời điểm này. Các chuyên gia về cơ bản vẫn cho rằng, đó không phải là lỗi của bản thân ông, mà rất có thể cuộc khủng hoảng sâu sắc của Liên Xô từ đầu những năm 1980 đã dẫn tới kết cục này. Một trong những giả thuyết cụ thể là một điệp viên Xôviết nào đó đã tiết lộ về Kalmanovich. Nhân vật này sắp kết thúc nhiệm kỳ công tác tại đây, dù rất mong tiếp tục được sống tại Israel. Kết quả là anh ta đã thỏa thuận với Cơ quan an ninh Shin Bet, khai báo một điệp viên quan trọng của Liên Xô để đổi lấy quốc tịch Israel.
Thi thể Shabtai Kalmanovich được đưa ra khỏi xe sau vụ ám sát ngay tại trung tâm Moskva vào năm 2009. |
Năm 1987, Kalmanovich ra tòa và nhận bản án 9 năm tù vì tội hoạt động gián điệp. Việc Tổng thống Gorbachev khi đó đã công khai đề nghị sự khoan hồng từ phía Israel thậm chí được coi là có hại hơn đối với Kalmanovich. Vấn đề là ở chỗ, trong khi Moskva khẳng định rằng, điệp viên này chỉ chuyển giao cho Liên Xô “một vài công nghệ không đáng kể”, sự can thiệp trực tiếp của nguyên thủ quốc gia này đã gián tiếp nhấn mạnh tầm quan trọng của Kalmanovich.
Đến năm 1993, Kalmanovich được ân xá và trả tự do, nhiều khả năng do một thỏa thuận nào đó giữa cơ quan mật vụ hai nước. Lo ngại về nguy cơ phải hứng chịu những hằn thù đối với một cựu gián điệp, Kalmanovich quay về nước Nga, tiếp tục hoạt động kinh doanh và cũng rất nhanh chóng thành công.
Ngày 2-11-2009, Kalmanovich đã thiệt mạng một cách khá bi thảm, khi chiếc xe hơi của ông bị chặn và hứng trọn hàng loạt đạn súng tiểu liên ngay giữa trung tâm Moskva. Các nhà chức trách đã không thể xác định được kẻ đặt hàng, cũng như những kẻ trực tiếp thực hiện tội ác trên. Nguyên nhân được đánh giá nhiều khả năng là do những mâu thuẫn trong kinh doanh từ trước đó.
Một chi tiết khá thú vị là trước khi bị ám sát, Kalmanovich từng bày tỏ nguyện vọng được chôn cất tại Israel sau khi chết. Thể theo di nguyện trên, tro cốt của ông giờ đây được an táng tại một nghĩa trang tại thành phố Petah Tikva (Israel). Kalmanovich cho tới giờ vẫn được đánh giá là điệp viên thành công nhất của tình báo Xôviết tại Israel.