Những đứa bé dị dạng ở bệnh viện kinh dị Fallujah

Thứ Tư, 16/05/2012, 23:30

Số trẻ chào đời dị dạng hay chết non đang tăng cao khủng khiếp tại Bệnh viện đa khoa Fallujah. Người ta cho rằng vấn đề là quân đội Mỹ đã sử dụng vũ khí phosphrous trắng và đầu đạn chứa uranium giảm xạ (DU) trên chiến trường Fallujah năm 2004. Mọi người ở Fallujah đều biết sự thật đó, song chính quyền Iraq lẫn Mỹ đều không hề lên tiếng thừa nhận.

Trên màn hình vi tính trong văn phòng của bác sĩ Nadhem Shokr al-Hadidi liên tục hiện lên hình ảnh những đứa trẻ dị dạng. Một đứa bé có cái miệng khổng lồ. Đứa bé khác chỉ có một mắt. Đứa bé chào đời ngày 7/1/2010 có nước da vàng, tái mét và hai tay vặn vẹo không ra hình thù gì. Còn một bé sinh ngày 6/7/2009 chỉ có nửa cánh tay trái, không chân trái và không có cơ quan sinh dục. Thậm chí có bé không não, không mắt.

Những bức ảnh gây khủng khiếp cho người xem và gieo sợ hãi cho các bậc cha mẹ. Mọi người ở Fallujah đều biết rõ bi kịch này nhưng chính quyền Iraq dường như không mấy quan tâm đến.

Nữ bác sĩ trưởng Samira Alani của Bệnh viện đa khoa Fallujah cho biết, tại bệnh viện này các bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh tăng cao chưa từng có vào năm 2010. Theo nghiên cứu của bác sĩ Christopher Bushy thuộc Đại học Ulster, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong tại Fallujah ở mức 80 trong số 1.000 ca sinh đẻ - trong khi ở Ai Cập là 19, Jordan là 17 và chỉ 9,7 ở Kuwait.

Đội ngũ bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa Fallujah cho biết họ hiện chỉ nhận được sự trợ giúp từ bác sĩ người Anh Krypros Nicolaides, lãnh đạo Khoa Bào thai Bệnh viện King's College và Giám đốc Tổ chức từ thiện Foetal Medicine Foundation (FMF). Theo một nghiên cứu do Tập san Quốc tế nghiên cứu môi trường và y tế đặt trụ sở ở Thụy Sĩ tiết lộ, tỉ lệ người mắc bệnh ung thư ở Iraq sau chiến tranh tăng gấp 4 lần, trong đó bao gồm ung thư ở trẻ em từ 0 đến 14 tuổi tăng gấp 12 lần.

Khi nhiều đứa trẻ chết trong trận dịch bệnh ung thư ở miền Nam Iraq sau chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, người Mỹ và người Anh đều không muốn biết về sự kiện kinh khủng này. Cậu bé Ali Hillal sống gần các nhà máy và một đài truyền hình - những mục tiêu không kích liên tục của không quân Anh và Mỹ năm 1991. Sau khi chiến tranh kết thúc, Ali Hillal bị khối u trong não dù trước đó cậu bé không có dấu hiệu nào của bệnh ung thư. Ahmed Walid, một đứa bé khác sống trong vùng bị không kích năm 1991, cũng mắc bệnh bạch cầu tủy (một dạng ung thư máu) năm 1995.

Người ta cho rằng xe tăng Mỹ đã sử dụng các đầu đạn chứa uranium giảm xạ (DU) trong cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991. Và một số nhà nghiên cứu khẳng định DU vẫn tiếp tục được sử dụng ở chiến trường Fallujah năm 2004.

Bác sĩ Kypros Nicolaides nói tỉ lệ trẻ em Iraq chào đời dị dạng hay mắc bệnh ung thư cao hơn châu Âu, và ông chắc chắn rằng người Mỹ đã sử dụng những vũ khí cấm gây ra tình trạng này. Và cả phosphorous trắng, nếu được quân đội Mỹ sử dụng như vũ khí trong các khu dân cư, thì họ đã vi phạm Công ước năm 1980 về những vũ khí quy ước. Có lẽ đó là lý do tại sao không một ai bên ngoài Iraq muốn nghe nhắc đến tên thành phố Fallujah của Iraq.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, việc sử dụng những đầu đạn DU ở thành phố Fallujah năm 2004 đã dẫn đến hiện tượng trẻ dị dạng và mắc bệnh ung thư cũng như chết non tăng cao bất thường. Tỉ lệ trẻ mắc bệnh ung thư cao trong các năm 1994 -1998 cũng được phát hiện ở miền Nam Iraq, nơi DU được sử dụng trong cuộc chiến năm 1991.

Bác sĩ Samira Alani, làm việc tại Bệnh viện đa khoa Fallujah từ năm 1997, đã có cuộc điều tra riêng về sự bùng phát dữ dội của tình trạng trẻ sơ sinh dị tật kể từ năm 2005 ở Fallujah. Trong cuộc phỏng vấn của Đài Al Jazeera, bác sĩ Alani cho biết cá nhân bà đã chứng kiến và ghi nhận 677 trường hợp dị dạng nơi trẻ sơ sinh từ tháng 10/2009. Và chỉ 8 ngày sau cuộc phỏng vấn này, con số bất ngờ tăng lên 699 trường hợp!

Tình trạng tồi tệ đến mức Alani đã phải thốt lên: "Thậm chí không có thuật ngữ y khoa chính thức để mô tả những trường hợp dị dạng này, bởi vì chúng chưa từng xuất hiện trước đây". Mặc dù không phải là tất cả, song nhiều em bé chào đời ở Fallujah chết ngay chỉ trong vòng 20 đến 30 phút sau khi sinh.

Samira Alani cùng với bác sĩ Christopher Bushy, tiến hành thu thập mẫu tóc 25 cha mẹ của những đứa con dị tật rồi gửi đến Đức để xét nghiệm phân tích. Tháng 9/2011, căn cứ dữ liệu thu thập được từ xét nghiệm các mẫu tóc, đất và nước ở Fallujah, bác sĩ Alani và Bushy đã công bố kết quả trên tờ báo trực tuyến "Xung đột và Sức khỏe" cho thấy có sự hiện diện ở mức cao bất thường của nhiều yếu tố trong các mẫu - thủy ngân, uranium, bismuth, nhôm, calcium…

Alani khẳng định: "Là bác sĩ, chúng tôi biết thủy ngân, uranium và bismuth có thể dẫn đến sự phát triển những trường hợp dị tật bẩm sinh nơi trẻ nhỏ. Chúng tôi cũng cho rằng nguyên nhân là quân đội Mỹ và Anh đã sử dụng vũ khí độc hại trong cuộc chiến khốc liệt ở Fallujah".

Thành phố Fallujah trong chiến tranh.

Vào đầu năm nay, bác sĩ Samira Alani đã có chuyến viếng thăm Nhật Bản, gặp gỡ các bác sĩ nước này đã từng nghiên cứu về tỉ lệ dị tật trẻ sơ sinh có liên quan đến phóng xạ ở HiroshimaNagasaki - hai nơi hứng bom nguyên tử của Mỹ trong Chiến tranh thế giới lần 2. Alani cho biết tỉ lệ đó ở Nhật Bản nằm trong khoảng 1% - 2%, trong khi ở Fallujah lên đến 14,7% - tức hơn 14 lần so với Nhật Bản.

Tháng 4/2011, các nhà lập pháp Iraq bắt đầu tranh cãi về vấn đề liệu những cuộc tấn công của quân đội Mỹ vào thành phố Fallujah có thể được coi là tội ác diệt chủng hay không. Cuối cùng, họ đi đến  giải pháp kêu gọi mở cuộc truy tố quốc tế đối với Mỹ song sự việc rồi chẳng đi đến đâu cả!

Bác sĩ Sharif al-Alwachi - lãnh đạo Trung tâm Ung thư Babil - tuyên bố tỉ lệ trẻ mắc bệnh ung thư ở tỉnh Babil miền Nam Iraq tăng chóng mặt từ năm 2003 do quân đội sử dụng vũ khí DU tại khu vực. Còn Abdulhaq al-Ani - tác giả cuốn "Uranium ở Iraq" và là người từng nghiên cứu tác động của DU đến người Iraq từ năm 1991 - cho biết cá nhân ông cũng đo được mức phóng xạ cao trong không khí, đất và nước ở hai thành phố Kerbala và Basra.

Bệnh viện đa khoa nơi bác sĩ Alani làm việc được xây dựng ở khu Dhubadh của Fallujah vào năm 2008. Theo Alani, khu này từng hứng chịu bom đạn của quân đội Mỹ và Anh rất nặng vào tháng 11/2004. Mặc dù có rất nhiều bằng chứng thuyết phục, song hiện vẫn chưa có nghiên cứu sâu rộng nào về cuộc khủng hoảng sức khỏe ở Fallujah được tiến hành.

Bất chấp việc thiếu sự hỗ trợ từ chính quyền Iraq cũng như từ nước ngoài, bác sĩ Samira Alani vẫn khẳng định với Đài Al Jazeera rằng bà sẽ tiếp tục công việc của mình cho đến cùng

Duy Ân (tổng hợp)
.
.